28/01/2024 08:15 GMT+7

Ukraine tiến công trên mặt trận ngoại giao

Sự đồng ý của Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd về việc sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình cho Ukraine trong năm 2024 sẽ là một cột mốc quan trọng trong tiến trình giành lấy thiện cảm ngoại giao từ các quốc gia nhóm Nam bán cầu của Ukraine.

Lực lượng cứu hộ Ukraine có mặt tại nơi bị tên lửa tấn công ở thành phố Kharkov vào hôm 23-1 - Ảnh: AFP

Lực lượng cứu hộ Ukraine có mặt tại nơi bị tên lửa tấn công ở thành phố Kharkov vào hôm 23-1 - Ảnh: AFP

Nhóm Nam bán cầu (Global South) được phân chia theo trình độ phát triển.

Các nỗ lực trên mặt trận ngoại giao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Davos (Thụy Sĩ) đang trở thành điểm nhấn được kỳ vọng sẽ tạo được chuyển biến trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine tiếp tục leo thang sau hơn 700 ngày giao tranh.

Hy vọng của Ukraine

Bối cảnh leo thang chiến sự lúc này ở Ukraine tuy có phần bất lợi về phía Ukraine nhưng lại diễn ra trong bối cảnh chính quyền ông Zelensky đang từng bước gặt hái nhiều "tin mừng" trên mặt trận ngoại giao.

Đầu tiên là lộ trình kết nạp Thụy Điển vào khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đạt kết quả rõ ràng khi đạt được sự phê chuẩn chính thức từ Thổ Nhĩ Kỳ và "tín hiệu đèn xanh" từ Hungary.

Động thái này kết hợp với việc NATO triển khai cuộc tập trận quân sự Steadfast Defender 2024 lớn nhất của khối ở gần biên giới Nga với 90.000 quân từ cuối tháng 1-2024 đã khích lệ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu quân đội Ukraine cũng như hy vọng cho lộ trình gia nhập NATO của ông Zelensky.

Tiếp theo là "sự đảm bảo kép" trên mặt trận tài chính, bao gồm: 1. Chuỗi động thái từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khi đã âm thầm cùng với các nước G7 tìm cách chuyển giao các tài sản tịch thu từ Nga trị giá đến 300 tỉ USD cho phía Ukraine để giảm áp lực cho 61 tỉ USD viện trợ cho Ukraine mà Quốc hội Mỹ vẫn tiếp tục từ chối phê chuẩn.

Và sau đó là 2. Sự đảm bảo từ Liên minh châu Âu (EU) sẽ thông qua chương trình Cơ sở Ukraine kéo dài bốn năm trị giá 50 tỉ euro để hỗ trợ Ukraine bất chấp cuộc đàm phán đang diễn ra với Hungary - thành viên liên tục phủ quyết chương trình này - có kết quả thuận lợi hay không.

Cuối cùng là lộ trình bốn vòng đàm phán đa phương để hướng đến Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình cho Ukraine đã diễn ra theo kế hoạch từ phía ông Zelensky.

Trong đó, ba cuộc họp đầu tiên theo hình thức này đã diễn ra lần lượt tại Đan Mạch (6-2023), Saudi Arabia (8-2023) và Thổ Nhĩ Kỳ (10-2023). Cuộc họp mới nhất vào tháng 1-2024 diễn ra bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) với 83 quốc gia tham dự xoay quanh "Công thức hòa bình 10 điểm của Ukraine".

Cách thức tổ chức giúp cho ông Zelensky hội tụ được sự ủng hộ từ các quốc gia ở Nam bán cầu đối với nghị sự hòa bình do Ukraine điều phối.

Đồng thời cũng từng bước phong tỏa ngoại giao khi không mời Nga tham gia vào công tác tái thiết Ukraine sau chiến tranh thuộc khuôn khổ Nền tảng Kinh tế toàn Ukraine mà ông Zelensky vừa công bố ngày 26-1 cho kỳ Thượng đỉnh hòa bình cho Ukraine toàn cầu ở Geneva dự kiến vào tháng 2-2024.

Ứng phó của Nga ra sao?

Mặc dù gặp bất lợi về dư luận sau sự cố bắn rơi máy bay vận tải quân sự Il-76 chở 65 tù binh Ukraine để trao đổi mà Bộ Ngoại giao Nga gọi là "hành động khủng bố" với cáo buộc do Ukraine thực hiện, người phát ngôn của Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine Andrey Usov vẫn khẳng định muốn tiếp tục các nỗ lực trao đổi tù binh với Nga.

Đây là một động thái khéo léo để tiếp tục cô lập Nga khỏi thế trận ngoại giao đa phương mà phía Ukraine đang thiết lập, vì dễ khiến cho Nga đánh mất thiện cảm của dư luận nếu chính quyền Tổng thống V. Putin đơn phương từ bỏ các kênh đàm phán hiếm hoi với phía Ukraine dù cho kết quả cuộc điều tra sự kiện Il-76 có thế nào.

Phía Nga hiện đang liên tục bác bỏ các thảo luận về kế hoạch hòa bình do Ukraine đề xuất bên lề Diễn đàn Davos, đồng thời cũng phủ nhận toàn bộ thông tin về những đồn đoán cho rằng ông Putin đang thăm dò khả năng nhờ Mỹ trung gian vận động phía Ukraine.

Tuy nhiên, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov vào ngày 25-1 một lần nữa khẳng định: "Nga đã, đang và sẽ tiếp tục cởi mở cho các cuộc đàm phán về Ukraine".

Đại sứ Nga tại Thụy Sĩ Sergei Garmonin cũng nhấn mạnh về sự "chắc chắn sẽ thất bại" của một Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình Ukraine mà không có Nga tham gia.

Do đó, động thái mở đường của Tổng thống Thụy Sĩ V. Amherd cho sự tham gia của cả Nga vừa qua cùng với một loạt các nguyên thủ ở Nam bán cầu như Nam Phi, Ấn Độ, Brazil và Saudi Arabia có ý nghĩa quyết định lúc này.

Bên cạnh lời mời của chính quyền Tổng thống Ukraine V. Zelensky dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự Thượng đỉnh hòa bình toàn cầu cho Ukraine sắp tới, có thể thấy Ukraine đang rất tự tin khi đã "khép vòng" thành công thế trận ngoại giao đa phương của họ.

Mặc dù vẫn giữ khoảng cách rất xa về lập trường giữa Nga - Ukraine nhưng vẫn có thể kỳ vọng vào các nỗ lực hòa giải ở thượng đỉnh hòa bình sắp tới khi cả Nga và Ukraine đều có xu hướng đề cao vai trò và ảnh hưởng của nhóm các quốc gia Nam bán cầu có truyền thống ủng hộ hòa bình.

13 cuộc tấn công vào Ukraine

Quân đội Nga được thống kê đã triển khai 13 cuộc tấn công chính xác vào các khu phức hợp công nghiệp - quân sự của Ukraine bằng tên lửa dẫn đường như S-300, Iskander-M và các drone vũ trang Shahed trong tuần từ 20 đến 26-1.

Phía Ukraine cũng ghi nhận cao điểm giao tranh gần 100 cuộc đụng độ trên bộ trong ngày 26-1 ở khắp các mặt trận phía đông và nam, đồng thời tăng cường triển khai các máy bay không người lái (drone) vũ trang tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga đến tận kho dầu ở vịnh Phần Lan gần thành phố St. Petersburg.

Nga - Ukraine so kè trên khôngNga - Ukraine so kè trên không

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố ưu tiên của nước này trong năm 2024 là giành quyền kiểm soát bầu trời. Và nhắc tới bầu trời tức là nhắc tới máy bay không người lái (drone).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên