Xem bóng đá dễ hay khó?

HUY THỌ 22/09/2019 17:09 GMT+7

TTCT - Câu hỏi đấy thoạt nghe có vẻ vô duyên, nhưng hãy thử ngẫm nghĩ cho kỹ mà xem, không hề dễ trả lời...

Khán đài sân Hàng Đẫy hôm xảy ra vụ bắn pháo. Nạn nhân ôm đùi đau đớn, và ở hàng ghế phía trước có hai “vị khách” bốn chân! Ảnh: Tiến Tuấn
Khán đài sân Hàng Đẫy hôm xảy ra vụ bắn pháo. Nạn nhân ôm đùi đau đớn, và ở hàng ghế phía trước có hai “vị khách” bốn chân! Ảnh: Tiến Tuấn

Trong đầu tôi nảy ra câu hỏi đó khi một bạn đồng nghiệp trẻ chuyển cho xem tấm ảnh chụp cận cảnh vết thương trên chân cô gái bị dính quả pháo ở sân Hàng Đẫy trong trận Hà Nội tiếp Nam Định - sự kiện gây ồn ào trên các trang báo thể thao suốt một tuần qua. 

Bức ảnh thật kinh dị, khiến ai nhìn thấy cũng phải bỏ ít nhất một bữa cơm! Nhìn bức ảnh đó, không thể không tự hỏi: Tại sao đi xem bóng đá mà dính tai nạn kinh khủng thế? Tại sao đi xem bóng đá mà mang “vũ khí” - ở đây là những quả pháo thăng thiên - vào sân? Rồi mở rộng hơn chuyện thưởng lãm bóng đá, mới thấy xem bóng đá không hề dễ.

Tại ải tại ai?

Nếu vụ việc xảy ra trên khán đài ở các cường quốc bóng đá như Tây Ban Nha, Anh, Đức... thì sao? Quá đơn giản, với hệ thống camera dày đặc, không bỏ sót bất cứ chuyện gì trên sân cỏ lẫn khán đài, cảnh sát sẽ tóm ngay được “tác giả” quả pháo. Trong quá trình lấy lời khai kẻ bắn pháo để chuẩn bị cho phiên tòa xét xử, nhà chức trách sẽ biết được lý do kẻ đó lại làm chuyện ngu ngốc như thế.

Còn với bộ máy điều hành bóng đá, người ta sẽ xử phạt thật nặng chủ sân vì tội làm kém khâu quản lý an ninh, để cho khán giả ngang nhiên mang pháo vào. Phải phạt thật nặng để trong tương lai chủ sân phải đầu tư nhiều hơn trong vấn đề bảo vệ an ninh cho khán đài lẫn sân cỏ.

Trở lại Việt Nam, các nhà báo đã thống kê rằng sân Hàng Đẫy là nơi xảy ra nhiều vụ đốt pháo nhất. Có nhiều giả thiết được nêu ra. Người thì bảo cổ động viên các đội bóng là đối thủ của chủ sân Hàng Đẫy cố tình “chơi” đội bóng của ông bầu Đỗ Quang Hiển, bằng chiêu “gắp lửa bỏ tay người”; người thì bảo bầu Hiển đang khuynh đảo bóng đá Việt, giúp đội Hà Nội T&T có quá nhiều ưu ái, tạo nên sự bức xúc từ cổ động viên các đội khác...

Thật khó để có câu trả lời chính thức cho những giả thiết vừa nêu trên, nếu không có một cuộc nghiên cứu, điều tra thật sự công tâm, nghiêm túc.

Ở đây, tôi chỉ thấy lý do rõ mồn một, đó chính là sự lơi lỏng đến mức khó tin trong vấn đề bảo vệ an ninh cho một trận đấu bóng đá trên sân Hàng Đẫy. Trong bức ảnh đăng cùng bài viết này, mọi người dễ dàng thấy có đến hai chú chó ngồi trên khán đài, ngay khu vực xảy ra vụ bắn pháo!?

Trong đó, một chú thì nằm trong lòng chủ, còn một chú chễm chệ chiếm nguyên một ghế. Nhiều bạn đồng nghiệp ở Hà Nội cho biết chả có sân nào như Hàng Đẫy, người ta còn ăn nhậu ngay cả trên khán đài khi đi xem bóng đá!

Chưa hết, sự cố đáng buồn với nữ CĐV vừa qua có lẽ đã không xảy ra, nếu VFF (Liên đoàn Bóng đá VN) thật sự nghiêm khắc. Nói như vậy là vì hồi tháng 4, ở vòng 6 V-League, Ban kỷ luật của VFF đã công bố kỷ luật treo sân Hàng Đẫy một trận do để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng trong trận tiếp Hải Phòng.

Nhưng chỉ hai ngày sau, Ban giải quyết khiếu nại của VFF lại xóa án với lý do những người đốt pháo sáng đến từ hội CĐV Hải Phòng! Nếu xử nghiêm ngay từ lúc đó, có lẽ chủ sân Hàng Đẫy sẽ nghiêm túc hơn trong việc kiểm soát khán giả vào sân.

Hooligan thời mạng xã hội

Dĩ nhiên, mức độ hung hãn của cổ động viên bóng đá VN chưa đạt đến tầm cỡ hooligan của Anh. Chúng ta chưa thấy những trận chiến thật sự trên đường phố hay khán đài bóng đá Việt; nhưng có lẽ cũng không thừa để cảnh báo.

Nói đến lịch sử hooligan trong bóng đá VN, sự mở đầu có lẽ là vào năm 1995, cũng tại sân Hàng Đẫy, ở trận chung kết môn bóng đá Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần 3 giữa hai đội Hà Nội và Hải Phòng. Sau trận đấu, tôi còn nhớ những người Hà Nội của ngàn năm văn hiến như cố nhà báo Tường Vy, nhà báo Lê Lành... đều trầm ngâm hẳn.

Họ bảo đi xem bóng đá, vì nóng giận khi mình ủng hộ một đội, người ngồi kế lại ủng hộ đội đối thủ thì dễ gây tranh cãi, và nóng lắm thì cãi cọ rồi thôi. Đằng này, lần đầu tiên họ thấy cảnh một số khán giả của hai đội chuẩn bị sẵn mắm tôm, túi nilông để tè vào đấy rồi ném đối phương! Sự có chuẩn bị và tổ chức ấy đã phá vỡ mọi chuẩn mực về văn hóa.

Sau sự cố đầu tiên, hooligan “made in Việt Nam” bắt đầu leo thang dần, để rồi có lúc công an phải chặn bắt ngay từ bên ngoài sân những chiếc ô tô chứa đầy mã tấu để đánh nhau, giữa các CĐV bóng đá Nghệ An, Hải Phòng... Còn giờ đây là nạn pháo sáng, pháo thăng thiên, bắn thẳng vào nhau chả khác gì súng đạn.

Cũng phải nói đến đặc điểm của hooligan thời mạng xã hội lên ngôi. Chỉ một tiếng còi không thuận lợi cho đội VN khi thi đấu quốc tế, chỉ vài phút sau là người ta mò ra Facebook, Twitter của vị trọng tài - dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này - để ném gạch đá tơi bời. Gần đây, khi bóng đá VN đủ sức đánh bại Thái Lan, thì trước mọi trận đấu với đội tuyển nước này, tình hình đều nóng trên... mạng xã hội.

Đến độ chỉ một ý kiến của Kiatisak hay Chanathip dự báo Thái Lan sẽ thắng cũng phải lập tức nhận gạch đá tấn công. Người ta muốn Kiatisak hay Chanathip khi trả lời báo chí cũng phải dự đoán đội nhà phải thua!?

Rõ ràng xem bóng đá sao cho có văn hóa không phải là chuyện dễ!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận