23/08/2015 12:23 GMT+7

​Bạn trẻ truyền võ Việt ra thế giới

KHOA NGUYỄN
KHOA NGUYỄN

TT - Có những bạn trẻ ra nước ngoài huấn luyện vovinam cho người nước ngoài, cũng có những người nước ngoài tới Việt Nam để thấm môn võ này rồi cứ thế lan truyền.

Võ sư Vittorio Tho Cera đang dạy vovinam cho học sinh Trường Quốc tế Singapore (Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: Khoa Nguyễn

Bạn Lâm Đông Vượng - giáo viên Trường THPT Hùng Vương (Q.5) - là người mang vovinam sang Malaysia dạy theo chương trình huấn luyện võ sư vovinam cho Malaysia.

“Họ lắng nghe và tập luyện các đòn thế khi nào thành công mới thôi, họ tôn trọng, lịch sự và quý tụi mình lắm” - Vượng chia sẻ. Và điều quan trọng nhất với Vượng là các võ sư này làm nhiệm vụ cho ra đời những lò võ vovinam, làm cầu nối truyền võ Việt.

“Hội Liên hiệp vovinam tại Ý được thành lập đã 20 năm, có khoảng 1.000 người. Người Ý rất thích vovinam vì môn võ này kết hợp rất nhiều kỹ thuật linh hoạt, quan trọng nhất là nó mang lại cho bạn cảm giác phấn khích khi tập những thế võ hay
VITTORIO THO CERA

Lan truyền khắp thế giới

Kiện tướng thế giới môn vovinam Huỳnh Khắc Nguyên cùng các võ sư và sinh viên võ thuật cũng là những người đã tổ chức hàng chục khóa đào tạo, huấn luyện môn vovinam cho các học viên ở Pháp, Ý, Ba Lan, Angieri, khu vực châu Âu, Mỹ, Anh, Malaysia...

Trong đó nhiều nhất là tại Algeria. Cũng như Vượng, Nguyên chia sẻ các bạn huấn luyện võ sư rồi những võ sư này mở nhiều lò vovinam tại các nước này.

Còn Đinh Hải Thành (vận động viên vovinam TP.HCM) thì có nhiều học trò từ Pháp đến VN học môn này và Thành có cơ hội hướng dẫn họ.

“Chúng tôi cùng ăn, cùng học, cùng sẻ chia cho nhau những đòn thế võ, những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống. Thế là qua các lớp võ, mình lại có thêm những người bạn mới” - Thành kể.

Thành cười kể về các đòn thế vovinam bay lên kẹp cổ quật xuống là những pha nguy hiểm nhưng đẹp mắt, những lúc đó thầy trò cùng luyện tính phối hợp nhịp nhàng và đây là điều khiến các võ sinh quốc tế rất thích thú.

Vinh danh võ Việt

Nói về học trò mình, huấn luyện viên Lê Ngọc Sơn - giảng viên khoa giáo dục thể chất chuyên ngành võ thuật, ĐH Quốc tế Hồng Bàng - chia sẻ:

“Khi những học trò của chúng tôi, trong đó có Huỳnh Khắc Nguyên, sang nước ngoài truyền môn vovinam, thầy trò thường trao đổi với nhau đòn thế của vovinam có rất nhiều tương đồng với các môn phái khác nhưng vẫn tạo được nét tinh hoa riêng của dân tộc Việt.

Chính vì sự hòa quyện này mà trong các môn võ của Việt Nam, vovinam được phát triển quy mô và rộng lớn nhất với nhiều môn sinh có mặt ở hàng chục nước trên thế giới”.

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu (chánh chưởng quản môn phái vovinam Việt Võ Đạo) cũng cho biết tầm cỡ võ thuật Việt đã phát triển khắp năm châu, châu nào cũng có liên đoàn võ thuật vovinam.

Hơn 10 năm qua, Liên đoàn Vovinam Việt Nam cử võ sư sang Hàn Quốc dạy, chia sẻ các đòn thế, tinh thần võ Việt.

“Huỳnh Khắc Nguyên, Lâm Đông Vượng vừa là vận động viên, vừa là huấn luyện viên dạy và phổ biến các thế võ đến với bạn bè quốc tế. Khi có cơ hội, các bạn sẵn sàng chia sẻ các đòn thế mà mình biết một cách vui vẻ, hòa đồng” - ông Chiếu nói.

Theo võ sư Chiếu, việc đi dạy võ tại nước ngoài là rất cần thiết, hỗ trợ các môn phái tiếp thu tinh hoa và vinh danh võ Việt.

“Đạo” trong võ Việt là hướng dẫn người học biết đường ngay lẽ phải, biết tôn sự trong đạo, kính trên nhường dưới, biết noi gương, mẫu mực từ trong gia đình đến ngoài xã hội, trở thành những công dân tốt.

Một người thầy vovinam đến từ Ý

Chiều 21-8, tại Trường Quốc tế Singapore (Bình Chánh, TP.HCM), võ sư Vittorio Tho Cera - giám đốc kỹ thuật, phó chủ tịch Liên đoàn Việt võ đạo châu Âu - vừa giao lưu dạy những thế võ vovinam cho các học trò nhiều quốc tịch.

Võ sư dành thời gian để chia sẻ môn võ vovinam, cái đạo, tinh thần của người học võ. Đến phần thực hành, các em học sinh khá e dè, nhưng vị võ sư vui tính ấy đã khiến các em bật cười, đùa vui cùng nhau.

Các em được học những nghi thức của vovinam như bái sư nhập môn, chào hỏi các thành viên trong phái rồi hào hứng học cùng võ sư các thế đứng tấn, đấm thẳng tay, đá chân hay sử dụng cùi chỏ...

“Tôi tập vovinam được 26 năm rồi, ngay khi biết đến vovinam, môn võ này lập tức thu hút tôi bởi nó không giống với bất cứ thế võ nào tôi đã từng biết đến” - Vittorio chia sẻ.

Khác biệt lớn nhất mà Vittorio nói đến nằm ở sự thiên biến vạn hóa trong cách chuyển động và ra đòn, kỹ thuật của vovinam mang lại một cảm giác rất thật.

“Bạn không đơn giản chỉ là ra đòn, đá, đấm hay vật nhau, mà là sự kết hợp một cách hài hòa tất cả các kỹ năng. Một môn võ phức tạp nhưng thật sự thú vị” - Vittorio cho biết.

Theo Vittorio, kỹ thuật đặc trưng và nổi bật nhất của võ Việt là 21 đòn chân tấn công vào các vị trí từ chân đến cổ.

“Bạn phải học cách nhảy, cách đáp sao cho chuẩn xác. Bạn phải tập luyện cơ thể thật dẻo dai và mạnh mẽ. Tất cả những điều này đều cần thời gian rèn luyện rất dài” - Vittorio vừa nhảy lên vừa mô tả bên lớp học có những học sinh người Việt.

Vittorio kể giáo viên huấn luyện của ông cũng là một người Ý. Vào thời điểm đó, ở Ý gần như không có huấn luyện viên vovinam người Việt nào, mặc dù ở châu Âu thì có rất nhiều.

“Vì lý do đó, tôi và huấn luyện viên thường xuyên dành thời gian đi du lịch sang các nước để giao lưu và học hỏi từ họ” - ông nói. Chính vì vậy ông đã đến Việt Nam để “thấm” môn vovinam.

Vittorio nói người nước ngoài cần được dạy về tinh thần vovinam trước, rồi mới học cách tôn trọng lịch sử, võ sư, luật lệ... “Khi học võ chính là học về văn hóa của đất nước và lịch sử của môn võ đó” - ông nói.

KHOA NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên