04/02/2024 10:27 GMT+7

Tìm món hương đồng gió nội cho ngày Tết - Kỳ 1: Thương nhớ món dân dã đất phương Nam

TRÚC QUYÊN
và 1 tác giả khác

Ngay tại TP.HCM, người ta vẫn có thể tìm mua con cá lóc, con lịch dưới tán rừng U Minh; con cá đối cá dìa phá Tam Giang, rau rừng Tây Ninh, măng trúc Thanh Hóa và các loại thịt treo gác bếp Tây Bắc...

Gia đình chị Thanh Huyền đang gói bánh tét để bán mùa Tết - Ảnh: NVCC

Gia đình chị Thanh Huyền đang gói bánh tét để bán mùa Tết - Ảnh: NVCC

Không chỉ đặc sản, những thức ngon vật lạ này còn là hương đồng gió nội để người gốc quê xa tạm vơi nỗi nhớ nhà ngày Tết.

"Năm nào người ta cũng đặt sớm để đi biếu và cúng kiếng những ngày Tết. Khách hàng nhiều nhất vẫn là TP.HCM. Nhiều mối quen ở vùng quê lân cận thì họ tranh thủ ghé qua mua trực tiếp, cũng có người nhắn tin đặt rồi mình giao lên nhà cho họ", chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (34 tuổi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) vui vẻ kể.

"Tôi thích nhất là bánh tét Long An nhân chuối sứ gói bằng lá dứa gai. Hồi nhỏ còn chiến tranh, nghèo khó, tôi hay được chính tay mẹ gói cho ăn Tết bằng món này. Giờ gần 70 tuổi, xa quê hương vẫn nhớ mãi.
Ông NGUYỄN THANH AN (Việt kiều Mỹ)

Bánh tét quá quen mà vẫn độc lạ

Gia đình chị Huyền ba thế hệ, năm nào cũng nhận gói bánh tét cho khách hàng quen, thi thoảng cũng có khách hàng mới đặt lần đầu. Gần đây, chị quảng cáo nhận gói bánh tét trong các nhóm "săn" đặc sản Tết trên mạng xã hội để từ đó tiếp cận thêm với nhiều khách hàng mới.

"Số đơn hàng năm nay tăng hơn so năm ngoái, nhưng giá bán chỗ tôi ổn định, bỏ sỉ từ 30.000 - 80.000 đồng tùy kích cỡ và nhân bánh. Còn nếu bán lẻ thì giá cao hơn tầm 5.000 - 10.000 đồng mỗi bánh", chị Huyền chia sẻ.

Những đòn bánh tét ngon mẹ gói - Ảnh NVCC

Những đòn bánh tét ngon mẹ gói - Ảnh NVCC

Khách hàng vẫn thích nhất là loại bánh tét nhân thịt mỡ, nhân chuối truyền thống. Chị cũng có làm thêm những loại nhân mới như hạt sen, đậu xanh, trứng muối.

"Mối ruột" của chị đa số ở TP.HCM, đặt bánh để ăn những ngày Tết thường chỉ chú trọng hương vị. Nếu là bánh biếu tặng, họ thường yêu cầu hình thức bên ngoài phải chỉn chu, dáng bánh thon dài, đều đẹp và dây gói chắc chắn.

"Mọi năm, gia đình tôi thường nhờ người thân dưới quê gói bánh tét gửi lên để ăn Tết, có dạo tôi cũng đặt thử bánh tét tại TP.HCM nhưng thấy vẫn không hợp khẩu vị bằng bánh ở quê. Tôi thích bánh tét được làm theo cách truyền thống, như vậy sẽ giữ được hương vị thân quen và cũng ý nghĩa hơn vào ngày Tết", chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (27 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) cho hay.

Nếu như bánh chưng "chuẩn nhất" vẫn là người Bắc hoặc gốc Bắc gói nấu, thì bánh tét Nam Bộ lại có khá nhiều phong cách khác nhau. Trong đó, Trà Vinh nổi tiếng thương hiệu bánh tét Trà Cuôn với nhiều màu sắc bắt mắt được tạo ra từ nước xay lá dứa, nếp cẩm, bồ ngót, gấc, mà đặc biệt là nhân rất đa dạng từ thịt mỡ và đậu xanh truyền thống đến trứng muối, lạp xưởng, tôm khô, hạt sen...

Người Trà Vinh kể rằng mảnh đất này hài hòa các đồng bào Kinh, Khmer, Hoa nên bánh tét quê mình cũng đa dạng phong cách, như nhân thịt mỡ là truyền thống đồng bào Kinh, còn nhân lạp xưởng trứng muối lại có hơi hướm khẩu vị người Hoa.

Trong khi đó, ngay gần TP.HCM, miệt Long An cũng nổi tiếng với bánh tét được gói bằng lá dứa dại mọc trong bưng. Những lá dứa có gai bén như lưỡi cưa nguy hiểm, nhưng vào bàn tay khéo léo của các bà, các cô gái Long An thì gói nên cái bánh tét vừa dài vừa tròn, đặc biệt là rất đều và chặt cứng khác hẳn gói lá chuối...

Ngày xuân, thật thú vị khi đi biếu hay được nhận quà biếu là những đòn bánh tét nhiều màu sắc và đa dạng khẩu vị địa phương này. Và có lẽ còn bất ngờ, thú vị hơn nữa khi ai đó bóc cái bánh tét có cả ba màu tươi tắn của nếp cẩm, lá dứa và trái gấc ngon.

Cơ sở sản xuất khô ở cảng Vàm Láng (Gò Công Đông, Tiền Giang) đang tất bật chuẩn bị mẻ tôm cho kịp nắng - Ảnh: AN VI

Cơ sở sản xuất khô ở cảng Vàm Láng (Gò Công Đông, Tiền Giang) đang tất bật chuẩn bị mẻ tôm cho kịp nắng - Ảnh: AN VI

Đậm đà con cá khô quê hương

Dân miền Nam quen ăn bánh tét và cũng không thể thiếu vài con khô đặc sản để lai rai ba ngày Tết. Tháng chạp, chúng tôi về Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) để tận mắt xem bà con làm khô từ các loại hải sản tươi rói mà ngư dân đánh bắt xa bờ mang về cảng như tôm biển, cá mối, cá đổng, cá lưỡi trâu.

"Vựa khô của tôi làm để bán sỉ và lẻ quanh năm chứ không riêng gì Tết. Ở đây ngay tại cảng nên cá, tôm cập bến vào là tôi tiến hành sơ chế rồi phơi luôn cho kịp con nắng. Trung bình mỗi ngày tầm 50 - 70kg thì người ta cũng lấy hết ráo. Nhưng năm nay ít cá vào cảng, chủ yếu là tôm!", chị Út Tèo (50 tuổi, ngụ thị trấn Vàm Láng, Gò Công Đông) cho hay.

Gần đó, cơ sở sản xuất khô của anh Trần Hoàng Đạo (54 tuổi) cũng đã sớm cho công nhân nghỉ Tết. Không khí tất bật nhất tại sân phơi đã diễn ra cách đây 1-2 tuần. Tranh thủ mang vài vỉ khô ra sân phơi cho kịp con nắng, anh Đạo cười nói:

"Sản lượng khô phụ thuộc ngư dân. Năm nay ghe đi biển vào bờ sớm, biển ít cá, không có đồ làm nên họ cũng vào bờ ăn Tết sớm. Mọi năm dịp gần Tết nhà tôi làm mỗi ngày vài tấn, mỗi ngày 100 - 200 vỉ cá phơi kín cả sân. Năm nay chỉ còn khoảng mấy trăm kg".

Cũng theo anh Đạo, dù thị trường nguyên liệu có chút hạn chế nhưng giá khô năm nay không lên xuống nhiều, giá tại chỗ dao động tầm 60.000 - 80.000 đồng/kg tùy loại. Nhiều bà con sành ăn khô cũng tìm đến tận nơi để mua vài chục kg về biếu hoặc dành ăn mấy ngày Tết.

"Làm nghề khô cực nhất là mưa, chứ nắng tốt như Tết này thì việc trôi nhanh lắm. Sáng cá về là mình vô làm, xẻ luôn rồi lên vỉ. Phơi chừng một ngày là khô rồi, qua ngày thứ hai là có thể bắt đầu xuất đi các tỉnh miền Tây và TP.HCM", anh Đạo cười giòn rụm.

"Ngày Tết ăn thịt thà nhiều cũng ngán nên năm nào gia đình tôi cũng đặt trước vài loại cá khô, tôm khô từ miền Tây để dành ăn và đãi khách. Sẵn nhà có nhiều loại dưa chua, ăn cùng cá khô nó lại hợp lắm", chị Bích Phương (37 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) vui vẻ kể chuyện.

Cá khô tuy là món ăn dân dã nhưng lại mang đậm nét văn hóa độc đáo trong đời sống của người miền Tây Nam Bộ, đặc biệt trong ngày Tết lại là một món ăn dễ đưa cơm, hoặc dùng để khách, nhấm nháp tí rượu quê cũng "bén miệng" vô cùng.

Ngoài nguồn cá khô gần như Gò Công Đông và Cần Giờ, dân thành phố này còn nhiều nguồn khác để chọn lựa. Ai mê khô cá sặc béo ngậy thì khó bỏ qua hàng Cà Mau trứ danh; khô cá trê; cá lóc thì xứ ruộng đồng nước ngọt Hậu Giang, Long An, Đồng Tháp; khô cá dứa cá lù đù thì xứ Bạc Liêu hay gần kề thành phố là Cần Giờ cũng có nhiều.

Ngày Tết, bày mâm tiệc đãi bạn bè mà có thêm đĩa khô ngon là đặc sản quê xa thì chắc chắn sẽ đem lại sự bất ngờ, thú vị và ngon miệng cho nhiều người.

Dân gian miệt Gò Công xưa có câu:

"Anh đi đóng đáy bãi ngang

Ghé qua Láng Lộc để nàng lượm tôm".

Nói vậy để biết vùng đất ven biển Vàm Láng - nơi mà ngày trước gọi là Láng Lộc (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) - dồi dào nguồn hải sản biết chừng nào. Nơi đây cũng là thị trấn biển duy nhất của tỉnh Tiền Giang có nhiều hoạt động phát triển nghề cá từ lâu đời.

Theo người dân tại làng khô Vàm Láng, nhiều năm trước mỗi đợt cận Tết, không khí sản xuất ở đây rất nhộn nhịp, có năm 29 Tết mà bà con vẫn còn tất bật. Tuy năm nay hải sản vào bờ không nhiều, nhưng sản lượng khô vẫn tương đối đủ phục vụ bà con miền Tây và các tỉnh lân cận vào dịp Tết Giáp Thìn 2024.

-------------------

Ngày Tết, sao không thử đĩa rau rừng và món thịt treo gác bếp từ tận xứ Tây Bắc xa xôi?

Kỳ tới: Nồng nàn món ngon rừng núi

Săn Săn 'món độc' ăn tết

TTO - Đặc sản gì lạ, ngon miệng nhưng không quá đắt đỏ để gia đình quây quần mâm cơm ngày tết? Đó là câu hỏi trong đầu nhiều người những ngày này. Và họ cũng có nhiều cách để săn tìm món "độc"…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên