Nước mía: Ngôi sao giải khát mùa nắng nóng

PHAN BẢO 05/05/2024 05:22 GMT+7

TTCT - Những ngày nắng nóng, được thưởng thức một ly nước mía vừa ngon vừa giúp ích cho sức khỏe thì còn gì bằng.

Nước mía: Ngôi sao giải khát mùa nắng nóng- Ảnh 1.

Những ngày nắng nóng, được thưởng thức một ly nước mía vừa ngon vừa giúp ích cho sức khỏe thì còn gì bằng. Thức uống lý tưởng để xua tan cái nắng hè oi bức này không chỉ thân thuộc đối với người Việt Nam và dân châu Á, mà còn đang dần chinh phục người tiêu dùng phương Tây.

Vừa ngon vừa bổ

Trang thông tin và công thức ăn uống Saveur cho biết mía là một trong những loại cây có độ Brix - thang đo số gam đường hòa tan trên 100gam dung dịch - cao nhất.

Chỉ 240ml nước mía đã chứa tới 50gam đường - tương đương 12 muỗng cà phê, theo trang Healthline. Con số này nhiều hơn đáng kể so với mức 9 muỗng cà phê đường mỗi ngày cho nam giới và 6 thìa cà phê đường cho phụ nữ mà Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị.

Đọc đến đây, nhiều người có lẽ không khỏi thắc mắc một thức uống đầy đường như thế thì làm sao có thể tốt cho sức khỏe? Thế nhưng, đừng chỉ đánh giá sức hấp dẫn của nước mía qua hương vị ngọt ngào. Trên thực tế, món nước giải khát này rất giàu hóa chất thực vật (phytochemical), chất xơ, axit amin, vitamin A và B9, theo bài viết trên Saveur.

Theo y học Hindu truyền thống của người Ấn Độ, nước mía có thể nâng cao đời sống chăn gối, cũng như tăng cường chức năng gan và tiêu hóa. Cùng với gừng, nghệ và các loại rau củ quả tươi, nó góp mặt trong thành phần của vô số loại thuốc bổ có lợi cho sức khỏe.

Nước mía ở Mumbai (Ấn Độ). Ảnh: Manfred Sommer/Flickr

Nước mía ở Mumbai (Ấn Độ). Ảnh: Manfred Sommer/Flickr

Ngày nay, một số nghiên cứu hiện đại cũng ủng hộ quan điểm truyền thống. Theo trang y khoa WebMD, khoa học đã chứng minh được rằng nếu tiêu thụ với lượng vừa phải, nước mía có tác dụng chống viêm, chống nhiễm trùng, giảm đau, hạ đường huyết, lợi tiểu và bảo vệ gan.

Nước mía còn chứa những chất điện giải như kali, tốt cho vận động viên, và là đối thủ nặng ký của các loại đồ uống thể thao trên thị trường do hiệu quả bù nước tương đương nhưng có thể làm người uống cảm thấy no hơn.

Không chỉ uống mới có lợi, bôi nước mía lên vết thương có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi. Thức uống này cũng là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, theo Healthline.

Vì giàu các khoáng chất như canxi, kali, magiê và sắt, nước mía còn hỗ trợ cơ, xương và răng, tạp chí Unique Times (Ấn Độ) cho biết. Là một thức uống giải khát, đương nhiên nước mía có đặc tính làm mát tự nhiên, có thể giúp hạ nhiệt độ cơ thể và giảm bớt cảm giác nóng bức ngột ngạt.

Trong những năm gần đây, ngoài uống tươi sau khi ép, nước mía còn được dùng làm nguyên liệu chính trong cocktail.

Lịch sử đen tối

Lịch sử của mía cũng gần như là lịch sử của đường, rất cay đắng chứ không ngọt ngào như vị của nó. Hành trình khai thác mía, làm đường và đưa thứ gia vị này lan rộng khắp mọi châu lục gắn liền với chủ nghĩa nô lệ và bóc lột lao động dã man.

Theo Saveur, mía thuộc chi thực vật Saccharum, nói cách khác, nó là một loại cỏ. Người ta cho rằng mía có nguồn gốc từ New Guinea, trước khi được trồng khắp nơi trên thế giới như ngày nay.

Vào thế kỷ 13, Trung Đông bắt đầu trồng mía rộng rãi, trang Indulge Express cho biết. Sau đó, người Cộng hòa Venice (một phần của nước Ý ngày nay) mang cây mía tới châu Âu, chủ yếu để phục vụ hoàng gia.

Do độ hiếm có, trong thời cận đại, đường mía được xem như biểu tượng của địa vị, giống một loại hình nghệ thuật hơn là hàng hóa. Có ghi chép cho thấy người ta tạo các tác phẩm điêu khắc bằng đường mía, cao khoảng 1,2-1,8m để trang trí bàn ăn của những người giàu có vào thời này.

Nô lệ thu hoạch mía trên đồn điền phía Nam nước Mỹ những năm 1800. Ảnh: The North Wind Picture Archives/ Alamy

Nô lệ thu hoạch mía trên đồn điền phía Nam nước Mỹ những năm 1800. Ảnh: The North Wind Picture Archives/ Alamy

Các chuyên gia cho rằng đường mía là động lực kinh tế lớn nhất khiến người châu Âu muốn thuộc địa hóa châu Mỹ. Năm 1493, nhà thám hiểm Christopher Colombus mang một số thân cây mía đến các nước thuộc địa vùng Caribe, từ đó khai sinh ý tưởng biến đường thành hàng hóa đại chúng.

Châu Âu lập đồn điền khắp châu Mỹ và bắt hơn 1 triệu người châu Phi làm nô lệ sản xuất đường mía. Đặc thù công việc nặng nhọc khiến thương vong nhiều vô số kể, đặc biệt là trẻ em, do làm việc quá sức, nhiều bệnh tật nguy hiểm, và tai nạn lao động.

Đến thế kỷ 16, đường mía trở thành mặt hàng quan trọng hàng đầu thế giới, được xem như vàng trắng trong nông nghiệp. Các đế chế châu Âu tích lũy được của cải với tốc độ đáng kinh ngạc trong suốt thế kỷ 18 nhờ đường mía.

Từ năm 1766 đến 1791, riêng vùng Tây Ấn thuộc Anh (bị giải thể năm 1962) đã sản xuất hơn 1 triệu tấn đường. Đến thế kỷ 19, bang Louisiana (Mỹ) sản xuất khoảng 1/4 lượng đường mía trên thế giới.

Phổ biến khắp nơi

Bất chấp lịch sử đen tối, mía - và đặc biệt là nước mía - vẫn được ưa chuộng khắp nơi.

Năm 2019, Pakistan thậm chí chính thức phong nước mía là thức uống quốc gia sau khi món giải khát này chiến thắng áp đảo cuộc bình chọn trên mạng xã hội Twitter (hiện tại là X) với 80% phiếu bầu, trang Tasting Table cho biết.

Không chỉ vùng nhiệt đới như Nam và Đông Nam Á, các đảo khu vực Thái Bình Dương, Brazil, châu Phi hay vùng Caribe, những nước ôn đới như Hàn Quốc cũng yêu thích nước mía.

Năm 2023, dân Ấn tự hào khi blogger ẩm thực Hàn Quốc Kim Jaehyeon vừa xuống máy bay tới nước này đã tìm ngay nước mía để uống. "Kim đã tìm thưởng thức ngay món nước giải khác kinh điển khi vừa hạ cánh. Quý vị biết món gì không? Không gì khác chính là nước mía hay ganne ka ras" - trang web của Đài NDTV hào hứng viết.

Tháng 4 năm ngoái, một xe nước mía do chị Huỳnh Chơn Phương (sinh năm 1991, quê Cà Mau) mở ở thành phố Choengju, tỉnh Chungcheongbuk-do (Hàn Quốc) gây bão mạng. Các video quay lại cho thấy rất nhiều người xếp hàng dài chờ mua nước mía của chị.

Từ trái qua, mojito nước mía, nước mía thanh long, nước mía gừng bán ở tiệm Sugababy Canes, thành phố Rockwall, bang Texas (Mỹ). Ảnh: Didi Paterno/ Dallas Observer

Từ trái qua, mojito nước mía, nước mía thanh long, nước mía gừng bán ở tiệm Sugababy Canes, thành phố Rockwall, bang Texas (Mỹ). Ảnh: Didi Paterno/ Dallas Observer

Tiệm nước mía cũng xuất hiện ở Mỹ. Theo trang Dallas Observer, nhiều cửa hàng bên trong các trung tâm thương mại châu Á phía bắc bang Texas bán nước mía nguyên chất. Ngoài ra, nước mía còn có mặt ở bang Massachusetts và California, theo các tờ báo địa phương Worcester Telegram và San Francisco Chronicle.

Chủ những tiệm nước mía này đều là những người trẻ dám nghĩ dám làm, một số bỏ công việc văn phòng để kinh doanh nước mía. Dưới bàn tay sáng tạo của họ, hương vị mát lành của nước mía nhanh chóng thu hút người châu Á xa xứ và cả những cái miệng Tây.

Chẳng hạn, tiệm Sugarbaby Canes ở thành phố Rockwall, bang Texas, cho phép khách hàng tự do biến tấu nước mía với nước dừa, nước cốt dừa, rau má, và các loại trái cây. Món "đinh" của tiệm là một loại mojito (thức uống truyền thống của người Cuba) kết hợp nước mía với cam, chanh và bạc hà.

Đặc biệt, món Dragon Berry đánh dấu lần đầu tiên trái thanh long và dâu tây có trong nước mía. Hoặc khách có thể chọn Wild Berry - nước mía kết hợp việt quất và dâu tây - hay nước mía gừng. Với những ai cần một chút caffeine, nước mía trộn cùng trà ô long, trà xanh hoa nhài hoặc trà đen vải thiều sẽ là lựa chọn lý tưởng.

Ở vùng Bay Area, bang California, một số cửa hàng chỉ bán nước mía nguyên chất truyền thống, số khác mang đến menu vô cùng đa dạng ngang ngửa những tiệm trà sữa - từ nước mía matcha, nước mía lá dứa, cho tới nước mía hạt chia, hạt é hệt như ở Việt Nam.

Điểm chung của những cửa hàng này là đều có tham vọng biến món nước thân thương của quê hương thành thức uống phổ biến ở Mỹ. Vì vậy, họ sẵn sàng nhập cây mía từ tận Việt Nam sang.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường The Insight Partners, thị trường nước mía năm 2021 đạt giá trị 138,09 triệu USD và dự kiến sẽ lên đến 233,61 triệu USD vào năm 2028. Bất ngờ thay, năm 2020, châu Âu chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường nước mía toàn cầu, trong khi Bắc Mỹ là khu vực có tốc độ tăng trưởng kép nhanh nhất.

Trang WebMD lưu ý uống nước mía tự nhiên sẽ tốt hơn nước mía đóng hộp vì chúng có chất bảo quản, hương liệu bổ sung và thay đường nhân tạo cho nước mía nguyên chất. Trong quá trình sản xuất, nước mía đóng hộp cũng đánh mất các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như canxi, magie, phốt pho và kali.

Các sản phẩm soda nước mía đóng hộp cũng không có nước mía tự nhiên, mà chứa đường mía. Đường mía lại không có các chất dinh dưỡng như nước mía.

Những thành phần sản phẩm được gọi là "nước mía bay hơi" cũng chỉ là chiêu trò "lập lờ đánh lận con đen". Thực chất, nước mía bay hơi thì chính là đường mà thôi.

Bên cạnh đó, với khoảng 15% đường sucrose và tải lượng đường huyết (glycaemic load) cao, nước mía không phù hợp cho người mắc bệnh tiểu đường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận