03/05/2024 09:18 GMT+7

Loạt ông lớn công nghệ tìm đến Đông Nam Á, vì sao?

Chỉ trong 5 tháng (từ tháng 12-2023 đến đầu tháng 5-2024), Đông Nam Á đã đón tiếp CEO của 3 'gã khổng lồ' công nghệ Microsoft, Nvidia và CEO Apple.

CEO Microsoft Satya Nadella (trái) bắt tay Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong chuyến thăm Indonesia hôm 30-4 - Ảnh: KOMPASS

CEO Microsoft Satya Nadella (trái) bắt tay Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong chuyến thăm Indonesia hôm 30-4 - Ảnh: KOMPASS

Ngày 1-5, Giám đốc điều hành (CEO) Microsoft Satya Nadella thông báo sẽ đầu tư 2,2 tỉ USD xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mới ở Malaysia, sự kiện đánh dấu một trong những khoản đầu tư lớn nhất cho đến nay vào Đông Nam Á trong lĩnh vực công nghệ.

Microsoft không phải gã khổng lồ công nghệ (big tech) duy nhất để mắt đến Đông Nam Á. Chỉ trong 5 tháng qua (từ tháng 12-2023 đến đầu tháng 5-2024) khu vực này cũng đã đón tiếp CEO Nvidia Jensen Huang và CEO Apple Tim Cook.

Những chuyến thăm tỉ "đô"

Theo báo Nikkei Asia, cả ba nhà lãnh đạo công nghệ nói trên đều đến Đông Nam Á với tâm thế khảo sát thị trường để "chọn mặt gửi vàng" với các khoản đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ USD.

Tháng 4 năm nay Nvidia thông báo sẽ xây trung tâm AI tại Indonesia trị giá 200 triệu USD. Sau đó ít ngày, cũng tại Jakarta, CEO Apple Tim Cook không tiếc lời khen ngợi đất nước vạn đảo và khẳng định sẽ xem xét xây dựng nhà máy sản xuất mới tại đây. 

Năm ngoái Nvidia cũng đã công bố dự án liên doanh với một tập đoàn Malaysia để xây dựng khu trung tâm dữ liệu AI trị giá 4,3 tỉ USD tại nước này.

Xét về quy mô đầu tư, cả Apple và Nvidia đều có phần lép vế ít nhiều trước độ "chịu chi" của Microsoft trong những tháng đầu năm 2024. Ông Nadella cho biết khoản đầu tư 2,2 tỉ USD tại Malaysia nói trên sẽ được giải ngân trong vòng 4 năm nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống điện toán đám mây và dịch vụ AI của họ. 

Ngoài ra, Microsoft cũng sẽ đào tạo về AI cho 200.000 nhân lực Malaysia và hỗ trợ chính phủ nước này củng cố năng lực bảo mật số.

Chỉ ít ngày trước đó, ông Nadella cũng tiết lộ khoản đầu tư lên đến 1,7 tỉ USD tại Indonesia và khoản đầu tư chưa rõ quy mô ở Thái Lan nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ. Ngoài ra tờ Bangkok Post cũng khẳng định Microsoft dự kiến sẽ rót vào Thái Lan 1 tỉ USD cho việc thành lập trung tâm dữ liệu mới. 

Liên tiếp những thỏa thuận mới được công bố cho thấy Đông Nam Á đang trở thành tâm điểm mới của ngành công nghệ thế giới.

Vì sao là Đông Nam Á?

Giống như ở Trung Quốc, các ông lớn công nghệ thế giới nhìn thấy ở Đông Nam Á một thị trường lao động tay nghề cao giá rẻ, nhiều khoản trợ cấp chính phủ và vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng.

11 nước, Đông Nam Á đang là nơi sinh sống của hơn 655 triệu người, chiếm khoảng 8,5% dân số thế giới. Trong đó nhiều quốc gia đang trong giai đoạn dân số vàng với khoảng 60% tổng dân số khu vực là người dưới 35 tuổi. Tốc độ tăng trưởng dân số của các nước cũng chưa có dấu hiệu giảm trong thời gian tới.

Trong nhiều năm qua, khu vực này cũng đã thể hiện khả năng phát triển kinh tế ổn định. Ngân hàng Phát triển châu Á dự đoán GDP của Đông Nam Á sẽ tăng 4,7% trong năm 2024 sau khi đạt 4,3% trong năm 2023. 

Tầng lớp trung lưu ở đây có xu hướng tăng nhanh và đang dần thay đổi thị trường khu vực. Tập đoàn tư vấn McKinsey dự đoán chỉ riêng Đông Nam Á sẽ xuất hiện hơn 163 triệu hộ gia đình khá giả trong vài năm tới.

Trên cơ sở đó, có một bộ phận không nhỏ người dân Đông Nam Á được tạo điều kiện tiếp xúc công nghệ từ sớm, theo Tập đoàn tư vấn công nghệ Purple Quarter. Từ đây, một nguồn cung dồi dào nhân sự tay nghề cao giá rẻ đã hình thành.

Bên cạnh đó, hầu hết các nước Đông Nam Á đều tương đối ổn định về chính trị. Không chỉ là lợi ích kinh tế trước mắt, các nước này còn muốn làm chủ công nghệ lõi trong tương lai với sự trợ giúp của các hãng công nghệ lớn. Do đó, chính phủ nhiều nước ASEAN sẵn lòng trao cho các tập đoàn lớn những khoản tài trợ hào phóng để kêu gọi họ đầu tư vào đất nước mình.

Chưa hết, Đông Nam Á sở hữu vị trí địa chính trị đặc biệt khi cận kề nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc. Điều này vừa giúp việc giao thương với thị trường tỉ dân diễn ra dễ dàng, vừa có thể nhanh chóng trở thành nguồn cung cấp nhân công thay thế cho Trung Quốc trong trường hợp thương chiến Mỹ - Trung leo thang. 

Ngoài ra, Đông Nam Á còn nằm trên tuyến đường biển quan trọng bậc nhất thế giới, nối từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương với lưu lượng hàng hóa qua lại rất sôi động.

Nếu xét riêng từng tiêu chí, các thế mạnh trên của Đông Nam Á có thể thua thiệt ít nhiều so với các khu vực khác, nhưng ASEAN lại là khu vực hiếm hoi trên bản đồ thế giới quy tụ đồng thời những thế mạnh "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" ấy. 

Do đó, việc thu hút đầu tư của các ông lớn công nghệ là điều dễ hiểu và cũng là cơ hội mà các nước Đông Nam Á đang nỗ lực nắm lấy.

Thị trường ưu tiên điện thoại di động

Purple Quarter cho biết hiện có đến 90% người dùng Internet tại Đông Nam Á hòa mạng qua điện thoại. Dù còn non trẻ, lĩnh vực công nghệ của Đông Nam Á đã tạo được nhiều ấn tượng với thế giới thông qua một loạt start-up "kỳ lân" như VNG (Việt Nam), Grab (Malaysia), Garena (Singapore)... Hầu hết các start-up này đều nổi lên nhờ những giải pháp phần mềm trên smartphone.

"Đây là thị trường ưu tiên điện thoại di động. Thị trường này đã lướt nhanh qua nhiều làn sóng kỹ thuật và đang là một trong những nơi tận dụng các phần mềm mã nguồn mở tân tiến và kho công cụ hỗ trợ phát triển phần mềm nhiều nhất. Trên cơ sở đó, đây là những nước đang trải qua quá trình chuyển đổi số triệt để trên mọi lĩnh vực kinh doanh", Purple Quarter nhận định.

Úc tài trợ 1,3 tỉ USD cho Đông Nam Á để thúc đẩy thương mạiÚc tài trợ 1,3 tỉ USD cho Đông Nam Á để thúc đẩy thương mại

Ngày 5-3, Chính phủ Úc đã công bố kế hoạch tăng cường đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, với khoản tài trợ trị giá 1,3 tỉ USD để thúc đẩy thương mại tại khu vực có nền kinh tế đang có chiều hướng đi lên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên