Ý nghĩa của quy chế nền kinh tế thị trường

XÊ NHO 19/05/2024 17:03 GMT+7

TTCT - Quy chế nền kinh tế thị trường có ý nghĩa ra sao mà Mỹ mãi dùng dằng không công nhận với một số nước?

Ảnh: The New York Times

Ảnh: The New York Times

Doanh nghiệp Việt Nam vào Mỹ để buôn bán, tuyển người, mở đại lý, xây nhà máy... thì chuyện Mỹ có công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay không hầu như không được đặt ra. Nhưng đến khi có doanh nghiệp Mỹ kiện doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá, thì quy chế "kinh tế phi thị trường" lại là một yếu tố quan trọng.

Cũng bị kiện và bị xác định là có bán phá giá một mặt hàng nào đó, nước được công nhận có nền kinh tế thị trường chịu mức thuế chống phá giá thấp hơn; trong khi nước bị xếp loại kinh tế phi thị trường chịu mức thuế cao hơn nhiều.

Phía Mỹ không nhất quán

Bộ Thương mại Mỹ xếp loại Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường ngay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ thương mại từ năm 2001 nhằm mục đích xét xử các vụ kiện bán phá giá như nói ở trên. Cụ thể thời điểm đó là vụ kiện bán phá giá cá ba sa năm 2002. 

Lẽ ra quy chế kinh tế phi thị trường này đã bị bãi bỏ từ lâu vì khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007, trong thỏa thuận với phía Mỹ, hai bên đồng ý Việt Nam sẽ chấm dứt tình trạng kinh tế phi thị trường khi tình trạng này được gỡ bỏ hoặc 12 năm sau khi gia nhập WTO. 

Tuy nhiên đến năm 2019, Đại diện Thương mại Mỹ cho rằng Mỹ vẫn duy trì xếp loại kinh tế phi thị trường với Việt Nam vì Việt Nam chưa yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ gỡ bỏ chứ không đề cập đến cột mốc 12 năm!

Theo bản tin của Quốc hội Mỹ, phía Việt Nam chính thức đưa ra yêu cầu như thế vào tháng 9-2023 trước chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden. Trong tuyên bố chung vào dịp này, ông Biden cam kết Mỹ sẽ xem xét yêu cầu gỡ bỏ xếp loại kinh tế phi thị trường cho Việt Nam "càng nhanh càng tốt". 

Đến ngày 30-10-2023, Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu quá trình xem xét chuyện gỡ bỏ này, và buổi điều trần ngày 8-5 vừa qua nằm trong quá trình xem xét đó. Dự kiến 270 ngày sau, tức ngày 26-7-2024, Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra quyết định sau cùng.

Khi xếp loại một nước có nền kinh tế thị trường hay chưa, Bộ Thương mại Mỹ dựa vào các yếu tố: (1) đồng tiền nước đó được tự do chuyển đổi đến mức nào; (2) tiền lương có phải là kết quả thương lượng tự do giữa người lao động và giới chủ không; (3) đầu tư nước ngoài, kể cả liên doanh, có được cho phép; (4) nhà nước nắm giữ hay kiểm soát phương tiện sản xuất đến mức nào; (5) nhà nước kiểm soát việc phân bổ nguồn lực, giá cả đến đâu; và (6) các yếu tố khác Bộ Thương mại Mỹ cho là phù hợp.

Ngoài Việt Nam, Mỹ đang xếp loại 11 nước khác có nền kinh tế phi thị trường (gồm Trung Quốc, Nga, Belarus, Uzbekistan, Armenia, Azerbaijan, Georgia, Kyrgyzstan, Moldova, Tajikistan và Turkmenistan). 

Mức thuế chống phá giá áp lên các nước phi thị trường cao hơn là do Mỹ sẽ dùng giá cả của một nước thứ ba trong tính toán áp thuế bởi họ cho rằng giá cả ở nước phi thị trường không phản ánh đúng thực tế.

Dựa vào các tiêu chí nói trên, phía Việt Nam đã nêu ra nhiều lập luận cũng như đưa ra bằng chứng cho thấy Việt Nam hoàn toàn đáp ứng quy chế kinh tế thị trường đầy đủ trong yêu cầu gỡ bỏ đưa ra vào hồi tháng 9-2023. 

Tại phiên điều trần ngày 8-5 vừa qua, luật sư Eric Emerson của hãng luật Steptoe đại diện cho Bộ Công Thương Việt Nam cũng nhấn mạnh Việt Nam đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí do Bộ Thương mại Mỹ đưa ra.

Những nhóm lợi ích ở Mỹ

Như với nhiều vấn đề khác trong nội bộ nước Mỹ, quan điểm về chuyện này chia làm hai nhóm lợi ích vận động hành lang với chính phủ: nhóm đại diện cho các nhà bán lẻ ủng hộ gỡ bỏ quy chế phi thị trường cho Việt Nam; trong khi nhóm đại diện cho các nhà sản xuất lại muốn giữ nguyên. Điều này dễ hiểu vì các nhà sản xuất thường khởi xướng các vụ kiện bán phá giá. 

Giữ nguyên quy chế phi thị trường với Việt Nam sẽ dẫn đến mức thuế chống phá giá cao hơn, có lợi cho họ. Còn các nhà bán lẻ muốn gỡ bỏ để giảm nguy cơ hàng nhập khẩu từ Việt Nam bị áp thuế cao, gây khó khăn cho họ.

Nếu chỉ dựa vào 6 tiêu chí của Bộ Thương mại Mỹ, dễ thấy Việt Nam đang theo đuổi một nền kinh tế thị trường như 72 nước khác ngoài Mỹ, nhiều hiệp hội doanh nghiệp, và nhiều tập đoàn đa quốc gia đã thừa nhận cả chính thức và thực tế. Điều đáng quan tâm là lập luận của các doanh nghiệp Mỹ muốn chống đối việc này để tìm cách hóa giải.

Chẳng hạn, đại diện một doanh nghiệp sản xuất thép cho rằng nâng cấp Việt Nam lên thành nền kinh tế thị trường sẽ mở cửa cho hàng nhập khẩu giá rẻ thực chất là từ Trung Quốc biến hóa thành hàng Việt Nam xuất vào Mỹ. 

(Trung Quốc cũng bị Mỹ xem là chưa có nền kinh tế thị trường, một trong những lý do khiến hàng hóa nước này thường bị áp thuế chống bán phá giá rất cao). 

Trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, Mỹ đang tìm cách đánh thuế thậm chí còn mạnh hơn với hàng nhập từ Trung Quốc, không thể không lưu ý lập luận này để chứng minh Việt Nam quan tâm đến xuất xứ hàng hóa và không để hàng hóa nước khác giả danh xuất xứ Việt Nam để tránh thuế.

Trong một ví dụ khác, hiện mặt hàng tôm đông lạnh từ Việt Nam và Thái Lan xuất vào Mỹ đều bị áp thuế chống bán phá giá. Nhưng do Thái Lan được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường, nên thuế chống bán phá giá (cao nhất) chỉ là 5,34%, trong khi Việt Nam - nền kinh tế phi thị trường theo xếp loại của Bộ Thương mại Mỹ - phải chịu mức thuế cao nhất lên đến 25,76%. Khác biệt này chính là tầm quan trọng của quy chế kinh tế thị trường Việt Nam đang theo đuổi. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận