06/07/2019 07:56 GMT+7

Nam khoa ly kỳ truyện: Đau đầu nhất là các chị đi 'khám thay'... chồng

Bác sĩ  VÕ DUY TÂM
Bác sĩ VÕ DUY TÂM

TTO - Lại thân là bác sĩ nam khoa nhưng cũng không ít lần tiếp chuyện các chị. Mà đau đầu nhất là trường hợp các chị "đi khám thay" cho các anh chồng.

Nam khoa ly kỳ truyện: Đau đầu nhất là các chị đi khám thay... chồng - Ảnh 1.

Nam giới nên chủ động hiểu đúng để sống đúng, sống khỏe - Ảnh: NVCC

Trong suốt 2 năm công tác tại Trung tâm sức khỏe nam giới Men’s Health (TP.HCM), tôi - một bác sĩ 26 tuổi - đã gặp không ít những ca bệnh dở khóc dở cười và cả những bài học quý trên chặng đường làm nghề.

Nhớ hoài một anh ngoài 30 tuổi cứ than phiền dạo này thấy "xuống sức", lúc lâm trận thì... yếu dần đều. Nghe bạn bè rỉ tai, anh sốt sắng vung tiền tậu đủ loại đông trùng hạ thảo, cao sâm nhung, các bài thuốc dân gian... để khôi phục trạng thái sung mãn nhưng không mấy khả quan.

Tư vấn một hồi lâu, tôi mới phát hiện anh này chẳng có mấy vấn đề, chỉ là thường bận làm, bận nhậu, ngủ phần nhiều trong hơi men, vòng bụng ngày càng to, bỏ bê thói quen cầu lông, bóng đá thời trai trẻ, lai rai vài gói thuốc lá mỗi ngày. 

Lúc điều trị, tôi nói thẳng với anh: "Đừng mang tâm lý cứ chơi tới bến rồi lỡ có hề gì đã có bác sĩ, thuốc thang "chống lưng". Vậy thì không có bác sĩ nào cứu anh được, chỉ anh mới cứu anh được thôi".

Lại có bệnh nhân ngoài 50 tuổi mà nhìn tráng kiện như U40. Khám tổng quát, tầm soát từ trên xuống dưới mới phát hiện ra... ảnh không có bệnh gì hết! Ảnh vẫn "nhả đạn" đều đều, đời sống tình dục trọn vẹn. Hỏi thăm ảnh xem có biểu hiện bất thường không mà sao đi khám hoài, ảnh cười tươi rói: "Không có, tui khỏe re, giữ thói quen đi khám 3 tháng/lần cho chắc ăn, có tuổi rồi phải vậy!".

Ngoài đi khám định kỳ, ảnh ăn uống khá khoa học, tuần 3 bữa cầu lông, đi bộ, chạy bộ đều đặn, thỉnh thoảng dăm ba ly tình nghĩa với anh em, còn thuốc lá thì cự tuyệt. Đến đây, bác sĩ không dám nói gì thêm, trả bảng kết quả "sạch sẽ" cho ảnh và chào thân ái, cộng thêm một sự thèm thuồng nhẹ.

Thậm chí tôi còn thấy thẹn với lòng mình, ngẫm nghĩ: "Hay là nghỉ làm bác sĩ một thời gian, kiểm điểm lại bản thân cái đã". Bởi thân làm bác sĩ, chuyên đi khuyên người ta sống khoa học, thế mà tối tối vẫn nằm ngửa, tay đưa lên bụng, bóp bóp, vò vò mấy ký mỡ đã tích tụ khi nào chẳng hay.

Lại thân là bác sĩ nam khoa, nhưng cũng không ít lần tiếp chuyện các chị. Mà đau đầu nhất là trường hợp các chị "đi khám thay" cho các anh chồng. Các chị thường nài nỉ bác sĩ chỉ cách "dụ" chồng đi khám hoặc xin nêu triệu chứng rồi "lấy thuốc giúp" cho các anh. 

Có chị than phiền: "Sao ổng "nhanh quá", không mấy "nhiệt" như ngày nào... Chị ưu phiền nhiều nhưng không dám nói thẳng, sợ ảnh ngại. Gối chăn lạnh tanh, tình cảm phai dần, gia đình lục đục. Chị bí quá tâm sự thì ổng kêu... tại chị. Tại chị hông biết cách làm ổng "khỏe", chứ không phải là do bản thân ổng".

Có cặp chậm con cả chục năm, chị nhà đi kiểm tra, khám, chữa khắp các cơ sở, ở đâu cũng báo kết quả tốt. Chị nói chồng đi kiểm tra thử, chồng không chịu, khăng khăng rằng: "Tôi khỏe thế này mà bị cái gì, có bị là do cô bị thôi". 

Đến lúc các anh thử được cái tinh dịch đồ thì bàng hoàng nhận ra mình chỉ có dịch nhưng không có tinh hoặc giảm chất lượng, giảm số lượng tinh trùng quá nặng. Nhiều trường hợp đã quá muộn để điều trị. Lúc này mới thấy lòng tự tôn biến thành tự cao và chủ quan về sức khỏe thì không thể mang lại một mụn con nào.

Thế đấy, những mẩu chuyện nhỏ để thấy rằng có khá nhiều rào cản khiến cho những người mang tiếng là "phái mạnh" lại bỏ bê việc chăm sóc sức khỏe. Đầu tiên là rào cản tâm lý, đa số nghĩ "phải ăn chơi dữ lắm" mới "dính bệnh" hoặc về cơ bản là ta thấy khỏe, là đàn ông thì phải mạnh mẽ nên cần chi phải lo lắng.

Rào cản thứ 2 là thói quen, nhiều anh nghĩ rằng nam nhi đại trượng phu cứ ăn cứ chơi, không cần giữ sức, có gì thì có bác sĩ lo. Nghĩ vậy nên chỉ tìm đến bác sĩ lúc bệnh đã trở nặng. Những trường hợp đó, bác sĩ có hết mình cứu chữa cũng không thể khôi phục trạng thái "nguyên bản" được. 

Các anh nên chấp nhận rằng đi khám thường xuyên là cách tốt nhất để "test độ mạnh", nếu có dấu hiệu bớt mạnh thì còn tìm cách để "tút" lại độ mạnh kịp thời. Đồng thời, xây dựng lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, rèn luyện sức khỏe đều đặn là hết sức cần thiết.

Nam giới vốn là trụ cột của gia đình, trụ cột có khỏe mạnh thì gia đình mới vững chắc!

Nam khoa ly kỳ truyện: Đau đầu nhất là các chị đi khám thay... chồng - Ảnh 2.
​Khám nam khoa chất lượng cao ở đâu tại TP.HCM? ​Khám nam khoa chất lượng cao ở đâu tại TP.HCM?

Ngày nay, cuộc sống hiện đại nhiều áp lực cùng thói quen sinh hoạt không lành mạnh khiến cho nam giới gặp phải nhiều vấn đề tế nhị về sức khỏe sinh lý - sinh sản.

Bác sĩ VÕ DUY TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên