17/04/2017 13:02 GMT+7

Xạ thủ chờ đạn, đạn chờ thủ tục

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TT - Hàng trăm xạ thủ bắn súng VN vẫn không có đạn để tập, trong khi đó nhà cung cấp cho biết 1,5 triệu viên đạn với trọng lượng 5 tấn nhanh nhất tháng 5 tới mới về đến VN.

Xạ thủ Trần Quốc Cường thi đấu tại Cúp bắn súng quốc gia 2017 - giải đấu mà nhiều đơn vị phải đi vay mượn đạn cho VĐV thi đấu. Ảnh: NAM KHÁNH
Xạ thủ Trần Quốc Cường thi đấu tại Cúp bắn súng quốc gia 2017 - giải đấu mà nhiều đơn vị phải đi vay mượn đạn cho VĐV thi đấu. Ảnh: NAM KHÁNH

Cúp bắn súng quốc gia kết thúc tại trường bắn Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) Hà Nội hôm 11-4 không biết đã là giải đấu thứ bao nhiêu mà VĐV đi thi đấu không có đạn khiến phải đi vay mượn khắp nơi.

Cho mua 43 tỉ đồng nhưng chỉ bán được 12 tỉ đồng

Sau hai năm bắn súng VN không mua được đạn, tháng 7-2016, Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (GAET), Bộ Quốc phòng đã trúng thầu và trở thành nhà cung cấp súng đạn cho ngành thể thao trong năm 2016. Những tưởng sau thời gian dài không có đạn tập luyện và thi đấu các xạ thủ sẽ sớm có đạn. Thế nhưng đến thời điểm này, các xạ thủ ở đội tuyển bắn súng quốc gia và các địa phương trên cả nước vẫn chưa có đạn tập.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện GAET cho biết để một lô hàng súng, đạn nhập về đến VN nhanh nhất phải mất 3 tháng, trung bình là 5 tháng, và có những lô hàng phải mất 2 năm. Đạn trong thi đấu thể thao thực chất cũng chính là đạn chiến đấu nên chịu sự giám sát, quản lý gắt gao ở VN và quốc gia sản xuất súng đạn cùng quá trình vận chuyển.

Đại diện GAET cho biết GAET là đơn vị có chức năng nhập khẩu súng đạn, đồng thời là nhà cung cấp súng đạn cho CLB bắn súng Quân đội nhiều năm qua. Hạn ngạch năm 2016 được Thủ tướng cho phép nhập khẩu là 43 tỉ đồng cho toàn bộ trang thiết bị vũ khí thể thao như súng, đạn, đĩa bay... Sau khi trúng thầu, GAET đã đến làm việc với 12 địa phương trên cả nước có nhu cầu mua súng đạn để tiến hành làm hợp đồng mua bán.

Tuy nhiên, trong quá trình làm việc thực tế đã phát sinh nhiều vấn đề. Cụ thể, ngân sách mua sắm của các đơn vị là ngân sách chi tiêu thường xuyên năm 2016. Do thời điểm phê duyệt và thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu sau ngày 31-6-2016 nên hầu hết các đơn vị không còn giữ lại ngân sách để thực hiện mua sắm. Đối với các đơn vị có thể xin được ngân sách để tiến hành mua sắm thì họ yêu cầu giao hàng và quyết toán trước ngày 31-12-2016 theo Luật ngân sách. Sau quá trình làm việc với các địa phương, chỉ có 4 đơn vị ký hợp đồng mua súng đạn với GAET là: Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao Hà Nội (2,2 tỉ đồng); Hải Phòng (90 triệu đồng); TP.HCM (1,4 tỉ đồng), Trung tâm HLTTQG Hà Nội (7,9 tỉ đồng). Các đơn vị không mua là Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương, Đà Nẵng... “Như vậy, dù hạn ngạch chúng tôi được nhập là 43 tỉ đồng nhưng thực tế mua sắm chỉ có 4/12 đơn vị mua và tổng số tiền mua là 12/43 tỉ đồng” - đại diện GAET nói.

Dù chỉ có 4 đơn vị mua đạn trong năm 2016 nhưng đại diện nhà nhập khẩu cho biết họ không thể giao hàng trước ngày 30-12-2016 vì rất nhiều lý do phức tạp. Sang đầu năm 2017 GAET mới có thể giao hàng, nhưng chủ yếu là đạn hơi, súng, đạn thi đấu. Số hàng quan trọng nhất từ năm 2016 là lô hàng đạn tập luyện với 1,5 triệu viên, trọng lượng 5 tấn, dự kiến tháng 5 tới mới về đến VN.

Chuẩn bị SEA Games trong lo lắng

Vì tình trạng thiếu đạn mà 3 năm qua trình độ của các xạ thủ VN không tiến bộ, thậm chí thụt lùi. Nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM đã có những xạ thủ giải nghệ vì quá chán nản do tập mãi với súng không đạn. VĐV Mai Anh - đội tuyển bắn súng Hà Nội - cho biết cô vừa mới xin giải nghệ về quê buôn bán sau 4 năm tập bắn súng. Lý do, theo Mai Anh, chủ yếu là do cô chán nản vì bắn súng mà không có đạn để tập. HLV Nguyễn Tấn Nam (Hà Nội) cho biết rất khó để giữ được thành tích chứ chưa nói là nâng cao thành tích trong bối cảnh VĐV không có đạn để tập kéo dài trong nhiều năm liền.

Tháng 8 tới, bắn súng VN sẽ tham dự SEA Games 29 tại Malaysia. Hầu hết các xạ thủ ở đội tuyển quốc gia cũng trong tình cảnh tập với súng không đạn. Một xạ thủ đội tuyển quốc gia cho biết anh đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để nâng cao trình độ sau 3 năm tập luyện không có đạn. Tháng 5 tới, hai xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường sẽ lại lên đường đi tập huấn Hàn Quốc để chuẩn bị cho Cúp bắn súng thế giới ở Đức. Nếu tập luyện ở VN, các xạ thủ hàng đầu sẽ không thể duy trì được phong độ.

Theo kế hoạch, tháng 5 tới lượng đạn nổ lớn sẽ về VN và VĐV sẽ có đạn tập. Tuy nhiên, thời điểm này Bộ VH-TT&DL đã chuẩn bị cho việc đấu thầu tìm nhà cung ứng súng đạn trong năm 2017. Ông Vương Bích Thắng, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết bộ sẽ vẫn giao cho Tổng cục TDTT chủ trì việc đấu thầu, chọn nhà thầu. Hi vọng lần mua bán này sẽ diễn ra thuận lợi để các trường bắn không còn im lìm vì thiếu đạn.

Hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển khó khăn

Về quy trình mang đạn về VN, đại diện GAET cho biết súng, đạn là hàng hóa nhập khẩu có tính chất đặc biệt, là vũ khí sát thương, chịu sự giám sát chặt chẽ trong quản lý của nước sản xuất, cũng như các điều luật, công ước quốc tế. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, do tình hình an ninh, chính trị quốc tế cũng như ở châu Âu, việc quản lý và cấp phép càng thắt chặt. Phía nhà sản xuất chỉ tiến hành sản xuất theo đặt hàng của phía VN sau khi được chính phủ nước sở tại cấp giấy phép xuất khẩu. Theo quy định của Liên minh châu Âu, giấy phép xuất khẩu đối với đạn và các loại súng thể thao sẽ được xem xét, cấp phép trong thời gian 90 ngày kể từ ngày hồ sơ yêu cầu được nộp.

Hàng hóa được GAET mua trực tiếp từ các nhà sản xuất tại châu Âu. Tuy nhiên, sau các vụ khủng bố ở châu Âu, hầu hết các hãng hàng không đều từ chối vận chuyển mặt hàng đạn nổ - do đây là hàng hóa nguy hiểm. Nếu có thể được vận chuyển bằng đường hàng không thì số lượng cho từng chuyến hàng cũng bị hạn chế và còn phụ thuộc vào quyết định của cơ trưởng chuyến bay. Còn nếu qua đường biển thì thời gian chuyển đạn về đến VN phải tính bằng tháng, đi đường biển cũng ảnh hưởng đến chất lượng đạn vì độ ẩm. Ngoài ra, thời gian giao hàng của các hãng cũng khác nhau dẫn đến chi phí vận chuyển tăng cao.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên