Indonesia quật khởi nhờ những trường học bóng đá

HUY ĐĂNG 03/05/2024 09:14 GMT+7

TTCT - Truyền thông khu vực đã nói rất nhiều về chính sách nhập tịch của bóng đá Indonesia thời gian qua. Nhưng một khía cạnh khác lại bị lờ đi, đó là mô hình bóng đá trẻ của nước này.

Có 4 trong số 23 tuyển thủ Indonesia dự vòng chung két U23 châu Á là cầu thủ nhập tịch. Nhưng mặt khác, cũng có 6 người trưởng thành từ SSB, những "trường học bóng đá" rất phổ biến ở Indonesia.

Các cầu thủ Indonesia tỏa sáng ở VCK U23 châu Á 2024. Ảnh: AFC

Các cầu thủ Indonesia tỏa sáng ở VCK U23 châu Á 2024. Ảnh: AFC

Mô hình SSB

Đây có thể được xem là đặc sản của bóng đá Indonesia trong khoảng hai thập niên qua. Có đến hàng trăm SSB rải khắp xứ vạn đảo, trong đó những thành phố lớn như Jakarta hay Surabaya có trên dưới 20 "trường học bóng đá".

SSB là gì? Đó là cách gọi giảm đi so với "học viện bóng đá", nơi thường được hiểu là lò đào tạo toàn diện, hào nhoáng, và có cơ sở vật chất tối tân cho cầu thủ trẻ. Một nền bóng đá ở vùng trũng Đông Nam Á như Indonesia không giàu có đến mức đủ sức xây nên cả trăm học viện bóng đá tiêu chuẩn như vậy. Thay vào đó, họ có hệ thống SSB, những trường học bóng đá.

Đơn giản chỉ là những trung tâm dạy bóng đá, nhưng hệ thống SSB có tính chiều sâu, chứ không chỉ là một loạt những trung tâm bóng đá tư nhân rời rạc. SSB đầu tiên của Indonesia là Ragunan School, trường học thể thao đặc biệt chịu sự quản lý của Bộ Thể thao, đồng thời nhận ngân sách từ Bộ Giáo dục. 

Đây là trường trung học dành riêng cho VĐV trẻ. Ragunan School trở thành nền tảng để hệ thống SSB bắt đầu nở rộ, và được Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) tập trung phát triển.

Vì lẽ đó, một số SSB cũng là các trường trung học bình thường. Họ nhận học sinh có tài năng bóng đá, đôi khi kèm học bổng, các em học văn hóa bình thường như bao đứa trẻ khác. 

Điểm khác biệt là nhà trường có phong trào bóng đá phát triển, có CLB hẳn hoi và những cầu thủ năng khiếu sẽ có thêm nhiều cơ hội cọ xát. Mạng lưới SSB bùng nổ vào những năm 2000 và 2010 tại Indonesia, khi các CLB hàng đầu châu Âu đua nhau mở học viện ở các quốc gia châu Á.

Với dân số hơn 270 triệu người, Indonesia là quốc gia lớn thứ 3 châu Á, hiển nhiên là thị trường được các CLB lớn hướng đến. Từ Real Madrid, Barca cho đến Man City, Arsenal, Liverpool, Inter Milan, Juventus… đều lần lượt mở học viện bóng đá tại xứ vạn đảo. 

PSSI đã khéo léo kết hợp những học viện này vào hệ thống SSB của mình. Rất nhiều trường học bóng đá tạo được mối liên hệ chặt chẽ với các CLB hàng đầu châu Âu. Điển hình như Persib Bandung, một SSB được Inter Milan hỗ trợ toàn bộ giáo án tập luyện.

Hệ thống bóng đá học đường ở Indonesia được đầu tư rộng và khá bài bản. Ảnh: Medio Sports Agency

Hệ thống bóng đá học đường ở Indonesia được đầu tư rộng và khá bài bản. Ảnh: Medio Sports Agency

Xây dựng cả triết lý bóng đá

Bóng đá Indonesia vẫn có hàng chục lò đào tạo chuyên nghiệp đến từ các CLB hàng đầu ở Liga 1 (giải vô địch quốc gia), hoặc những trung tâm bóng đá nhỏ lẻ. SSB là khái niệm "vùng đệm", nằm giữa mức phong trào và đỉnh cao.

Điểm đặc biệt của hệ thống SSB là năng lực điều hành của PSSI. Với chuẩn HLV bóng đá chuyên nghiệp, hầu hết các nước châu Á sử dụng hệ thống chứng chỉ HLV của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), với 3 mức A, B và C. 

Riêng tại Indonesia, họ tổ chức các khóa đào tạo chứng chỉ cấp D, yêu cầu bắt buộc để một HLV được làm việc tại các trường học bóng đá. PSSI tổ chức các lớp đào tạo chứng chỉ này thông qua các liên đoàn bóng đá địa phương.

Không chỉ vậy, từ khoảng năm 2017, PSSI đề xuất ý tưởng Filanesia, kết hợp giữa "philosophy" (triết lý) và "Indonesian football" (bóng đá Indonesia), một chương trình huấn luyện được họ nghiên cứu và đưa ra sau khi đã phân tích từ nhiều khía cạnh đặc thù của trẻ em Indonesia như thể trạng, tố chất, bối cảnh gia đình, chương trình học… Tất cả HLV của SSB đều được học về Filanesia.

Với SSB, hệ thống bóng đá phong trào của Indonesia phát triển mạnh mẽ. Các trường học bóng đá nhận trẻ em từ năm 10 tuổi, trở thành cầu nối đưa các em đến với những lò đào tạo lớn thực thụ. Ví dụ điển hình là đội trưởng của U23 Indonesia hiện tại - trung vệ Rizky Ridho trưởng thành từ Simo Putra, một SSB tỉnh lẻ chẳng mấy danh tiếng. 

Rizky Ridho. Ảnh: tvonenews.com

Rizky Ridho. Ảnh: tvonenews.com

Ridho chưa từng được xem là cầu thủ trẻ tiềm năng khi còn trong lứa tuổi U13 hay 14. Nhưng rồi một HLV ở SSB đã khuyên anh chuyển từ vị trí tiền đạo xuống đá trung vệ. Đến năm 17 tuổi, Ridho được tuyển trạch viên của Persebaya Surabaya để mắt, chuyển đến lò đào tạo ở đây, và lên đội một 2 năm sau đó.

Nhờ SSB, phong trào bóng đá của Indonesia đặc biệt có chiều sâu, hướng về mô hình "văn hóa thể thao" mà các nền thể thao hùng mạnh như Nhật Bản hay Hàn Quốc từ lâu đã định hình. Simon Chadwick, giáo sư chuyên ngành thể thao Á - Âu, nhận định: 

"Ở phương Tây, những đứa trẻ được đưa đến sân bóng một cách hồn nhiên, và luôn sẵn sàng tiếp cận việc đào tạo chuyên nghiệp. Đó là mô hình văn hóa bóng đá mà những nước như Trung Quốc (dù đầu tư xây học viện lớn rất nhiều) không có được".

Nhật Bản và Hàn Quốc, với những trường trung học chuyên về từng môn thể thao riêng biệt, khả dĩ đuổi kịp phương Tây về mô hình này. Nay thì Indonesia - ở cấp độ thấp hơn về kinh tế, xã hội, và giáo dục - cũng đã nỗ lực xây dựng "kim tự tháp bóng đá" cho mình. 

Mỗi năm, có hàng chục ngàn đứa trẻ ở xứ vạn đảo được đưa vào các SSB để tiếp cận giấc mơ bóng đá.

10 năm qua, bóng đá Indonesia trải qua vô số sóng gió, từ việc bị FIFA trừng phạt (do chính phủ can thiệp quá nhiều vào PSSI) đến thảm họa giẫm đạp ở sân vận động, hay bị cấm tổ chức giải World Cup U20. Thành tích thi đấu của họ ở các cấp độ đội tuyển quốc gia cũng bết bát, nhưng mô hình SSB của họ rõ ràng có nhiều điểm xứng đáng để học hỏi. ■

Dù đã bị Uzbekistan loại ở bán kết giải U23 châu Á, Indonesia không việc gì phải nôn nóng trong chuyện thành tích. Những gì họ làm được ở Qatar không phải là ăn may, khi tập thể trong tay HLV Shin Tae Yong ngay từ đầu đã được định giá cao thứ 6 giải đấu (4,8 triệu euro). Các cầu thủ nhập tịch sắm vai trò quan trọng, nhưng không phải là tất cả với U23 Indonesia. Kể cả khi không có 4 ngôi sao nhập tịch, dàn cầu thủ còn lại của U23 Indonesia vẫn được Transfermarkt định giá đến gần 4 triệu euro.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận