20/04/2024 16:09 GMT+7

Vụ 'mẹ đến trường tát cô giáo': Phải chăng nhà giáo đang bị xem thường?

Nhiều ý kiến tranh luận xung quanh câu chuyện "Con học lớp 1 bị cô giáo đánh, mẹ đến trường tát cô giáo". Trong đó, phần lớn đề nghị xử mạnh tay mới ngăn chặn được bạo lực học đường.

Phụ huynh vào trường tát cô giáo rồi đăng tải lên mạng xã hội - Ảnh cắt từ clip

Phụ huynh vào trường tát cô giáo rồi đăng tải lên mạng xã hội - Ảnh cắt từ clip

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin: Ngày 2-4, tại Trường tiểu học và THCS Tân Bình thuộc điểm Cây Sao, xã Tân Bình, Tân Thạnh, tỉnh Long An xảy ra việc cô N. dùng thước đánh một học sinh lớp 1 vì em này không chịu làm phép tính trong tiết toán.

Đánh xong, cô N. thấy mình đã sai nên liên hệ phụ huynh để xin lỗi.

Tuy nhiên sau giờ học, mẹ em H. cùng hai người nữa đã đến trường với thái độ rất hung dữ. Mẹ của H. đã đánh cô N. một tát. Hai người đi cùng cũng định đánh cô giáo tiếp nhưng được hiệu trưởng và các giáo viên khác ngăn lại.

Sau đó, cô N. đã bị kỷ luật khiển trách, điều chuyển sang trường khác.

Phụ huynh làm, học sinh "chịu"

Và đây không phải lần đầu tiên xảy ra câu chuyện phụ huynh đến trường tấn công cô giáo.

Năm 2018 tại tỉnh An Giang từng xảy ra việc vì con trai méc bị bạn cùng lớp đánh, một phụ huynh đã xông vào phòng học tát cô giáo chủ nhiệm khi cô từ chối yêu cầu gặp phụ huynh của em học sinh đã đánh con ông.

Xâu chuỗi lại vụ việc, bạn đọc Ba Saigon viết: "Chẳng trách tại sao ngày càng có nhiều trẻ em hư hỏng và ảnh hưởng đến nền giáo dục. Ngay các nước Mỹ, Pháp... họ còn cho phép giáo viên được đánh đòn học sinh với điều kiện nhất định như kích thước roi bao nhiêu, trong trường hợp nào... chứ không phải học đòi cào bằng".

Còn theo bạn đọc Tiên thì: "Nếu bạn nhỏ đi học mà không có sự tôn kính, ngưỡng mộ thầy cô thì về mặt kiến thức, bạn sẽ không học được gì và về mặt con người, bạn không có được lòng biết ơn. Cả đời bạn khổ".

Ngoài ra, theo bạn đọc này, bênh con như những phụ huynh nói trên còn dẫn đến hậu quả khác, đó là: Các bạn "cạch" em học sinh đó, dùng những lời không hay nói về em hay phụ huynh của em, đó sẽ là những tổn thương tâm lý khó có thể phai mờ.

Theo nhiều bạn đọc, phụ huynh vì việc nhỏ mà đánh cô giáo thì không chấp nhận được.

Bạn đọc Đảm Ý nhắc lại: "Năm 2018 đã có vụ việc phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi chỉ vì cô phạt học trò quỳ trên ghế. Vụ việc gây hoang mang dư luận cả nước".

Để giải quyết vấn đề một cách êm đẹp, ổn thỏa hơn, bạn đọc Đảm Ý gợi ý: "Chuyện cô giáo lấy thước đánh học trò tôi nghĩ không quá nghiêm trọng, có gì trao đổi với cô giáo, với ban giám hiệu là được".

Động tay động chân ở môi trường giáo dục là sai

Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có những bạn đọc xem xét ở góc độ nguyên nhân ban đầu của sự việc. Bạn đọc Nga cho rằng: "Đánh trẻ em là cô sai rồi".

Tương tự, bạn đọc Phuong: "Cô giáo có lỗi nhưng cách hành xử của phụ huynh không thể chấp nhận được".

Bạn đọc Hừng Đông kết luận: "Đây cũng là bài học cho ngành giáo dục. Cần nghiêm khắc quản lý giáo viên. Lập đường dây nóng tố cáo hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo và phải phạt tiền theo nghị định 04/2021/NĐ-CP để chế tài, chấn chỉnh giáo viên.

Có như vậy xã hội ta mới văn minh và không còn mầm mống bạo lực học đường. Rất buồn khi xã hội ta còn rất nhiều người cổ xúy và ủng hộ giáo viên đánh trẻ dù pháp luật đã nghiêm cấm".

Qua các ý kiến bình luận, một số bạn đọc cho rằng để không còn xảy ra bạo lực học đường, ai sai tới đâu thì phải xử lý đến đó.

Bạn đọc Anh Vũ kiến nghị: "Mong cơ quan chức năng xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội".

Cùng quan điểm, bạn đọc Hùng nêu: "Xem xét cả hai, cô giáo sai xử lý cô giáo, phụ huynh sai xử lý phụ huynh và những người hùa theo. Giám định thương tích khởi tố phụ huynh vi phạm pháp luật".

Bạn đọc Nguyễn Duy Anh đề nghị: "Tôi đề nghị chính quyền vào cuộc để xử lý vụ việc cho công bằng. Xưa nay Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo, vậy mà phụ huynh vì một sai lầm nhỏ lại tát cô giáo trước mặt bao nhiêu học trò khác, hệ lụy này sẽ thành hình ảnh xấu trong bao con mắt và suy nghĩ của tất cả các học sinh khi đó".

Góp thêm góc nhìn, bạn đọc Lê Văn Vinh chua chát: "Đến giờ tôi mới hiểu ra, vì sao giáo viên bây giờ họ bỏ nghề nhiều như vậy. Không phải vì lương thấp mà vì họ không còn được coi trọng trong xã hội, vì họ bất lực với cách giáo dục hiện nay, nếu sơ hở sẽ bị kỷ luật, bị giảm biên chế, còn học sinh thì cứ thế ngày càng không sợ thầy cô".

Huyện yêu cầu công an xem xét việc mẹ học sinh tát cô giáoHuyện yêu cầu công an xem xét việc mẹ học sinh tát cô giáo

Huyện đã yêu cầu công an xem xét xử lý phụ huynh xông vào trường tát cô giáo, sau khi đã xử lý hành vi cô giáo đánh học sinh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên