13/04/2020 09:35 GMT+7

Hóa đơn tiền điện tháng 3 tăng đột ngột

NGỌC HIỂN - NGỌC AN
NGỌC HIỂN - NGỌC AN

TTO - Nhiều người dân nhận hóa đơn tiền điện tháng 3 cao đột ngột dù cho rằng mức sử dụng các thiết bị điện không thay đổi, thậm chí còn hạn chế dùng điều hòa.

Hóa đơn tiền điện tháng 3 tăng đột ngột - Ảnh 1.

Anh Nhật Thuận, chủ cửa hàng ăn uống ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết tiền điện tháng 3 anh vừa thanh toán cao hơn tháng 2 hơn 1 triệu đồng dù ít dùng các thiết bị điện hơn tháng trước - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Bà T.T.H. (ngụ tại chung cư Vạn Đô, Q.4, TP.HCM) cho biết tháng 3 tiền điện nhà bà tăng lên 1,8 triệu đồng, trong khi tháng 2 là 1,2 triệu đồng dù gia đình sợ dịch nên cũng không thường xuyên dùng điều hòa.

Hóa đơn tiền điện tăng cao

Theo bà H., nhiều cư dân của chung cư Vạn Đô đều phản ảnh tình trạng chung là tiền điện tháng vừa rồi tăng trong khi nhiều gia đình đã dùng quạt máy, hạn chế dùng điều hòa.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (ngụ quận 7) cũng nhận hóa đơn tiền điện tháng 3 với 305.000 đồng trong khi tháng 2 chỉ 239.000 đồng. Theo chị Ngọc, 3 tháng nay chị đều làm việc ở nhà, mức độ sử dụng các thiết bị điện giống nhau và tiền điện các tháng trước đều khoảng 200.000 đồng trong khi tháng 3 tăng lên quá cao.

"Tôi rất thắc mắc là vì sao tôi ở chung cư, mua các thiết bị đều là loại tiết kiệm điện, dùng ổn định nhưng mọi tháng trước đều giống nhau song tháng 3 này tăng lên nhiều như thế và không biết có còn tăng nữa không" - chị Ngọc nói.

Hiện tượng "có tính quy luật"?

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những thắc mắc này, ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) - cho biết nhu cầu sử dụng điện tăng cao là hiện tượng "có tính quy luật" vào các tháng mùa khô. 

Mùa nắng nóng người dân sử dụng nhiều các thiết bị làm mát, nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh. Bên cạnh đó còn có các thiết bị làm mát phải hoạt động nhiều hơn. Khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng sẽ tốn nhiều điện hơn.

Ông Kiên nhận định kỳ hóa đơn tháng 4 (sử dụng điện trong tháng 3) có số ngày sử dụng điện nhiều hơn 2 ngày so với kỳ hóa đơn tháng 3 (tương đương 6,89%) cũng là nguyên nhân khiến lượng điện năng tiêu thụ kỳ này tăng.

"Năm nay do ảnh hưởng của dịch, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày cách ly xã hội. Do đó việc sử dụng điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những năm trước đó" - ông Kiên nói và cho biết tổng lượng điện tiêu thụ của khách hàng sinh hoạt của TP tháng 3-2020 tăng. Trong khi đó, điện cho khách hàng sản xuất và khách hàng kinh doanh dịch vụ giảm.

Với địa bàn miền Nam, ông Nguyễn Phước Đức - tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) - cũng cho rằng tiền điện của khách hàng tăng trong kỳ hóa đơn tháng 4 là "hiện tượng có tính quy luật thời tiết hằng năm". 

Theo ông Đức, tháng 3 vừa rồi có một số ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài ở mức trên 35oC. Khi vào mùa nắng nóng, các hộ khách hàng sử dụng nhiều các thiết bị làm mát nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh.

Trả lời Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc tháng 3 năm nay tăng tới 8,55% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng Hà Nội tăng 17% và TP.HCM tăng 13% so với cùng kỳ 2019. 

Lãnh đạo EVN cũng cho biết các tổng công ty điện lực thành viên đã thực hiện phúc tra chỉ số côngtơ do bộ phận độc lập thực hiện với 100% hóa đơn có mức tăng trên 30% trước khi phát hành.

Giảm giá điện 10% trong 3 tháng

Bộ Công thương cho hay ngày 9-4, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 41 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2020. Theo đó, Chính phủ đã đồng ý với các đề xuất của bộ về việc giảm 10% giá điện sinh hoạt bậc 1-4 trong tháng 4, 5, 6 và giảm 10% với điện sản xuất, kinh doanh. 

Hiện bộ xin ý kiến các bộ, ngành văn bản hướng dẫn thực hiện tới hết ngày 14-4, sau đó sẽ ban hành quyết định chính thức về giảm giá.

Như vậy, giá điện sinh hoạt sẽ được giảm 10% ở các bậc thang 1-4 (dưới 300 kWh). Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ được giảm giá 10% các khung giờ cao điểm, bình thường và thấp điểm. 

Cơ sở lưu trú du lịch được áp dụng mức giá mới bằng các hộ sản xuất. Bên cạnh đó, các cơ sở cách ly, khám chữa bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19 được miễn 100% tiền điện. 

Cơ sở khám chữa bệnh, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, nhiễm COVID-19 được giảm 20% tiền điện. Khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch được sử dụng cách ly bệnh nhân nghi nhiễm, nhiễm Covid-19 cũng được giảm 20%.

Theo Bộ Công thương, thời điểm giảm giá điện và giảm tiền điện được xác định theo kỳ ghi chỉ số của đơn vị điện lực. Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện sử dụng trong các tháng 4, 5 và 6 sẽ được giảm giá tương ứng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 5, 6 và 7.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh việc giảm giá điện là trong 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6), song nếu tính hóa đơn tiền điện của tháng 4 thì không đủ thời gian triển khai và đảm bảo quyền lợi khách hàng trong việc giảm giá điện. Vì vậy, việc giảm giá sẽ bắt đầu từ kỳ tính hóa đơn tiền điện tháng 5, với thời gian sử dụng điện cũng chủ yếu rơi vào tháng 4.

Bộ Công thương khẳng định sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát các đơn vị điện lực thực hiện đúng các chỉ đạo của Chính phủ về giảm giá điện, giảm tiền điện, đảm bảo đúng đối tượng, thời gian, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân do tác động của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, hiện đã bước vào cao điểm mùa nắng nóng, nhất là các tỉnh phía Nam, cùng với việc học sinh nghỉ học dài ngày, người dân ở nhà phòng chống dịch khiến nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt gia tăng. Do đó, bộ này đề nghị để hạn chế việc hóa đơn tiền điện tăng cao vào các tháng nắng nóng, các khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả bằng cách tắt các thiết bị điện khi không cần thiết; không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị công suất lớn, trang bị các thiết bị được dán nhãn tiết kiệm năng lượng; đặt điều hòa nhiệt độ làm mát từ 26 độ trở lên…

Ông Bùi Trung Kiên (phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM):

Phúc tra độc lập trước khi phát hành hóa đơn

kien

Dự báo trước tình hình hóa đơn tiền điện của khách hàng tăng cao mùa nắng nóng, tổng công ty đã đưa thông tin khuyến cáo vào thông báo tiền điện nhằm lưu ý khách hàng khi điện năng tiêu thụ tăng cao hơn 30% so với tháng trước, để khách hàng chủ động kiểm tra việc sử dụng điện của mình.

Từ 1-3, EVNHCM đã áp dụng hóa đơn điện tử mẫu mới, có biểu đồ lượng điện đã sử dụng các tháng năm nay và năm trước để khách hàng chủ động theo dõi, điều tiết nhu cầu sử dụng điện.

Riêng với những hộ dân có hóa đơn tăng trên 30%, EVNHCM đã thực hiện phúc tra nội bộ toàn bộ hóa đơn trước khi phát hành tới khách hàng.

GS Trần Đình Long (phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam):

Sớm sửa biểu giá bán lẻ điện bậc thang

long

Cần cấp thiết phải sửa nhanh biểu giá bán lẻ điện bậc thang. Hiện chúng ta đang áp dụng biểu giá 6 bậc, trong đó hai bậc đầu là từ 0-50 kWh và 50-100 kWh, sự khác biệt không nhiều. Mức lũy tiến như hiện hành cũng không tương ứng với hiện trạng sử dụng điện, khi bước nhảy giá giữa các bậc chưa hợp lý.

Vì vậy phương án 5 (tức là chỉ còn 5 bậc thang giá bán lẻ điện sinh hoạt thay vì 6 như hiện nay) được đề xuất hiện nay hợp lý hơn và nên được thực hiện.

EVN trả lời về thay điện kế, tiền điện tăng

Thời gian gần đây, một số người sử dụng điện ở TP.HCM phản ảnh tiền điện sử dụng bất ngờ tăng sau khi thay điện kế.

Ông Lê Duy Khương, ở chung cư Ngô Gia Tự, quận 10, cho hay sau khi Công ty Điện lực Phú Thọ thay đồng hồ điện (điện kế) mới cho nhà ông thì hóa đơn điện tăng gấp đôi: từ 400.000 đồng lên khoảng 800.000 đồng/tháng.

img_9207 2(read-only)

Ông Nguyễn Văn Lâm (phường Thạnh Mỹ Lợi, Q.2) cho biết từ khi thay đồng hồ điện tử vào ngày 17-3 số điện tăng lên hơn 100kWh - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Lâm, nhà tại đường Thích Mật Thể, quận 2, cho biết chỉ số điện nhà ông tháng rồi "leo thang" từ 413kWh lên 533kWh. Vì vậy tiền điện những tháng trước gia đình ông Lâm trả khoảng 900.000 đến hơn 1 triệu đồng bao gồm tất cả các thiết bị như bóng đèn, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt... thì tháng này hóa đơn lên tới gần 1,5 triệu trong khi máy giặt đã hư không xài được. Theo ông Lâm, sự việc trên xảy ra từ khi công ty điện lực thay đồng hồ điện cho nhà ông.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lại Xuân Phương, phó giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ (Tổng công ty Điện lực TP.HCM) cung cấp điện địa bàn quận 10, cho biết hiện nay có một số nơi trên địa bàn công ty quản lý các điện kế cơ cũ, tới hạn thay mới nên công ty đã thay bằng điện kế điện tử cho người dân. Theo ông Phương, đây là loại điện kế chạy hoàn toàn chuẩn xác, qua kiểm tra kiểm chứng không có sai lệch.

Về việc tiền điện hằng tháng của khách hàng tăng, ông Phương cho rằng do dịch bệnh, người dân ở nhà nhiều, bên cạnh đó thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện tăng, chi trả hằng tháng theo đó cũng tăng. "Mỗi ngày công ty cũng nhận 5-7 trường hợp phản ảnh, sau khi kiểm tra đối chứng và giải thích thì khách hàng đã hiểu rõ. Đối với trường hợp ông Khương, sáng 13-4, công ty sẽ cử nhân viên đến kiểm tra lại điện kế cho gia đình ông" - ông Phương nói.

Tương tự, ông Bùi Long Thiện, phó giám đốc Công ty Điện lực Thủ Thiêm (Tổng công ty Điện lực TP.HCM) phụ trách cấp điện địa bàn quận 2, giải thích việc thay điện kế mới cho khách hàng là theo quy định Luật đo lường, điện kế sử dụng sinh hoạt 5 năm thay một lần. Với trường hợp khách hàng Nguyễn Văn Lâm phản ảnh tiền điện tăng và nghi ngờ điện kế bị trục trặc, sáng 13-4 công ty sẽ cử nhân viên đến kiểm tra để xem do trục trặc hay do các vấn đề khác và sẽ có thông tin cụ thể. (LÊ PHAN)

EVN giải thích gì về việc tiền điện tháng 4 tăng cao đột biến? EVN giải thích gì về việc tiền điện tháng 4 tăng cao đột biến?

TTO - Trước việc tiền điện sinh hoạt tháng 4-2020 của người dân tăng cao đột biến, EVN cho rằng điều này theo quy luật thời tiết, cộng thêm việc người dân ở nhà nhiều thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu điện tăng cao...

NGỌC HIỂN - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên