26/01/2023 08:53 GMT+7

Nguyễn Á và mùa xuân về miền di sản

Tính đến nay Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã ghi danh 15 di sản của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Mời độc giả cùng về các miền di sản cùng nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.

Là người đam mê cái đẹp của văn hóa, con người, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á đã dành nhiều năm qua những vùng đất di sản để ghi lại âm sắc Việt Nam, và mùa xuân này, Tuổi Trẻ mời độc giả về các miền di sản qua ống kính nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.

Nghệ thuật xòe Thái

Nghệ thuật xòe là loại hình múa truyền thống giúp kết nối ước vọng của con người với thế giới thần linh, là hồn cốt văn hóa của người Thái ở bốn tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Yên Bái.

Nguyễn Á và mùa xuân về miền di sản - Ảnh 1.

Xòe Thái

Điệu múa xòe cùng với âm nhạc phản ánh vũ trụ quan, nhân sinh quan của người Thái gồm thế giới trên trời, mặt đất và thần linh. Mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, người Thái lại nắm tay nhau quanh đống lửa nhảy múa ăn mừng. Tết là dịp mà những điệu xòe tưng bừng, rộn rã hơn cả.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Theo truyền thuyết, Hùng Vương là con của cha Lạc Long Quân (giống Rồng) và mẹ Âu Cơ (giống Tiên), đã có công dựng nên Nhà nước Văn Lang cổ đại. Hùng Vương còn là thần tổ gắn với nghề nông, dạy dân cày ruộng, cấy lúa, ban linh khí cho đất đai, nhà cửa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu.

Nguyễn Á và mùa xuân về miền di sản - Ảnh 2.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương

Với niềm tin thành kính Việt, từ hàng nghìn năm qua, người Việt Nam đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để thể hiện sự biết ơn với vị thủy tổ. Lễ giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ.

Hội Gióng

Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội) gắn với truyền thuyết Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng Việt Nam, tượng trưng cho sức mạnh tuổi trẻ và tinh thần chống giặc ngoại xâm.

Nguyễn Á và mùa xuân về miền di sản - Ảnh 3.

Hội Gióng

Hội Gióng ở đền Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm - nơi Thánh Gióng sinh ra) diễn ra từ ngày 7-9 tháng tư âm lịch. Hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn nơi Thánh hóa, cưỡi ngựa về trời) diễn ra từ ngày 6-8 tháng giêng âm lịch.

Hát then của người Tày, Nùng, Thái

Hát then là loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp ca, nhạc, múa và diễn trò. Thực hành then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái. Những sự kiện trọng đại, chúc mừng năm mới hay trong lễ cầu an, giải hạn, cầu mùa, xuống đồng, chúc phúc...

Nguyễn Á và mùa xuân về miền di sản - Ảnh 4.

Hội Then

Nghi lễ và trò chơi kéo co

Không chỉ là trò chơi thể thao phổ biến mọi nơi, kéo co còn là một nghi lễ và nghệ thuật trình diễn dân gian, trò chơi hầu Thánh được thực hành rộng rãi ở vùng trung du, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ với trung tâm là các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội với ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu hay những tiên đoán liên quan đến sự thành công hay thất bại của nỗ lực trồng cấy.

Nguyễn Á và mùa xuân về miền di sản - Ảnh 5.

Thi kéo co

Hàng ngàn năm, kéo co đã sống, tồn tại, phát triển và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhận loại thông qua hồ sơ của bốn nước Hàn Quốc, Campuchia, Philippines và Việt Nam.

Hát xoan

Hát xoan bắt nguồn từ hình thức hát thờ các vua Hùng, là hình thức biểu đạt niềm tin tâm linh sâu sắc từ xa xưa của người Việt ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, thường được trình diễn vào dịp đầu xuân.

Nguyễn Á và mùa xuân về miền di sản - Ảnh 6.

Hát xoan

Nghệ thuật hát xoan diễn ra theo các chặng sau: hát Thờ (tưởng nhớ các vua Hùng, các vị thần, những người có công với dân, với nước và tổ tiên của các dòng họ), hát Nghi lễ (ca ngợi thiên nhiên, con người, đời sống sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng), hát Hội (bày tỏ khát vọng trong cuộc sống, tình yêu nam nữ với những làn điệu đậm chất trữ tình, vui nhộn, được thể hiện qua hình thức hát đối đáp giữa trai, gái làng sở tại và các đào, kép của phường xoan...).

Khai mạc Lễ hội Tết Việt 2023Khai mạc Lễ hội Tết Việt 2023

Đông đảo văn nghệ sĩ đã lưu lại những khoảnh khắc chào mừng năm mới tại Lễ hội Tết Việt. Quốc Cơ, Hồng Phượng, Quỳnh Hoa, Thủy Tiên… mong một năm mới bình an.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên