Moldova: Kế hoạch B của NATO?

TƯỜNG ANH 07/05/2024 09:24 GMT+7

TTCT - Trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine chưa có dấu hiệu xuống thang, các diễn biến mới đây tại nước láng giềng Moldova được đặt biệt lưu tâm, thậm chí đã có lo ngại về "mặt trận thứ hai" trong không gian hậu Xô viết.

Moldova và hai vùng phức tạp Transnistria và Gagauzia. Ảnh: Fomoso.org

Moldova và hai vùng phức tạp Transnistria và Gagauzia. Ảnh: Fomoso.org

Ngày 21-4 tại Matxcơva đã diễn ra "Đại hội các chính khách và nhà hoạt động xã hội Moldova". 

Đây là nhóm người ủng hộ Moldova tham gia Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEC) và chống lộ trình hội nhập Liên minh châu Âu (EU). Tại sự kiện này, việc thành lập khối Chiến thắng đã được tuyên bố, bao gồm các đảng đối lập ở Moldova, do một "hội đồng quốc gia" lãnh đạo.

EU hay Nga?

Chủ tịch Đảng Shor, Ilan Shor, được đề cử làm chủ tịch hội đồng này và tuyên bố khối đối lập mới sẽ phản đối tình trạng "tiếm đoạt toàn bộ" của chính quyền Moldova hiện tại, mà ông cho là khiến Moldova không còn độc lập. 

Ông giải thích phe đối lập tổ chức đại hội ở Matxcơva vì bị chính quyền Moldova truy bức. Cương lĩnh hành động của khối được ông nêu rõ: "Nước Nga, EAEC, SNG".

Các đại biểu dự đại hội cũng thảo luận về việc đề cử ứng viên cho cuộc bầu cử tổng thống Moldova dự kiến diễn ra vào 20-10, cùng lúc với cuộc trưng cầu ý dân về gia nhập EU. Moldova đã nhận được quy chế ứng viên EU vào năm 2022 và theo kế hoạch năm nay sẽ bắt đầu đàm phán gia nhập. 

Chính quyền Moldova đã chỉ trích gay gắt đại hội. "Cả nước đã thấy tận mắt những kẻ phản bội Tổ quốc ở Matxcơva", ông Andrei Spinu, bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Phát triển vùng của Moldova, nói.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, ngày 3-4, Tổng thống Moldova Maya Sandu đã tới thăm Romania và hai ngày sau 5-4, một tòa án ở Chisinau tuyên bố lá cờ đen-vàng-trắng của Đế quốc Nga là "biểu tượng cực đoan", theo yêu cầu của Văn phòng Tổng công tố, Bộ Tư pháp và Cơ quan An ninh và Thông tin Moldova. 

Kênh Rybar (Nga) cho rằng quyết định này là thách thức lớn của Moldova với Nga, quốc gia kế thừa hợp pháp Đế quốc Nga. (Lá cờ đen-vàng-trắng từng là một biểu tượng của Đế chế Nga, bao gồm Moldova hiện đại).

Ảnh: Veridica

Ảnh: Veridica

Một diễn tiến khác cũng được lưu ý: Ngày 6-3, Chisinau loan tin sẽ rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE). CFE, ký sau khi Liên Xô sụp đổ, là thỏa thuận của các nước hậu Xô viết về số lượng thiết bị quân sự tối đa trên lãnh thổ của mình. 

(Cụ thể là xe tăng, xe chiến đấu bọc thép, pháo binh, trực thăng tấn công và phi cơ chiến đấu. Các bên tham gia có quyền rút khỏi CFE với điều kiện phải thông báo cho các thành viên khác trước ít nhất 150 ngày).

Dmitry Soin, nhà phân tích chính trị, bình luận trên kênh truyền hình Nga Solovyev: "Việc Moldova rút khỏi CFE chỉ có một ý nghĩa duy nhất: nước cộng hòa này tiếp tục hướng tới EU, NATO và tích cực tái vũ trang". 

Theo ông, quân đội Moldova hiện "rất yếu" và các chiến lược gia NATO khó thể sử dụng lực lượng này trong bất kỳ chiến dịch nào ở Transnistria hoặc Ukraine. "Nhiệm vụ được đặt ra là quân sự hóa Moldova, và để làm được điều này, đương nhiên cần phải rút khỏi CFE". 

Trả lời câu hỏi tại sao hiện Moldova lại quan trọng với NATO, ông Soin giải thích: Tình hình Ukraine đòi hỏi phải có thêm cơ sở hậu cần để cung cấp vũ khí và căn cứ sửa chữa thiết bị bị hư hỏng, và Moldova là nơi lý tưởng.

Moldova - quốc gia nhỏ bé nhưng không hề ổn định ở châu Âu - đang nổi lên những vấn đề đối nội và đối ngoại mang tầm quan trọng khu vực, nếu không muốn nói là quốc tế. 

Mối quan hệ giữa cựu cộng hòa Xô viết này với Nga ngày nguội lạnh từ năm 2020, sau khi bà Sandu lên làm tổng thống. Năm 2022, quan hệ càng xấu hơn khi Moldova trục xuất hàng chục nhân viên đại sứ quán Nga, và Matxcơva cũng trả đũa.

Tách dần khỏi Nga, Moldova hướng về Romania và EU. Những dây mơ rễ má lịch sử khiến Bucharest tích cực ủng hộ Moldova. Từ 2020, Tổng thống Sandu đã tiến hành đường lối ngày càng xích gần với Romania, điều mà báo Nga Komsomolskaya Pravda gọi là "Romania hóa Moldova". 

Quốc hội Moldova và Romania lần đầu tiên tổ chức họp chung vào năm 2022. Trước đó, chính phủ hai nước đã gặp nhau nhiều lần, các ủy ban và nhóm công tác chung đã được thành lập trên nhiều lĩnh vực.

Năm 2023, Tổng thống Sandu ký đạo luật công nhận tiếng Romania là ngôn ngữ nhà nước thay vì tiếng Moldova. 

Theo quan điểm của bà, đạo luật sẽ "hướng năng lượng Moldova vào xây dựng một tương lai chung ở EU" và tạo nên "đoàn kết xã hội", dù tỉ lệ ủng hộ trong Quốc hội Moldova khá mong manh, 58/101 phiếu, và ngày thông qua đạo luật đã nổ ra xô xát giữa các đại biểu Quốc hội ủng hộ và chống đối.

Tổng thống Moldova Maia Sandu. Ảnh: thesun.my

Tổng thống Moldova Maia Sandu. Ảnh: thesun.my

Những cái "gai" Trannistria và Gagauzia

Có diện tích chỉ 33.800km2 và dân số hơn 2,5 triệu người, nhưng Moldova là một quốc gia hết sức phức tạp. Đầu tiên phải kể đến vấn đề nước Cộng hòa Pridnestrovian Moldavian (PMR) tự xưng, mà người Nga gọi là Pridnestroviye, còn phương Tây gọi là Transnistria. 

Chỉ rộng 40km và dài khoảng 200km, nằm kẹp giữa Ukraine và Moldova, PMR không được bất kỳ quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nào công nhận.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, PMR tuyên bố độc lập khỏi Moldova, xung đột nổ ra, có lúc leo thang thành đụng độ quân sự (1990-1992). Từ 2005, các cuộc hòa đàm theo công thức "5+2" (Moldova và PMR, 3 trung gian là Nga, Ukraine và OSCE, cùng hai quan sát viên Mỹ và EU) đã được tổ chức. 

Kết quả là sự hiện diện lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại PMR với quân số không quá 1.500 người. Tháng 3-2022, Nghị viện của Hội đồng châu Âu đã thông qua nghị quyết xác định lãnh thổ này "nằm dưới sự chiếm đóng quân sự của Nga".

Bất đồng giữa PMR và Moldova hiện lại lên cao. PMR cáo buộc Chisinau áp dụng "chính sách diệt chủng chống Transnistria". Tổng thống (tự xưng) của PMR Vadim Krasnoselsky nói trên báo Nga Kommersant 4-4: "Chisinau bóp nghẹt kinh tế, hủy hoại người dân, từ chối bảo vệ pháp lý và cưỡng bức áp đặt ngôn ngữ tại PMR". 

Trong khi đó, luật về chủ nghĩa ly khai ở Moldova đã được thông qua. Thêm nữa, đầu năm 2024, những sửa đổi hải quan bắt đầu có hiệu lực ở Moldova, bãi bỏ quyền lợi dành cho các công ty từ Transnistria, khiến PMR lâm vào một cuộc "bao vây kinh tế".

Tuần hành ủng hộ Nga ở Transnistria. Ảnh: Getty

Tuần hành ủng hộ Nga ở Transnistria. Ảnh: Getty

Ngày 28-2, tại Đại hội đại biểu PMR, Transnistria quay sang nhờ Nga giúp đỡ. "Chúng tôi đã quyết định gửi tới Hội đồng Liên bang và Duma Quốc gia Nga yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo vệ Transnistria trước áp lực ngày càng tăng từ Moldova, có tính đến thực tế là hơn 220.000 công dân Nga thường trú ở Transnistria và kinh nghiệm tích cực về hoạt động gìn giữ hòa bình của Nga trên sông Dniester, cũng như vai trò của người bảo lãnh và hòa giải trong quá trình đàm phán", nghị quyết của Đại hội đại biểu PMR viết.

Một vấn đề gai góc khác là vùng tự trị Gaugazia. Nằm ở nam Moldova, Gagauzia có một số phần tiếp giáp với tỉnh Odessa của Ukraine. Dân số ở đây theo điều tra năm 2014 là hơn 134.000 người, trong đó người Gagauz chiếm 83,8%, Bulgaria 4,9%, Moldova 4,7% và Nga 3,2%... 

Những năm 1990, tương tự Transistria, Gagauzia cũng nổi lên đòi độc lập, nhưng so với cuộc chiến ở Transnistria, các vấn đề ở đây đã được giải quyết tương đối hòa bình. Tháng 12-1994, Moldova thông qua luật trao quyền tự trị cho Gagauzia. 

Ngày 2-2-2014, chính quyền tự trị tổ chức trưng cầu ý dân (không được Chisinau công nhận), trong đó 98% cử tri ủng hộ việc hội nhập vào Liên minh Hải quan Á - Âu (thân Nga) và ủng hộ "tình trạng tự trị bị trì hoãn", cho phép họ có quyền ly khai với Moldova trong trường hợp mất đi độc lập.

"Kế hoạch B"

Hai điểm nóng này ở Modolva vẫn luôn âm ỉ, và có thể bùng lên thành bão lửa bất kỳ lúc nào, khi tình hình chiến sự Ukraine sắp có những bước ngoặt quan trọng.

Cuộc tập trận JCET 2024. Ảnh: Moldova 1

Cuộc tập trận JCET 2024. Ảnh: Moldova 1

Asia Times 5-4 có bài viết: "Quân đội Mỹ ở Moldova trong kế hoạch B mới của Ukraine" bình luận rằng Moldova "có thể biến thành bàn đạp dự bị cho cuộc tấn công vào Odessa và Crimea" trong trường hợp Nga giành chiến thắng ở Ukraine. 

Bài báo nói cuộc tập trận quân sự JCET-2024 (từ 1 đến 19-4 tại Moldova) với sự tham gia của Mỹ và Romania trở nên đặc biệt đáng chú ý trong tình hình hiện tại. Romania cũng đang xem xét dự luật cho phép can thiệp quân sự vào quốc gia khác để chống lại "các mối đe dọa hỗn hợp". 

Bucharest từng tuyên bố khoảng 600.000 người có hộ chiếu Romania đang sống ở Moldova, cho phép họ có quyền bảo vệ công dân của mình.

Cũng theo Asia Times, Pháp vừa công bố sứ mệnh quân sự ở Moldova, với khoảng 1.500 lính thuộc quân đoàn Lê dương có thể có mặt ở Ukraine hoặc Moldova trong những tháng tới. 

Bài báo cho rằng sự không đồng nhất nội bộ và tình cảm thân Nga vẫn mạnh mẽ trong xã hội Moldova có thể cản trở các kế hoạch của NATO và có nguy cơ dẫn tới đối đầu vũ trang nghiêm trọng.■

Suốt thế kỷ qua, biên giới Moldova đã liên tục thay đổi. Sau Thế chiến I và Cách mạng Tháng Mười năm 1917, lãnh thổ Moldova và Transnistria ngày nay được chia thành hai phần.

Phần tả ngạn Dniester thuộc Liên Xô, còn lãnh thổ dọc hữu ngạn sông thuộc về Vương quốc Romania. Sau Thế chiến II, Moldova nhập vào Liên Xô, trở thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Moldavia năm 1940, thủ đô là Chisinau.

Lịch sử phức tạp khiến thành phần dân cư phức tạp. Phần tả ngạn Dniester, ngoài người Moldova, còn có người Nga và Ukraine sinh sống.

Còn vùng hữu ngạn từng thuộc Romania chủ yếu là người Moldova. Xung đột nội bộ Moldova nảy sinh từ những năm 1980, khi lãnh đạo Moldova vạch lộ trình ly khai khỏi Liên Xô và những phong trào dân tộc kêu gọi phi Nga hóa và thống nhất với Romania.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận