04/05/2024 14:25 GMT+7

Phải làm gì đó khi giá cả nhấp nhổm

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 4 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nhận định của giới chuyên gia, từ đầu năm đến nay đồng Việt Nam mất giá 4,3 - 4,4%.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người dân mua sắm tại siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong thực tế, người dân đối diện nhiều khó khăn: hàng loạt mặt hàng đã tăng giá mạnh làm ảnh hưởng sức chi tiêu.

Giá thực phẩm tăng ảnh hưởng bữa cơm hằng ngày. Giá xăng dầu cũng tăng (từ đầu năm đến nay xăng Ron95 tăng gần 14%, từ 22.000 đồng lên 25.000 đồng/lít).

Giá điện sau hai lần tăng trong năm 2023, Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị điều chỉnh tăng trong năm 2024. Giá nguyên vật liệu đầu vào cũng ở mức cao.

Nhận định tình hình, GS.TSKH Võ Đại Lược (nguyên viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) cho rằng lạm phát cao được ví như một "căn bệnh" nguy hiểm đối với sự phát triển kinh tế của mọi quốc gia. Theo ông, tuy áp lực lạm phát là có nhưng chưa phải quá lo ngại.

Ở góc độ nhà nghiên cứu, nhà quản lý, áp lực lạm phát hiện tại đúng là chưa đến mức quá lo ngại. Nhưng ở góc độ an sinh xã hội, người có chức trách không thể không lo. Đó là lo chính sách chăm lo cho người dân, người đóng thuế trong những lúc khó khăn.

Bởi trong bối cảnh đó, với nhiều người, khó khăn miếng cơm manh áo là có thật; khó khăn trong sản xuất, kinh doanh là có thật. Lạm phát tăng nhưng thu nhập không tăng cũng có thể hiểu là thu nhập "giảm", khó khăn chồng chất khó khăn.

Trong quản trị quốc gia ở tầm vi mô, đây là lúc các cơ quan chức năng cần quan tâm đề xuất, thực hiện các chính sách, giải pháp chăm sóc đời sống người dân nhiều hơn, để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn.

Với nhiều nước, chính sách hỗ trợ khó khăn, an sinh xã hội thường được đưa ra kịp thời. Ví dụ ở Mỹ có khoản trợ cấp "tiền chợ" hằng tháng cho người thu nhập thấp. Gần hơn, tại các nước Đông Nam Á, người dân cũng được nhà nước "bơm tiền" hỗ trợ trong những giai đoạn khó khăn.

Theo báo Nikkei Asia, tháng 1-2024 nhà chức trách Singapore đã phát phiếu mua sắm trị giá 500 đô la Singapore (khoảng 367 USD) cho mỗi hộ gia đình, tháng 2 vừa qua phát phiếu mua sắm trị giá hơn 600 đô la Singapore cho mỗi hộ trong một phần của một gói hỗ trợ lớn hơn.

Trong khi chỉ số lạm phát tại đảo quốc này trong tháng 2 là 3,4% và tháng 3 đã giảm xuống còn 2,7%.

Tại Thái Lan, trong tháng 4-2024 thủ tướng nước này đã thông báo chương trình Ví điện tử trị giá 500 tỉ baht (hơn 13,6 tỉ USD). Theo đó, 50 triệu người dân Thái Lan sẽ được nhận 10.000 baht (khoảng 6,8 triệu VND)/ người trong sáu tháng nhằm thúc đẩy chi tiêu ở các địa phương.

Mọi so sánh đều khập khiễng. Nhưng nếu so con số lạm phát 3,4% cùng cách chăm lo của nhà chức trách Singapore với người dân và con số lạm phát 4,4% vừa công bố ở Việt Nam, người dân, người đóng thuế đang thực sự gặp khó khăn có quyền kỳ vọng một chính sách chăm lo kịp thời, đúng mức hơn; một chính sách an sinh xã hội mới mẻ hơn, tạo động lực hơn.

Suy cho cùng, các gói hỗ trợ nếu có, ở dưới nhiều dạng khác nhau, kể cả tăng mức giảm trừ gia cảnh để giảm thuế thu nhập cá nhân phải nộp, nếu được áp dụng sẽ đạt được mục tiêu kép.

Đó là duy trì chất lượng sống cho người dân và giúp doanh nghiệp có thêm doanh thu, tạo thêm việc làm.

Với lạm phát, giá cả tăng, không thể chờ đến khi mọi việc ngã ngũ, tức sức mua giảm sâu, mà cần đón đầu, có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn để trước là duy trì sức mua, sau là cải thiện sức mua. Vì thế cần phải làm gì đó, thật sớm, mạnh mẽ.

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soátLạm phát vẫn trong tầm kiểm soát

Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 tăng đến 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong thực tế, hàng loạt mặt hàng đã tăng giá mạnh thời gian qua khiến đời sống của nhiều người dân gặp không ít khó khăn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên