16/11/2019 09:43 GMT+7

Xăm mình hành hung, khủng bố đòi nợ thuê, cấm hay để?

NGỌC AN - LÊ KIÊN  - NGỌC HIỂN
NGỌC AN - LÊ KIÊN - NGỌC HIỂN

TTO - Các đối tượng xăm mình hành hung, khủng bố tinh thần, uy hiếp người thân của con nợ để đòi nợ thuê... Nên cấm hay để dịch vụ này tồn tại?

Xăm mình hành hung, khủng bố đòi nợ thuê, cấm hay để? - Ảnh 1.

Nhóm xã hội đen đến đe dọa, hành hung tại nhà con nợ ở phố Đoàn Kết, TP Hải Dương - Ảnh: Cắt từ video an ninh (tháng 10-2019)

Trong khi Chính phủ đề nghị đưa dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục cấm kinh doanh, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần cân nhắc thận trọng, phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn hành vi biến tướng chứ không thể quản không được thì cấm.

Ngày 15-11, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật đầu tư (sửa đổi), trong đó bổ sung ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Theo ông Dũng, nhu cầu quản lý hoạt động đòi nợ thuê trên thực tế là có, bởi nó vừa tồn tại những mặt tích cực và tiêu cực.

"Tích cực là hoạt động này bảo vệ quyền lợi người cho vay, dịch vụ này giúp người cho vay thu hồi được các khoản nợ... Nhưng mặt tiêu cực thì rất nhiều... và đây là đề nghị của Bộ Công an phải đưa vào cấm ngay chứ không sẽ vô cùng phức tạp cho xã hội" - ông Dũng cho biết.

“Nếu các loại hình kinh doanh này gây hậu quả nhiều hơn hiệu quả thì nên cấm. Tôi thấy cấm là có lý.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình)

Cấm để hạn chế tiêu cực?

Thừa nhận "cấm ngay chưa hẳn là tốt", ông Dũng cho rằng nếu quy định quản lý hiện nay có giải pháp khuyến khích mặt tích cực và hạn chế tiêu cực, tránh biến tướng ảnh hưởng xã hội hiện đang rất phức tạp thì sẽ tốt hơn. Và với tinh thần là cơ quan soạn thảo luật, ông Dũng khẳng định Bộ KH-ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe và nghiên cứu thêm.

Ủng hộ đề xuất của Chính phủ, phó giám đốc Sở Tư pháp Long An Vũ Thị Mỹ Dung - đại biểu Long An - cho rằng nhu cầu thực tế của xã hội là có, và hoạt động này cũng đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động của doanh nghiệp này biến tướng nhiều, những địa bàn nở rộ như TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh khá phức tạp.

"Việc xử lý các khoản vay không tuân theo trình tự thủ tục pháp luật. Bởi thường là các khoản vay tín dụng đen, không đủ cơ sở pháp lý nên chủ nợ không tìm đến cơ quan pháp lý, mà tìm tới công ty đòi nợ thuê" - bà Dung nói.

Đồng thời bà cho biết có nhiều trường hợp bán nợ với tỉ lệ trên 50% nên dù có cơ chế nhưng nhiều vụ xảy ra có ảnh hưởng an ninh trật tự, tội phạm như ở TP.HCM, Bình Dương, Gia Lai, Quảng Ninh...

Trong thực tế, theo bà Dung, các đối tượng xăm mình sử dụng các chiêu trò như xã hội đen như hành hung, khủng bố tinh thần, uy hiếp người thân của con nợ... Vai trò của quản lý nhà nước trong các vụ việc này rất mờ nhạt, không kiểm soát được, khi xảy ra mới can thiệp.

"Qua báo cáo cho thấy nhiều địa phương ủng hộ bỏ ngành nghề kinh doanh này, cấm không để hoạt động kinh doanh" - bà Dung khẳng định.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng dịch vụ kinh doanh đòi nợ bị biến tướng là do quản lý không chặt chẽ, trở thành mầm mống sinh tội phạm, đằng sau đó chính là xã hội đen. Do đó, cần phải đánh giá về hiệu quả kinh tế - xã hội, trật tự xã hội của hoạt động kinh doanh đòi nợ, cho vay tài chính, đánh giá cái gì được, như tạo việc làm, thu nhập, ngân sách, hay những hệ lụy an ninh trật tự, an toàn xã hội ra sao.

"Nếu các loại hình kinh doanh này gây hậu quả nhiều hơn hiệu quả thì nên cấm. Tôi thấy cấm là có lý. Còn hình thức cho vay tài chính, cầm đồ phải được đánh giá kỹ trong kinh doanh có điều kiện. Nếu cần phải siết nữa. Đề phòng cả lợi ích nhóm, câu kết trong lĩnh vực này" - ông Phương nêu.

“Thay vì cấm dịch vụ đòi nợ thuê, cần quan tâm xây dựng pháp luật đủ để quản lý.

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định)

Xăm mình hành hung, khủng bố đòi nợ thuê, cấm hay để? - Ảnh 4.

Nhiều đại biểu cho rằng không nên đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp - Ảnh: Q.ĐỊNH

Đừng "quản không được thì cấm"

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng nếu "không quản được thì cấm" có thể đẩy loại hình này thành hoạt động chui và dẫn tới tình trạng vi phạm pháp luật nhiều hơn. Bởi trong điều kiện kinh tế thị trường ngày càng phát triển và nở rộ, đây là quan hệ dân sự.

Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết cho phép ngân hàng thu hồi nợ, nên theo ông Sinh, cấm dịch vụ đòi nợ thuê là không ổn mà cần đưa ra quy định chặt chẽ hơn, mạnh tay xử lý chuyện biến tướng, xâm phạm an ninh trật tự, an toàn sức khỏe con người.

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cũng cho rằng đây là nhu cầu của xã hội, nếu cấm sẽ gây biến tướng. Dẫn chứng từ hoạt động tín dụng đen bị cấm khiến các đối tượng đã chuyển sang hoạt động trên mạng, ông Nhường cho rằng hoạt động đòi nợ thuê cũng vậy. "Do đó, thay vì cấm, cần quan tâm xây dựng pháp luật đủ để quản lý" - ông Nhường nói.

Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), không nên cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ và phải cẩn trọng để không đi vào tư duy "không quản được lại cấm". Với những hành vi lợi dụng đòi nợ để xiết nợ, đòi nợ thuê gây ra rất nhiều hậu quả, phạm tội... cần phải được tách ra và phải xử lý. Nếu tách ra để xử lý mà cấm sẽ làm mất một loại hình kinh doanh, liên quan đến quyền kinh doanh của công dân.

Cũng theo ông Xuyền, Bộ luật dân sự đã quy định và đã có nghị quyết 42 về loại hình mua bán nợ. Khi một món nợ được chuyển sang cho người khác thì người đó có quyền nhận, đây là hợp đồng chuyển giao nghĩa vụ hợp pháp và họ có quyền đòi. Nếu không, cần phải cấm các loại hình mua bán nợ.

"Nếu có biến tướng trong hoạt động đòi nợ thuê, cần phải xử nghiêm, chứ không nên cấm sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của xã hội, quyền công dân" - ông Xuyền khuyến cáo.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thừa nhận hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ vừa qua có việc lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Ví dụ tín dụng đen, thông qua các tổ chức đòi nợ thuê, đứng sau là các nhân vật cộm cán, dẫn đến bắt bớ, gây mất trật tự.

Tuy nhiên, theo ông Hiển, chỉ có thể nghiêm trị những hành vi biến tướng, còn đòi nợ cũng là dịch vụ của cơ chế thị trường.

"Luật phải quy định cụ thể ai được làm và làm thì cần tuân thủ cái gì, vi phạm thì xử lý ra sao, chứ cấm là không hợp lý. Quan hệ kinh doanh ngày càng chằng chịt mà nợ nần thì thông qua tổ chức hợp pháp để đòi là văn minh chứ, đừng thấy vài vụ việc xảy ra mà chuyển từ cực này sang cực khác" - ông Hiển nói.

Có nên đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp?

Thảo luận tại tổ về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) vào ngày 15-11, nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận về việc nên hay không nên đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật.

Theo đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam), việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật nhằm khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước.

Tuy nhiên, bà Tâm đặt vấn đề đưa về lợi ích thực chất và tác động thế nào đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa khi đưa hộ kinh doanh vào luật. Trong thực tế, dù đã có Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ để hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp nhưng việc tiếp cận chính sách vẫn còn nhiều khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo luật chưa rõ, còn "làng nhàng" giữa luật và nghị định. Trong khi đó, điều quan trọng khi đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật là nhằm xử lý vấn đề về thuế.

Bởi thực tế, nhiều hộ kinh doanh dù có quy mô nhỏ nhưng hiệu quả kinh doanh lại rất cao. Ngoài ra, mục đích của việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật cũng nhằm bảo hộ và phát triển hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), không nên đưa vào Luật doanh nghiệp vì không thuộc phạm vi điều chỉnh. Thay vào đó, cần có một nghị định về hộ kinh doanh và sau đó tính tới việc ban hành luật về hộ kinh doanh gia đình. Nếu đưa vào dự thảo luật, phải đổi luật là "Luật doanh nghiệp và hộ kinh doanh".

"Tại các nước thì cái gì cũng qua hóa đơn, thuế được thu ở đó. Còn ở ta khoán thuế cho hộ gia đình, nên có những hộ gia đình doanh thu lớn hơn cả doanh nghiệp nhưng vẫn không đăng ký thành lập doanh nghiệp. Giải pháp là chúng ta cần quản lý thuế thật tốt, khi đó hộ gia đình muốn phát triển sẽ tự đăng ký thành lập doanh nghiệp" - ông Bình nói.

Lo ngại việc đưa hộ kinh doanh vào luật sẽ tạo nên sự phản ứng bởi hiện có đến 5 triệu hộ, đại biểu Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) đặt vấn đề mục đích của việc đưa hộ kinh doanh vào luật để làm gì, để "nuôi dưỡng" hay ràng buộc? Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, mục đích của đề xuất này là nhằm bảo vệ và thúc đẩy hộ kinh doanh phát triển, không phải để quản lý.

Theo ông Lộc, thực tế có những hộ kinh doanh đã vươn ra nước ngoài làm ăn nhưng không được pháp luật thừa nhận và rất khó được bảo vệ khi dính đến kiện tụng. Tuy nhiên, đại biểu Quân tiếp tục đặt vấn đề rằng có hay không việc tham vấn ý kiến của các hộ kinh doanh khi đề xuất đưa họ vào luật. Nếu có tham vấn thì "lấy ở đâu, lấy ai và thái độ họ thế nào"?

Ông Nguyễn Chí Dũng - bộ trưởng Bộ KH-ĐT - cho rằng dù không phải là loại hình doanh nghiệp nhưng đây là hình thức kinh doanh cần được định vị pháp lý và bảo vệ, có quy định rõ về trách nhiệm dân sự, quyền của hộ kinh doanh, quản trị nội bộ. "Việc trao thêm quyền phải dựa trên quy định của luật, chứ không phải ở văn bản dưới luật. Do đó, việc đưa hộ kinh doanh vào dự án luật này là cần thiết" - ông Dũng nhấn mạnh.

Thăm dò ý kiến

Dịch vụ đòi nợ thuê đáp ứng nhu cầu của xã hội nhưng cũng biến tướng nhiều, theo bạn nên:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Chính phủ muốn cấm dịch vụ đòi nợ thuê, Quốc hội đề nghị quản lý chặt Chính phủ muốn cấm dịch vụ đòi nợ thuê, Quốc hội đề nghị quản lý chặt

TTO - Chính phủ kiến nghị bổ sung ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho rằng không nên cấm mà yêu cầu thêm điều kiện kinh doanh để quản lý chặt chẽ hơn.

NGỌC AN - LÊ KIÊN - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên