Sau cơn bàng hoàng trước tin Nguyễn Hướng Dương mất, giữa những khóc cười bấn loạn, cô Tuyết Ngọc, mẹ chị, bỗng nói: "Hướng Dương đã xong phần việc của nó rồi".

Quả vậy. Những ngày chị đã sống là những tháng năm tràn ngập yêu thương, dành cho mọi người, là khát khao mang ánh sáng cho những em nhỏ không may phải sống trong bóng tối.

Những ngày ấy là những ngày hướng dương.

Những ngày Hướng Dương - Ảnh 1.

Những cư dân TP.HCM đã nhớ tên Hướng Dương từ lâu lắm.

Những năm 1980, trên những tờ báo của tuổi học trò như Nhi Đồng, Khăn Quàng Đỏ thường xuyên có tên của Hướng Dương, ảnh của Hướng Dương...

Cô bé có khuôn mặt bầu bĩnh đeo khăn quàng đỏ, nổi tiếng học giỏi, nhất là tiếng Nga; nổi tiếng hát hay, múa dẻo; nổi tiếng năng động, tích cực với vai trò liên đội trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3); nổi tiếng với giọng đọc chương trình Búp măng non trên Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM

Cuộc đời Hướng Dương tưởng như trải hoa hồng.

Hướng Dương lớn lên, thỏa nguyện tung tăng của mình với công việc hướng dẫn viên du lịch. Tuổi thanh xuân của cô trải dài những chuyến đi, cho đến một ngày định mệnh…

Hướng Dương những năm tháng tuổi thanh xuân và là hướng dẫn viên du lịch - Ảnh tư liệu

Những ngày Hướng Dương - Ảnh 3.

Mất đôi chân ở tuổi 25.

Thức dậy trên giường bệnh, Hướng Dương chỉ muốn chết. Tiếp đó là những ngày ngập chìm trong nước mắt. Nước mắt và nỗi tuyệt vọng.

Những ngày Hướng Dương - Ảnh 4.

Cha mẹ đưa Hướng Dương về nhà. Trên đầu giường, cô đọc thấy dòng thơ mình đã dán trên tường từ năm 18 tuổi:

"Chào bình minh
Hãy chăm chú vào ngày hôm nay
Vì nó đời sống, chính là sự sống của đời sống
Nó tuy ngắn ngủi
Nhưng chứa tất cả chân lý về đời ta…"

Câu ấy, Hướng Dương đã chép trong cuốn Quẳng gánh lo đi mà vui sống.

Hướng Dương mang sách ra đọc lại, thấm thía lại một lần nữa từng dòng, từng trang sau nỗi mất mát, đau đớn. 

Và Hướng Dương bỗng nhận ra trong trang sách một ánh sáng mới. Cô ngồi dậy.

Mẹ đưa Hướng Dương đi làm chân giả. Chị tập đi. Mẹ đưa Hướng Dương đến trường mù Nguyễn Đình Chiểu.

Nhìn các em bé lần mò trong bóng tối, không biết cả bông hoa chiếc lá, Hướng Dương thấy mình còn hạnh phúc: đôi chân có thể được thay thế, còn đôi mắt thì không.

Những ngày Hướng Dương - Ảnh 5.

Không thể quay về với nghề du lịch, cô còn giọng nói, còn đôi mắt. Hướng Dương bắt đầu những buổi chiều đọc sách cho các em học sinh mù.

Các em tụm lại vòng trong vòng ngoài. Các em tiếc nuối, nắm níu khi chiều xuống Hướng Dương phải về nhà. Các em thao thức trong đêm nhớ giọng đọc của chị.

Những ngày Hướng Dương - Ảnh 6.

Tìm cách khác. Hướng Dương nghĩ và đi mua chiếc máy catsette, vài cuộn băng. Cô đóng cửa một phòng học, ngồi đọc, thu băng. Áo đẫm mồ hôi, giọng khàn đi Hướng Dương mới nghỉ.

Cuộn băng ấy sang ra, cả trường Nguyễn Đình Chiểu hạnh phúc.Câu chuyện về Hướng Dương với đôi nạng gỗ và chiếc máy catsette được đưa lên báo Tuổi Trẻ

Thư viện sách nói ra đời từ ấy, chỉ mới là một căn phòng đi mượn, khá hơn phòng học ở chiếc máy lạnh, và một dàn thu mới được tài trợ.

Một mình Hướng Dương vừa đọc, vừa thu, vừa lồng nhạc nền. 

Chị tìm sách, tìm truyện, tìm tiếng sóng, tiếng gió, tìm nhạc cổ điển, nhạc hòa tấu, cố luyện giọng đọc của mình để vẽ ra màu nắng, màu hoa…

Cả một thế giới được Hướng Dương gói vào những cuộn băng. Những cuộn băng mang thế giới, mang ánh sáng, mang kiến thức vào cuộc đời các em học sinh mù.

Và cũng từ đó, những cuốn băng đĩa len lỏi vào khắp các hang cùng ngõ hẻm để đến với người mù trên toàn quốc.

Cứ thế mà hai mươi năm...

Những ngày Hướng Dương - Ảnh 8.

Năm lần chuyển trụ sở, cuối cùng Hướng Dương đã xoay sở để Thư viện sách nói được an cư trong một tòa nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi để làm một tụ điểm sinh hoạt, hội họp, học tập, giải trí cho người mù.

Học bổng Ánh Sen dành cho học sinh mù, học bổng Hướng Dương dành cho sinh viên mù mà chị sáng lập đã đồng hành với hàng trăm người trên đường tìm ánh sáng, vững vàng tự lập trên đời.

Thư viện sách nói đã có năm phòng thu hiện đại với dàn tình nguyện viên chuyên nghiệp, tận tâm, tận sức, sẵn sàng đồng hành như lời cam kết của Hướng Dương: "Học sinh mù cần sách tới đâu, thư viện theo tới đó".

Kể cả Hướng Dương cũng không thể biết hết mồ hôi, nước mắt, máu thịt của mình đã đổ ra trong hai mươi năm ấy.

Không chỉ là công khó trong phòng đọc, đôi chân giả của Hướng Dương còn lặn lội tổ chức gây quỹ, tìm kiếm tài trợ; tâm sức của Hướng Dương còn tổ chức cho các em mù những buổi thi đấu cờ vua, khám sức khỏe, và cả... tắm biển.

Nhìn chị lội đôi chân giả ngập trong cát, nhọc nhằn từng bước chập chững ra mép sóng mà miệng vẫn cười tươi, giọng vẫn rổn rảng hòa vào niềm vui lần đầu biết biển của các em học trò mù mới biết trái tim Hướng Dương hướng về mặt trời như thế nào.

Cô tiên sách nói của Thư viện người mù - Video: TVO


Những ngày Hướng Dương - Ảnh 10.
Những ngày Hướng Dương - Ảnh 11.

Nỗi đau của Hướng Dương chỉ có mình mẹ biết. 

Những búi dây thần kinh từ các mỏm cụt vẫn liên tục mọc ra, chạm vào những kim loại, nhựa gây đau đớn.

Cứ hai năm, chị lại phải lên bàn phẫu thuật, lại phải thay những chiếc chân giả.

Mái tóc đen dày của chị, có dạo vì ngồi trong phòng thu nhiều mà bị nấm, rụng từng mảng. Tấm thân con gái của chị, vì ngồi nhiều, vì dùng kháng sinh mà tích nước, phù lên…

Hướng Dương ăn chay. Hướng Dương ngồi thiền. Hướng Dương tập luyện. Hướng Dương nghiên cứu đủ các loại phương pháp, biện pháp, giải pháp để tự giúp mình.

Tìm ra rồi, Hướng Dương lại muốn chia sẻ. Chị viết sách Đứng dậy và bước đi  truyền cảm hứng cho người khác. 

Hướng về phía mặt trời, những ngày Hướng Dương là những ngày như thế...

Các em Trường Nguyễn Đình Chiểu hát bài Khát vọng, chia tay Hướng Dương - Video: PHẠM VŨ

Những ngày Hướng Dương - Ảnh 13.

PHẠM VŨ
TỰ TRUNG
THÙY TRANG
BẢO SUZU
27/04/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên