07/05/2024 10:43 GMT+7

Thị trường bất động sản chưa phục hồi, ngành vật liệu xây dựng tiếp tục gặp khó

Tín hiệu phục hồi thị trường bất động sản còn mờ nhạt, ngành vật liệu xây dựng tiếp tục gặp khó.

Xây nhà theo giấy phép tại huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Xây nhà theo giấy phép tại huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, nhóm ngành vật liệu xây dựng đóng góp trung bình khoảng 7% GDP của Việt Nam mỗi năm. Tiếp nối sự ảm đạm trong suốt năm 2023, quý 1-2024, doanh số bán ra các mặt hàng này lại tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ.

1/3 cửa hàng vật liệu xây dựng đóng cửa

Ngày 7-5, ghi nhận trên đường Tô Hiến Thành (quận 10, TP.HCM), các cửa hàng vật liệu xây dựng dần được thay thế bằng cửa hàng kinh doanh các mặt hàng khác. 

"Quá nhiều người trả cửa hàng, đóng cửa, sang mặt bằng. Khoảng 1/3 cửa hàng trả và đóng cửa", chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Thiên Phú nói.

Bán mặt hàng gạch men ốp lát, có kho hàng ở quận 12 (TP.HCM), anh Nguyễn Văn Hoàng dự định sẽ kỷ niệm 5 năm mở cửa hàng của mình nhưng "trái đắng" năm thứ 5 khiến anh phải… trả mặt bằng kho, đóng cửa vì "gồng" không nổi.

"Hàng không bán được, kho hàng còn nguyên, nợ không lấy được mà gốc lãi trả đều đặn mỗi tháng. Phải đóng cửa thôi", anh chia sẻ.

Trong khi đó trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm vật liệu xây dựng lập ra để tương tác kênh bán hàng nhưng lại bàn chuyện trả mặt bằng nhiều hơn chuyện bán buôn.

Nhóm "Hội VLXD - Gạch men cao cấp Việt Nam" với gần 52.000 thành viên, câu chuyện gồng lỗ hoặc đóng cửa, sang mặt bằng những ngày qua được chia sẻ rộng rãi nhưng gần như không có tương tác, mọi bình luận đều… im ỉm.

Hy vọng từ "cú hích" bất động sản và đầu tư công

Các cửa hàng vật liệu xây dựng ở TP.HCM đầy đủ, đa dạng sản phẩm nhưng lại thiếu… bóng dáng người mua - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Các cửa hàng vật liệu xây dựng ở TP.HCM đầy đủ, đa dạng sản phẩm nhưng lại thiếu… bóng dáng người mua - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận thị trường bất động sản như "đầu tàu" kéo nhiều "toa" ngành nghề khác hoạt động, và vật liệu xây dựng là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất.

"Khi ngành xây dựng, bất động sản làm ăn phát đạt thì ngành vật liệu xây dựng có cơ hội để tăng trưởng và ngược lại. Vì thế tôi nghĩ trước hết là "khơi thông" pháp lý và thủ tục trong xây dựng. Rồi đến đẩy nhanh đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội", chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Trường (TP.HCM) đưa ra giải pháp.

Ở góc nhìn khác,  ông Nguyễn Thái Thuật Hiền, phó chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam, cho rằng những dự án đầu tư công: dự án giao thông, dự án hạ tầng công nghiệp, đô thị, các đường vành đai, cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành… nếu hoạt động, triển khai nhanh sẽ giúp cho ngành xây dựng hạ tầng được hưởng lợi lớn trực tiếp trong năm 2024.

Trong khi đó ông Lê Viết Hải, chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng, đề xuất phát triển thị trường nước ngoài của dịch vụ tổng thầu.

"Thầu nước ngoài ưu tiên chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng Việt Nam. Các tổng thầu nhận được dự án họ mới có thể quyết định vật liệu từ nguồn nào cho công trình. Điều này giải quyết đầu ra cho sản phẩm vật liệu xây dựng nội địa".

Bất động sản trầm lắng, tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm sâu, doanh nghiệp kêu cứuBất động sản trầm lắng, tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm sâu, doanh nghiệp kêu cứu

Tiêu thụ thép, xi măng, kính xây dựng giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm, nguyên nhân theo các chuyên gia là do thị trường bất động sản trầm lắng, đóng băng từ cuối năm 2022 đến nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên