Ý nghĩa kinh tế của một giải marathon

ĐINH HUỲNH LINH 10/09/2022 16:08 GMT+7

TTCT - Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh là một runner tiếng tăm trong làng chạy Việt Nam. Lâu nay, những bài viết của anh về tim mạch chạy bộ được cộng đồng chạy bộ đón nhận nhiệt tình. Lần này, anh gởi đến TTCT một bài viết về marathon, nhưng mà là nói chuyện kinh tế.


Ý nghĩa kinh tế của một giải marathon - Ảnh 1.

Đinh Huỳnh Linh tại Giải Marathon New York. Ảnh: nhân vật cung cấp

Số lượng vận động viên chạy Giải Marathon New York (NYC) đã gia tăng chóng mặt kể từ giải đầu tiên năm 1975. Với trên 50.000 người, đây là giải marathon hoành tráng nhất thế giới. Cùng với số người tham gia là phí đăng ký, từ 1 USD vào năm 1975 đã lên 360 USD năm 2019. 

Khi thẻ tín dụng bị trừ tiền, bạn thậm chí còn ăn mừng. Nhu cầu quá cao nên ban tổ chức phải tiến hành bốc thăm, với xác suất mua được vé chạy cỡ 1/15, nghĩa là thấp hơn xác suất trúng tuyển nhiều đại học tiếng tăm.

Tốt cho tim, tốt cho kinh tế

Năm 2020, giải bị hủy vì COVID-19. Điều này được đích thân thị trưởng New York công bố trong một cuộc họp báo, cho thấy vị trí quan trọng của sự kiện thể thao này. Tháng 11-2021, giải được tổ chức trở lại ngay khi tình hình tạm ổn. Với chính quyền, giải xứng đáng được coi như một hoạt động "thiết yếu".

7 trong 15 giải marathon lớn nhất trên thế giới là ở Mỹ, và NYC là lớn nhất. Năm 2014, có 50.530 người hoàn thành đường chạy. Họ không tới New York một mình. Ước tính khoảng 260.000 du khách ghé thành phố trong tuần lễ diễn ra sự kiện, mang lại doanh thu từ bán hàng và tiền thuế lên tới 22,2 triệu USD. 

Hãng tin Bloomberg đánh giá tác động kinh tế của giải đấu năm 2014 vào khoảng 415 triệu USD, tăng 70% so với 2006. Bloomberg nhẹ nhàng bình luận: "Marathon tốt cho sức khỏe tim mạch cũng như sức khỏe kinh tế".

Hơn một triệu khán giả đã ra đường cổ vũ cho các vận động viên trong ngày thi đấu, biến NYC thành một ngày hội ngập tràn phấn khích. Khi người viết tham gia giải chạy, ngay cả những nhân viên Sở Cảnh sát New York cũng đứng nhún nhảy ở các ngã tư mà họ được phân công túc trực và làm động tác giơ ngón tay cái lên động viên rất Mỹ.

Thăm dò trên tạp chí dành cho dân chạy bộ cho thấy đám đông của NYC xếp đầu bảng trong các giải marathon lớn. Đường chạy NYC, được thiết kế khéo léo xuyên qua cả năm quận nội đô Staten Island, Brooklyn, Bronx, Queens và Manhattan, trước khi kết thúc ở Công viên Trung tâm nổi tiếng, cũng được đánh giá đẹp và hấp dẫn nhất. Nếu một người chỉ dự định chạy duy nhất một giải marathon thì đó sẽ là NYC.

Giải marathon đấy không chỉ là sự kiện thể thao, nó dần trở thành di sản văn hóa của thành phố, thậm chí là cả quốc gia. Sau sự kiện khủng bố 11-9-2001, hashtag #unitedwerun (đoàn kết cùng chạy) của NYC đã trở thành thông điệp đoàn kết nước Mỹ. 

Tương tự, 10 năm sau, hashtag #bostonstrong (Bostson mạnh mẽ) trở thành biểu tượng cho sự kiên cường của thành phố Boston sau vụ khủng bố đánh bom ngay vạch đích ở Giải Boston Marathon 2013. Hàng triệu người đã sử dụng hashtag này khi quay lại Boston năm 2014 để chạy bộ, hoặc đứng bên đường cổ vũ cho các vận động viên, bất chấp những gì xảy ra năm trước.

Miếng bánh ngào đường

Người Mỹ rất thực tế, di sản vật thể hay phi vật thể thì tốt thôi, nhưng phải bẻ ra cắn được, như Big Apple (Trái táo lớn, biệt danh của thành phố New York) còn thơm hơn táo thật. Tuần lễ marathon là miếng cơm manh áo của anh bán hàng rong ở Quảng trường Thời đại, chị chủ khách sạn, cô diễn viên Broadway, hay cả bác nhân viên thuế vụ... 

Tiền bạc từ giải chạy thật sự được "xã hội hóa", là miếng bánh ngào đường mà 20 triệu dân New York ai cũng có phần. Một người bạn của tôi kể, khi lên toa tàu điện ngầm đông đúc với tấm huy chương hoàn thành cuộc đua, anh đã được mọi người nhường chỗ: "They treat you like rock stars" (Bạn được trọng vọng như ngôi sao nhạc rock).

Ban tổ chức giải chạy là New York Road Runners (NYRR). Khởi đầu năm 1958 chỉ là một nhóm nhỏ những người yêu chạy bộ, NYRR giờ đã là cả một đế chế kinh doanh. Mỗi năm họ tổ chức khoảng 50 giải chạy lớn nhỏ quanh khu vực New York, tạo ra doanh thu trước thuế năm 2019 (trước COVID-19) lên tới 115 triệu USD, tăng 17% so với năm 2018.

NYRR đã trở thành chuẩn mực về sự chuyên nghiệp cũng như tiếp thị bài bản trong giới chạy bộ, từ thông tin về giải đấu, app trên điện thoại cho tới cách thiết kế đường chạy và bố trí không gian cho hàng chục ngàn người chạy cùng lúc. 

Với "sứ mệnh tạo dựng cảm hứng qua hoạt động cộng đồng" như tự giới thiệu, mỗi năm NYRR còn gây quỹ từ thiện hàng chục triệu USD. Tìm kiếm hastag #itwillmoveyou (Bạn sẽ lay động), bạn sẽ được chia sẻ rất nhiều câu chuyện cảm động về chạy bộ và ý nghĩa của chạy bộ với cuộc sống.

50.000 người đổ ra đường cùng một thời điểm, với cùng một cảm xúc, làm cùng một công việc - hiếm hoạt động cộng đồng nào có nhiều người tự nguyện tham gia đến thế. 

Nhiều người trong đó tới New York không chỉ để thăm tượng Nữ thần Tự do, ngắm lá đỏ ở Công viên Trung tâm vào tháng 11, hay nghe Ella Fitzerald hát "Autumn in New York, Why does it seem so inviting?" (Nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên New York (?), mà còn để trải nghiệm cảm giác đôi chân tê rần xuyên qua những cây cầu, những con phố trong tiếng gào thét cổ vũ hân hoan. Khó thể kỳ vọng ở sự hưởng ứng lớn như vậy từ cộng đồng chạy bộ và cư dân ở bất kỳ đâu.

Nói thêm, NYC không có thời gian chốt đường, nghĩa là đường chạy cấm tuyệt đối phương tiện giao thông đến khi người cuối cùng về đích. Việc đóng kín hoàn toàn nhiều tuyến phố (thường là từ 7h sáng tới gần nửa đêm) ở một đô thị bận rộn và đông đúc như New York là bằng chứng thuyết phục nhất về sự ưu ái cho sự kiện này.

Người viết bài còn nhớ có giải marathon ở một thành phố Việt Nam đã phải nghe những lời phàn nàn không hay khi đường chạy chắn ngang hàng quán của cư dân buổi sáng. Điều này cũng hợp lý thôi, ai có thể vui được khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng? 

Hy vọng rằng theo thời gian và sự lớn mạnh của cộng đồng chạy bộ, mỗi giải marathon sẽ không đem đến sự phiền nhiễu nữa, mà thay vào đó là niềm vui và lợi ích, không chỉ cho dân chạy bộ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận