18/02/2021 10:37 GMT+7

Nâng mình cây lúa

CHÍ QUỐC - BỬU ĐẤU
CHÍ QUỐC - BỬU ĐẤU

TTO - Thị trường đang chuyển dịch mạnh từ “ăn no” tới “ăn ngon”, không chỉ đảm bảo dinh dưỡng mà còn là dinh dưỡng theo nhu cầu. Đương nhiên, cây lúa cũng phải chuyển mình theo.

Nâng mình cây lúa - Ảnh 1.

Người trồng lúa ở miền Tây Nam Bộ bắt đầu chuyển sang một hướng mới: trồng lúa hữu cơ để nâng chất lượng, giá trị hạt gạo.

Miệt Hậu Giang có gạo Tân Long...

"Gạo sạch dẻo thơm cho bữa cơm hấp dẫn" - câu khẩu hiệu đúng điệu nông dân mà ông Nguyễn Văn Thích, giám đốc Hợp tác xã Tân Long (xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, Hậu Giang), giới thiệu như để nói cho chúng tôi biết về hành trình "lột xác" của hạt gạo được ông trồng trên vùng "đất cũ" quê mình.

Để được gọi là gạo sạch, gạo an toàn, ông và hơn 70 hộ dân ở Vị Thủy đã thay đổi tư duy, áp dụng phương pháp hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình gieo trồng.

Ở vùng bưng biền Tân Long, ông Thích cũng như người dân hồi đó giờ sống chủ yếu dựa vào cây lúa. Đồng thời, với tư duy làm nông truyền thống, hạt lúa làm ra chất lượng không cao, giá bán trên thị trường thấp nên đời sống cứ mãi bấp bênh, luẩn quẩn với việc hết mùa lúa cũ bà con lại đổi lấy một giống lúa mới.

Để phá bỏ lối mòn trong sản xuất và tìm hướng đi mới cho cây lúa, ông ấp ủ "giấc mơ" áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng lúa hữu cơ, thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, với hành trình "lột xác" hạt gạo, ông Thích bảo: "Không dễ như tôi tưởng".

"Đơn lẻ sẽ tẻ nhạt" - đó là cách lý giải và cũng là mấu chốt của vấn đề để ông Thích quyết định tham gia vào tổ sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Năm 2018, ông Thích chia sẻ ý tưởng của mình với mọi người và bắt đầu trồng lúa theo cách thức sử dụng phân thuốc hữu cơ. Ban đầu, ông cải tạo đất thật kỹ, trồng thử nghiệm giống ST24 trên 3ha đất ruộng của gia đình. Từ quăng phân, xịt thuốc, ông đều sử dụng phân thuốc hữu cơ. Lúa cứ thế phát triển xanh tốt, bông trổ đều mướt mắt nhưng kết quả khiến ông không mấy vui: "Bông trổ tốt lắm, ai ngờ năng suất lúa đợt đó thu về thấp hơn cách làm bình thường từ 100 - 300 ký lúa tươi/công".

Năng suất không cao nhưng giá lúa hữu cơ cao hơn giá lúa thường từ 500 - 1.000 đồng/ký lúa tươi (tùy vào loại giống lúa). Chưa kể, trong quá trình sản xuất lâu dài, ông và mọi người có thể tiết giảm chi phí từ 700.000 - 800.000 đồng/công so với cách làm trước đây.

Ông đăng ký thương hiệu "Gạo sạch Vị Thủy - gạo RVT" và bán với giá 26.000 đồng/kg, còn giống ST24 và ST25 có giá dao động 28.000 - 36.000 đồng/kg (tùy loại gạo).

"Tính chi phí xong tụi tui vẫn có lời. Không nhiều nhưng đủ để tui và mọi người quyết tâm bám trụ với cách thức trồng lúa hữu cơ để có sản phẩm gạo an toàn, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng", ông nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Quốc Khánh, ở ấp Tân Long, cho biết ban đầu ông và không ít hộ dân ở địa phương cũng e dè trong việc sử dụng phân thuốc hữu cơ để trồng lúa vì lo giá thành cao hơn, sản phẩm làm ra khó bán.

Nếu làm theo truyền thống, gặp rủi ro, giá thành có thấp vẫn có thể bán tháo cho thương lái, gỡ lại ít vốn… Tâm lý của ông Khánh thay đổi khi biết ông Thích làm thành công mô hình trồng lúa hữu cơ, mang về lợi nhuận tốt. "Hướng đi của ông Thích hợp lý, tôi nghĩ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao thì sớm muộn bà con cũng tin dùng", ông Khánh khẳng định.

Chẳng đắn đo, cuối năm 2018, ông tham gia vào Hợp tác xã Tân Long và đến nay gia đình ông đã làm được bốn vụ lúa hữu cơ với một số loại giống chất lượng cao như OM5451, OM18, RVT. "So sánh sau bốn vụ, tôi thấy lợi nhuận ổn. Giá được hỗ trợ, tôi cũng yên tâm", ông nói.

Từ lúc thành lập đến nay Hợp tác xã Tân Long đã có hơn 70 thành viên tham gia với gần 700ha trồng lúa hữu cơ.

Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm "Gạo sạch Vị Thủy" của ông Thích, ông Khánh, anh Hậu đã được hội đồng cấp tỉnh xem xét và thống nhất công nhận sản phẩm đạt chuẩn 4 sao OCOP (mỗi xã, mỗi phường một sản phẩm, theo mô hình mỗi làng một sản phẩm của Nhật).

"Phân khúc thị trường sản phẩm gạo hữu cơ của chúng tôi làm ra đã có mặt ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM và Phú Quốc (Kiên Giang)… Hiện tôi và bà con đều làm theo đơn đặt hàng của đối tác và doanh nghiệp. Tới đây, tôi còn dự kiến sản xuất thêm một số sản phẩm gạo an toàn với nhiều loại giá để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu sử dụng của khách hàng", ông Thích nhấn mạnh.

Nàng Nhen "hồi sinh" ở vùng Bảy Núi

Neàng Nhen (thường gọi là Nàng Nhen) - giống lúa đặc sản của đồng bào dân tộc vùng cao huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang) nổi tiếng bấy lâu - nay đã được "hồi sinh" ngay tại vùng đất này.

Sau khi có đề tài khoa học của PGS.TS Lê Việt Dũng (phó hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ) về việc phục tráng giống lúa thơm Nàng Nhen ở huyện Tri Tôn, chính quyền địa phương có kế hoạch sản xuất 200ha lúa hữu cơ, trong đó có giống lúa này, để dựng lại thương hiệu nổi tiếng của huyện và vùng Bảy Núi.

Chị Neáng Kim An (ngụ xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) cho biết gia đình chị đang canh tác 5.000m2 lúa Nàng Nhen theo truyền thống. Để trồng loại lúa này rất tốn thời gian và công sức.

Nàng Nhen không thể gieo trồng như bình thường mà phải gieo rồi cấy mạ, chi phí cấy khoảng 800.000 đồng/công; bừa, xới là 350.000 đồng/công; sau đó sử dụng phân hữu cơ là phân bò từ 1 đến 2 lần.

Theo chị An, từ khi gieo cấy đến 6 tháng sau thu hoạch, so với sản xuất lúa bình thường giảm được 60% chi phí phun phân thuốc.

Dẫn chúng tôi tham quan khắp khu vực xã Núi Tô đang trồng lúa Nàng Nhen, anh Chau Sê - cán bộ khuyến nông xã Núi Tô - cho biết giống lúa Nàng Nhen thường có chiều cao từ 1,5m đến 1,8m.

Vừa qua Trường đại học Cần Thơ có chuyển giao cho Trung tâm Khuyến nông huyện Tri Tôn 200kg giống lúa Nàng Nhen đã được phục tráng. "lúa Nàng Nhen phục tráng có ba khác biệt đối với lúa bình thường: thời gian sinh trưởng khoảng 4 tháng, trong khi lúa thường phải 6 tháng; lúa phục tráng mùi thơm đậm hơn; thân cây lúa phục tráng cũng thấp hơn, dễ gặt hơn so với cây lúa thường quá cao" - anh Sê khoe những ưu điểm của Nàng Nhen mới.

"Huyện đề xuất Sở Khoa học và công nghệ sản xuất 4 loại giống lúa hữu cơ tại xã Núi Tô với diện tích khoảng 200ha, trong đó có giống lúa Nàng Nhen do Trường đại học Cần Thơ phục tráng. Chúng tôi đang quy hoạch để mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất hữu cơ cho bốn loại giống lúa này" - ông Lý Văn Chính, phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, nói thêm.

Mở rộng vùng lúa ST "ngon nhất thế giới"

lua 1

Ông Hồ Quang Cua, "cha đẻ" giống lúa ST, cho biết từ khi giống lúa ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới đến nay, đơn vị đã nhận "không biết bao nhiêu" yêu cầu mua gạo túi, thậm chí có thương hiệu để đưa vào hệ thống cửa hàng mang tính toàn cầu, nhưng chưa tổ chức sản xuất đáp ứng được.

Hiện ngoài vùng sản xuất tại tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bạc Liêu đang hợp tác với ông Cua sản xuất các giống lúa chất lượng cao ST24, ST25 trên vùng đất lúa - tôm của ba địa phương gồm huyện Hồng Dân, Phước Long và thị xã Giá Rai.

Ban đầu, tỉnh Bạc Liêu tổ chức trồng thí điểm (có hỗ trợ cho nông dân về giống) trên diện tích 3.500ha ở các vùng nêu trên. Hiện tại, Bạc Liêu đang mở rộng diện tích sản xuất giống lúa ST24, ST25 và tổng diện tích được quy hoạch có thể lên đến 60.000ha.

Theo ông Cua, vùng bán đảo Cà Mau, trong đó có Bạc Liêu, rất thuận lợi cho sản xuất gạo an toàn để đưa vào thị trường Mỹ, châu Âu vì hiện vùng này đã có tiếng trên thế giới.

Để niềm vui cây lúa, hạt gạo trọn vẹn Để niềm vui cây lúa, hạt gạo trọn vẹn

TTO - Có một nhà kinh doanh gạo hỏi tôi giá lúa thường nông dân bán 7.000 đồng/kg thì bán gạo giá nào?

CHÍ QUỐC - BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên