Trầm mặc rừng thiêng

LÊ ĐỨC DỤC 26/12/2011 23:12 GMT+7

TTCT - Lịch sử kháng chiến vệ quốc của người Việt hình như luôn bắt đầu với những đội quân bé nhỏ, khởi đi từ những cánh rừng để từ đó lớn mạnh thành những đạo binh bách chiến bách thắng.

Phóng to
Cụ Tô Văn Cắm gặp lại bà con quê hương. Dù xứng đáng là công thần, cụ vẫn sống một đời dân thường bình dị - Ảnh: L.Đ.Dục

Ý nghĩ đó miên man trong tôi trên chuyến xe từ thị xã Cao Bằng vào đất Tam Kim - Hoa Thám của huyện Nguyên Bình, nơi có cánh rừng mang tên Trần Hưng Đạo.

Cũng như cánh rừng Lũng Nhai phía tây Lam Sơn miền Thanh Hóa, nơi 18 nông dân dưới sự chỉ huy của Lê Lợi cắt máu ăn thề, dấy binh khởi nghĩa, trở thành một đoàn quân đánh cho quân Minh “Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng”, trong khu rừng già của châu Nguyên Bình (Cao Bằng), gần 70 năm trước, 22-12-1944, một đội quân áo vải với 34 người cùng nhau tuyên thệ.

10 năm sau, tháng 5-1954, cả thế giới phải ngưỡng mộ đội quân ấy bởi chiến thắng huyền thoại của họ trước một đạo binh thực dân thiện chiến bậc nhất thế giới, khiến Điện Biên Phủ “nên thiên sử vàng”.

Từ khu rừng lịch sử...

Không mang vẻ đẹp huyền ảo mộng mị như thác Bản Giốc, không non xanh nước biếc như Pác Bó, nhưng khu rừng Trần Hưng Đạo là một trong ba điểm đến nổi tiếng nhất của Cao Bằng. Vành nôi nuôi dưỡng đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam - mang vẻ trầm mặc của một khu rừng thiêng nước Việt.

Tôi may mắn được vài lần đến đây, mỗi lần đến lại nhận ra chính từ cánh rừng này, những làng bản này, những người dân ở Tam Kim, Hoa Thám này rất nhiều ngụ ngôn của cuộc sống, của đời dân - những con người nuôi nấng, che giấu cán bộ cách mạng từ buổi trứng nước, đi cùng cách mạng đến ngày thắng lợi mà không hề đòi công thần hay bổng lộc, tất cả đều có một số phận vô cùng giản dị.

Biên niên sử của Quân đội nhân dân Việt Nam kể về chiến thắng đầu tiên mang tên “Phai Khắt - Nà Ngần”. Khi chưa đến đây cứ nghĩ đồn địch Phai Khắt nọ chắc gì còn vết dấu sau gần 70 năm dâu bể. Nhưng đồn Phai Khắt xưa vẫn còn, nay là ngôi nhà bảo tàng xinh xắn mang tên “Nhà trưng bày chiến thắng đồn Phai Khắt”, mặt tiền còn khắc số 1940 - năm hoàn thành ngôi nhà. Đây nguyên là nhà của ông Nông Văn Lạc, một cơ sở cách mạng ở Tam Kim mà địch đã cướp để lập đồn Phai Khắt.

Trước khi tiến hành trận đánh đầu tiên vào đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp có ý thăm dò tư tưởng của ông Nông Văn Lạc về nơi vốn là ngôi nhà của ông trước khi bị giặc cướp. Chẳng hề băn khoăn, ông Lạc còn vô cùng hân hoan với quyết định ấy...

Trận đánh đầu tiên đó nay còn được kể lại với những tình tiết thú vị, từ cô gái Tày xinh đẹp Nông Thị Ly khéo léo làm “mỹ nhân kế”, bày trò “đố gạo”, làm bánh... dụ bọn lính dõng ra khỏi đồn, đến các đội viên đội VNTTGPQ đóng giả lính khố xanh bất ngờ tập kích, bắt sống một số lính trong đồn và một viên cai. Trận đánh đầu tiên ấy chỉ diễn ra trong vòng mươi phút.

Với số quân trang thu được của địch trong trận Phai Khắt, mấy hôm sau, những người lính của đội VNTTGPQ lại cải trang để chiếm tiếp đồn Nà Ngần, cách đồn Phai Khắt chừng 25 cây số. Từ những trận đánh gây thanh thế buổi ban đầu đó đến những chiến dịch hiệp đồng binh chủng với hải - lục - không quân vài mươi năm sau, câu chuyện về người lính của rừng thiêng Trần Hưng Đạo như một dấu khắc của niềm tin vào sức mạnh Việt.

Tôi vào cánh rừng nơi có Slam Cao, đỉnh cao nhất của núi Dền Sinh trong dãy Khau Giáng. Bức phù điêu bằng đá - được tạc dựa trên bức ảnh chụp đội VNTTGPQ trong ngày thành lập - đứng tựa lưng vào cánh rừng già, dưới tán những cây dẻ rừng cổ thụ. Tại nơi khởi nguyên cho những đoàn quân nước Việt thời hiện đại, mọi dấu tích đều được chăm chút: hai căn lán nhỏ (nơi ngày xưa các chiến sĩ trong đội sinh hoạt, huấn luyện...) được phục dựng, nhà bia bốn mặt khắc tên những người lính, những lời thề đầu tiên...

Từ đỉnh Slam Cao - nơi trước đây đặt đài quan sát của đồng chí Võ Nguyên Giáp và các cán bộ chỉ huy của đội - nhìn xuống, trong cái nắng hanh vàng mùa đông, những bản làng của Tam Kim hiện ra thật bình yên.

Phóng to
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân trong ngày thành lập - Ảnh tư liệu

...Đến lịch sử trong một đời dân

Có lẽ chúng tôi cũng chỉ biết về khu rừng Trần Hưng Đạo đến thế, như một chuyến điền dã tìm hiểu về một di tích lịch sử, nếu không có lần trở lại Nguyên Bình sau đó. Lần ấy, chúng tôi may mắn gặp được một người lính đã ra đi từ cánh rừng thiêng, đồng hành cùng những dâu bể thăng trầm của lịch sử, xuyên qua suốt thế kỷ rồi có một ngày về lại rừng xưa, đúng nghĩa một người lính. Ông là Tô Văn Cắm, bí danh Tiến Lực.

Trong danh sách 34 chiến sĩ đầu tiên của đội VNTTGPQ, tên ông được xếp thứ tám. Có lẽ trong 34 người lính đầu tiên của đội VNTTGPQ, ông Tô Văn Cắm là người có số phận đặc biệt nhất. Bởi trong số những người lính của buổi tuyên thệ chiều

22-12-1944 ấy, nhiều người sau này đã trở thành những tướng lĩnh lẫy lừng như đội trưởng Hoàng Sâm - thiếu tướng, tư lệnh Quân khu 3, Quân khu Trị Thiên đã hi sinh trên chiến trường Trị Thiên năm 1968. Có người đi từ trận đánh đầu tiên đến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 như đại tướng Hoàng Văn Thái, rất nhiều người là sĩ quan cao cấp hoặc giữ những cương vị quan trọng trong bộ máy chính quyền...

Sau gần 70 năm, trong số 34 người lính đầu tiên ấy, hai người còn sống đến hôm nay là cụ Hà Hưng Long ở Thái Nguyên, trước khi về hưu từng là giám đốc một sở. Riêng cụ Tô Văn Cắm cứ mải miết một đời dân, là một thường dân đúng nghĩa. Chỉ vài ngày nữa bước sang năm 2012 là cụ Cắm tròn tuổi 90. Người lính dân tộc Tày vào hàng “khai quân công thần” ấy, sau những trận Phai Khắt, Nà Ngần, đi hết cuộc Cách mạng Tháng Tám, khi Pháp quay lại tái chiếm, ông lại theo đoàn quân Nam tiến.

Từ chót vót miền Việt Bắc Cao Bằng, bước chân người lính cuốn ông vào những trận đánh tận Rạch Giá cực Nam vào năm 1946. Thời bây giờ, nói chuyện khoảng cách từ Cao Bằng đến Rạch Giá cũng đủ cho người ta mịt mù hình dung, huống hồ 65 năm trước. Bị thương, ông trở về Cao Bằng. Khi Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, ông lại cầm súng ra trận, bị thương nặng một lần nữa trong chiến dịch Biên giới (1950) ông mới thật sự chia tay đời lính, trở lại làm một người nông dân ở bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình.

Ngày đó không có chế độ chính sách, cứ ôm súng đi đánh giặc, không đánh giặc thì về với nương rẫy. Vào tuổi 70, năm 1992, ông lại dắt díu vợ con rời bản Um vào vùng sâu Đạ Tẻ (Lâm Đồng) mưu sinh, ngày ngày vác phảng ra đồng vỡ đất trồng ngô, trồng dưa, vui vầy với cháu con, sống một đời dân thanh thản.

Từ chuyến rời quê năm ấy, gần 20 năm sau, nhân một sự kiện mà ông là khách mời của báo Tuổi Trẻ, ông Cắm mới về lại quê hương. Lần đầu tiên ở tuổi gần 90, ông và vợ mới biết được thế nào là đi máy bay, trầm trồ mãi chuyện “hóa ra đi từ Đạ Tẻ về Cao Bằng bằng máy bay thì nhanh lắm”!

Những ngày sống với bà con ở Tam Kim, Nguyên Bình, gặp đại gia đình cụ Cắm, chúng tôi phát hiện thêm nhiều câu chuyện thú vị. Cô gái Tày xinh đẹp - hướng dẫn viên Nông Thị Bích của nhà trưng bày chiến thắng Phai Khắt chính là cháu dâu của cụ Nông Văn Lạc - chủ nhân ngôi nhà bị giặc cướp làm đồn Phai Khắt. Con dâu trưởng của cụ Cắm, chị Ma Thị Thưng, là cháu gái của cụ bà Dương Thị Thiên - mẹ nuôi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông hoạt động ở vùng này.

Mỗi số phận từng đi vào lịch sử hóa ra đều gắn kết với những đời dân giản dị, và trong khu rừng già xa hút của đất Cao Bằng này, từng thế hệ cứ thế tiếp nối và gìn giữ. Những người lính cùng đi ra từ cánh rừng già năm ấy có người thành đại tướng, có người sau chinh chiến về sống đời dân lành, nhưng câu thơ của nhà thơ Nga Evtouchenko dường như đã là một đúc kết chân lý: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”.

Trang sử của đất nước thời hiện đại bắt đầu từ những người nông dân áo vải, ruột tượng gạo vòng qua vai, chân đất, súng trường, súng kíp trong bức ảnh chụp chiều 22-12-1944 đã kể lại với hôm nay chân lý đó.

Cuộc đời luôn có những con người mà mỗi khi nhìn vào họ, dường như ta ngộ ra được nhiều điều về lẽ nhân sinh, thấy trong một thân phận chất chứa số phận của cả một dân tộc, một đất nước. Khi chúng tôi băn khoăn về những “lẽ ra” mà cụ đáng được đãi ngộ, cụ Cắm khoát tay cười khà khà: “Có gì đâu vớ, cái thằng giặc đến phá nhà mình thì mình đi đánh nó, đánh tan nó thì mình về nhà mình, mình có con có cháu, đông đúc thế này là vui lắm. Có con cháu đông đúc, thằng giặc mà đến con cháu mình lại đánh nó thôi vớ!”.

Nụ cười hào sảng rung rung mái tóc trắng như cước của cụ Cắm giữa cánh rừng thiêng trầm mặc mang tên vị tướng lẫy lừng đời Trần - anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, cứ ngỡ như không phải là cụ Cắm của tuổi 90 ở thế kỷ 21 mà chính là một “Bạch đầu quân sĩ tại - vãng vãng thuyết Nguyên Phong” (Người lính già đầu bạc/Kể mãi chuyện đánh giặc thời Nguyên Phong) vừa bước ra từ câu thơ của vua Trần Nhân Tông gần 10 thế kỷ trước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận