23/04/2023 18:06 GMT+7

Vì sao nhiều ngân hàng muốn đổi tên giống mã chứng khoán?

LienVietPostBank muốn đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh thành LPBank, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) muốn đổi tên viết tắt thành BVBank.

Vì sao nhiều ngân hàng muốn đổi tên giống mã chứng khoán? - Ảnh 1.

Ngân hàng của bầu Thụy muốn đổi tên viết tắt thành LPBank - Ảnh: A.H.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 được tổ chức vào hôm nay, 23-4, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã trình các cổ đông xem xét việc đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh của ngân hàng từ LienVietPostBank thành LPBank.

Ngân hàng cho biết: tên viết tắt, tên viết tắt bằng tiếng Anh chính thức là "LienVietPostBank" đã được sử dụng từ năm 2011 đến nay trên tất cả các văn bản pháp lý và kênh truyền thông.

Tuy nhiên tên cũ có nhược điểm là quá nhiều ký tự, khó phát âm, khó nhớ dẫn đến khó nhận biết, hiệu ứng truyền thông không cao. Đồng thời xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay là sử dụng tên viết tắt dưới dạng rút gọn nhất có thể.

Do vậy LienVietPostBank muốn đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh của ngân hàng từ LienVietPostBank thành LPBank để dễ đọc, dễ nhớ, hiệu ứng truyền thông cao hơn.

Không chỉ LienVietPostBank, nhiều ngân hàng khác cũng muốn đổi tên viết tắt.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng dự kiến trình cổ đông thông qua việc thay đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh thành "BVBank".

Mục đích nhằm đơn giản hóa và dễ gọi trong việc phát âm tên viết tắt của ngân hàng, thuận tiện hơn trong truyền thông và giao dịch với khách hàng, phù hợp với mã giao dịch chứng khoán "BVB".

Trước đó, năm 2021, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank - KLB) cũng muốn đổi tên viết tắt thành "KSBank".

Đại hội cổ đông Kienlongbank cũng đã thông qua phương án này, tuy nhiên sau đó Ngân hàng Nhà nước không chấp thuận. Sau đó, ngân hàng này đã quyết định chấm dứt việc thay đổi tên viết tắt, tiếp tục sử dụng tên Kienlongbank.

Trước đó, nhiều ngân hàng khác đã từng đổi tên gọi hoặc tên viết tắt như: Ngân hàng Công thương Việt Nam đổi tên viết tắt thành VietinBank, thay thế tên cũ IncomBank. 

VPBank đổi tên gọi từ Ngân hàng thương mại cổ phần Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thành Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng, HDBank đổi tên từ Ngân hàng Phát triển nhà TP.HCM thành Ngân hàng Phát triển TP.HCM.

Navibank đổi tên thành Ngân hàng Quốc Dân, Ngân hàng Đông Á đổi tên viết tắt từ EAB thành DongA Bank, TrustBank đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (CBBank). Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Miền Tây đổi tên thành Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank), sau đó Western Bank và Tổng công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVFC) đã tiến hành hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank).

Báo cáo tại đại hội, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank - ông Nguyễn Đức Thụy cho biết năm 2022, ngân hàng đã hoàn thành được nhiều chỉ tiêu mà cổ đông giao, trong đó lợi nhuận trước thuế đạt 5.690 tỉ đồng, tăng 56% so với năm 2021, vượt 19% kế hoạch.

Đại hội đã nhất trí phương án tăng vốn điều lệ lên 28.676 tỉ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài và phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

LienVietPostBank sẽ chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu lên tới 19%. LienVietPostBank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 là 6.000 tỉ đồng, tăng 11% so với năm trước.

Đại hội cũng đã bỏ phiếu bầu hội đồng quản trị và ban kiểm soát nhiệm kỳ IX (2023 - 2028). Hội đồng quản trị mới gồm: ông Nguyễn Đức Thụy, ông Huỳnh Ngọc Huy, ông Lê Hồng Phong, ông Nguyễn Văn Thùy, ông Lê Minh Tâm, ông Hồ Nam Tiến và ông Bùi Thái Hà. Ban kiểm soát mới gồm: bà Dương Hoài Liên, ông Trần Thanh Tùng, bà Nguyễn Thị Lan Anh và ông Nguyễn Phú Minh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên