13/11/2023 14:07 GMT+7

Văn Cao, trăm năm một bậc kỳ tài - Kỳ cuối: 'Từ đây người biết yêu người'

Cuộc đời bậc kỳ tài từng chịu nhiều sầu khổ như Văn Cao cho đến cuối cùng đọng lại vẫn là một chữ tình.

Văn Cao và nhà thơ Thanh Thảo hồi năm 1993 - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Văn Cao và nhà thơ Thanh Thảo hồi năm 1993 - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Cái tình cuộc đời dành cho ông và cái tình ông tha thiết dành cho đời, để những câu hát tràn ra: "Từ đây người biết yêu người...".

Văn Cao - thiên tài trong sáng

Bài hát Mùa xuân đầu tiên - khúc khải huyền về mùa xuân đầu tiên của hòa bình - phải đợi đến khi người nhạc sĩ qua đời mới ào vào giữa lòng nhân dân. Để rồi những câu hát gói cả tâm tình dân tộc không phải chỉ trong mấy chục năm chiến cuộc thế kỷ 20 mà trong cả ngàn năm nước Việt đã thay ông ở lại nhắc nhớ chúng ta: "Từ đây người biết quê người/ Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người...".

Trăm năm Văn Cao, những người bạn còn ở lại để kể về ông rất hiếm hoi. Nhà thơ Thanh Thảo là một trong số hiếm hoi ấy. 

Ít ai biết rằng khi đặt tên cháu ngoại yêu dấu của mình được sinh ở Ba Lan, Văn Cao đã chọn tên Thanh Thảo theo tên người em, người bạn vong niên mà ông yêu quý. Cô cháu gái ấy sau này nối nghiệp nhạc của mẹ (nghệ sĩ piano Nguyễn Hương Hương) và ông để trở thành một nghệ sĩ piano có tiếng tại Ba Lan.

Từ trên chính đất cảng Hải Phòng, nơi Văn Cao sinh ra và lớn lên, lập nghiệp thuở ban đầu, Thanh Thảo ngồi nhớ về người anh, người bạn vong niên được coi là bậc kỳ tài của thế kỷ.

Mối duyên giữa Thanh Thảo và vợ chồng Văn Cao bắt đầu từ năm 1984, từ lời giới thiệu của Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thụy Kha. Gặp gỡ muộn màng nhưng tác giả Quốc ca đã yêu chiều Thanh Thảo như đứa em bé bỏng chịu nhiều vất vả. 

Trong đời, thứ Văn Cao quý nhất là tình rồi đến tài và... rượu, thì Thanh Thảo là một trong ba người Văn Cao luôn nhắc vợ để phần cho chút rượu quý. 

Ngày ấy, mỗi lần có chai rượu ngon, bạn bè tới, Văn Cao mở ra cùng uống, nhưng bao giờ ông cũng nhắc bà Băng: "Nhớ để dành một phần chai rượu cho Thái Bá Vân, Trịnh Công Sơn, Thanh Thảo bà nhé!".

Thanh Thảo cho rằng mình may mắn được Văn Cao yêu mến là bởi ngoài những chia sẻ trong thơ, hai anh em rất giống nhau ở cái máu giang hồ. Giang hồ theo cái nghĩa là đầy khát vọng tự do. 

Ngược lại, Thanh Thảo cũng tha thiết yêu quý Văn Cao, đóng góp đưa tên tuổi nhà thơ trở lại với thi đàn chính thống.

Năm 1985, kỷ niệm 10 năm hòa bình thống nhất đất nước, Thanh Thảo đã đề nghị hai lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình hồi ấy là Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Quang Thắng và Phó bí thư thường trực Võ Trọng Nguyễn mời vợ chồng Văn Cao vào thăm Nghĩa Bình. Họ vui vẻ chấp thuận ngay.

Nghĩa Bình lúc đó nghèo nhưng tiếp đón tác giả Quốc ca và các nhà thơ từ Hà Nội (Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo) rất nồng hậu. Văn Cao khi biết được đi Quy Nhơn đã viết bài thơ Quy Nhơn 1 tại Hà Nội. Khi vào rồi viết tiếp Quy Nhơn 2, Quy Nhơn 3. 

Ba bài thơ với những câu đầy chất siêu thực "Từ trời xanh/ rơi/ vài giọt tháp Chàm..." ngay sau đó được in trên báo Văn Nghệ, đánh dấu sự trở lại của cái tên Văn Cao nhà thơ sau hàng chục năm ông chỉ viết trong lặng lẽ, không in ở đâu cả. Được quay trở lại chính danh, ông vui lắm. Ông như trẻ lại, sáng tác thêm nhiều bài thơ mới.

Cũng năm 1988 đặc biệt, thấy "tình hình có thể in thơ được", Văn Cao nhờ Thanh Thảo cùng Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo tuyển chọn, biên tập cho tập thơ đầu tiên của ông. Tập thơ sau đó được Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới (tên cũ của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn) phát hành với tên Lá. 

Các bài thơ đều lấy ra từ cuốn sổ tay nhỏ mà chữ viết lít nhít rất khó đọc, Văn Cao đã lặng lẽ viết suốt mấy chục năm im lặng. Những con chữ lít nhít dính dấp vào nhau trong cuốn sổ tay giấu kín góc tủ, một ngày cũng ra chào cuộc đời rộng lớn.

Nói biên tập nhưng thực ra Thanh Thảo cho biết ông không sửa chữa gì. Những bài thơ tối giản đầy sức nặng ấy, Văn Cao đã làm cẩn thận từng chữ. Tập thơ ra mắt tạo được ấn tượng tốt. Văn Cao mừng lắm.

Nhiều người đến lúc đó mới biết hóa ra bấy lâu giữa "những ngày đau khổ ấy" (một câu thơ của Văn Cao trong bài Khuôn mặt em), Văn Cao vẫn chưa bao giờ ngừng viết. Hóa ra, dù "chưa lúc nào sung sướng" (Khuôn mặt em), Văn Cao vẫn cứ là một tâm hồn thơ vừa giàu triết luận vừa trong trẻo kỳ lạ, như câu thơ ông viết "Tôi như đứa trẻ yêu huyền thoại".

"Văn Cao là một thiên tài nhưng sống rất trong sáng, tình cảm, mà cũng không hề là người dễ trong kết giao bạn bè", Thanh Thảo đúc kết.

Tập thơ Lá của Văn Cao - Ảnh: Bảo tàng Văn học

Tập thơ Lá của Văn Cao - Ảnh: Bảo tàng Văn học

Ân tình gửi lại

Qua trăm năm gạn rửa, dòng thác lũ thời gian càng mài bóng những viên ngọc quý. 

Không nghi ngờ gì, người ta nhận ra lứa văn nghệ sĩ như Văn Cao sở dĩ được yêu quý nhiều đến thế, đã đứng vững giữa lòng nhân dân như thế, hẳn không phải chỉ nhờ tài, mà có lẽ quan trọng hơn, là ở cái đức trọng của một nghệ sĩ chân chính, một trí thức và của một con người bình thường giữa cuộc đời.

Trong ký ức họa sĩ Nghiêm Thành, Văn Cao là một người cha vô cùng ấm áp, một người rộng rãi với trái tim vị tha và nhân hậu. Ông Thành kể Văn Cao yêu thương các con mình là một nhẽ, nhưng ông còn quý mến luôn cả các bạn của con. 

Từ phải qua: Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Văn Cao, diễn viên Trần Tiến tại Nhà hàng Hoa Ban của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Từ phải qua: Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Văn Cao, diễn viên Trần Tiến tại Nhà hàng Hoa Ban của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Hồi ông Thành luyện thi Trường đại học Mỹ thuật, có người bạn cùng lớp nhà ở hơi xa trường, đi bộ đội về mới ôn thi, hay sống lang thang vất vưởng. Văn Cao biết chuyện đã chủ động nói với bạn của con về nhà ông ở, có gì ăn nấy.

Người bạn ấy chính là họa sĩ Nguyễn Hùng Lâm (hiện đang là chủ một thương hiệu nội thất có tiếng). 

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Lâm bảo hồi ấy ông phải thuê mẫu vẽ hằng ngày để luyện thi. Văn Cao đã lui vào phòng trong ngồi, nhường phòng khách cho chàng thanh niên bày mẫu vẽ. Ông Lâm sau đó đã đỗ vào Trường đại học Mỹ thuật, vẫn sống cùng gia đình Văn Cao như một người con trong gia đình suốt ba năm từ 1983 đến 1986.

Bài thơ Quy Nhơn 1, Văn Cao làm ứng khẩu, chính ông Lâm là người chép lại. Ở nhà Văn Cao, ông Lâm có tiêu chuẩn thực phẩm sinh viên, muốn góp với bà Băng, nhưng ông bà nhất định từ chối, để ông Lâm gửi cha mẹ ở quê, dù lúc ấy Văn Cao rất nghèo.

Ông Lâm còn nhớ khi nhà phê bình Đặng Tiến gửi quà cho Văn Cao để bán đi kiếm chút tiền, Văn Cao chia cho mỗi con một ít và cũng chia cho ông Lâm như con mình. Năm tháng trôi đi, nhớ về Văn Cao, ông Lâm càng thấm thía nhân cách lớn lao trong con người bình dị đã ảnh hưởng rất lớn đến mình.

Suốt cuộc đời Văn Cao đã luôn giữ cho mình một trái tim rộng rãi giữa hoàn cảnh đời tài hoa truân chuyên. Ông Thành cho biết dù nghèo nhưng vào những dịp giỗ Tết, sinh nhật hay nhân một sự kiện, Văn Cao thường tự vào bếp nấu món ngon mời bạn bè. 

Ít ai ngờ tác giả Quốc ca có tài nấu bếp. Yêu chiều vợ con, người nghệ sĩ tài hoa thường nấu ăn chăm vợ. Khi được mời ăn ở đâu, có món gì ưng ý, ông lại mày mò nấu nướng cho vợ con ăn.

Văn Cao còn đáng quý ở cái tính hay chơi và ưu ái lớp trẻ. Ông thường động viên và khích lệ những người sáng tác trẻ. Đặc biệt, ông quý trọng những người tài. 

Ông Nghiêm Thành kể có người hỏi Văn Cao sao lại xưng hô anh em với những người đáng tuổi con cháu, ông mỉm cười, thủng thẳng: "Chơi với cánh trẻ, mình như thấy trẻ lại, khi bày chung tranh ở triển lãm, bọn họ treo tranh cùng mình, cùng là tác giả như nhau".

Văn Cao rất quý mến các bạn miền Nam tập kết ra Bắc. Thương các bạn sống xa quê, ông thường mời các bạn tới nhà mình ăn Tết và đón giao thừa. Sau ngày đất nước thống nhất, các bạn miền Nam trở về quê hương, trong đó có Nguyễn Sáng, Văn Cao buồn lắm. 

Không biết có phải vì những chuyến về lại quê hương của những người sau 1975 mà Văn Cao đã viết lên câu hát "Từ nay người biết quê người" trong bài Mùa xuân đầu tiên.

Văn Cao và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo hồi năm 1994 - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Văn Cao và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo hồi năm 1994 - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Mùa xuân năm Canh Ngọ 1990, Tố Hữu có lẽ chưa nghe những câu hát của Văn Cao "Từ đây người biết yêu người...", nhưng ông đã đến nhà thăm tác giả Quốc ca sau 32 năm hai người không gặp mặt kể từ vụ Nhân văn - Giai phẩm. Kể lại chuyện này, nhà thơ Thụy Kha gọi đó là "mùa xuân tái ngộ".
Văn Cao, trăm năm một bậc kỳ tài - Kỳ 6: Văn Cao - ông hoàng trở lạiVăn Cao, trăm năm một bậc kỳ tài - Kỳ 6: Văn Cao - ông hoàng trở lại

1988 là năm đánh dấu sự trở lại rực rỡ của Văn Cao cả trong âm nhạc và thơ ca, với chương trình Đêm nhạc Văn Cao diễn hơn 60 đêm trên cả nước cùng tập thơ Lá ra đời từ những cuốn sổ thơ 'bí mật'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên