Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành kiểm tra Đảng, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyết - phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ông Nguyễn Văn Quyết cho biết ngày 16-10-1948, tại chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, với nhiệm vụ "đi xuống các khu xét xem chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu thập kinh nghiệm giúp trung ương bổ khuyết chính sách của Đảng".

Không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn - Ảnh 1.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, họp từ ngày 11 đến 19-2-1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, Ban Chấp hành Trung ương ra quyết nghị giao Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Thanh tra Chính phủ hợp nhất làm một - Ảnh: TTXVN

Khi thành lập, Ban Kiểm tra Trung ương chỉ có ba thành viên chuyên trách và một số cán bộ giúp việc thì đến nay đã có hàng vạn cán bộ trong ngành. 75 năm qua, ngành kiểm tra Đảng đã đưa ra ánh sáng, xử lý nhiều vụ việc nổi cộm, bức xúc trong dư luận, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, góp phần quan trọng trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn - Ảnh 2.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng - Ảnh: TTXVN

Không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn - Ảnh 3.

* Qua nửa nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, một khối lượng công việc rất lớn đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện. Ông có thể chia sẻ gì về những công việc này?

- Thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cấp đã quyết liệt kiểm tra, giám sát, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, có nhiều vụ việc khó, phức tạp, kịp thời xử lý và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Việc xử lý thực hiện theo đúng phương châm "không vùng cấm", "không ngoại lệ", "không hạ cánh an toàn", bất kể đó là ai, bảo đảm công minh, chính xác, "thấu tình đạt lý".

Kết quả này đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh, ngăn chặn suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân. Việc kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhất là khi có dấu hiệu vi phạm, đã có tác dụng cảnh báo, răn đe, kịp thời chấn chỉnh khuyết điểm, xử lý nghiêm tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.

Không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn - Ảnh 4.

Quang cảnh kỳ họp 31 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương - Ảnh: Ủy ban Kiểm tra Trung ương

* Trong bối cảnh mới, với sự xuất hiện của nhiều vấn đề, vụ việc phức tạp, công tác kiểm tra của Đảng đã thực sự đổi mới, theo kịp đòi hỏi của thực tế, thưa ông?

- Thời gian qua đã có những đổi mới mạnh mẽ trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng cũng như công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung.

Trước hết, đó là bước tiến mới về nhận thức, quyết tâm chính trị của các cấp lãnh đạo, nhất là vai trò người đứng đầu Đảng là Tổng bí thư. Từ đó, phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Bên cạnh đó là sự chủ động phát hiện, xem xét, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, dù bất kể người đó là ai, xử lý cả hành vi vi phạm và bao che cho vi phạm, can thiệp, cản trở...

Không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn - Ảnh 5.

Thực tế, thời gian qua, nhất là từ nhiệm kỳ khóa XII đến nay đã xử lý rất nhiều cán bộ, kể cả lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và nhiều tướng lĩnh trong quân đội, công an…

Việc xử lý vi phạm được thực hiện đồng bộ giữa các cơ quan kiểm tra của Đảng với các cơ quan pháp luật, giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự.

Ở đây có tính chủ động của việc kiểm tra, giám sát của Đảng khi đi trước một bước trong các trường hợp cụ thể; không chờ đợi kết quả của các cơ quan chức năng, thậm chí tạo tiền đề, có tính chất "mở đường" cho các cơ quan chức năng vào cuộc.

Sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của ủy ban kiểm tra cấp trên với ủy ban kiểm tra cấp dưới, tạo đồng bộ giữa trên và dưới, giúp kết quả kiểm tra, giám sát ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn cũng là nội dung đổi mới trong thời gian qua.

Không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn - Ảnh 6.

Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng cho cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát tại các đảng ủy trực thuộc Đảng bộ khối, sáng 29-3-2023 - Ảnh: TTXVN

Việc giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề cũng được tăng cường, nhất là nâng cao về chất các cuộc giám sát chuyên đề, tập trung vào những vấn đề lớn, nhạy cảm dễ phát sinh vi phạm để kịp thời phát hiện vi phạm khi mới manh nha, khắc phục sửa chữa ngay, tránh thành vi phạm lớn, nghiêm trọng dẫn đến phải xử lý.

Các cuộc giám sát chuyên đề của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện vừa qua đã chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế của các đơn vị, tổ chức, cá nhân khi được giám sát và cơ bản sau giám sát đã được nghiêm túc sửa chữa khắc phục. Ví dụ như giám sát một số bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, một số ban thường vụ tỉnh ủy, ban cán sự đảng UBND tỉnh…

Một nội dung nữa cũng được Ủy ban Kiểm tra Trung ương rất quan tâm thực hiện và chỉ đạo trong thời gian qua, đó là coi trọng thực hiện các thông báo kết luận được ban hành sau các cuộc kiểm tra, giám sát. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, nhất là các nội dung liên quan đến việc khắc phục tồn tại, hạn chế, vi phạm khuyết điểm, khắc phục về vật chất, thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát, lãng phí và sửa đổi bổ sung các quy định còn chưa chặt chẽ, chồng chéo, thậm chí trái quy định… đã được chỉ ra qua kiểm tra, giám sát.

Ngoài ra, còn có nhiều đổi mới theo hướng quyết liệt, quyết tâm hơn trong phương pháp, cách làm, trong lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý các vụ việc… Chính những nội dung đổi mới quan trọng này đã góp phần giúp công tác kiểm tra, giám sát đạt các kết quả tốt như thời gian vừa qua.

Không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn - Ảnh 7.

* Khi vào cuộc các vụ việc liên quan đến các cán bộ cấp cao hay các vấn đề nhạy cảm, rất phức tạp như vụ Việt Á, "chuyến bay giải cứu", Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp gặp những khó khăn gì?

- Đây là những vi phạm rất lớn, rất nghiêm trọng. Ở đây có những khó khăn chung của công tác kiểm tra, giám sát. Trong đó, do mặt trái của cơ chế thị trường và nhiều nguyên nhân khác dẫn tới các vi phạm phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, nhiều địa phương, đơn vị. Các vụ việc này đều liên quan đến cán bộ cấp cao, nhiều ngành, nhiều cấp; có những việc vi phạm rất tinh vi, cấu kết giữa doanh nghiệp tư nhân với cán bộ, lãnh đạo thoái hóa, biến chất…

Các lĩnh vực này đều rất phức tạp, trong khi đòi hỏi của công tác kiểm tra, xử lý cần khẩn trương, kịp thời và đây cũng là những việc dư luận đặc biệt quan tâm.

Không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn - Ảnh 8.

6 tháng đầu năm 2023, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thực hiện kiểm tra và kết luận 16 tổ chức đảng và 29 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm đến mức phải xử lý kỷ luật; đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật 4 tổ chức đảng và 7 đảng viên... Trong ảnh: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty CP Tiến Bộ Quốc tế - AIC) và 35 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan - Ảnh: TTXVN

Các cán bộ vi phạm cơ bản đều là người có chức vụ, nhiều người có chức vụ cao, có cả lãnh đạo cấp cao, trải qua nhiều vị trí, có bề dày kinh nghiệm, có những đối phó tinh vi, che giấu, bảo vệ cho nhau… Cho nên quá trình kiểm tra, đấu tranh, phát hiện, làm rõ gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, các vụ việc này đều được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, liên tục và Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc kịp thời, với quyết tâm rất cao, việc kiểm tra, xử lý đã làm nghiêm minh.

Kết quả xem xét kỷ luật các tổ chức đảng, cá nhân vi phạm nhận được sự ủng hộ, đồng tình của dư luận và được thông báo rộng rãi thời gian qua, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn - Ảnh 9.

* Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí của mình và kỷ luật không phải cứ xử nặng là tốt, mà phải làm kiên trì, bền bỉ, nhân văn, thấu tình đạt lý. Tinh thần này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện thế nào?

- Kể từ khi thành lập Đảng, công tác kiểm tra, giám sát đã thể hiện rõ tinh thần nhân văn, nhân ái. Phương châm của việc kiểm tra, giám sát là giáo dục, phòng ngừa là chính, chứ không phải chỉ để xử lý kỷ luật thật nặng khi vi phạm. Ngay trong các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật cũng đều có tình tiết giảm nhẹ nếu đối tượng vi phạm thành khẩn, hối lỗi, khắc phục vi phạm.

Tuy nhiên, nếu có vi phạm vẫn phải xử lý nghiêm và việc này cũng nhằm mục đích chính để giáo dục, phòng ngừa. Đến giai đoạn hiện nay, phương châm này càng được thể hiện rõ nét hơn, đúng như tinh thần Tổng bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh.

Không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn - Ảnh 10.

Trong những trường hợp cụ thể được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý thời gian qua như vụ Việt Á, "chuyến bay giải cứu", đã có chủ trương phân hóa xử lý chủ yếu đối với những người cầm đầu, chủ mưu, lãnh đạo, chỉ đạo gây hậu quả nghiêm trọng. Có tiêu cực, suy thoái, nhận tiền hối lộ, vụ lợi thì phải xử lý nghiêm. Còn trường hợp không có tiêu cực, vụ lợi, làm theo chức trách, nhiệm vụ của mình mà vi phạm thì xem xét giảm nhẹ.

Cá biệt có những trường hợp làm theo chỉ đạo của cấp trên mà không vụ lợi và có thái độ thành khẩn, tích cực khắc phục hậu quả thì có thể xem xét miễn xử lý kỷ luật nếu đã xử lý kiểm điểm nghiêm túc.

Không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn - Ảnh 11.

Phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: HÙNG ANH

Hay như trong vi phạm tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), ông Quách Cường (phó bí thư thường trực Đảng ủy, ủy viên hội đồng quản trị) và bà Hồ Mỹ Hòa (ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, ủy viên hội đồng quản trị, giám đốc phòng tài chính Saigon Co.op) có vi phạm, khuyết điểm đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật. Tuy nhiên hai cán bộ này đã thẳng thắn đấu tranh đối với các vi phạm, khuyết điểm của ông Diệp Dũng (bí thư Đảng ủy, chủ tịch hội đồng quản trị), đồng thời chủ động, kịp thời báo cáo với các cơ quan chức năng và trong quá trình kiểm tra, kiểm điểm đã cầu thị, nghiêm túc, tự giác nhận vi phạm, khuyết điểm, tự nhận hình thức kỷ luật.

Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định không thi hành kỷ luật đối với cán bộ này. Điều đó thể hiện tính nhân văn và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đấu tranh.

* Nhiều người băn khoăn đáng lẽ công tác kiểm tra Đảng càng làm mạnh, nghiêm thì sai phạm càng giảm, nhưng thực tế cho thấy một số vụ việc gần đây còn lớn hơn trước, quy mô rộng hơn, liên quan nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao. Chúng ta cần nhìn nhận thế nào và có giải pháp gì trước thực tế này?

- Đây chính là vấn đề Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trong cuốn sách về công tác phòng, chống tham nhũng xuất bản mới đây: Tại sao chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm như vậy mà sai phạm vẫn cứ tiếp diễn?

Tổng bí thư cũng đặt câu hỏi có phải do cơ chế, chính sách, pháp luật còn lỏng lẻo, do công tác tổ chức thực hiện chưa nghiêm? Do công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý chưa kịp thời, kiên quyết, cơ chế kiểm soát quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn không hiệu quả? Hay do công tác quản lý, giáo dục đạo đức, liêm chính cho cán bộ, đảng viên của chúng ta làm chưa tốt, chưa đến nơi đến chốn?

Không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn - Ảnh 12.

Bị cáo Chử Xuân Dũng - cựu phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - tại phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: NAM ANH

Tổng bí thư khẳng định điều này đòi hỏi "hãy nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật" để chỉ ra các nguyên nhân và tìm ra những giải pháp khắc phục hữu hiệu.

Ở đây cần nhận thức rõ chính mặt trái của cơ chế thị trường, mặt trái của sự phát triển khoa học, công nghệ, thông tin… và một số yếu kém, chậm hoàn thiện trong thể chế, quy định, quản lý chưa chặt chẽ của chúng ta, đồng thời với bối cảnh quốc tế, sự tác động của các thế lực phản động, thù địch, dẫn đến việc xuất hiện và gia tăng nhiều loại tội phạm, vi phạm mới, vi phạm phức tạp, nghiêm trọng hơn, quy mô lớn hơn, tinh vi, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành.

Nhiều vi phạm mang tính chất lợi ích nhóm, câu kết theo chuỗi, thậm chí có sự tiếp tay của những người có chức, có quyền, thoái hóa, biến chất gây khó khăn, trở ngại cho việc kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xử lý...

Đặc biệt, tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng như Đảng nhận định vẫn còn nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực ngày càng bộc lộ rõ nét, diễn biến phức tạp…

Không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn - Ảnh 13.

Các đồng chí: Nguyễn Văn Nên - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM; Trần Văn Rón, ủy viên Trung ương Đảng, phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Võ Văn Cương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên phó bí thư Thường trực Thành ủy; Dương Ngọc Hải, ủy viên Ban Thường vụ, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM ôn lại truyền thống của Ban Kiểm tra Đảng Trung ương Cục miền Nam và quá trình xây dựng nhà bia tưởng niệm - Ảnh: Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Những vi phạm này, tình trạng này chưa thể khắc phục ngay trong một thời gian ngắn, đòi hỏi công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải tiếp tục được tăng cường, tiến hành thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, nhằm xây dựng Đảng ngày càng trong sạch.

Cũng cần nói thêm, việc xử lý thời gian qua đã bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, đã có chuyển biến, tác dụng răn đe, phòng ngừa rõ nét, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Vì vậy, điều quan trọng với công tác kiểm tra, giám sát là cần làm quyết liệt, mạnh mẽ, tăng cường hơn. Đồng thời phải có sự vào cuộc kịp thời, phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, vi phạm nghiêm trọng, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện thật tốt các giải pháp phòng ngừa vi phạm, tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta đã chỉ ra.

Không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn - Ảnh 14.
NGỌC HÀ - THÀNH CHUNG thực hiện
NGUYỄN KHÁNH
NGỌC THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên