10/09/2020 16:33 GMT+7

Bầu cử Mỹ đi vào 'miếng cơm, manh áo'

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - 7 triệu hộ gia đình nghèo nhất ở Mỹ bị ảnh hưởng trong chương trình hỗ trợ lương thực SNAP. Ông Joe Biden đã lấy trợ cấp lương thực làm chủ đề lôi kéo cử tri.

Bầu cử Mỹ đi vào miếng cơm, manh áo - Ảnh 1.

Học sinh đủ điều kiện nhận bữa ăn miễn phí hoặc giảm giá trong trường học Mỹ trước đại dịch - Ảnh: sph.umn.edu

Tổ chức phi lợi nhuận Feeding America (mạng lưới có hơn 200 điểm phát lương thực miễn phí ở Mỹ) đánh giá đại dịch COVID-19 đã tác động đến các hộ gia đình Mỹ theo nhiều cách khác nhau.

Để đối phó với khủng hoảng, Quốc hội Mỹ đã thông qua hàng loạt biện pháp hỗ trợ, trong đó có đạo luật Gia đình là trên hết trong ứng phó với virus corona (FFCRA) nhằm hỗ trợ lương thực khẩn cấp cho những người đủ điều kiện.

Hạn chế người đã nhận mức trợ cấp tối đa

Theo đánh giá của TS kinh tế Diane Whitmore Schanzenbach - giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách công tại Đại học Northwestern (bang Illinois), các giải pháp của chính phủ Mỹ vẫn chưa đủ.

Bà giải thích rằng chương trình Trợ cấp dinh dưỡng bổ sung liên bang (SNAP, trước đây là chương trình Phiếu lương thực) đã giúp có thêm nhiều người được hỗ trợ lương thực, tuy nhiên trong đó lại không bao gồm các hộ gia đình nghèo nhất (chiếm khoảng 40% số người đúng ra phải được thụ hưởng).

Bà nhận xét: "Trợ cấp SNAP chỉ được chi cho những người thụ hưởng chưa nhận mức trợ cấp tối đa 5,65 USD/người/ngày".

Nguyên nhân do Bộ Nông nghiệp (cơ quan quản lý chương trình SNAP) đã loại trừ các hộ gia đình đã nhận mức trợ cấp tối đa trước khi SNAP được thông qua. Do đó có khoảng 7 triệu hộ gia đình nghèo nhất bị ảnh hưởng.

Trung tâm Vì tiến bộ Mỹ ghi nhận tỉ lệ bị loại trừ khỏi chương trình SNAP thậm chí lên đến hơn 50% ở thủ đô Washington. Đây là vấn đề quan trọng trong bối cảnh Mỹ đang đối phó với lạm phát giá lương thực (tăng đến 4%).

Bầu cử Mỹ đi vào miếng cơm, manh áo - Ảnh 2.

Người tình nguyện phân phát thực phẩm miễn phí ở Livingston (bang Michigan) vào tháng 8-2020 - Ảnh: gcfb.org

Mất đi bữa ăn miễn phí ở trường

Ngoài ra, trong số các hộ nghèo nhất, nhiều gia đình có trẻ em phải cực nhọc chống chọi gánh nặng của khủng hoảng.

TS Schanzenbach ghi nhận: "Hiện tại hầu hết học sinh Mỹ không đến trường trong khi các em thường nhận được các bữa ăn miễn phí lúc còn đi học".

Đạo luật FFCRA đã quy định một cơ chế gọi là chương trình Chuyển đổi trợ cấp thời gian đại dịch (P-EBT) nhằm trợ cấp thức ăn cho học sinh không thể nhận bữa ăn miễn phí do trường học đóng cửa.

Song đến đây lại vướng vấn đề chậm chi trả nhiều lần. Do đó, chi phí bữa ăn tại nhà của các hộ nghèo tăng thêm vào lúc các hộ phải thắt lưng buộc bụng giảm ăn uống để lo tiền nhà và khoản trợ cấp thất nghiệp trước đây đã bị cắt.

Với những rắc rối nêu trên, TS Schanzenbach ước tính sẽ có từ 35-39 triệu người Mỹ có thể phải đương đầu với tình trạng mất an ninh lương thực trong năm nay trong khi bình thường con số này là gần 10 triệu người mỗi năm.

35-39 triệu người Mỹ có thể thiếu ăn là con số rất cao. Dù không ai có quả cầu pha lê để tiên tri nhưng tôi nghĩ có thể chúng ta sẽ gặp viễn ảnh thê thảm này"

TS kinh tế Diane Whitmore Schanzenbach

Bầu cử Mỹ đi vào miếng cơm, manh áo - Ảnh 4.

Ngân hàng lương thực New York phân phát thực phẩm tại Brooklyn ngày 30-7 - Ảnh: AFP

Joe Biden lên tiếng

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, số người thụ hưởng chương trình SNAP vào khoảng 15 triệu người vào đầu thập niên 2000, sau đó tăng đến đỉnh điểm gần 50 triệu người vào năm 2013, đặc biệt sau khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008 trước khi bắt đầu giảm xuống.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump muốn cắt giảm số người thụ hưởng chương trình SNAP, vì thế ứng cử viên Joe Biden của Dân chủ đã không bỏ qua cơ hội ngàn vàng này.

Ông lên tiếng chỉ trích các kho lương thực của chính quyền không đủ cung ứng và thúc giục Tổng thống Trump thực hiện các biện pháp mạnh để mọi người dân đều có thể đủ ăn.

Ông kêu gọi ông Trump trao đổi với quốc hội về ban hành đạo luật Trao quyền cấp hàng thiết yếu (FEED) nhằm cho phép Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) phê duyệt các dự án của chính quyền các bang, các tổ chức địa phương và thổ dân để phối hợp với các nhà hàng vừa và nhỏ cùng các tổ chức phi lợi nhuận cung cấp bữa ăn cho những người có nhu cầu.

Ông cũng hứa hẹn sẽ củng cố chương trình SNAP, đặc biệt đối với các hộ gia đình có cuộc sống bấp bênh.

Tuy nhiên tạp chí Slate nhận định vào thời điểm tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ còn ở mức cao (8,4% theo báo cáo ngày 4-9 của Bộ Lao động Mỹ), hàng chục triệu hộ gia đình Mỹ có nguy cơ không nhà cửa ổn định và hơn 5 triệu người bị mất bảo hiểm y tế sau khi thất nghiệp, ông Biden nếu đắc cử sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đáng sợ nhất trong gần một thế kỷ qua.

Bầu cử tổng thống Mỹ 2020: Chiến trường chính là... mạng xã hội Bầu cử tổng thống Mỹ 2020: Chiến trường chính là... mạng xã hội

TTO - Các nhà phân tích đánh giá hai ứng cử viên tổng thống Mỹ năm nay "năm ăn năm thua". Nguyên nhân do các kỹ thuật tinh vi tác động cử tri được áp dụng trên mạng xã hội.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên