Poker là cái chi chi…

HUY ĐĂNG 18/03/2023 08:54 GMT+7

TTCT - Chỉ trong một tuần, cộng đồng poker Việt Nam đón nhận hai tin tức trái ngược, nhưng thực chất nên coi đây là cờ bạc, hay thể thao?

Hôm 7-3, doanh nhân Đào Minh Phú đoạt chức vô địch một giải đấu poker quốc tế tổ chức tại Quảng Nam, kèm theo món tiền thưởng gần 40 tỉ đồng (1,67 triệu USD). Một ngày sau, một CLB poker ở Thủ Đức bị kiểm tra đột xuất vì nghi ngờ đánh bạc trái phép…

Giải poker du lịch mở rộng 2023 tổ chức ở Quảng Nam. Ảnh: N.H.

Giải poker du lịch mở rộng 2023 tổ chức ở Quảng Nam. Ảnh: N.H.

Nhiều năm qua, đó là thực trạng gây tranh cãi của poker - một môn thể thao trí tuệ được công nhận trên bình diện thế giới nhưng luôn bị đặt dưới ánh mắt nghi ngờ ở Việt Nam.

Thế nào là hợp pháp?

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng - tổng thư ký Hiệp hội Bridge & Poker Việt Nam - cho biết từ năm 2014 poker đã được Bộ Nội vụ công nhận là hoạt động thể thao giải trí hợp pháp. Hiệp hội Bridge & Poker Việt Nam ra đời từ đây, chịu trách nhiệm quản lý các CLB và đảm bảo việc thi đấu poker trong khuôn khổ hợp pháp, không bị biến tướng thành đánh bạc.

Vậy chơi poker thế nào là hợp pháp, thế nào là phạm pháp? Ông Nguyễn Hồng giải thích, hiểu nôm na chơi poker thường có hai hình thức: một là đánh giải (tournament), hai là dùng tiền (như trong casino). Theo đó, chơi casino sẽ dùng tiền mua phỉnh, rồi sau đó lại lấy phỉnh đổi thành tiền và như vậy là đánh bạc bất hợp pháp ở Việt Nam.

Trái lại, hình thức tournament yêu cầu người chơi đóng lệ phí dự giải (buy-in). Tổng số tiền thu được sẽ được dùng trang trải một phần cho kinh phí tổ chức và sau đó dùng để trao thưởng. Những người chiến thắng sẽ nhận được mức thưởng nhất định tùy theo thứ hạng.

Với riêng các giải đấu lớn thuộc quy mô tổ chức của những hiệp hội lớn như Triton, WTA (tầm thế giới) hay APT (tầm châu Á), tiền thưởng sẽ càng nhiều nhờ có nhà tài trợ, ngoài tiền đóng lệ phí của người chơi.

"Việc một giải đấu thu lệ phí tham dự của người chơi rồi dùng số tiền đó trang trải kinh phí tổ chức, tiền thưởng là hết sức bình thường. Ví dụ như quần vợt hay các giải chạy bộ. Nhưng vì đây là poker, với công cụ thi đấu là bộ bài 52 lá, nên mọi người vẫn có định kiến về việc bài bạc", ông Nguyễn Hồng nói.

Năm 2017, Công an TP.HCM từng triệt phá ba CLB poker vì đánh bạc bất hợp pháp. "Cả ba CLB này đều không thuộc hiệp hội, nhưng TP.HCM sau đó lại ra quyết định nội bộ là đình chỉ mọi hoạt động chơi poker. 

Từ đó, các CLB poker ở TP.HCM, dù thuộc quyền quản lý của hiệp hội, lâm vào tình cảnh khốn khổ khi các hội viên muốn chơi poker phải sang các tỉnh khác", ông Nguyễn Hồng cho biết thêm.

Đến nay, Hiệp hội Bridge & Poker Việt Nam quản lý tổng cộng 25 CLB poker, với Hà Nội là nơi đông nhất, tiếp đó các tỉnh thành như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Cần Thơ, Kiên Giang… TP.HCM dù có hai CLB thuộc quản lý của hiệp hội nhưng lại không thể tổ chức các giải đấu poker hợp pháp.

Poker trong giáo dục

Chịu định kiến về bài bạc bất hợp pháp ở Việt Nam, nhưng trên bình diện quốc tế, poker lại được thừa nhận rất rộng rãi. Năm 2010, Hiệp hội Thể thao trí tuệ quốc tế (IMSA) chấp nhận kết nạp poker, đưa trò đánh bài này vào chương trình thi đấu của giải các môn thể thao trí tuệ thế giới - tức World Mind Sports Games. 

Đây được xem là kỳ đại hội thể thao lớn thứ ba thế giới, chỉ xếp sau Olympic mùa hè và Olympic mùa đông. Cờ vua, cờ vây, cờ tướng, bài bridge và mạt chược là những môn thể thao khác của World Mind Sport Games.

Không dừng lại ở đó, poker còn hướng đến việc góp mặt ở Olympic. 

Ngay sau Olympic Tokyo 2020, Liên đoàn Poker quốc tế (IFMP) cho biết họ đang nỗ lực vận động để đưa poker trở thành một môn thi đấu không chính thức (không được tính trên bảng tổng sắp huy chương) ở Olympic 2024, bước đệm để trở thành môn chính thức ở kỳ Olympic diễn ra sau đó 4 năm nữa. 

Nếu thành công, đó sẽ là bước ngoặt trong lịch sử thể thao, bởi từ trước đến nay ngay cả cờ vua cũng chưa thể góp mặt tại Olympic.

Lý do gì khiến poker được xem trọng đến vậy? "So với cờ vua, poker được đánh giá giàu sức hút hơn, gần gũi hơn", streamer nổi tiếng Alexandra Botez nhận xét. Cô từng thu hút hàng triệu lượt view nhờ livestream cờ vua, nhưng giờ đã chuyển sang trò chơi đánh bài. 

Nhận xét của Botez là khá dễ hiểu. Trong cờ vua, những kỳ thủ bình thường không thể nào chạm đến trình độ của đại kiện tướng, nhưng poker thì khác. 

Trò chơi bài này dễ hiểu, không đòi hỏi tính toán phức tạp như cờ vua, và một người chơi vừa mới tập tễnh nhập cuộc, trong một ván đấu ngẫu nhiên bất kỳ, cũng có thể làm khó những tay chơi hàng đầu thế giới.

Nhưng nói vậy không có nghĩa poker không đòi hỏi trình độ nhất định. Trái lại, poker thậm chí đi vào chương trình giảng dạy của nhóm đại học Ivy League ở Mỹ. 

Trò chơi bài này được đánh giá là giúp sinh viên rèn luyện khả năng tư duy về xác suất và khả năng ra quyết định trong những tình huống cân não. 

Giáo sư ngành luật Charles Nesson của ĐH Harvard nhận định rằng poker nên được đưa vào dạy từ lứa tuổi tiểu học, giúp trẻ con có chiến lược quản lý tiền bạc về lâu dài, và xa hơn nữa là những kỹ năng mềm trong xã hội.

"Ví dụ, một sinh viên ngành điều tra có thể học cách phân tích ngôn ngữ cơ thể để xác định một người có đang nói dối hay không. Hay sinh viên ngành toán thống kê có thể tư duy nhanh về yếu tố tài chính", giáo sư Nelson nói. 

Tất nhiên, không có môn học tên poker, nó chỉ được khuyến khích đưa vào như một hoạt động ngoại khóa hay bổ trợ trong những bộ môn liên quan đến xác suất, chiến lược kinh doanh, tâm lý học…

Những đại học hàng đầu như Harvard hay MIT còn thành lập hẳn các CLB poker để sinh viên giao lưu học hỏi, thậm chí định hướng trở thành bài thủ chuyên nghiệp.

Aaron Chen, người thành lập hội poker của ĐH Harvard, chia sẻ rằng sinh hoạt của hội poker không chỉ là chơi bài. Họ còn đưa ra những đề tài liên quan đến ứng dụng của poker để thảo luận hàng tuần, đồng thời tạo ra cơ hội gặp gỡ trong giới doanh nhân.

Có không ít bài thủ nổi tiếng của làng poker xuất thân từ giới học thuật, như Andy Bloch - người sở hữu hai tấm bằng kỹ sư điện tử và luật của MIT cùng Harvard. Trong 30 năm chơi poker, tổng số tiền thưởng Bloch kiếm được là hơn 5 triệu USD. 

Hay Matt Matros, tốt nghiệp ĐH Yale và từng ba lần vô địch các giải poker thuộc hệ thống danh giá World Series of Poker. Matros còn là một HLV poker và từng xuất bản sách "Làm thế nào để một người đam mê toán của nhóm ĐH Ivy League bắt đầu chơi poker?".

Những người đam mê poker toàn cầu như giáo sư Nesson hay bài thủ Matros nhiều năm qua vẫn nỗ lực để làm "trong sạch" danh tiếng của môn thể thao trí tuệ này. 

"Tôi muốn tách poker khỏi quá khứ bài bạc của nó. Mục tiêu của chúng tôi là giúp người đam mê poker hiểu rằng họ có thể kiếm thu nhập từ nhà tài trơ và giải đấu, chứ không phải từ tiền của chính họ", giáo sư Nesson nói.

Ở Việt Nam, quan niệm về poker có lẽ cũng cần được đả thông như vậy, khi một số hình thức hoạt động bất hợp pháp khiến nhiều người có thành kiến về khái niệm thể thao trí tuệ. "40 năm trước, tôi từng vận động để gầy dựng lại phong trào chơi bi da, vốn cũng bị định kiến không tốt. Nhưng giờ bi da là môn thể thao Việt Nam có nhiều VĐV tầm cỡ quốc tế. Mong rằng xã hội và chính quyền cũng dần dà hiểu poker như vậy", ông Nguyễn Hồng nói. ■

Những giải poker hàng đầu thế giới

Được nhắc đến đầu tiên trong hệ thống poker toàn cầu là World Series of Poker (WSOP) - giải đấu có mức buy-in cao nhất, lên đến 250.000 USD, và người thắng giải có thể nhận được khoản tiền lên đến 10 triệu USD. Nhưng nếu nói đến tiền thưởng, hệ thống giải của Triton (do một doanh nhân người Malaysia thành lập) mới đứng đầu thế giới. Bài thủ Bryn Kenney từng giành số tiền thưởng lên đến 20,5 triệu USD ở giải năm 2019.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận