06/02/2024 10:18 GMT+7

Tìm món hương đồng gió nội cho ngày Tết - Kỳ cuối: Dạo mua món Tết đồng quê ở chợ phố

Cũng không cần phải đi đâu xa hay mày mò săn tìm "hàng độc, hàng lạ", ngay ở thành phố Sài Gòn này có nhiều chợ lớn, chợ nhỏ vẫn sẵn những món Tết từ đồng quê, vật lạ hương đồng gió nội, kể cả nguồn gốc từ những nơi rất xa xôi.

Quà quê dân dã như trái ô môi, lá sương sâm, bắp chuối được bày bán Tết giữa TP.HCM - Ảnh: M.DŨNG

Quà quê dân dã như trái ô môi, lá sương sâm, bắp chuối được bày bán Tết giữa TP.HCM - Ảnh: M.DŨNG

Sáng 26 Tết, cô Nguyễn Thị Trang, một giáo viên ở quận Bình Tân (TP.HCM), dậy thật sớm để xách giỏ đi chợ chuẩn bị làm món Tết. Ở chợ, rất vui khi nhìn thấy những món đồng quê thứ quen thuộc thời thơ ấu của mình.

Đầy ắp các loại rau đồng lạ miệng

Cô nói: "Tranh thủ đi ngày này cho dễ mua vì chợ còn chưa đông và chưa lên giá như những ngày 28, 29 sát Tết". Đã đứng tuổi, cô chú ý những thực phẩm lành mạnh, dân dã ở đồng quê để hạn chế dư lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.

Đến các hàng rau ở chợ nhỏ trên đường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, cô rất vui khi nhìn thấy những thứ quen thuộc thời thơ ấu của mình. Góc kia là bà cụ ngồi bên thau bông điên điển vàng rực đang hấp dẫn những chú ong ruồi đến hút mật, kế là rổ rau hẹ nước màu xanh ngọt và rau dừa dại màu tim tím vốn rất hiếm trong mùa nắng này. Gần bên, chị bán hàng còn trẻ tuổi cũng đang bày bó cọng súng, củ sen ruộng lúa, rau muống nước, ngọn choại non, rau trai, rau đắng đất... Kế nữa là chú bán hàng đang mời gọi khách dừng chân với ngồn ngộn rau cỏ đặc sản như ngọn nhãn lồng, cải trời ăn cho dễ ngủ, rau má ruộng lá nhỏ mát gan, bông so đũa tăng cường sinh lực...

Chú bán hàng có vẻ quen cô Trang cứ vui vẻ mời mọc: "Quẹo lựa, quẹo lựa đi cô giáo, Tết xưa ăn thịt, Tết giờ ăn rau cho giảm mỡ, bớt mập, đẹp dáng mịn da". Cô giáo cười đáp lễ và dừng lại, lựa mua cả mấy bao ngọn nhãn lồng, cải đồng và rau má bờ ruộng... "Tui gốc dân Tiền Giang, nhìn qua là biết mấy thứ rau này đều đồ đồng, chứ không phải trồng công nghiệp. Tết nhứt mua ăn cho mát người và mấy loại rau này để ngăn mát tủ lạnh cũng lâu hư", cô giáo vui vẻ kể chuyện.

Người bạn đi theo cô Trang là Việt kiều mới về nước ăn Tết cũng tròn mắt, thú vị. Đồng hương với nhau, họ đều là dân miền Tây nên nhìn những rổ rau miệt ruộng đồng này là cả ký ức tuổi thơ ùa về. "Ở Úc cũng nhiều rau, nhưng tui không kiếm được những thứ đúng là đặc sản miền Tây mình thế này. Nhiều khi xa quê mà nhớ thèm chảy nước miếng món cháo cá lóc trụng rau đắng đất, canh chua tép nấu bông so đũa...", vừa nói, anh Việt kiều Úc vừa nhắc cô bạn mua thêm rau. Còn cô giáo cười trả lời: "Thôi, mua đủ ăn thôi ông ơi, rau quê này giờ chợ thành phố mình cũng sẵn mà. Ham mua nhét đầy tủ lạnh mất tươi ngon".

Dạo hết một chợ, cuối cùng họ mua thêm mấy trái bình bát vàng ruộm, loại trái cây mọc bên miệng ao bờ kinh miền Tây mà nhiều người trẻ ở thành phố giờ lạ lẫm. Cô giáo cười nói: "Tết này ai trưng cầu dừa đủ xoài thì kệ, tui trưng bình bát coi mai mốt có đi tu không? Trưng hết Tết, tui đem dầm đá đường cho nhớ thèm hồi con nít".

Gian hàng cá khô và rau nhiều món đồng quê ở chợ Bình Trị Đông, Bình Tân - Ảnh: MẠNH DŨNG

Gian hàng cá khô và rau nhiều món đồng quê ở chợ Bình Trị Đông, Bình Tân - Ảnh: MẠNH DŨNG

Phong vị ba miền ở các chợ phố

Hiện nay nhiều người trẻ ở thành phố đã quen nếp mua hàng online hoặc ghé siêu thị. Nếu chịu khó len chân đông đúc, "bẩn bẩn" một chút, họ sẽ ngạc nhiên với nhiều món ngon vật lạ ở các ngôi chợ lớn nhỏ khắp thành phố. Thời buổi thịt thà không còn quá thèm thuồng như năm tháng khó khăn thuở bao cấp, giờ những món dân dã ở ruộng đồng, núi rừng lại "bén miệng" trên những mâm tiệc tùng Tết nhứt ở thành phố.

Nếu thương nhớ phong vị miền Tây Nam Bộ, thì hầu như chợ nào thành phố cũng có, nhất là các chợ mạn tây nam thành phố ở Bình Chánh, Bình Tân, quận 7, Nhà Bè. Nếu thích khẩu vị miền Bắc thì đầy ắp hàng ở chợ Ông Tạ, chợ Hòa Hưng, chợ Gò Vấp, Xóm Mới, Xóm Chiếu. Còn nếu thèm đặc sản miền Trung thì ghé chợ Bà Hoa, gần ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình để có thể "kính thưa" các loại mắm Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, củ nén, trái vả, lá hẹ rí... cho đậm đà hương vị miền Trung giữa Sài Gòn ngày xuân. Đặc biệt còn có những chợ chuyên nổi tiếng bán đặc sản một vùng như chợ Xóm Chiếu, quận 4, đầy hàng hải sản từ Cần Giờ, Vũng Tàu. Những con cua, con tôm, con sò, con cá ngát luôn tươi rói và có giá cũng dễ mua...

Một điều có lẽ cũng thú vị không kém là ngoài những ngôi chợ lớn, tên tuổi lâu năm, hiện ở thành phố này còn có nhiều chợ nhỏ cũng đầy ắp đặc sản hương đồng gió nội. Ba ngày Tết, ngán thịt, cứ ghé các chợ nhỏ xíu này cũng có thể dễ dàng tìm mua được những con cá ngát nước lợ trên đoạn sông giáp biển về nấu nồi canh chua thơm ngon, không thì mua cá kèo về kho tộ với tiêu xanh, ớt hiểm, cá lóc nấu cháo rau đắng hay con cá trê vàng nướng dằm nước mắm. Đó là người miền Nam quen khẩu vị sông nước. Còn người miền ngoài có thể dễ dàng tìm mua con cua đồng về nấu canh mồng tơi ăn với cà chấm mắm tôm đúng vị Bắc. Ngày thường, những món này rất đỗi bình thường, nhưng tự dưng lại ngon lạ ba ngày Tết.

Cô giáo Trang là người rặt miền Nam, nhưng lấy chồng quê Bắc nên nhà có cả hai khẩu vị. Ngoài chuẩn bị nồi canh cá ngát nấu măng chua, cháo cá lóc rau đắng, tủ lạnh ngày Tết của cô còn có cả những bọc cua xay sẵn để nấu canh rau đay cho chồng. "Cũng không mắc mỏ gì lắm đâu, tui mua sớm ký rưỡi cua đồng miệt Đồng Tháp lên chỉ có 150.000 đồng, rồi nhờ xay chia ba bọc về dư nấu ba nồi canh ngon kiểu Bắc. Tết nhứt ngày ăn món Nam, ngày nếm vị Bắc, toàn thứ dân dã vậy mà ngon miệng", cô giáo vui vẻ kể gần nhà có ba chợ đều tiện đi và muốn thứ gì cũng có, đó là chợ Bình Trị Đông, chợ Phú Lâm và chợ Khu Phố 3 gần bến xe Miền Tây.

Ngày xưa, hồi cô giáo còn nhỏ, những chợ phía Tây Nam thành phố này rặt món Nam nhưng bây giờ người Bắc, người Trung cũng nhập cư vào nhiều nên có đủ phong vị ba miền. "Ai có quê hương miền nào thì cứ chọn khẩu vị nấy, Bắc, Trung, Nam đều sẵn. Muốn ăn Tết sang trọng với đồ mắc tiền cũng nhiều, mà muốn ăn Tết dân dã với thứ hương đồng gió nội rẻ tiền cũng không thiếu", cô giáo Trang cười nói.

Gió xuân đã thổi về...

Với những người sành ăn, biết chọn lựa thì ở ngay thành phố vẫn có thể tìm mua được những con cá đồng chắc thịt, ít tanh ở miệt lúa Hậu Giang, Đồng Tháp, rừng tràm Mộc Hóa, Long An, kể cả từ các đìa rừng U Minh, Cà Mau được thương lái đưa lên. Ngày thường những con cá đồng này có giá 140.000 - 150.000 đồng/kg, ngày Tết nếu chịu khó mua sớm trước 24, 25 âm lịch thì giá cũng chỉ tăng chút đỉnh.

Ngoài cá đồng, dân thích ăn đồ biển cũng có thể ghé chợ, siêu thị hoặc các "chành" mối lái để mua hải sản. Cá thu, cá ngừ từ Quảng Ngãi, Phú Yên được xe tải chở chạy xuyên đêm vào Sài Gòn. Những con mực, cá hồng, cá cam, cá chẽm, cá bớp từ Bình Thuận, Vũng Tàu, Phú Quốc đưa lên. Thời buổi cạnh tranh gay gắt, người bán phải đảm bảo cá tươi ngon và giá cả cũng "được bán, vừa mua", hai bên cùng vui vẻ.

Chị Nguyễn Xuân Thiều, một người gốc Đà Nẵng đang ở đường Hậu Giang, quận 6, khoe vừa cùng chồng đi chợ đầu mối Bình Điền từ 3 giờ sáng để được mua hai con cá thu và cá bớp mà con nào con nấy nặng cả hơn 5kg để ăn Tết. "Đi chợ đầu mối hơi xa nhưng cũng vui vì có rất nhiều thứ tươi ngon để mình tha hồ lựa chọn, mà giá cũng rẻ hơn các chợ ngoài. Cứ cắt khứa bỏ tủ lạnh, ổng thích lai rai với bạn thì tôi nướng cho ổng nhậu", chị Thiều chia sẻ.

Tìm món hương đồng gió nội cho ngày Tết - Kỳ 2: Lạ miệng món núi rừng trên mâm tiệc phốTìm món hương đồng gió nội cho ngày Tết - Kỳ 2: Lạ miệng món núi rừng trên mâm tiệc phố

Lá nhíp, đọt mây rừng, thịt trâu gác bếp... là những đặc sản núi rừng được nhiều người tìm mua để lạ miệng ba ngày Tết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên