04/04/2006 05:07 GMT+7

Từ chức: văn hóa & trách nhiệm

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
TS NGUYỄN SĨ DŨNG

TT - Từ chức là chuyện bất đắc dĩ, nhưng nhiều khi lại là cơ hội duy nhất để cứu vãn danh dự.

Trong “nghiệp làm quan”, ngày xưa, cũng như bây giờ, rủi ro luôn luôn đi liền với chức tước: trách nhiệm được giao nhưng quyền năng không được giao tương ứng; thủ trưởng mới nhưng bộ máy vẫn quay theo guồng cũ; năng lực của cá nhân là về kỹ thuật, nhưng chức tước được giao lại đòi hỏi kỹ năng của chính khách... Đó là chưa nói tới trường hợp bộ sắc phục được giao có thể rộng quá khổ, quá cỡ.

Đối mặt với những rủi ro nói trên, vẫn có không ít các quan chức đã may mắn vượt qua (mặc

dù không phải ai cũng may mắn như vậy). Tuy nhiên, sự may mắn của các quan chức trong trường hợp này sẽ tỉ lệ nghịch với sự may mắn chung của xã hội. Vì vậy, nếu văn hóa từ chức được xác lập, “nghiệp làm quan” không chỉ bớt nhọc nhằn hơn mà bộ máy cai quản đất nước cũng sẽ hiệu năng hơn.

Văn hóa là yếu tố điều chỉnh hành vi dựa vào tác động của sự hiểu biết, của lòng tự trọng và của lương tâm. Suy cho cùng, văn hóa không phải là một sự cưỡng bức; văn hóa là một sự thôi thúc của nhận thức và lương tâm. Văn hóa từ chức nhiều khi không đứng một mình. Nó thường đồng hành với chế độ trách nhiệm chính trị.

Thủ tướng Hàn Quốc Lee Hae Chan đã đệ đơn từ chức vì bị công luận phê phán về việc ông ta bỏ đi chơi golf trong khi đáng ra phải ở nhà để giải quyết vụ việc đình công. Bà Ngoại trưởng Thụy Điển Laila Freivalds từ chức khi thấy mình không còn nhận được sự tín nhiệm cần thiết để tiếp tục đảm đương công việc. Những chuyện mới xảy ra ấy cho thấy việc từ chức là sự lựa chọn bắt buộc nếu tín nhiệm không còn. Chế độ trách nhiệm được xác lập trên cơ sở của sự tín nhiệm chính là trách nhiệm chính trị.

Tuy nhiên, làm sao để đo đếm được sự tín nhiệm? Bầu cử tự do chính là công cụ quan trọng nhất để xác lập chế độ trách nhiệm chính trị. Bầu cử là một công cụ hiệu năng nhưng rất tốn kém. Vì vậy, một mô hình xác lập chế độ trách nhiệm chính trị khác đã được nhiều nước vận dụng.

Đó là sự tín nhiệm của cơ quan đại diện cho dân, trong trường hợp cụ thể của nước ta là sự tín nhiệm của Quốc hội. Một Quốc hội bao gồm những đại biểu “khó tính” sẽ có khả năng bảo đảm chế độ trách nhiệm chính trị cao hơn so với một Quốc hội chỉ bao gồm những đại biểu “hay thông cảm”.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên