Ông Tập công du châu Âu: Rượu cognac, tình hữu nghị thép và hành trình vàng

TƯỜNG ANH 18/05/2024 16:55 GMT+7

TTCT - Các chuyến thăm từ 5 đến 10-5 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Pháp, Serbia và Hungary tuần qua thu hút quan tâm của truyền thông thế giới. Vì sao là ba quốc gia này, và Bắc Kinh đang tính toán những gì ở châu Âu?

Bảng quảng cáo với dòng chữ:

Bảng quảng cáo với dòng chữ: "Cảm ơn người anh em Tập" ở Belgrade. Ảnh: AFP

Chuyến thăm Pháp diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời là chuyến thăm đáp lễ: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng đến Trung Quốc vào tháng 4-2023. 

Không giống Hoa Kỳ, Pháp không từ bỏ hoạt động kinh doanh theo làn sóng trừng phạt Bắc Kinh mà Washington thúc đẩy. Ngược lại, các công ty Pháp còn tăng cường làm ăn ở Trung Quốc đại lục, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, giáo dục, và cơ sở hạ tầng. 

Theo Bloomberg, việc Pháp được Bắc Kinh lựa chọn viếng thăm không phải ngẫu nhiên: ông Macron ủng hộ quyền tự chủ chiến lược của châu Âu trước Mỹ.

Ngoại giao cognac

Về khía cạnh kinh tế, truyền thông phương Tây nói chuyến thăm Pháp của ông Tập là nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến thương mại với EU do tình trạng sản xuất thừa ở Trung Quốc. 

Tranh chấp kinh tế giữa EU và Trung Quốc bắt đầu sau đại dịch, khi Brussels cáo buộc Bắc Kinh tiếp cận thị trường không công bằng. Năm 2023, EU đã mở điều tra về các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho xe điện. 

(Năm 2019, xe điện Trung Quốc chiếm 0,4% thị trường châu Âu, nhưng đến năm 2022 đã là gần 4%. Ngoài ra, giá xe Trung Quốc thường thấp hơn khoảng 20% so với châu Âu).

Bắc Kinh phủ nhận mọi cáo buộc và để đáp trả, tháng 1-2024, họ đã tiến hành điều tra chống bán phá giá với rượu mạnh nhập khẩu từ EU, dựa trên khiếu nại của các nhà sản xuất địa phương. Vụ việc ảnh hưởng đến cổ phiếu các công ty chủ yếu là Pháp Remy Cointreau, Pernod Ricard và LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton.

Sáng 6-5, trong cuộc họp ba bên Trung - Pháp - EU ở Paris, người đứng đầu Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, đã đề cập chủ đề xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu mà EU kỳ vọng Trung Quốc sẽ "giảm xuất khẩu trên cơ sở tự nguyện, đặc biệt là với xe điện và thép. Nếu không, EU sẽ áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt". 

Đáp lại, ông Tập bác bỏ cáo buộc về chủ nghĩa bảo hộ nhà nước và nói "không có chuyện năng lực sản xuất của Trung Quốc dư thừa", mà ngược lại, "dựa trên các nguồn năng lượng mới" (bao gồm dầu và khí đốt rẻ của Nga), công nghiệp Trung Quốc đã hỗ trợ các thị trường "giảm bớt áp lực lạm phát".

Một khía cạnh khác được truyền thông quan tâm trong chuyến thăm Pháp là cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong cuộc gặp, theo báo Mỹ The New York Times (NYT), châu Âu đã cố gắng gây áp lực để ông Tập "sử dụng ảnh hưởng với Matxcơva" trong giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. 

Thế nhưng ở Paris, ông Tập không đả động gì đến yêu cầu đó. Về vấn đề này, "lập trường của Trung Quốc không thay đổi", theo tuyên bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. 

Lập trường này, theo bài báo ký tên ông Tập đăng trên Le Figaro trước chuyến thăm, khẳng định Bắc Kinh "sẵn sàng hợp tác với Pháp để tìm ra giải pháp hợp lý..., nhưng phải tính đến lợi ích an ninh chính đáng của tất cả các bên và không sử dụng vũ khí hạt nhân".

Trong 120 nhân vật nổi tiếng Pháp được mời tham dự tiệc chiêu đãi chính thức sau hội đàm cũng đã có mặt đại diện các thương hiệu rượu nổi tiếng. Theo Hiệp hội Rượu Trung Quốc, châu Âu đang bán phá giá rượu ít nhất 15,88% trên thị trường nước này. Món quà ông Macron tặng ông Tập cũng mang tính biểu tượng: hai chai rượu cognac.

Ảnh: Il Manifesto

Ảnh: Il Manifesto

Tình hữu nghị thép

Việc ông Tập chọn đến Belgrade đúng vào ngày 7-5 cũng không ngẫu nhiên. Đúng ngày này 25 năm trước, bom NATO do không quân Mỹ thả trong chiến tranh Kosovo đã rơi xuống Đại sứ quán Trung Quốc, làm ba nhà báo nước này thiệt mạng. 

Tổng thống Mỹ khi đó Bill Clinton đã xin lỗi và nói vụ đánh bom là một tai nạn, nhưng Bắc Kinh không chấp nhận lời xin lỗi. "Chúng ta không được quên điều đó", chủ tịch Trung Quốc viết trong bài báo đăng trên Politika trước chuyến thăm Serbia.

Ông Tập gọi mối quan hệ giữa hai dân tộc "được gắn kết bằng máu", trong khi Tổng thống nước chủ nhà Aleksandar Vucic viết trên tài khoản mạng xã hội về "tình hữu nghị thép Trung Quốc - Serbia, được hun đúc qua các thời kỳ gian khó".

Có lẽ vì thế cuộc gặp thượng đỉnh mang đậm sắc thái chính trị. Serbia là một trong số hiếm hoi các nước châu Âu không tham gia trừng phạt Nga. 

Liên quan đến vấn đề NATO, Tổng thống Vucic một mặt kiên quyết người Serbia sẽ không tham gia vào khối đã hủy hoại đất nước của họ, mặt khác cũng có những phát biểu với tinh thần "không biết những hoàn cảnh sắp tới sẽ buộc chúng tôi phải làm gì".

Serbia tuy đang là ứng viên thành viên EU nhưng vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với cả Nga và Trung Quốc.

Trong chuyến thăm của ông Tập, một thỏa thuận đối tác chiến lược giữa hai nước đã được ký kết, cùng gần 30 văn kiện hợp tác kinh tế song phương. Sự thống nhất trong cách tiếp cận của Bắc Kinh và Belgrade trong một số vấn đề quốc tế cũng được nhấn mạnh.

Tổng thống Vucic nêu rõ: "Đài Loan là một phần của Trung Quốc, Kosovo và Metohija là một phần của Serbia, đó là điều mà các chế độ ly khai ở những vùng lãnh thổ này, được phương Tây ủng hộ, phải ghi nhớ".

Về hợp tác kinh tế, một khía cạnh nổi bật của chuyến thăm liên quan đến dự án Vành đai - con đường. Serbia là quốc gia đầu tiên ở châu Âu có công ty Trung Quốc thực hiện dự án xây dựng đường bộ, với chi phí khoảng 70,5 triệu USD và tổng chiều dài 265km. 

Việc Trung Quốc đang xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 350km từ Budapest đến Belgrade, dự kiến mở rộng đến thủ đô của Macedonia, Skopje và cảng Thessaloniki của Hy Lạp, rõ ràng cũng mang tính biểu tượng và không làm EU hài lòng. 

Đặc biệt, tờ Kommersant của Nga cho biết hai ông Tập và Vucic cũng thảo luận về triển vọng Serbia mua máy bay chiến đấu J-20 thế hệ năm của Trung Quốc để thay cho máy bay MiG-29 của Nga, khi "thời hạn sử dụng MiG-29 sẽ hết sau vài năm nữa".

Ảnh: Eunews

Ảnh: Eunews

Hành trình vàng

Trong bài viết của ông Tập đăng trên báo Magyar Nemzet của Hungary trước chuyến đi, nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi chuyến thăm là "hành trình vàng". 

Cho đến nay, Hungary được đánh giá là quốc gia thân thiện nhất với Trung Quốc trong EU: Đây là nơi đặt cơ sở sản xuất lớn nhất của Huawei bên ngoài Trung Quốc. Như NYT lưu ý, mối quan tâm chính của Thủ tướng Hungary Viktor Orban hiện là biến Hungary thành trung tâm sản xuất xe điện, pin và các hàng hóa công nghệ cao khác qua đầu tư từ Trung Quốc. 

NYT viết: "Chỉ trong hai năm qua, Trung Quốc đã cam kết đầu tư hơn 10 tỉ USD vào sản xuất ở Hungary, phần lớn liên quan đến sản xuất xe điện". Công ty BYD của Trung Quốc hồi tháng 12-2023 công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy lắp ráp ô tô ở Hungary, cơ sở sản xuất đầu tiên của họ ở châu Âu.

Về địa chính trị, chuyến thăm cho thấy ưu tiên của Bắc Kinh: Hungary là nước "bất đồng chính kiến" chính của EU.

Đánh giá chuyến công du, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi tại Đại học Quốc gia Matxcơva Alexey Maslov nói: 

"Điều quan trọng là Trung Quốc phải có nền tảng riêng ở Pháp, Hungary và Serbia, nơi Bắc Kinh có thể giải thích quan điểm của họ trong tất cả các vấn đề chính... Chuyến công du này là cơ hội để chứng tỏ rằng những ai có chung quan điểm với Trung Quốc đều có thể nhận được đầu tư từ Trung Quốc". 

Ảnh: Euro News

Ảnh: Euro News

Còn Đài Anh BBC bình luận: "Chuyến thăm của ông Tập cho thấy thế giới đã thay đổi hoàn toàn như thế nào trong một thời gian ngắn, phương Tây và phương Đông đã khác xa ra sao kể từ cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Trung Quốc đã chuyển đổi từ đối tác và đối thủ cạnh tranh thành đối thủ đe dọa an ninh của châu Âu".■

Siêu dự án Vành đai - con đường được Trung Quốc giới thiệu tại Kazakhstan vào mùa thu năm 2013, nhằm cải thiện và tạo ra các hành lang thương mại và vận tải mới, bộ hành lẫn hải hành, giữa các quốc gia Trung Á, châu Âu và châu Phi, góp phần phát triển quan hệ thương mại của họ với Trung Quốc.

Sáng kiến quy tụ gần 150 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế, cung cấp hơn 1 nghìn tỉ USD đầu tư. EU cho rằng dự án không quan tâm đúng mức đến "các chuẩn mực về môi trường và tiêu chuẩn xã hội, không bảo đảm tính minh bạch mỗi khi các cơ quan nhà nước gọi thầu".

Đây là những chuẩn mực mà EU luôn đòi hỏi trong hợp tác với Trung Quốc. Hoa Kỳ cảnh báo thông qua sáng kiến này, Trung Quốc sẽ dễ dàng "biến các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thành những con nợ lớn của Bắc Kinh".

Nga không trực tiếp tham gia dự án, nhưng nhìn chung ủng hộ. Năm 2015, Matxcơva và Bắc Kinh đã nhất trí về thỏa thuận liên kết việc xây dựng Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) với Vành đai - con đường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận