03/10/2023 21:01 GMT+7

Armenia gia nhập ICC với quy định 'phải bắt ông Putin', Nga nói gì?

Với việc gia nhập Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), Armenia có thể phải bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu ông tới thăm nước này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: REUTERS

Hôm 3-10, Quốc hội Armenia phê chuẩn Quy chế Rome về Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), trong một động thái đã bị Nga cảnh báo sẽ làm tổn hại quan hệ song phương.

Thành viên ICC phải bắt ông Putin

ICC là một tòa án quốc tế có trụ sở ở The Hague (Hà Lan). Vào ngày 17-3, tổ chức liên chính phủ này đã phát lệnh bắt Tổng thống Nga Putin và Ủy viên về quyền trẻ em của Liên bang Nga Maria Lvova-Belova, với cáo buộc về những "tội ác được cho là đã thực hiện trên lãnh thổ Ukraine bị 'chiếm đóng' ít nhất từ ngày 24-2-2022".

Với Nga và những người ủng hộ nước này, lệnh bắt của ICC là động thái mang tính chính trị, phản ánh sự phản đối của phương Tây đối với "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine.

Phía Nga sau đó phản ứng bằng cách điều tra hình sự đối với những người ban hành lệnh bắt ông Putin.

Căng thẳng quanh chuyện Ukraine và ICC khiến Armenia trở thành tâm điểm chỉ trích của Nga khi Yerevan (thủ đô Armenia) phê chuẩn Quy chế Rome.

Những nước đã ký vào ICC có nghĩa vụ phải bắt ông Putin. Hồi tháng 7, đã rộ tin một thành viên ICC khác là Nam Phi phải bắt ông Putin nếu ông tới nước này tham dự Hội nghị thượng đỉnh của khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi).

Nga cảm thấy khó chịu

Chuyện Armenia gia nhập ICC trở thành chủ đề được bàn luận nhiều trong cuộc họp báo đường dài của phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov với các phóng viên chiều 3-10.

Theo Hãng tin Reuters, Nga đã tỏ ra khó chịu khi Armenia hành động không giống một đối tác thân cận của Matxcơva.

Ông Peskov cho biết Nga xem Armenia là một đồng minh, nhưng phải đặt ra những câu hỏi về giới lãnh đạo Armenia sau vụ này, đồng thời không muốn ông Putin phải từ chối đến Armenia.

Theo AFP, Điện Kremlin cũng nhấn mạnh Armenia không có lựa chọn thay thế nào ngoài Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), một liên minh quân sự do Nga dẫn đầu.

"Tôi nghĩ rằng hầu hết người Armenia nhận ra rằng CSTO không thể thay thế. Phía Armenia không có gì tốt hơn những cơ chế hợp tác này, chúng tôi chắc như vậy", ông Peskov nói.

Trong khi đó, Hãng tin TASS của Nga dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao nước này khẳng định hành động của Armenia sẽ mang tới những hàm ý rất tiêu cực cho quan hệ song phương.

Phía Nga không tán thành lập luận từ Armenia khi Yerevan cho rằng việc gia nhập ICC không ảnh hưởng tới quan hệ Nga - Armenia.

Ông Putin gặp chỉ huy mới của WagnerÔng Putin gặp chỉ huy mới của Wagner

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp chỉ huy Andrei Troshev của Wagner, cựu phụ tá của ông trùm Yevgeny Prigozhin, bàn về việc triển khai các "đơn vị quân tình nguyện" chiến đấu ở Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên