18/12/2020 12:10 GMT+7

Cần tới 25.000 tỉ đồng để cấp đủ điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo

N.AN
N.AN

TTO - Bộ Công thương đang phối hợp với các tổ chức quốc tế đưa ra những chương trình hỗ trợ tín dụng cho cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo với số tiền lên tới hàng trăm triệu USD.

Cần tới 25.000 tỉ đồng để cấp đủ điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo - Ảnh 1.

Chương trình cấp điện nông thôn cần tới 25.000 tỉ đồng - Ảnh: EVN

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị tham vấn huy động nguồn lực đầu tư chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2021-2025 do Bộ Công thương phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức sáng ngày 18-12.

Theo Bộ Công thương, đến nay đã có 100% số xã, 1,55 triệu hộ dân tại 9.890 thôn, bản được cấp điện, bao gồm khoảng 21.000 hộ dân được tiếp nhận năng lượng tái tạo, đồng thời bổ sung cấp điện cho 2 huyện đảo và 3 xã đảo, với tổng số nguồn vốn thực hiện cho giai đoạn này khoảng 30.116 tỉ đồng.

Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, để kế hoạch đến năm 2025 hầu hết số hộ dân nông thôn, miền núi và hải đảo có điện (tương ứng cấp điện cho khoảng 871.263 hộ dân và cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn năng lượng tái tạo cho các đảo, đòi hỏi phải có một nguồn lực rất lớn, trong đó, riêng khoản tiền vốn đầu tư cũng lên tới hơn 25.493 tỉ đồng.

"Một trong những giải pháp quan trọng là thu hút vốn từ nguồn quốc tế, bởi đây là nguồn vốn rất lớn và rất thách thức. Hiện nay chúng tôi đang thiết kế một số chương trình mà dự kiến có thể huy động vốn, tập trung nguồn vốn quốc tế." - ông An nói, và cho hay Bộ Công thương đã trao đổi với Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển Châu Á về 2 khoản tín dụng từ WB khoảng 360 triệu USD và của ADB là 400 triệu USD.

Ngoài ra, Bộ Công thương đang thiết kế tiếp một khoản vay của Chương trình phát triển chuyển đổi năng ượng bền vững với EU là 141 triệu USD, dự kiến dành riêng cho chương trình phát triển điện nông thôn miền núi, hải đảo là 71 triệu USD...

Đánh giá cao Việt Nam đã trở thành hình mẫu toàn cầu về chương trình điện khí hóa và nhiều quốc gia trên thế giới mong muốn học hỏi, ông Rahul Kitchlu - Trưởng nhóm Ngành Năng lượng của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho hay, WB đã huy động khoảng 2 tỉ USD trong cam kết 5 tỉ USD cho chương trình điện khí hóa ở Việt Nam.

Theo đó, ông đề xuất 3 nội dung quan trọng để thực hiện gồm cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành và các đơn vị liên quan, đảm bảo có sự điều phối, phối hợp chặt chẽ...tập trung đổi mới và sáng tạo thông qua các giải pháp kỹ thuật, như không nối lưới để cấp điện nông thôn…

Giải pháp thứ ba là việc sử dụng điện năng cho sản xuất, đây là một phần rất quan trọng trong việc cung cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo bởi điện năng không chỉ sử dụng cho thắp sáng nữa mà là cho sản xuất, cũng là phần rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế số…

Hệ thống các đảo nằm trong chương trình cấp điện bao gồm đảo Cồn Cỏ, đảo Thổ Chu, đảo An Sơn và đảo Nam Du, đảo Ninh Tân, đảo Ninh Đảo, đảo Điệp Sơn, đảo Bích Đầm. Ngoài ra, Bộ cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án cấp điện Côn Đảo

Điện khí hóa nông thôn: Những con số biết nói Điện khí hóa nông thôn: Những con số biết nói

TTO - Dù nhiều sức ép và đòi hỏi nhưng cần nhìn một cách công bằng, ngành điện đã tạo ra kỳ tích: Việt Nam từ "nhóm cuối vươn lên nhóm đầu toàn cầu" tạo nên hình mẫu thành công về phát triển năng lượng vài thập niên qua.


N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên