12/06/2016 11:12 GMT+7

Ẩn số Euro 2016 - Kỳ 7: Cảnh sát sợ bia

VÕ TRUNG DUNG (Từ Paris)
VÕ TRUNG DUNG (Từ Paris)

TTO - Đúng như những gì nhà tổ chức dự tính. Nạn bạo lực đã xuất hiện tại Euro, thậm chí ngay từ trước khi quả bóng Beau Jeu lăn chính thức.

Một CĐV quá khích của Anh bị bắt chiều 10-6 - Ảnh: Reuters
Một CĐV quá khích của Anh bị bắt chiều 10-6 - Ảnh: Reuters

Trong hai tối liền những tay hooligan say xỉn của Anh đã quậy ở trung tâm thành phố Marseille.

Cảnh sát lẫn lực lượng an ninh tư nhân tại Pháp lo ngại rượu sẽ làm các cổ động viên (CĐV) quá khích dễ nóng đầu. Nhưng làm bóng đá thì cũng chẳng thể thiếu rượu bia vì nó luôn là món song hành, thậm chí là nhà tài trợ đáng kể cho ban tổ chức.

Họ nốc bia rồi đi đánh nhau, đánh nhau xong lại tụ về nốc bia

GUY THEYSKENS ​(sĩ quan cảnh sát Bỉ)

Sợ nhất hooligan Anh

Nhà báo Thomas Bricmont của tờ Sport Magazine phân biệt như sau: “Có sự khác biệt rõ ràng giữa các CĐV cuồng nhiệt và những kẻ được gọi là hooligan.

Những người cuồng nhiệt sống hết lòng với CLB, làm sôi động cho khán đài, không bỏ trận nào của CLB và đặc biệt là họ không nhất thiết phải thích bạo lực. Quan niệm về chuyện đánh nhau của nhóm cuồng nhiệt là “nếu mày muốn gây sự thì tao sẵn lòng”.

Trong khi đó với nhóm hooligan thì ngược lại: luôn sẵn lòng đi gây sự! Bóng đá với nhóm hooligan là cái cớ thật tốt để động tay động chân. Một số hooligan thậm chí chẳng biết tên cầu thủ trong tuyển hoặc CLB mà mình ủng hộ!”.

Lâu nay các hooligan Anh (nơi xuất phát từ ngữ này từ hơn trăm năm trước) luôn là tâm điểm của truyền thông.

Lần này thì có những ba đội gồm Anh, Xứ Wales và Bắc Ireland cùng hiện diện nên số CĐV Anh được xem là hùng hậu nhất. Sở cảnh sát Anh Scotland Yard tính toán có khoảng 300.000 - 500.000 CĐV Anh sẽ vượt eo biển Manche sang vui cùng bóng đá.

Trong số này chỉ có 250.000 CĐV có vé trong tay và số còn lại chính là số khiến lực lượng bảo vệ an ninh lo ngại nhất vì họ thích bia và đá đấm nhiều hơn thích bóng đá.

Thật ra nạn hooligan đã giảm nhiều ở các nước thuộc phần Tây Âu nhưng với nhóm đến từ Đông Âu thì tình hình vẫn chưa sáng sủa lắm.

Để phòng tránh từ xa, từ nhiều tháng qua, Cục Chống hooligan quốc gia (DNLH) - đơn vị được thành lập vào năm 2009 - đã tiến hành rà soát hồ sơ CĐV quá khích rất kỹ lưỡng và lên danh sách khoảng 3.000 CĐV cần cấm nhập cảnh vào Pháp.

Riêng cảnh sát Anh đã thu giữ hộ chiếu của 2.000 CĐV được cho là có nguy cơ quậy phá.

Theo ông Antoine Boutonnet - chỉ huy của DNLH, lực lượng kiểm soát ở biên giới sẽ có nhiệm vụ ngăn chặn số quá khích này ngay từ cửa ngõ vào Pháp.

Việc thực hiện các chốt kiểm soát ở biên giới không quá khó vì đã được thiết lập trở lại từ khi Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi bị tấn công khủng bố và chỉ cần tăng cường thêm trong dịp Euro này.

Nhóm CĐV Anh chẳng tỏ vẻ sợ lựu đạn cay - Ảnh: Reuters
Nhóm CĐV Anh chẳng tỏ vẻ sợ lựu đạn cay - Ảnh: Reuters

Sử dụng cảnh sát chìm

Từng có kinh nghiệm từ những sự kiện thể thao lớn khác, tại Euro 2016 lần này cảnh sát Pháp đã lên kế hoạch phối hợp tầm châu Âu nhằm chống lại hooligan.

DNLH đã được thiết lập và ngay từ ngày 6-6 vừa qua, 180 cảnh sát của 23 quốc gia có tham gia giải lần này đã đến Pháp để phối hợp cùng đồng nghiệp nước chủ nhà.

Họ sẽ được phân bổ vào các đội cơ động ở các thành phố có tổ chức đá bóng và liên lạc chặt chẽ với nhau thông qua Trung tâm Hợp tác cảnh sát quốc tế (CCPI) gồm các sĩ quan liên lạc của các nước có đội tuyển thi đấu.

Trong các sân vận động cũng có những bộ phận can thiệp nhanh gồm các cảnh sát mặc đồ thể thao không trang bị vũ khí. Nhiệm vụ của họ là theo dõi động tĩnh từ các CĐV và xuất hiện can thiệp khi cần thiết.

Đó là chưa kể những nhóm “cảnh sát chìm” của cả Pháp lẫn các nước mặc thường phục lẩn trong các nhóm CĐV được đánh giá là quá khích nhằm ghi nhận kịp thời những dấu hiệu quá khích để báo cáo và can thiệp kịp thời. Trong ngành họ gọi những người này là spotter.

Các spotter đều là những cảnh sát kinh nghiệm biết rõ mọi ngóc ngách của các sân vận động châu Âu, từ những sân vận động lớn lừng danh cho đến những sân vận động hẻo lánh. Hai người trong số này là chỉ huy cảnh sát Vincent Manini và đồng nghiệp người Bỉ Guy Theyskens.

Cả chục năm qua cả hai đã lặng lẽ tháp tùng các nhóm CĐV mọi lúc mọi nơi. Lần này nhiệm vụ của họ là theo dõi và “phân luồng” các nhóm CĐV để tránh những cuộc giáp mặt có thể gây đụng độ.

Hồi năm 2012, Vincent Manini từng nhận trọng trách theo sát nhóm CĐV Pháp đi ủng hộ đội tuyển nước nhà tại giải Euro đồng tổ chức ở Ukraine và Ba Lan.

Chỉ huy Vincent Manini giải thích: “Nghề của chúng tôi giao thoa giữa việc theo dõi, can gián và tư pháp. Chúng tôi phải giữ quan hệ thân tình với thủ lĩnh của các nhóm CĐV khác nhau để nắm thông tin về địa điểm tập hợp và đường đi lối về của họ.

Tiếp theo chúng tôi phải bám theo họ, lẩn vào trong nhóm hay từ xa tùy hoàn cảnh và nếu cần thiết thì chúng tôi phải xuất hiện với thẻ nghiệp vụ, xử phạt và câu lưu những tay quá khích”.

Cái khó của nghề này là gần như họ phải lộ diện nhưng vẫn phải đảm bảo nắm đầy đủ thông tin của các nhóm quá khích.

Trong số 51 trận của tháng Euro này có 5 trận được ban tổ chức phân loại từ đầu vào dạng “có nguy cơ đụng độ” là các trận Anh - Nga và Urkaine - Ba Lan ở Marseille; Thổ Nhĩ Kỳ - Croatia ở Paris; Anh - Xứ Wales ở Lens; Đức - Ba Lan ở Saint-Denis.

Thực tế đã cho thấy những phỏng đoán của ban tổ chức là đúng. Trong hai tối liền tại Marseille, các nhóm cứng rắn của CĐV Anh đã quậy tưng.

Tối 9-6, họ đụng độ với dân Marseille và tối 10-6 họ bắt đầu đụng độ với CĐV đến từ Nga. Vụ đụng độ tối 10-6 diễn ra trong khoảng 10 phút khi hàng chục CĐV Anh trần trùng trục và say mèm nhăm nhe đánh nhau với nhóm Nga.

Cảnh sát đã can thiệp nhanh chóng và nhóm Anh tức tối ném vỏ chai bia về cảnh sát Pháp. Lực lượng chức năng của Pháp đã đáp trả bằng lựu đạn hơi cay và nhiều CĐV quá khích đã bị bắt sau đó.

Không rõ vì lý do gì, đất Marseille luôn là điểm nóng. Hồi World Cup 1998, các hooligan của Anh đã quậy phá nát trung tâm TP Marseille. Vụ đụng độ lớn giữa hooligan Anh với hooligan Tunisia đã làm khoảng 40 người bị thương.

Còn tại Lens, nhóm hooligan Đức từng đánh trọng thương hiến binh Pháp Daniel Nivel khiến anh này bị hôn mê suốt sáu tuần lễ.

Trong suốt năm, công việc của spotter còn là theo dõi thêm qua mạng xã hội hoạt động của các nhóm CĐV cấp CLB. Họ sẽ cố gắng ghi nhớ mặt mũi, thông tin của các CĐV cộm cán.

Thông thường khi hay tin các nhóm CĐV đối địch hẹn đánh nhau ở khu đất trống ven quốc lộ thì họ sẽ tổ chức lực lượng can thiệp ngay.

Trong nhiều trường hợp, họ có thể nhờ đến sự hỗ trợ của cơ quan tình báo DGSI trong việc nghe lén để nắm thông tin. Trong số hồ sơ xếp hạng “S” (tức có khả năng gây hại cho an ninh quốc gia) của cơ quan DGSI có không ít những cái tên xếp hạng hooligan.

Trong kỳ Euro này, mỗi nước có tuyển thi đấu đều cử tám spotter đến Pháp. Nhóm tám spotter này phân công sáu người sẽ tiếp cận gần các nhóm CĐV của nước mình; hai sĩ quan còn lại sẽ đóng vai trò điều hành chiến dịch từ trung tâm CCPI, vừa đi vào hoạt động hôm 7-6 ở Lognes (vùng Seine-et-Marne).

Theo kinh nghiệm của mình, ông Vincent Manini cho biết: “Trong các nhóm CĐV có đủ thành phần.

Nhìn chung 95% trong số họ hành xử ôn hòa và muốn đến để vui chơi thì vẫn có những thành phần thích gây rối. Chúng tôi phải đặc biệt chú ý đến tình trạng bộc phát của nhóm gây rối này”.

_________

Kỳ tới: Kiếm tiền chẳng dễ

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: Bắt cóc Euro 2016 làm con tin

>> Kỳ 2: An toàn là trên hết

>> Kỳ 3: Những mắt xích yếu kém

>> Kỳ 4: Tiền ơi, chào mi

>> Kỳ 5: Chờ gà trống gáy

>> Kỳ 6: Giờ thử lửa

VÕ TRUNG DUNG (Từ Paris)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên