Trung Quốc siết quản lý KOL: Quá nhanh, quá nguy hiểm

NGUYỄN THÀNH TRUNG 08/05/2024 10:16 GMT+7

TTCT - Theo trang tin Sina của Trung Quốc, từ ngày 11-4, tài sản của nữ diễn viên nổi tiếng Triệu Vy tại Công ty giải trí Hợp Bảo dưới dạng cổ phần trị giá khoảng 5 triệu nhân dân tệ (hơn 17 tỉ đồng) đã bị phong tỏa.

Ảnh: Rest of World

Ảnh: Rest of World

Quyết định này được đưa ra bởi Tòa án nhân dân trung cấp số 4 Bắc Kinh và có hiệu lực đến ngày 10-4-2027. Đây không phải lần đầu chính quyền Trung Quốc làm vậy với Triệu Vy. 

Tài sản của cô đã lần lượt bị phong tỏa từ tháng 4-2021 với tổng số tiền ước tính khoảng 10 triệu nhân dân tệ. 

Giữa tin đồn Triệu Vy sắp tái xuất màn ảnh vào tháng 6 tới, đây có thể được coi là thông điệp cảnh báo từ chính quyền với nữ diễn viên nổi tiếng rằng cô nên có "quan điểm chính trị đúng đắn".

Từ diễn viên điện ảnh đến KOL

Người nổi tiếng trong giới giải trí đã là mục tiêu kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc từ rất lâu, và diện kiểm soát này ngày càng mở rộng, không chỉ gồm các diễn viên hay nghệ sĩ, mà nay gồm cả những người nổi tiếng trên mạng xã hội (KOL). 

Tất cả báo hiệu nhà chức trách ở đất nước 1,4 tỉ dân sắp tới sẽ không khoan nhượng với những thông tin sai lệch, kể cả thông tin phi chính trị, trên mạng. Trước đây, hoạt động này của chính quyền chủ yếu tập trung vào các nội dung có tính chính trị hay xã hội.

Ảnh: Technode

Ảnh: Technode

Báo Hong Kong Hoa Nam Buổi sáng 16-4 trích báo cáo của Bộ Công an Trung Quốc cho biết cảnh sát nước này đã bắt giữ hơn 1.500 người liên quan đến tin đồn trực tuyến và hơn 10.700 người bị xử phạt hành chính trong chiến dịch toàn quốc bắt đầu từ tháng 12-2023 nhắm vào các KOL, "blogger" và các "livestreamer".

Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc cũng đã đóng khoảng 63.000 tài khoản bị coi là "bất hợp pháp" để ngăn chặn các bài đăng trên mạng xã hội với thông tin sai lệch về các vấn đề nóng như đại dịch và thảm họa.

Bộ Công an Trung Quốc còn đưa ra danh sách 10 ví dụ nổi bật về thông tin sai lệch trên mạng. Một "ví dụ điển hình" được nêu tên là Từ Gia Nghệ, KOL trên các nền tảng Douyin, Weibo và WeChat có tổng cộng khoảng 40 triệu người theo dõi. 

Tài khoản trực tuyến của KOL 29 tuổi này là "Thurman Miêu Nhất Bôi" trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau đã bị đình chỉ, và cô sẽ phải đối mặt với nhiều án phạt hành chính.

Ngày 16-2, Từ đã quay phim chính cô trong một nhà hàng ở Paris (Pháp), đang cố gắng tìm kiếm chủ nhân của hai cuốn sách bài tập của một học sinh Trung Quốc học lớp 1 để quên. 

Một người phục vụ mang hai cuốn sách này đến cho cô và nói anh ta tìm thấy chúng trong phòng vệ sinh của nhà hàng. Video đã lan truyền nhanh chóng và được chia sẻ trên nhiều nền tảng mạng xã hội, thu hút hơn 5 triệu lượt thích trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, chỉ sau vài ngày.

Từ kêu gọi những người theo dõi cô giúp tìm chủ nhân của những cuốn sách. Câu chuyện đã dẫn tới một cuộc tìm kiếm trên cả nước với các hashtag "Tần Lãng lớp 1" và "Học sinh tiểu học làm mất sách bài tập ở Paris", thu hút hàng triệu lượt xem trên Douyin và Weibo. 

Nó cũng trở thành chủ đề có xu hướng cao thứ ba trên nền tảng Xiaohongshu của Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán năm 2024.

Theo trang Sixth Tone, người dùng mạng khắp Trung Quốc đã tham gia tìm kiếm Tần Lãng và các bài đăng về câu chuyện này thu hút hàng triệu tương tác trên các nền tảng mạng xã hội. 

Công an quận Tây Hồ ở thành phố Hàng Châu, quê hương của Từ, đã nhận được rất nhiều thông tin báo động, đến nỗi đơn vị cảnh sát mạng của quận Tây Hồ cũng phải tham gia. Các video của Từ được chia sẻ rộng rãi đến mức ngay cả truyền thông nhà nước cũng đưa tin. 

Khoảng một tuần sau khi video đầu tiên được đăng tải, Từ khẳng định trong một đoạn clip riêng rằng cô đã liên lạc được với cha mẹ cậu bé và những cuốn sách đã được trả lại.

KOL Thurman Miêu Nhất Bôi và vụ bê bối trả lại sách giáo khoa giả mạo. Ảnh: x.com

KOL Thurman Miêu Nhất Bôi và vụ bê bối trả lại sách giáo khoa giả mạo. Ảnh: x.com

Nhưng sau đó cảnh sát Hàng Châu đã mở cuộc điều tra và phát hiện câu chuyện của Từ là hoàn toàn bịa đặt. Từ và đồng nghiệp đã mua sách bài tập trên mạng và dàn dựng video để đăng lên mạng xã hội. Cơ quan chức năng cũng không tìm thấy hồ sơ nào về việc cậu bé học sinh lớp 1 tên Tần Lãng bay ra nước ngoài trong dịp Tết Nguyên Đán.

Trong một video đăng sau đó, Từ Gia Nghệ đã xin lỗi vì "làm ô nhiễm Internet". KOL này nói cô bịa chuyện do "ý thức pháp luật" kém và nói mình rất tiếc vì đã "gây rối loạn trật tự Internet và ảnh hưởng tiêu cực lớn". 

"Tôi kêu gọi các đồng nghiệp rút kinh nghiệm và không bao giờ bịa đặt hay truyền bá nội dung sai sự thật. Hãy cùng nhau hợp tác để duy trì một môi trường trực tuyến trong sạch và lành mạnh", Từ nói.

Đội quân tạo sóng trên mạng

Vấn đề không chỉ là mục đích đăng thông tin của các KOL, mà còn là nội dung các bài đăng do độ lan tỏa nhanh của nó. Trong khi thông tin là dàn dựng, thì những gì xảy ra sau đó lại là rất thật. 

Nhằm đảm bảo người dùng mạng xã hội nhận được thông điệp và thông tin "lành mạnh", chính quyền Trung Quốc muốn phát đi thông điệp rằng họ kiểm soát chặt chẽ các nền tảng truyền thông xã hội qua kiểm duyệt những KOL như Từ. 

Các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc cũng đã nhanh chóng tự đặt ra các quy tắc của riêng họ, đôi khi trước cả lệnh của chính quyền.

Theo đài Singapore CNA, báo cáo của Bộ Công an Trung Quốc cũng nhắc nhở người dân rằng Internet không phải "nơi nằm ngoài pháp luật". Mạng thì ảo nhưng luật pháp là thật. Cư dân mạng được yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các luật và quy định liên quan, đồng thời lưu ý đến lời nói và hành vi của họ trên mạng.

Số liệu chính thức cho thấy tỉ lệ sử dụng mạng xã hội của Trung Quốc năm 2023 là 74% dân số, tức khoảng 1,06 tỉ người, hơn cả dân số của Mỹ và Liên minh châu Âu cộng lại. Thêm nữa, trung bình mỗi người Trung Quốc dùng Internet có khoảng 6,5 tài khoản mạng xã hội các loại, khiến giám sát được tất cả họ là cả một kỳ công phi phàm.

Ảnh: Jing Daily

Ảnh: Jing Daily

Bên cạnh giám sát liên tục các công ty Internet và mạng xã hội, chính quyền cũng nhắc nhở người dùng mạng xã hội sáng suốt hơn, không lan truyền hay tin những tin đồn không rõ ràng. 

Vấn đề nằm ở chỗ tin đồn có thể được KOL và cả bộ máy của họ dàn dựng và thúc đẩy, dần trở thành cả một ngành kinh doanh và một tên gọi riêng "võng lạc thủy quân" (đội quân nước trên mạng) - từ tiếng Trung chỉ các cá nhân hay nhóm được trả tiền để đăng nhận xét hay đánh giá trên mạng. 

Một đồn mười, mười đồn trăm, những nhóm "thủy quân" này trở thành đầu mối của công cuộc tạo "sóng lan" trên mạng, vốn truyền đi cực nhanh trong thời buổi công nghệ.

Một ví dụ là cách đây bốn năm, một giáo viên tiểu học ở thành phố Quảng Châu đã trở thành tâm điểm của cơn bão mạng xã hội sau khi mẹ một học sinh cáo buộc cô giáo này đánh con mình. 

Bài đăng của người mẹ với chiếc áo học sinh dính máu trên nền tảng Weibo nhanh chóng "viral". Chỉ từ sáng sớm đến trưa, bài đăng đã có gần 600 triệu lượt xem! 

Thông tin cá nhân của cô giáo nhanh chóng được các "thám tử mạng" tìm ra và công khai, gây ra làn sóng phản ứng thịnh nộ trên mạng xã hội. Nhà trường, trước áp lực từ cộng đồng mạng, đã buộc cô giáo phải thôi việc.

Tuy nhiên, tất cả hóa ra chỉ là trò lừa bịp, dù hậu quả là thật. Người mẹ vốn có mâu thuẫn với giáo viên, đã trả 500 nhân dân tệ (70 USD) cho một đội "võng lạc thủy quân" để tạo ra 100.000 người theo dõi bài đăng có nội dung giả mạo, và 260 nhân dân tệ nữa cho 20.000 lượt thích và 10.000 bài đăng lại. 

Đội quân giả ban đầu gần như ngay lập tức trở thành thật, và đám đông cuồng nộ bị dẫn dắt bởi thông tin sai lệch đã làm "phần việc còn lại" theo đúng ý định của bà mẹ.

Khoảng cách từ ảo đến thật "quá nhanh" và "quá nguy hiểm" này bao hàm nhiều ngụ ý nhạy cảm khiến chính quyền Trung Quốc thấy phải chấn chỉnh lập tức.■

Cần gì để trở thành KOL ở Trung Quốc?

Theo tờ Hoa Nam Buổi sáng, điều quan trọng nhất hiện giờ là bạn không được phép nói dối, dù chuyện lớn hay nhỏ. Theo báo này, KOL có nick Lương Sơn Mạnh Dương và 7 người khác mới đây đã phải vào tù vì khai thác lòng trắc ẩn và đạo đức trên mạng.

Cô gái 21 tuổi này thu hút được gần 4 triệu người theo dõi trực tuyến sau khi nổi tiếng vào năm 2018. Lương Sơn Mạnh Dương khẳng định mình là người dân tộc thiểu số quê ở Lương Sơn, Tứ Xuyên, và phải tự nuôi nấng các em nhỏ sau khi cha mẹ qua đời.

Khi số lượng người theo dõi tài khoản Douyin của cô tăng lên, KOL này bắt đầu bán "đặc sản địa phương" như quả óc chó và tổ yến. Hầu hết các sản phẩm đều cháy hàng do cư dân mạng mong muốn giúp đỡ cô.

Tuy nhiên, cô gái này cũng lừa bịp. Cha mẹ cô vẫn còn sống và sản phẩm thì dỏm. Cư dân mạng phàn nàn sau khi mua sản phẩm của cô. Khác với Từ Gia Nghệ vốn không mang tính vụ lợi vật chất, Lương Sơn Mạnh Dương và nhóm của cô phải trả giá đắt hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận