24/11/2020 08:57 GMT+7

Xin học bổng để sẻ chia cho người khác

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Nữ sinh 'khó khăn toàn diện' là lời của cô Cao Thị Bích Ngọc, giáo viên dạy văn Trường THPT Phạm Văn Đồng (P.Vĩnh Trường, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) nói về hoàn cảnh của Nguyễn Thị Ngọc Liên, tân sinh viên Trường đại học Nha Trang.

Xin học bổng để sẻ chia cho người khác - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Ngọc Liên trong một lần tham gia công tác thiện nguyện - Ảnh: THU YẾN

Tôi tham gia hoạt động tình nguyện để chia sẻ với những số phận kém may mắn. Tôi nhận ra rằng trở ngại mà mình đối diện chẳng thấm gì so với sự khó khăn của người khác. Điều ấy giúp tôi suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống, vì sống là để sẻ chia.

Nguyễn Thị Ngọc Liên

Ngôi nhà nơi Liên ở nằm khuất sâu, phải đi bộ qua nhiều con dốc và ngõ ngách mới đến được.

"Mồ côi" dù vẫn còn ba, mẹ

Căn nhà hẹp, lợp mái tôn, nằm lưng chừng núi ở phường Vĩnh Trường là chỗ ra vào của "đại gia đình" mấy mươi năm qua mà ông bà nội Liên tạo lập. "Chỉ có nghèo, không tấc đất, phải lên núi dựng nhà mà sống, chú à" - ông Nguyễn Ngọc Sang, ông nội Liên, ngậm ngùi bảo vậy.

Vậy mà cái nghèo vẫn đeo dai dẳng. Ông Sang kể anh N.N.D., người con trai cả, cưới vợ ở cùng địa phương và sinh ra Liên vào năm 2001. Khi con vài tháng tuổi, do bất hòa, mẹ bỏ Liên lại nhà chồng rồi đi biền biệt. 

Ba Liên làm thợ hồ, quanh năm suốt tháng theo các công trình xa, lâu lâu mới về thăm con, giúi cho ít tiền, rồi đi tiếp. Mấy năm trước, anh D. đi thêm bước nữa và sống với gia đình riêng, chuyện về thăm con cũng thưa dần. 

Bởi vậy, ông Sang bảo Liên còn cha mẹ nhưng thực tế đã "mồ côi" từ khi vừa chào đời mới mấy tháng. Bạn lớn lên bằng tấm lòng thương yêu hết mực của ông bà nội, sự đùm bọc của người cô ruột sống cùng nhà.

Trước đây, thu nhập chính của cả gia đình phụ thuộc vào nghề bốc vác của ông và nghề thợ hồ của ba Liên. Nhưng năm 2000, ông Sang bị tai biến, hôn mê suốt một tuần, khi tỉnh dậy thì bị liệt nhẹ tay chân bên phải, đầu óc nhớ nhớ quên quên, không thể làm được việc gì nữa. 

Còn vợ ông - người bà và "người mẹ" của đứa cháu côi cút - đã qua đời cách đây hơn 2 năm sau thời gian dài nằm liệt vì biến chứng của bệnh cao huyết áp, tiểu đường.

Hiện cả nhà cậy nhờ vào quán cà phê cóc của cô ruột Liên.

Nghị lực và niềm tin

Liên ốm nhom, nhỏ người so với tuổi 19. Ông Sang nói, cô học muộn 1 năm vì khi đến tuổi đi học, do quá bé nhỏ và ốm yếu nên không đủ sức. Thế mà suốt buổi trò chuyện, cô gái chẳng hề than khó, than khổ tiếng nào cả. Liên nói về tương lai với nhiều ấp ủ.

Từ lớp 10 cho đến nay, để đỡ bớt gánh nặng cho ông bà và cô, Liên đã xin đi lựa cá cơm cho một xưởng sơ chế thủy sản ở phường Vĩnh Trường mỗi khi rảnh rỗi. Mỗi giờ làm, bạn được trả 15.000 đồng. Có ngày làm chỉ một giờ vì ít cá, nhưng cũng có hôm lựa cá xuyên trưa, quên cả ăn.

"Hôm tôi đến thăm, thấy em làm việc, đôi tay như nhão ra vì lựa cá suốt mấy tiếng đồng hồ mà xúc động đến rơi nước mắt" - cô Phan Thị Linh Nhâm, chủ nhiệm lớp 12 của Liên, kể.

Mỗi ngày, từ 4h sáng, Liên thức dậy, phụ cô ruột mở quán cà phê cóc. Khi tiếng trống trường thúc giục, Liên mới ngưng tay, chạy vội vào lớp. Vậy mà ba năm qua, bạn liên tục đạt học sinh giỏi, với điểm bình quân ba năm THPT lần lượt là 8,3, 8,4 và 8,8. 

Thi tốt nghiệp THPT, Liên đạt điểm khá cao, lọt vào tốp học sinh được tỉnh Khánh Hòa khen thưởng. Riêng tổ hợp điểm xét tuyển vào đại học, bạn đạt 26,75 điểm, nếu tính cộng điểm ưu tiên học sinh vùng biển đảo thì tổng điểm là 27,5.

"Tôi rất mê và đã đăng ký vào ngành báo chí của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đủ điểm đỗ. Nhưng nhìn lại hoàn cảnh mình, tôi quyết định chọn ngành quản trị dịch vụ du lịch lữ hành ở Trường đại học Nha Trang, vì cũng là ngành yêu thích, học gần nhà, bớt gánh nặng cho người thân" - Liên tâm sự.

Nói là học gần, nhưng từ nhà đến trường của Liên mỗi ngày hơn 10km. May sao, Liên có những người bạn thân tình, chở giúp đến trường bằng xe đạp điện hoặc xe máy, bởi bạn chẳng có phương tiện gì... Để lo 5 triệu đồng nộp học phí và các khoản đầu học kỳ 1 năm thứ nhất đại học, Liên vét hết số tiền dành dụm khi đi lựa cá thuê và của ba cho, cộng thêm tiền hỗ trợ của hai cô giáo Cao Thị Bích Ngọc, Phan Thị Linh Nhâm, rồi nhận thêm của người cô ruột mới đủ.

"Ngoài những người thân trong gia đình nội, tôi mang ơn cô Ngọc, cô Nhâm nhiều lắm. Hai cô đã giúp tôi nhiều khoản chi phí cho ba năm THPT, không thu tiền khi dạy tôi học thêm và vận động nhiều thầy cô khác giúp đỡ, nhờ thế tôi mới tự tin đi tiếp" - Liên kể.

Trong bức thư đề đạt nguyện vọng được nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" gửi cho Tuổi Trẻ, Liên viết rằng bạn mong được nhận học bổng để có tiền trang trải chi phí học tập và dành một phần để hỗ trợ cho những hoàn cảnh chưa được trợ giúp. "Nhiều em trong CLB kỹ năng Sao Mai Xanh, phường Vĩnh Trường mà tôi đang sinh hoạt có hoàn cảnh khốn khó nhưng vẫn nỗ lực học hành. Nếu có học bổng của Tuổi Trẻ, tôi sẽ sẻ chia cho những bạn khó khăn nhất, giúp các bạn ấy ấm lòng" - Liên dự định.

Xin học bổng để sẻ chia cho người khác - Ảnh 4.
Tiếp sức đến trường 2020: Có một dòng yêu thương mãi tuôn chảy Tiếp sức đến trường 2020: Có một dòng yêu thương mãi tuôn chảy

TTO - Nhiều người đã nói rằng cuộc sống, tương lai họ có lẽ chẳng được như bây giờ nếu ngày đó không nhận được suất học bổng của Tiếp sức đến trường của Tuổi Trẻ, gặp được dòng yêu thương, lòng sẻ chia của mọi người.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên