19/05/2024 08:03 GMT+7

Thêm cơ hội an cư với nhà ở xã hội cho thuê

Thực tế cho thấy làm nhà ở xã hội cho thuê là cách khả thi nhất để công nhân lao động có chỗ ở ổn định. Nhu cầu thuê nhà ở xã hội là rất lớn, doanh nghiệp cũng sẵn sàng xây nhà ở xã hội cho thuê nếu có cơ chế và tháo gỡ chính sách.

Một khu nhà ở xã hội tại quận 7, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Một khu nhà ở xã hội tại quận 7, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Đó là chia sẻ của các doanh nghiệp, chuyên gia tại tọa đàm "Nhà ở xã hội: Thêm giải pháp cho thuê" do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 18-5.

Nhà ở xã hội cho thuê là giải pháp đúng

Từ thực tiễn đã xây dựng khu nhà ở thiết chế công đoàn tại Hà Nam, ông Trịnh Quang Minh - phó trưởng Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho biết mô hình này đã cho thấy hiệu quả khi giúp người lao động thuê nhà với chi phí rẻ, có đầy đủ cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh, giúp người lao động nâng cao chất lượng cuộc sống.

"Người lao động nộp hồ sơ đăng ký nhiều lắm, nhưng quỹ hạn chế, chỉ có 244 căn nhà ở xã hội cho thuê", ông Minh nói.

Theo ông Minh, không như các dự án nhà ở cho thuê phải trải qua nhiều khâu thủ tục, người thuê được tiếp cận ngay cũng như được hưởng nhiều tiện ích từ các khu nhà này.

Từ thành công của các mô hình nhà ở xã hội cho thuê, cùng với việc Chính phủ đang phấn đấu đưa Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1-7-2024, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam với vai trò chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho thuê kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết khó khăn hiện nay về vấn đề nhà ở công nhân, người lao động.

Tuy vậy, ông Minh cho rằng quỹ đất là điều quan trọng đối với nhà ở xã hội cho thuê, nhiều địa phương bố trí quỹ đất nhưng quá xa khu công nghiệp, heo hút và không có các hạ tầng đi kèm sẽ khó thu hút người lao động. Do đó, ông Minh đề nghị các địa phương cần quan tâm, bố trí quỹ đất hợp lý để dễ dàng phát triển các khu nhà ở thuận tiện về đi lại, hạ tầng cho người lao động.

Trong khi đó, ông Trần Đoàn Trung - phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM - cho rằng với thu nhập hiện nay, rất khó để người lao động có thể sở hữu nhà. Do đó, nhà ở xã hội cho thuê là giải pháp đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Nhưng thủ tục để xét duyệt mua nhà ở xã hội rất khó khăn, do đó với nhà ở xã hội cho thuê, tổ chức công đoàn và doanh nghiệp sẽ xác nhận và người lao động sẽ sớm được thuê nhà.

Tương tự, bà Nguyễn Kim Loan - chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương - cho biết mỗi công nhân tại tỉnh này có thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng, cao lắm chỉ 10 triệu, trong khi người lao động phải lo nhiều chi phí nên rất khó để mua được nhà.

Chính vì vậy, giải pháp nhà ở cho thuê rất hữu ích, đáp ứng nhu cầu của người lao động và cũng giảm các thủ tục cho người lao động tiếp cận với nơi sinh sống có chất lượng sống, tiện ích cao hơn.

Công nhân thi công xây dựng khu nhà xã hội tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức - Ảnh: TỰ TRUNG

Công nhân thi công xây dựng khu nhà xã hội tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức - Ảnh: TỰ TRUNG

Cần sớm gỡ rào cản để doanh nghiệp đầu tư

Là doanh nghiệp chuyên phát triển các dự án nhà ở xã hội, ông Trần Đăng Toàn - tổng giám đốc Công ty Miền Đông (thành viên Kim Oanh Group) - cho rằng dù doanh nghiệp đã tung ra thị trường nhiều dự án với số lượng lớn nhà ở xã hội, song thực tế việc phát triển nhà ở xã hội hiện gặp nhiều rào cản, nhất là nguồn vốn.

Đối với người mua nhà, ông Toàn cho hay cần có chính sách hỗ trợ về vốn, đảm bảo để khách hàng có thể tiếp cận gói tín dụng phù hợp với lãi suất thấp để có thể mua nhà. Để phát triển nhà ở xã hội cho thuê, ông Toàn cho rằng doanh nghiệp này chỉ cần nguồn vốn hợp lý, doanh nghiệp sẽ "xắn tay" vào làm. Nhưng hiện mức lãi suất vay thấp nhất với các doanh nghiệp địa ốc là 6%, còn lại doanh nghiệp phải vay các ngân hàng thương mại ở mức 8-10%.

Bên cạnh đó ông Toàn cũng cho hay việc xác định giá đất gặp nhiều rủi ro do liên quan đến thời điểm xác định, các phương pháp đưa ra những chi phí khác nhau. Vì vậy, dù đang có phương án đầu tư loạt dự án nhà ở xã hội, song doanh nghiệp vẫn đang chờ hướng dẫn luật mới.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa - Công ty TNHH thương mại - xây dựng Lê Thành - cho rằng giải pháp thúc đẩy tăng cung nhà ở xã hội cả phân khúc bán lẫn cho thuê, trong đó quan trọng nhất là gỡ vướng pháp lý.

Theo ông Nghĩa, tiến độ pháp lý một dự án kéo dài 5 năm sẽ khiến doanh nghiệp đội thêm rất nhiều chi phí, càng kéo dài doanh nghiệp càng lỗ. Do đó, quy trình làm nhà dự án nhà ở xã hội cần khác với nhà ở thương mại. "Không phải bỏ bớt thủ tục mà phải làm nhanh hơn bằng cách ghép bước, nếu gỡ được nút thắt này sẽ giúp tăng nguồn cung nhà ở xã hội", ông Nghĩa nói.

Đối với nguồn vốn, ông Nghĩa đề xuất cần cân đối 50-50 cho người mua, chủ đầu tư để cả bên phát triển dự án lẫn bên mua được tiếp cận các gói hỗ trợ về vốn. 

Bởi nếu không có chính sách đặc biệt về vốn và lãi suất cho doanh nghiệp thì cả khi luật sửa đổi có hiệu lực, vẫn ít doanh nghiệp quan tâm đầu tư dự án nhà ở xã hội cho thuê.

Ông Nghĩa phân tích để xây dựng 1.000 căn nhà cho thuê, doanh nghiệp cần 500 tỉ đồng. "Nếu giá cho thuê là 3,5 triệu đồng/tháng thì doanh thu cả năm cũng không bù được lãi suất doanh nghiệp đi vay để đầu tư", ông Nghĩa nói.

Còn thực tế, dù làm nhà ở xã hội, hiện doanh nghiệp này đang vay với lãi suất 13%, là rào cản lớn để làm nhà ở xã hội cho thuê.

Ông Mai Thanh Tùng - phó trưởng phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng TP.HCM) - cho hay TP.HCM nỗ lực để phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên còn nhiều vướng mắc nên số lượng nguồn cung nhà ở xã hội hoàn thành chưa đạt như kỳ vọng.

Tới đây TP sẽ tập trung vào công tác quy hoạch, bố trí nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân gần các khu chế xuất, khu công nghiệp. Bên cạnh đó, TP cũng sẽ rà soát quỹ đất trong các khu công nghiệp, tham mưu điều chỉnh quy hoạch để xây nhà lưu trú công nhân ngay trong khu đất khu công nghiệp.

* Bà Đặng Thị Kim Oanh (chủ tịch Kim Oanh Group):

Thêm cơ hội an cư với nhà ở xã hội cho thuê- Ảnh 5.

Cần sự trợ lực về vốn

Để xây dựng được nhà ở xã hội, đầu tiên là cần quỹ đất. Doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội mong muốn được Nhà nước, các sở ngành liên quan giới thiệu các quỹ đất sạch với chi phí hợp lý để kéo giá thành xuống thấp phù hợp người mua.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn đồng thời có hành lang pháp lý suôn sẻ hỗ trợ hoàn tất các thủ tục pháp lý để sớm triển khai dự án.

Các ngân hàng cần đẩy mạnh hỗ trợ chủ đầu tư có đủ nguồn vốn để xây dựng, phát triển dự án nhà ở xã hội và người mua được tiếp cận với nguồn vay lãi suất thấp để dễ dàng sở hữu căn nhà của mình.

* Ông Huỳnh Phước Nghĩa (giám đốc Trung tâm kinh tế luật và quản lý, Đại học Kinh tế TP.HCM):

Thêm cơ hội an cư với nhà ở xã hội cho thuê- Ảnh 6.

Giúp doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất

Trong số 5 triệu lao động vùng Đông Nam Bộ, chỉ 20% người có nhà, còn lại vẫn là đi thuê. Thực tế các doanh nghiệp bất động sản không mặn mà việc xây nhà cho thuê mà phần lớn nguồn cung nhà trọ, nhà cho thuê lại rơi vào dân tự làm.

Bên cạnh đó, vòng quay thu hồi vốn đối với nhà cho thuê mất 10-15 năm cũng ảnh hưởng đến tính hấp dẫn đầu tư.

Do đó, cần phải tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào phân khúc này như hỗ trợ vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ về thuế, tiếp cận quỹ đất dễ dàng hơn, tạo các điều kiện về thủ tục, bớt đi các rào cản… để các doanh nghiệp tăng làm nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội cho thuê, nhà lưu trú công nhân.

* Bà Lê Nguyễn Xuân Đào (nhân viên văn phòng, ngụ quận 12, TP.HCM):

Thêm cơ hội an cư với nhà ở xã hội cho thuê- Ảnh 7.

Mong muốn nhà trọ đủ đầy tiện ích

Cách đây 14 năm, tôi đến TP.HCM với mong muốn lập nghiệp, ổn định cuộc sống và ước mơ có một ngôi nhà cho gia đình.

Tuy nhiên, hai vợ chồng thu nhập mỗi tháng chỉ dưới 20 triệu đồng, tiền thuê nhà, chi phí cho con, chi phí cuộc sống đã ngốn phần lớn thu nhập, mỗi tháng chỉ còn được 2-3 triệu đồng dôi dư. Với số tiền này, rất khó để gia đình tôi có thể mua được nhà.

Tôi thấy mô hình nhà ở xã hội cho thuê rất hay, chúng tôi mong muốn được khu nhà ở khang trang, sạch sẽ, cảm giác đó là ngôi nhà của mình dù không sở hữu.

Ít ra nó an toàn để con mình sinh hoạt thoải mái, an toàn và đảm bảo được các nhu cầu của cuộc sống.

Chỉ vì phát sinh thuế thu nhập cá nhân 70.000 đồng, lỡ luôn cơ hội mua nhà ở xã hộiChỉ vì phát sinh thuế thu nhập cá nhân 70.000 đồng, lỡ luôn cơ hội mua nhà ở xã hội

Để đủ tiền mua nhà ở xã hội, người lao động phải tăng ca để tăng thu nhập, nhưng tăng thu nhập thì phát sinh thuế thu nhập cá nhân. Có một số trường hợp chỉ phát sinh thuế 70.000 đồng cũng không mua được.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: nhà ở xã hội