08/10/2015 05:29 GMT+7

Cầu thủ nên tự mua thêm bảo hiểm

SĨ HUYÊN - NGUYÊN KHÔI, SIHUYENHO@TUOITRE.COM.VN
SĨ HUYÊN - NGUYÊN KHÔI, SIHUYENHO@TUOITRE.COM.VN

TT - Đây là lời khuyên của những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm bởi không chỉ VĐV gặp khó do không có bảo hiểm y tế (Tuổi Trẻ 7-10), mà cầu thủ cũng đối mặt với khó khăn nếu gặp phải chấn thương nghiêm trọng...

Ông Nguyễn Minh Châu (bìa trái) với Abass trong Bệnh viện FV - Ảnh: MINH NGUYỄN
Ông Nguyễn Minh Châu (bìa trái) với Abass trong Bệnh viện FV - Ảnh: Minh Nguyễn

Hôm 2-10 tại Bệnh viện Gleneagles (Singapore), cầu thủ Anh Khoa đã trải qua ca phẫu thuật đầu gối kéo dài sáu giờ sau khi dính chấn thương vì pha vào bóng thô bạo của Quế Ngọc Hải (SLNA) trong trận SLNA hòa SHB Đà Nẵng 1-1 ở vòng 25 V-League hôm 13-9.

Cụ thể, Anh Khoa bị rách hoàn toàn dây chằng chéo sau, dây chằng chéo trong, dây chằng khoeo chéo, dây chằng vòng xương quay, rách gân cơ bán mạc. Bác sĩ Tan Jee Lim - người thực hiện ca phẫu thuật cho Anh Khoa - cho biết khả năng trở lại bóng đá đỉnh cao của anh là 50/50. Do đó Anh Khoa có thể đối mặt với khả năng chia tay bóng đá vĩnh viễn.

Anh Khoa đối mặt khó khăn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Xuân Hòa - chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng - cho biết CLB bóng đá SHB Đà Nẵng hoạt động theo mô hình của Luật doanh nghiệp. Do vậy, ngoài việc mua bảo hiểm y tế (BHYT), CLB còn phải mua bảo hiểm xã hội (BHXH) cho các cầu thủ cũng như nhân viên CLB.

Ông Hòa nói: “Anh Khoa được CLB đóng BHXH ba năm trở lại đây khi chuyển lên chơi ở hạng chuyên nghiệp. Trường hợp Anh Khoa phải giã từ sân cỏ, chúng tôi sẽ làm việc với BHXH TP Đà Nẵng để xem cậu ấy sẽ được hưởng chế độ như thế nào. Theo tôi được biết, khoản tiền này không nhiều lắm do thời gian đóng BHXH của Anh Khoa chỉ có ba năm”.

Thiếu loại hình bảo hiểm phi nhân thọ

Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, một chuyên gia có thâm niên trong lĩnh vực bảo hiểm cho biết: “Ở VN hiện có khoảng 17 đơn vị được cấp phép kinh doanh loại hình bảo hiểm nhân thọ, nhưng theo tôi được biết thì không đơn vị nào bán sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ (có giá trị từng năm) để bồi thường rủi ro cho giới VĐV nói chung, bóng đá nói riêng...

Xã hội phát triển, nhu cầu được mua bảo hiểm phi nhân thọ ngày một cao hơn, rất tiếc nhu cầu chính đáng ấy không được đáp ứng. Việc chậm phát triển loại hình bảo hiểm phi nhân thọ như vậy dẫn tới sự thiệt thòi rất lớn đối với người có nhu cầu. Theo tôi, khi sản phẩm phi nhân thọ được chào bán, tôi tin nhiều khả năng giới VĐV đỉnh cao sẽ là những khách hàng đầu tiên bởi họ luôn đối mặt với đủ mọi rủi ro trong quá trình tập luyện hoặc thi đấu...”.

B.Bình Dương cân nhắc giữa lý và tình

Hôm 26-9, tiền đạo người Senegal Abass (B.Bình Dương) bị chấn thương gãy chân trong trận chung kết Cúp quốc gia 2015 với Hà Nội T&T trên sân Gò Đậu. Sau đó, Abass đã trải qua cuộc phẫu thuật tại Bệnh viện FV với tổng chi phí gần 100 triệu đồng. Tiếp đó, anh được CLB đưa qua Singapore để khám và tư vấn kỹ hơn nhằm có thể sớm trở lại với sân cỏ.

Trả lời câu hỏi: “Nếu cầu thủ bị chấn thương, đặc biệt là cầu thủ trẻ, phải giã từ sân cỏ sớm, CLB có hướng gì lo cho cuộc sống của họ hay không?”, tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá Bình Dương Cao Văn Chóng đáp: “Do CLB chưa gặp trường hợp như vậy nên chưa thể có câu trả lời cụ thể”.

Tuy nhiên, ông Chóng cho biết: “Nếu nói về lý, chúng tôi không ngại vì khi ký hợp đồng đều có ghi rõ là cầu thủ phải đáp ứng đủ sức khỏe để thi đấu bóng đá chuyên nghiệp. Do đó, nếu kết luận của bác sĩ cho biết cầu thủ bị chấn thương không thể thi đấu đỉnh cao, chúng tôi đành phải sớm kết thúc hợp đồng. Nhưng cũng có những trường hợp chúng ta không thể lấy lý ra mà nói được vì còn tính nhân văn trong đó. Do đó tùy từng trường hợp, chúng tôi sẽ xem xét cầu thủ đó cống hiến nhiều cho CLB hay không rồi sẽ đưa ra phương án giúp đỡ cụ thể”.

Nên tự lo “bảo hiểm” chấn thương cho mình

Người đại diện của tiền đạo Abass cùng một số cầu thủ ngoại khác đang thi đấu ở V-League - ông Nguyễn Minh Châu - cho biết ông đều khuyên cầu thủ ngoại hãy chọn mua thêm bảo hiểm cho mình.

Ông Châu chia sẻ: “Tôi có xem hợp đồng của các cầu thủ ngoại và đều thấy ghi CLB có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho cầu thủ. Nhưng tôi luôn khuyên họ hãy dành dụm ra một chút từ tiền lương mua thêm một gói bảo hiểm tốt khác để an tâm hơn cho mình khi thi đấu ở VN. Một vài công ty bảo hiểm đều có gói bảo hiểm quốc tế này. Nó có rất nhiều gói và dĩ nhiên có nhiều mức khác nhau như: bảo hiểm đôi bàn chân, từ cổ chân đến đầu gối, từ đầu gối lên tới trên thắt lưng...

Từ đây, các cầu thủ ngoại sẽ chọn mua gói bảo hiểm nào phù hợp với mình. Chẳng hạn, cầu thủ nhận lương 5.000 USD/tháng sẽ chọn mức đóng bảo hiểm mỗi tháng 1.000 USD cho an toàn. Nhưng tôi thường khuyên họ chọn mức 5.000 USD/năm là vừa bởi nếu cầu thủ không may bị đứt ba sợi dây chằng chéo trước, sau, giữa thì gói bảo hiểm đã mua có thể đền bù đến 50.000 USD.

Điều này cũng có nghĩa họ hoàn toàn có thể đi Singapore chữa trị.Quan trọng là khi ký hợp đồng với công ty bảo hiểm mình phải đàm phán tôi là cầu thủ chuyên nghiệp nên khi bị chấn thương tôi muốn chữa trị ở nước ngoài. Do Abass có mua bảo hiểm ở Senegal nên tôi có nói Abass khi về nước nhớ liên hệ với công ty bảo hiểm để xem mức độ bồi thường cho mình”.

Chuyện bảo hiểm trong giới bóng đá

Việc bảo hiểm đôi chân từ lâu đã trở thành trào lưu của giới cầu thủ nước ngoài. Người phải đứng ra mua bảo hiểm có thể là CLB, cầu thủ và chuyện này còn tùy thuộc vào luật của mỗi quốc gia. Trong đó quan trọng nhất là quy định về thời gian CLB phải trả lương cho cầu thủ khi dính chấn thương.

Như ở Anh và Tây Ban Nha, cầu thủ bị chấn thương dài hạn liên quan đến chuyên môn có thể nhận được tiền lương trong vòng 18 tháng. Ở Hà Lan, cầu thủ sẽ được nhận lương đủ cho đến hết thời hạn hợp đồng; còn ở Pháp, Ý, Bỉ... khoảng thời gian “ngồi không nhận lương” vì chấn thương tối đa là sáu tháng. Đức là nơi gắt gao nhất khi chỉ có thể nhận lương trong tối đa 42 ngày. Điều này khiến nhiều cầu thủ thường tự bỏ tiền mua thêm gói bảo hiểm cho mình.

Trong phần lớn hợp đồng bóng đá chuyên nghiệp đều có điều khoản quy định việc CLB “phải cung cấp việc chăm sóc y tế, điều trị, phục hồi chấn thương miễn phí”. Còn trong những ca chấn thương nặng phải phẫu thuật, cầu thủ sẽ phải chịu chi phí. Nhưng việc thanh toán này cũng có thể tùy thuộc vào thỏa thuận giữa cầu thủ và CLB. Siêu sao Lionel Messi được biết đến như người có giá trị “bảo hiểm đôi chân” cao nhất thế giới với 550 triệu euro, mỗi năm Messi trả khoảng 400.000 euro tiền bảo hiểm.

Trong trường hợp cầu thủ bị dính chấn thương khi đá cho đội tuyển quốc gia, họ sẽ phải nhận lương ít hơn hoặc trong thời hạn ngắn hơn (như ở Anh là 12 tháng). Từ năm 2012, trước sức ép dữ dội của các CLB, FIFA đã ban hành một điều luật về việc bồi thường cho CLB có cầu thủ bị chấn thương nhiều hơn 28 ngày khi làm nghĩa vụ quốc gia. Số tiền tối đa FIFA phải trả cho một ca chấn thương là 20.548 euro/ngày, tính từ ngày thứ 29 trở đi. Như khi Neymar bị chấn thương phải nghỉ 45 ngày ở World Cup, FIFA đã trả cho anh 238.000 euro, tương ứng 13.972 euro/ngày.

H.Đ.

SĨ HUYÊN - NGUYÊN KHÔI, SIHUYENHO@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên