12/05/2024 09:00 GMT+7

Cô gái không răng được phẫu thuật với 'trợ lý' AI

Mắc bệnh hiếm không răng, không xương răng, bệnh nhân Nguyễn Ngọc Hạnh được các bác sĩ phẫu thuật thành công nhờ vào 'trợ lý' AI.

Câu chuyện "đổi đời" ngoạn mục của bệnh nhân không răng Nguyễn Ngọc Hạnh khiến nhiều người xúc động tại sự kiện AI Day - Ảnh: HỮU HẠNH

Câu chuyện "đổi đời" ngoạn mục của bệnh nhân không răng Nguyễn Ngọc Hạnh khiến nhiều người xúc động tại sự kiện AI Day - Ảnh: HỮU HẠNH

Ngày 10-5, hội thảo "Hiểu AI, làm giàu hành trang nghề nghiệp" trong khuôn khổ sự kiện AI Day do báo Tuổi Trẻ và Google tổ chức để lại ấn tượng cho hàng ngàn khán giả tham dự với một câu chuyện đặc biệt, về một bạn trẻ đã thay đổi cuộc đời nhờ vào AI.

Ca khó 'sai một ly, đi một dặm'

Câu chuyện được bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Chí Bảo thuộc Nha khoa Nhân Tâm thuật lại khiến không ít khán giản tham dự xúc động.

Năm 2020, các bác sĩ của Nha khoa Nhân Tâm gặp gỡ bệnh nhân Nguyễn Ngọc Hạnh không may mắc hội chứng loạn sản ngoại bì ngay từ khi sinh ra, khiến bạn không có tóc, răng, lông mày và lông mi phát triển kém.

Hơn 27 năm, Hạnh chưa bao giờ thưởng thức được một bữa ăn ngon, và khuôn mặt thiếu hài hòa vì không có răng khiến bạn thường xuyên phải chịu đựng ánh nhìn tò mò và trêu ghẹo. Đáng buồn hơn, Hạnh đã từng gửi nhiều hồ sơ xin việc nhưng đều bị từ chối khéo do ngoại hình… "không giống ai".

Bác sĩ Trương Chí Bảo giải thích hội chứng loạn sản ngoại bì có tỉ lệ 1/100.000 người. Việt Nam đang có 100 triệu dân, thì khoảng 1.000 người mắc hội chứng này.

Theo bác sĩ, cái khó trong điều trị nằm ở chỗ các bệnh nhân không những không có răng mà không có cả xương răng, nên không thể cấy chân răng như thông thường. Các bác sĩ phải tính đến cách dùng những implant dài gấp 3-4 lần implant thường để cấy vào vị trí xương gò má.

"Vị trí này cách mắt bệnh nhân chỉ khoảng 1mm, nên nếu có biến chứng thì không chỉ họ không răng, không tóc mà còn có thể bị mù", bác sĩ Trương Chí Bảo nói tại hội thảo. Do đó, bác sĩ buộc phải đặt implant chính xác đến từng mm, bởi nếu "sai một ly đi một dặm".

Bác sĩ Trương Chí Bảo chia sẻ tại sự kiện AI Day - Ảnh: T.T.D

Bác sĩ Trương Chí Bảo chia sẻ tại sự kiện AI Day - Ảnh: T.T.D

Để đảm bảo sự chính xác tối đa, các bác sĩ thực hiện "ca khó" này phải sử dụng một công nghệ AI mới là công nghệ định vị tự động X-Guide.

Công nghệ gồm 2 camera giám sát vị trí của mũi khoan theo thời gian thực. Các bác sĩ có thể theo dõi vị trí mũi khoan màn hình máy tính trong lúc làm phẫu thuật. Khi khoan chưa tới độ dài mục tiêu, màn hình sẽ báo màu vàng và sẽ chuyển sang màu xanh khi đạt đến yêu cầu.

Chỉ cần mũi khoan vượt quá 0,1mm, màn hình lập tức chuyển sang màu đỏ đồng thời phát thêm tín hiệu cảnh báo cho nha sĩ. Hoặc khi khoan tới những vị trí gần các cấu trúc giãi phẩu quan trọng, máy sẽ có một chế độ cảnh báo phát ra âm thanh nhắc nhở bác sĩ.

"Nếu không có công nghệ AI tiên tiến, có lẽ chúng tôi không dám thực hiện ca phẫu thuật này", bác sĩ Trương Chí Bảo chia sẻ.

Kết quả, bệnh nhân Nguyễn Ngọc Hạnh đã được khoan 4 implant dài vào xương gò má thành công. Sau toàn bộ quá trình điều trị tại Nha khoa Nhân Tâm, bệnh nhân đã có bộ răng đẹp, một ngoại hình và cuộc sống mới.

Hiện tại, Nguyễn Ngọc Hạnh đang là sứ giả truyền cảm hứng cho những người mắc các hội chứng không răng bẩm sinh, truyền cảm hứng về nghị lực và sự lạc quan. Trong sự kiện AI Day, bạn đã có mặt tại gian hàng của Nha khoa Nhân Tâm, giao lưu cùng nhiều bạn trẻ đến tham dự.

Nguyễn Ngọc Hạnh và bác sĩ Trương Chí Bảo - Ảnh: HỮU HẠNH

Nguyễn Ngọc Hạnh và bác sĩ Trương Chí Bảo - Ảnh: HỮU HẠNH

AI không thể thay thế bác sĩ

Cũng tại hội thảo "Hiểu AI, làm giàu hành trang nghề nghiệp", bác sĩ Trương Chí Bảo giới thiệu ngoài công nghệ X-Guide, AI có rất nhiều tiềm năng áp dụng vào lĩnh vực nha khoa. Điển hình vào năm sau, Nha khoa Nhân Tâm sẽ đưa vào sử dụng một phần mềm giúp chẩn đoán bệnh nha chu và sâu răng, chiếm 90% dân số của người Việt Nam.

Ngoài ra, các công nghệ số có thể được dùng trong chế tác răng, thay thế cho phương pháp chế tác bằng tay. Hoặc ngay từ ở giai đoạn lên phác đồ điều trị, AI có thể giả lập cho bệnh nhân biết và nhìn thấy được trên máy tính kết quả của quá trình điều trị răng tương ứng với từng mốc thời gian cụ thể.

Tuy nhiên theo bác sĩ Trương Chí Bảo, AI dù phát triển nhưng rất khó có thể thay thế một bác sĩ, bởi một bác sĩ còn có những cảm xúc, tình cảm khi chữa trị cho bệnh nhân. Do đó dành lời khuyên cho các học sinh, sinh viên đang và sẽ theo học các ngành y khoa, ông Bảo cho rằng ngoài nâng cao kiến thức, tay nghề, các bạn còn cần trau dồi thêm một "trái tim lớn".

"Có như vậy, các bạn sẽ không bao giờ bị AI thay thế", ông Bảo nói.

Ứng dụng AI trong lĩnh vực y tếỨng dụng AI trong lĩnh vực y tế

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là xu hướng nổi bật trong mọi lĩnh vực toàn cầu và lĩnh vực y tế cũng không ngoại lệ. Rất nhiều ứng dụng AI trong y tế đã ra đời để giảm tải gánh nặng cho các bệnh viện, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên