10/05/2024 14:05 GMT+7

Tội nghiệp cua rơ chân chính bị ảnh hưởng bởi chuyện đạp xe vượt đèn đỏ, lấn làn

Một cua rơ phong trào lên tiếng về chuyện người đạp xe lấn làn, dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ... gây bức xúc cho người đi đường những ngày qua.

Một nhóm xe đạp vượt đèn đỏ trong khi xe máy đang dừng chờ đèn xanh - Ảnh: THANH HIỆP

Một nhóm xe đạp vượt đèn đỏ trong khi xe máy đang dừng chờ đèn xanh - Ảnh: THANH HIỆP

Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, dù thời gian gần đây lực lượng chức năng đã tăng cường xử phạt nhưng tình trạng cua rơ phong trào đạp xe lấn làn, dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ... vẫn diễn ra trên nhiều tuyến đường. 

Vì sao vậy? Với tư cách người trong cuộc, cua rơ phong trào kỳ cựu Thịnh Hoàng (TP.HCM) chia sẻ về chuyện này.

Không có sự chọn lựa khác?

Câu chuyện các nhóm tập xe đạp buổi sáng chạy vào làn xe hơi và vượt đèn đỏ là chuyện dài nhiều năm nay và chưa có hồi kết. Điều này gây bức xúc, khiến nhiều người có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với người tập bộ môn này.

Nhưng nếu hỏi những người tập luyện xe đạp có muốn tập xe trong điều kiện nguy hiểm, lại bị dư luận phản ứng như vậy, câu trả lời chắc chắn sẽ là không.

Thế nhưng, mỗi sáng sớm họ vẫn mang xe đi tập trong tâm thế dòm trước ngó sau canh chừng cảnh sát giao thông và bị người đi đường phản ứng.

Thật tội nghiệp cho những người đạp xe chân chính!

Từng là cua rơ phong trào, tôi rất hiểu họ đâu muốn phạm luật. Nhưng rõ ràng những người tập xe không có sự lựa chọn khác. Họ phải làm việc chẳng đặng đừng cũng vì sở thích và nhu cầu rèn luyện sức khỏe. 

Cũng cần phải minh định rõ rằng sở thích này là chính đáng, cũng như những người thích chơi thể thao ở các bộ môn khác như đá banh, bơi lội... Vì thế theo tôi, muốn giải quyết xung đột này, ngành thể thao và cơ quan chức năng cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn.

Cho hai bánh chạy làn ô tô những khung giờ nhất định

Thời gian qua, để hạn chế các cua rơ chạy loạn xạ, cảnh sát giao thông đã có những đợt ra quân chặn bắt, xử phạt người vi phạm. Nhưng rồi mọi chuyện lại đâu vào đó, giống như chuyện dọn dẹp, lập lại trật tự đối với người buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường hiện nay ở nhiều địa phương.

Đó không phải là giải pháp căn cơ.

Nếu mỗi môn thể thao đều phải tập luyện trên một loại sân riêng phù hợp thì cần hiểu rằng sân tập luyện hoặc thi đấu của môn xe đạp chính là đường giao thông.

Các giải đua Cúp truyền hình HTV hay Tour de France đều thi đấu trên đường giao thông. Không có một quốc gia nào, dù giàu có đến đâu làm "sân" riêng cho người dân tập luyện môn xe đạp hoặc để tổ chức thi đấu.

Tất cả đều tận dụng đường giao thông làm “sân“ cho môn xe đạp. Và vấn đề ở đây là cách bố trí, tổ chức.

Để tạo điều kiện cho người tập luyện xe đạp an toàn, quy củ, không ảnh hưởng đến trật tự chung của cộng đồng, nên bố trí khung giờ và làn xe cho người đi xe đạp.

Cụ thể, nên dùng làn xe hơi cho xe hai bánh lưu thông trong những khung giờ nhất định. Ví dụ đường Phạm Văn Đồng, sáng từ 6h - 8h, chiều từ 16h - 19h chẳng hạn.

Ngoài ra, những con đường có từ 3 đến 4 làn xe hơi, dành 1 làn trong cùng bên phải vào khung giờ sáng sớm từ 4h30 đến 5h30 cho người tập xe đạp. Tôi nghĩ cũng không gây ảnh hưởng gì đến giao thông, vì khoảng thời gian này xe ô tô rất thưa thớt.

Còn ở các giao lộ nào nhỏ, ít xe thì để chế độ đèn vàng chớp tắt để giảm bớt việc dừng đèn đỏ cho người tập xe. Việc này về lâu dài sẽ lưu vào trí nhớ mọi người.

Những người đi ở các tuyến đường trên vào khung giờ cho phép, thấy có người tập xe, sẽ biết họ đang ở “khung giờ được phép“, sẽ dễ chấp nhận và không xảy ra xung đột, tranh cãi.

Tất nhiên, đây chỉ là gợi ý giải pháp để ngành thể thao và các ban ngành liên quan xem xét.

Cũng mong rằng từ gợi ý này các ngành liên quan, Liên đoàn Xe đạp Mô tô thể thao TP.HCM sẽ ngồi lại bàn bạc để người dân có chỗ tập xe nề nếp, an toàn và câu chuyện cua rơ đạp xe không còn gây bức xúc dư luận sớm kết thúc.

Nên có làn riêng dành cho xe đạp

Không chỉ những cua rơ rèn luyện sức khỏe mỗi sáng, còn có cả trẻ em đạp xe đi học, nhân viên văn phòng đạp xe đi làm...

Đúng là họ rất sai khi đi lấn vào làn ô tô, gây nguy hiểm.

Nếu họ có làn riêng dành cho xe đạp họ có sai phạm hay không? Việc vi phạm là đáng phạt, nhưng nhu cầu chính đáng của phương tiện xe đạp là bình thường.

Hãy làm thế nào để cân bằng được điều đó, phạt và cấm không giải quyết được điều gì dài hạn.

Bạn đọc An Nguyen

Bạn từng là nạn nhân của các cua rơ phóng nhanh, vượt ẩu? Theo bạn, cách nào để giải quyết triệt để vấn nạn này? Cần bổ sung giải pháp nào để người đạp xe thể thao có sân chơi nhưng không vi phạm giao thông?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: bandoc@tuoitre.com.vn và tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Tội nghiệp cua rơ chân chính bị ảnh hưởng bởi chuyện đạp xe vượt đèn đỏ, lấn làn- Ảnh 3.'Thuốc' nào trị cua rơ phóng 'vèo vèo', vượt đèn đỏ?

TTO - Tập luyện thể thao tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, lợi dụng mục đích tốt này, một số người phóng xe đạp bất chấp luật giao thông, xem thường tính mạng mình và người khác. Bạn đọc Tuổi Trẻ Online hiến kế trị căn bệnh ngông nghênh này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên