03/05/2024 09:30 GMT+7

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát

Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 tăng đến 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong thực tế, hàng loạt mặt hàng đã tăng giá mạnh thời gian qua khiến đời sống của nhiều người dân gặp không ít khó khăn.

Giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới được xem là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng cao - Ảnh: HỮU HẠNH

Giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới được xem là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng cao - Ảnh: HỮU HẠNH

Cũng theo số liệu này, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có tới 8 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước. Trong đó, giá thịt heo, rau tươi, sữa, trà, cà phê và nhóm ăn uống ngoài gia đình đều tăng giá. Nhóm giao thông - mạch máu của nền kinh tế và có tác động đến các mặt hàng khác - tăng gần 2%...

Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới được xem là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng cao.

Giá thực phẩm tăng, bữa cơm bị ảnh hưởng

Là người chi tiêu hằng ngày cho gia đình, chị Thùy Minh (48 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) cảm nhận rất rõ vật giá đang leo thang. Chỉ cuối năm ngoái, cầm 200.000 đồng vào siêu thị, chị mua được 1kg thịt heo, thêm một bó rau muống hoặc mồng tơi, hai miếng đậu hũ, thêm mấy trái quýt tráng miệng.

Cũng số tiền ấy, giờ đây không thể mua đủ các món nêu trên. "Giá thịt heo đã tăng khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg, rau dưa cũng đắt lên trông thấy...", chị Minh nói. Giá "mắc" hơn, nhưng thu nhập vẫn vậy, nên chị Minh cho biết đành phải mua ít đi.

Trong khi đó, anh Tuyến (kỹ sư, 38 tuổi, Bình Thạnh) cũng cho biết vừa quyết định chuyển từ đi làm bằng ô tô sang xe máy vì đổ xăng "xót ví". Từ đầu năm đến nay, giá xăng Ron95 đã tăng gần 14%, từ mức 22.000 đồng/lít nhích lên 25.000 đồng/lít.

Thay vì hơn 1 triệu đồng có thể đổ đầy bình như trước, giờ đây anh Tuyến phải thêm gần 200.000 đồng nữa, chưa kể bãi giữ xe cạnh cơ quan cũng thông báo tăng giá vé mỗi tháng thêm 300.000 đồng, vì lý do "bù trượt giá".

Còn chị Nguyên Minh (27 tuổi, nhân viên truyền thông, Bình Thạnh) cho biết với mức thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng, trước đây gia đình chị khá "thong thả" nhưng giờ phải "co kéo" mới đủ. "Quán phở quen tôi hay ăn mới tăng giá từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng/tô, một quán cà phê quen thuộc cũng thấy tăng từ 39.000 đồng lên 43.000 đồng/ly", chị Minh lấy ví dụ.

Giá cả tăng không chỉ khiến người dùng cảm thấy bị động. Ông Nguyễn Ngọc An, tổng giám đốc Công ty Vissan (TP.HCM), cho hay giá bình quân heo hơi cả năm được đơn vị nhận định 59.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời điểm này giá nhập vào đã lên 64.000 đồng/kg và có xu hướng còn tăng, nên sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội, cũng cho biết nhiều nhà cung ứng cũng vừa thông báo tăng giá hàng hóa như sữa, nông sản, thịt heo... với lý do xăng xe, vận chuyển "tốn kém" hơn. Một mặt nhà cung ứng tăng giá, trong khi sức mua của người dân giảm sút, khiến các siêu thị thấy "khó khăn, áp lực".

Dữ liệu của WiGroup cho thấy giá thịt heo hơi trong nước bình quân tính đến ngày 27-4 gần 62.000 đồng/kg, tăng gần 24% so với mức giá gần 50.000 đồng hồi đầu năm. Trong khi đó, giá xăng và giá gạo là hai mặt hàng có mức tăng giá mạnh nhất ngoài thịt heo, đóng góp đẩy chỉ số giá lên cao trong ba tháng đầu năm.

Nguồn: Tổng cục Thống kê - Dữ liệu: BÌNH KHÁNH - Đồ họa: TUẤN ANH

Nguồn: Tổng cục Thống kê - Dữ liệu: BÌNH KHÁNH - Đồ họa: TUẤN ANH

Những yếu tố làm gia tăng áp lực

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Nhật Minh, chuyên gia phân tích Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng), bày tỏ lo ngại rằng diễn biến giá hàng hóa trong những tháng tới có thể sẽ kéo lạm phát vào chu kỳ tăng mới.

Theo ông Minh, Fed duy trì lãi suất ở mức cao 5,25 - 5,5% từ tháng 7-2023 đến nay trong khi lãi suất của VN duy trì ở mức thấp. Chênh lệch lãi suất VND - USD đang tạo áp lực lên tỉ giá.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, VN là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất, khiến giá hàng hóa tiêu dùng trong nước bị tăng lên. USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá nội địa.

Ông Đinh Quang Hinh, trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Chứng khoán Vndirect, khẳng định áp lực lạm phát sẽ vẫn ở mức cao ít nhất cho đến cuối quý 2-2024 do căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông cũng như xung đột Nga - Ukraine kéo dài, dẫn đến giá hàng hóa tăng cao.

"Giá dầu thô duy trì ở mức cao do căng thẳng địa chính trị leo thang và tỉ giá hối đoái cao hơn do Fed duy trì lãi suất điều hành lâu hơn dự kiến là những yếu tố làm gia tăng áp lực lạm phát", ông Hinh nói.

Bình luận về áp lực lạm phát qua số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, một số chuyên gia lại cho biết không hề bất ngờ vì nhiều yếu tố đã được dự báo từ cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, ông Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế, cho rằng lạm phát tăng cao nhưng chưa đến mức "quá lo ngại" trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi còn chậm và sức mua yếu. Theo ông Minh, nhiều người sẽ phản ứng việc tăng giá bằng tiết kiệm chi tiêu hơn, doanh nghiệp cũng sẽ phải cân đối chuyện giá cả khi sức mua thấp.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, giám đốc khối phân tích Chứng khoán MBS, cũng cho rằng các nhà điều hành chính sách vẫn có công cụ để kiểm soát lạm phát, thông qua kiểm soát việc tăng giá các dịch vụ công như giá điện, học phí, dịch vụ y tế... Hơn nữa, lãi suất huy động tiền đồng VN đang ở mức thấp nhất trong 20 năm, Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc việc nâng lãi suất dần nhằm giảm áp lực tỉ giá.

"Việc duy trì mức lãi suất thấp thời gian qua nhằm mục tiêu đưa vốn ra nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nhưng thực tế cho thấy tín dụng vẫn khá ì ạch. Trong khi đó, lãi suất quá thấp lại tiềm ẩn rủi ro tới tỉ giá và lạm phát. Cân đối các chỉ số vĩ mô là bài toán quan trọng", bà Hiền nói.

Sữa tăng giá, nhiều người tính đổi sữa cho con, từ loại giá cao, hàng nhập khẩu sang dùng sữa nội trong nước. Trong ảnh: khách chọn sữa tại siêu thị ở quận 10, TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

Sữa tăng giá, nhiều người tính đổi sữa cho con, từ loại giá cao, hàng nhập khẩu sang dùng sữa nội trong nước. Trong ảnh: khách chọn sữa tại siêu thị ở quận 10, TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

* Bà TRƯƠNG HOÀNG DIỆP HƯƠNG (chuyên gia phân tích Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng):

Giá xăng, giá điện... gây áp lực lên lạm phát

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát- Ảnh 4.

Các quốc gia sản xuất dầu mỏ vẫn đang thắt chặt sản lượng dẫn đến giá dầu giữ xu hướng tăng. Do đó, trong quý 2-2024, giá xăng dầu sẽ tiếp tục xu hướng đi lên.

Chưa hết, sau hai lần điều chỉnh tăng trong năm 2023, giá điện được Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục xem xét điều chỉnh trong năm 2024. Cùng với việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng, các đợt điều chỉnh giá điện có thể diễn ra ngay từ giữa quý 2-2024.

Việc tăng giá của các mặt hàng nói trên sẽ gây áp lực lên lạm phát và có thể ảnh hưởng đến xu hướng chính sách tiền tệ - vốn đang duy trì trạng thái nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng có những yếu tố giúp kiềm chế lạm phát, như nguồn lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào.

Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, sức mua yếu cũng góp phần cản trở đà leo thang của giá cả hàng hóa... Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn phải tăng chạy các chương trình khuyến mãi giảm giá để kích cầu.

* GS.TSKH VÕ ĐẠI LƯỢC (nguyên viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới):

Lạm phát chưa đến mức quá lo ngại

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát- Ảnh 5.

Lãi suất, tỉ giá và lạm phát là bộ ba có tác động đến nhau. Trong cuộc họp hôm 1-5, Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất tham chiếu mức 5,25 - 5,5%, mức cao nhất 23 năm qua để kiểm soát lạm phát.

Lãi suất đồng USD cao, trong khi lãi suất đồng VND thấp kỷ lục, điều này tiếp tục sẽ gây áp lực tỉ giá trong nước. Từ đầu năm đến nay, đồng tiền VN đã mất giá khoảng 4,3 - 4,4%. Đồng tiền hạ giá sẽ kích thích xuất khẩu nhưng VN cũng là nước có giá trị nhập khẩu lớn.

Tỉ giá đang gây áp lực tới lạm phát khi hầu hết các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất của VN đều phải đi nhập. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, bốn tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 115 tỉ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm đến 94%, vào khoảng 108,33 tỉ USD.

Như vậy, không chỉ giá các mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu tăng, mà giá thành các mặt hàng sản xuất có nguyên liệu nhập khẩu cũng bị đẩy lên. Về lý thuyết, khi giá thành sản xuất tăng, doanh nghiệp sẽ phải tính toán tăng giá bán, đẩy lạm phát tăng.

Lạm phát cao được ví như một "căn bệnh" nguy hiểm đối với sự phát triển kinh tế của mọi quốc gia, có thể xóa thành quả tăng trưởng. Tuy nhiên, áp lực lạm phát là có nhưng chưa phải quá lo ngại. Bởi VN vẫn còn những công cụ để kiểm soát tốt tỉ giá, lạm phát năm nay, trong đó lãi suất là một công cụ quan trọng.

Có thể giữ mức tăng như Quốc hội đề ra

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thu Oanh, vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho biết lạm phát tăng 3,93% nằm trong tầm kiểm soát, có thể giữ lạm phát cả năm ở mức tăng 4 - 4,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Cũng theo bà Oanh, trong rổ hàng hóa tính lạm phát hiện nay, nhóm lương thực, thực phẩm chiếm khoảng 25% tổng giá trị rổ hàng hóa và là nhóm hàng hóa quan trọng trong nước hoàn toàn chủ động được.

Giá xăng dầu tăng khiến chi phí vận chuyển bị đẩy lên cao, gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng - Ảnh: T.T.D.

Giá xăng dầu tăng khiến chi phí vận chuyển bị đẩy lên cao, gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng - Ảnh: T.T.D.

Sức cầu còn yếu

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng theo giá thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát (CPI) tháng 4-2024 tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 1,19% so với tháng 12-2023. So với cùng kỳ năm trước, CPI bốn tháng năm nay tăng 3,93%.

Trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc giỏ hàng hóa tính CPI, các nhóm hàng hóa, dịch vụ như: giao thông tăng 1,95%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,92%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,21%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,21% so với tháng trước...

Ngược lại, các nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống -0,13%, lương thực -0,63%, thực phẩm -0,18%, giáo dục -2,93%, bưu chính, viễn thông -0,17%, so với tháng trước. 

Các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại, theo Tổng cục Thống kê, biến động không đáng kể. Và so với tháng trước, giá vàng trong nước tháng 4 tăng 6,95%, giá USD tăng 1,2%.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Phạm Thế Anh, trưởng khoa kinh tế Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng thực tế CPI tháng 4 tăng vọt so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do giá cả tháng 4 năm ngoái giảm mạnh - một hiện tượng khá bất thường.

"Tuy nhiên, phần lớn sự gia tăng giá cả từ đầu năm đến nay là do giá nhiên liệu, giá vàng trang sức, giá nhà ở và giá một số mặt hàng liên quan đến bệnh dịch. Tức là lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy trong khi sức cầu còn yếu, sự hồi phục của nền kinh tế còn khá mong manh", ông Anh nhấn mạnh.

Chưa phải quá lo ngại

Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Việt, phó viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), lại cho rằng Tổng cục Thống kê tính toán lạm phát dựa trên điều tra giá hơn 700 mặt hàng nên phải dựa trên giá niêm yết được công khai và theo giá siêu thị.

"Đây là cách tốt nhất để điều tra giá vì khảo sát giá ngoài chợ rất khó. Đầu chợ bán giá này nhưng cuối chợ bán giá khác, cùng là quả trứng nhưng có quả bán 4.000 đồng, quả bán chỉ 2.000 đồng, nó không phản ánh đúng xu hướng giá", ông Việt nói và cho rằng rổ hàng tính toán lạm phát phụ thuộc vào hàng tiêu dùng hằng ngày nhiều, trong khi VN có khả năng bảo đảm về cung cầu các mặt hàng tiêu dùng.

Thực tế, ngoại trừ các thành phố lớn đắt đỏ, nhiều trang du lịch quốc tế vẫn đánh giá VN là điểm đến hấp dẫn vì giá rẻ so với mặt bằng chung. Trong bốn tháng đầu năm nay, dù có áp lực gia tăng từ bong bóng vàng, ngoại tệ... nhưng chỉ số giá tiêu dùng nói chung, lạm phát cơ bản vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát của Chính phủ.

"Điều này thể hiện nền tảng vĩ mô tương đối tốt để tạo dư địa cho các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng", ông Việt nhấn mạnh.

Trong khi đó, một chuyên gia cho rằng CPI bốn tháng tăng 3,93% chưa phải quá lo ngại, nhưng rõ ràng có áp lực giá cần chú ý, đặc biệt lạm phát kỳ vọng có thể ảnh hưởng đến lạm phát thực khi đang xuất hiện bong bóng tài sản vàng, USD.

"Thời gian tới sẽ có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tăng lạm phát như tăng lương vào đầu tháng 7, giá điện áp dụng công thức mới tăng lên, xăng dầu tăng làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng khác. Do đó, nguy cơ lạm phát cao vào cuối năm vẫn có thể xảy ra", vị này nhận định.

* TS BÙI TRINH (chuyên gia kinh tế):

Chỉ số lạm phát cần sát thực tế hơn

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát- Ảnh 7.

Việc chọn giỏ hàng, nhóm hàng tính toán lạm phát được Tổng cục Thống kê thực hiện theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động điều tra giá của cơ quan thống kê đang có hạn chế là hỏi người bán và hỏi một người nhiều lần, thay vì hỏi người mua hàng mới biết chính xác giá thật là bao nhiêu.

Cũng cần thấy rằng giỏ hàng tính toán lạm phát đang khiến nhiều người cảm giác nó chưa đại diện. Cơ quan thống kê chưa chứng minh rõ ràng vì sao chọn nhóm hàng hóa này là đại diện. Có thể nói, giỏ hàng tính toán lạm phát đang lạc hậu.

Nó có thể đại diện cho 20 năm trước nhưng không còn đại diện cho thời điểm này nữa nên cơ quan thống kê cần cập nhật liên tục giỏ hàng tính toán lạm phát.

Nhiều mặt hàng tăng giá, người tiêu dùng "bóp bụng" với mâm cơmNhiều mặt hàng tăng giá, người tiêu dùng 'bóp bụng' với mâm cơm

Với hàng loạt mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gạo, thịt... đều tăng giá, nhiều người dân cho biết phải 'thắt lưng buộc bụng' để duy trì cuộc sống chứ không thể 'xông xênh' như thời gian trước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên