14/05/2024 11:58 GMT+7

Vì sao cực quang được nhìn thấy ở những nơi rất xa mấy ngày qua?

Chuyện gì xảy ra trong vài ngày qua khi cực quang xuất hiện trên bầu trời đêm đến tận vĩ độ trung bình, và chúng còn diễn ra nữa không?

Cực quang trên bầu trời thành phố Port Macquarie, Úc - Ảnh: AdamDedererm/BoM

Cực quang trên bầu trời thành phố Port Macquarie, Úc - Ảnh: AdamDedererm/BoM

Theo trang IFLScience ngày 14-5, hoạt động của Mặt trời trong tuần qua đã lên đến đỉnh điểm, tạo ra những màn trình diễn cực quang ngoạn mục trên bầu trời có thể quan sát được ngay cả ở những vĩ độ mà bình thường không thể nhìn thấy.

Cực quang là một hiện tượng tự nhiên xuất hiện dưới dạng các dải ánh sáng có màu sắc rực rỡ trên tầng cao của khí quyển ở các khu vực gần hai địa cực của Trái đất. Hiện tượng này đẹp nhất vào ban đêm, thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân gây ra cực quang cuối tuần rồi đến từ vùng vết đen AR3664 rộng gấp 16 lần Trái đất. Sự phóng từ tính từ các vết đen Mặt trời có thể gây ra các vết lóa Mặt trời (solar flare). Những vết lóa này mạnh đến mức chỉ mất 8 phút để đến Trái đất, gây ra tình trạng mất sóng vô tuyến, ảnh hưởng đến các vệ tinh. Đến nay, AR3664 đã phát ra vết lóa mạnh thứ 2 trong chu kỳ hiện tại.

Tuy nhiên, ngoài những vết lóa Mặt trời, còn có các vụ phun trào nhật hoa (CME) - hiện tượng plasma phóng ra từ Mặt trời - mức độ lớn. Chúng di chuyển với tốc độ hàng ngàn km/giây và lao vào bầu khí quyển xung quanh các vùng cực ở Trái đất.

Cuối tuần qua, những nơi như Úc, Tuscany ở Ý và Nam California của Mỹ không ở gần các cực nhưng vẫn có thể nhìn thấy được cực quang. Thậm chí những nơi ô nhiễm nặng cũng có thể thấy cực quang. Đó là bởi vì có rất nhiều plasma đang đến Trái đất.

Hành tinh của chúng ta đang ở đúng vị trí và thời điểm để nhiều CME tấn công cùng lúc. Một phần plasma đó đã đến Trái đất và lao vào các vĩ độ thấp hơn bình thường nên cực quang được nhìn thấy ở những nơi thường không thể thấy chúng.

Vào tối 10-5 theo giờ địa phương, một nhà khí tượng học nghiệp dư đã ghi lại được khoảnh khắc cực quang ở phía Bắc Gibara, tỉnh Holguín của Cuba. Đây là hiện tượng tự nhiên vô cùng hiếm gặp ở các quốc gia nhiệt đới.

Hình ảnh cực quang hiếm thấy ở Cuba được chia sẻ trên mạng xã hội

Hình ảnh cực quang hiếm thấy ở Cuba được chia sẻ trên mạng xã hội

Liệu điều này có xảy ra lần nữa không? "Không ai có thể chắc chắn. Chắc chắn chúng ta vừa chứng kiến đỉnh điểm của hoạt động cực quang trong chu kỳ Mặt trời lần này. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng các sự kiện lớn thậm chí có thể xảy ra sau đỉnh điểm của chu kỳ Mặt trời, vì vậy với những người bỏ lỡ sẽ có một cơ hội để chứng kiến những sự kiện tương tự trong vài năm tới", tiến sĩ John Morgan, nhà khoa học về thời tiết không gian, cho biết.

Cực quang được nhìn thấy trên bãi biển Gunnamatta, Úc ngày 11-5 - Ảnh: Eishitha Galpaya

Cực quang được nhìn thấy trên bãi biển Gunnamatta, Úc ngày 11-5 - Ảnh: Eishitha Galpaya

Bão Mặt trời mạnh cấp G5 vừa tấn công Trái đất

Trung tâm Dự báo thời tiết không gian của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết Trái đất vừa trải qua một cơn bão địa từ (bão Mặt trời) cực mạnh ở cấp G5 - sự kiện mạnh nhất kể từ cơn bão Mặt trời Halloween năm 2003. Khi đó, cơn bão đủ dữ dội để gây mất điện ở Thụy Điển và hư hại 12 máy biến áp ở Nam Phi.

Trung bình có 4 sự kiện như vậy trong mỗi chu kỳ kéo dài 11 năm của Mặt trời. Trong chu kỳ này, hoạt động của Mặt trời sẽ trải qua một cực đại và một cực tiểu và chúng ta đang tiến gần đến thời điểm Mặt trời hoạt động mạnh nhất (tức cực đại Mặt trời).

Nguyên nhân gây ra các cơn bão Mặt trời đến từ các vùng vết đen Mặt trời khổng lồ. Chúng sở hữu từ trường cực kỳ mạnh và chính hoạt động của những từ trường này đã gây ra các sự kiện trong thời tiết vũ trụ.

Mây ngũ sắc lấp lánh trên bầu trời TP.HCM, dân mạng đua nhau khoe ảnh Mây ngũ sắc lấp lánh trên bầu trời TP.HCM, dân mạng đua nhau khoe ảnh 'cực quang Sài Gòn'

Chiều 12-5, trên bầu trời TP.HCM xuất hiện những áng mây ngũ sắc tuyệt đẹp. Nhiều người thích thú khoe lên mạng, gọi vui là 'cực quang ở Sài Gòn'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên