03/05/2024 13:30 GMT+7

AstraZeneca thừa nhận vắc xin có thể gây cục máu đông, hàng triệu người Việt đã tiêm có đáng lo?

Lần đầu tiên AstraZeneca thừa nhận vắc xin COVID-19 của hãng có thể gây cục máu đông, nói đây là tác dụng phụ hiếm gặp. Nhiều người ở Việt Nam đã tiêm loại vắc xin này, có đáng lo ngại?

Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca - Ảnh: REUTERS

Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca - Ảnh: REUTERS

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 3-5, ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết khi đưa vắc xin COVID-19 AstraZeneca vào tiêm chủng, Việt Nam cũng đã rất thận trọng; hãng dược cũng có cảnh báo về những nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ.

"Khi bắt đầu tiêm chủng vắc xin COVID-19, ban đầu chỉ được tổ chức tại bệnh viện nhằm đảm bảo an toàn, xử lý kịp thời nếu có tác dụng phụ nguy hiểm. Bộ Y tế cũng đưa ra những quy trình tiêm chủng nghiêm ngặt, giám sát tiêm chủng và theo dõi sức khỏe sau tiêm chủng.

Người dân trước tiêm chủng được nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe và theo dõi sau tiêm. Sau này, quá trình theo dõi cho thấy nguy cơ phản ứng nguy hiểm sau tiêm ít nên quy trình tiêm được điều chỉnh, địa điểm tiêm cũng mở rộng hơn", ông cho hay.

Ông cũng nhấn mạnh: "Hầu hết mọi người đã tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19 cách đây nhiều năm, hiện cũng đã hết tác dụng. Do đó, cũng không cần quá lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến đông máu".

Ông Phạm Quang Thái - trưởng văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cũng đề nghị người dân không nên quá hoang mang trước thông tin về tác dụng phụ của vắc xin AstraZeneca.

Theo ông Thái, thực tế trong thời gian đầu vắc xin AstraZeneca được triển khai tiêm chủng ở các nước châu Âu, người ta đã nhận thấy một tỉ lệ nhất định người sau tiêm có hiện tượng xuất hiện huyết khối (cục máu đông).

Do đó, Ủy ban Dược châu Âu đã ngừng tiêm chủng để tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, kết quả cho thấy sự chênh lệch về tỉ lệ người bị huyết khối trước và sau khi triển khai chiến dịch tiêm chủng là rất thấp và gần như không có ý nghĩa thống kê.

Ngoài ra, cộng đồng châu Âu có tỉ lệ huyết khối tự nhiên cao nếu so với các cộng đồng khác, đặc biệt là châu Á.

"Tại Việt Nam đã có hàng chục triệu liều vắc xin của AstraZeneca được tiêm chủng nhưng chỉ mới ghi nhận một vài trường hợp có phản ứng phụ liên quan đến huyết khối sau tiêm. Đây là một tỉ lệ vô cùng thấp. Do đó, hiện vẫn chưa có khuyến cáo những người tiêm vắc xin có nguy cơ huyết khối cao hơn so với những người không tiêm.

Bên cạnh đó, vấn đề huyết khối đã ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm vắc xin. Trong khi đó, vắc xin COVID-19 của AstraZeneca đã được tiêm chủng tại Việt Nam khá lâu và đến nay không ghi nhận thêm bất cứ trường hợp nào có phản ứng bất lợi sau tiêm. Do đó, người dân đã tiêm vắc xin không nên hoang mang, lo lắng về tác dụng phụ của vắc xin", ông Thái khuyến cáo.

AstraZeneca: Cục máu đông là tác dụng phụ hiếm gặp

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin trước đó, theo báo Telegraph, lần đầu tiên trong tài liệu tòa án, AstraZeneca thừa nhận vắc xin COVID-19 của hãng này có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp, gây cục máu đông.

Ông lớn dược phẩm này đang bị kiện trong một vụ kiện tập thể, khi các nguyên đơn cáo buộc vắc xin COVID-19 mà AstraZeneca hợp tác phát triển cùng Đại học Oxford đã gây ra hàng chục ca tử vong và thương tật nghiêm trọng.

Luật sư của bên nguyên đơn cho rằng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca có tác dụng phụ, và điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số gia đình.

Nguyên đơn đầu tiên trong vụ kiện là ông Jamie Scott, một ông bố hai con. Sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca vào tháng 4-2021, ông đã bị tổn thương não vĩnh viễn khi một cục máu đông hình thành và bị chảy máu não.

AstraZeneca phản đối các cáo buộc, nhưng trong một tài liệu pháp lý đệ trình lên Tòa án tối cao (Anh) vào tháng 2-2024 liên quan vụ kiện của ông Scott, công ty này thừa nhận vắc xin COVD-19 của mình "có thể, trong những trường hợp rất hiếm, gây ra huyết khối với hội chứng giảm tiểu cầu (TTS)", và nguyên nhân dẫn đến điều này vẫn chưa được biết đến.

"Hơn nữa, TTS cũng có thể xảy ra khi không có vắc xin AstraZeneca (hoặc bất kỳ loại vắc xin nào). Để biết nguyên nhân trong bất kỳ trường hợp của bất kỳ cá nhân nào, cần có bằng chứng chuyên môn", tài liệu này viết thêm.

Thụy Sĩ tiêu hủy vắc xin COVID-19 nhiều hơn sử dụngThụy Sĩ tiêu hủy vắc xin COVID-19 nhiều hơn sử dụng

Kể từ khi bắt đầu đại dịch, Thụy Sĩ đã tiêu hủy 18,6 triệu liều vắc xin COVID-19 hết hạn sử dụng, nhiều hơn mức 17 triệu liều đã được tiêm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên