31/01/2020 18:09 GMT+7

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu thì giúp được gì?

BÌNH AN - D. KIM THOA
BÌNH AN - D. KIM THOA

TTO - Việc ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu là cơ hội để Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện "những biện pháp không bắt buộc nhưng quan trọng về mặt thực tiễn và chính trị".

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu thì giúp được gì? - Ảnh 1.

Bác sĩ ở Vũ Hán tự phòng vệ trước khi vào khu vực cách ly ngày 30-1 - Ảnh: REUTERS

Rạng sáng 31-1 (giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát chủng virus corona mới từ Trung Quốc là Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC).

Dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng virus corona này đã khiến 213 người thiệt mạng và hơn 9.000 người nhiễm bệnh ở Trung Quốc (số liệu cập nhật ngày 31-1).

WHO xác định tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu như vậy là một "sự kiện khác thường", được đánh giá "nghiêm trọng, không mong đợi".

Chuyện gì diễn ra sau khi ban bố?

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu được thực hiện nhằm ngăn hoặc giảm sự lây lan dịch bệnh xuyên biên giới, trong khi giúp tránh tình trạng cản trở thương mại và cản trở việc đi lại không cần thiết.

Động thái này sẽ trao cho WHO năng lực đẩy nhanh phản ứng của các chính phủ và tổ chức trên toàn cầu vốn đang nỗ lực kiềm chế dịch bệnh.

Một vấn đề cân nhắc trọng yếu khi WHO đưa ra PHEIC là mối đe dọa từ dịch bệnh có nghiêm trọng tới mức các nước phải kích hoạt những lệnh hạn chế/cấm đi lại cũng như cần cản trở hoạt động giao thương hay không. Bởi lẽ, những hành động như vậy sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các nền kinh tế địa phương.

Theo Hãng tin Reuters, đại dịch SARS (2002-2003) đã gây tổn thất kinh tế tới 40 tỉ USD cho thế giới và GDP toàn cầu cũng giảm 0,1%. Đó cũng là lý do tại sao trước dịch corona Vũ Hán, WHO chỉ mới 5 lần đưa ra tuyên bố PHEIC và phải bàn đi tính lại rất kỹ mới đưa ra tuyên bố PHEIC với dịch bệnh này.

Trong trường hợp cụ thể của dịch bệnh corona Vũ Hán, WHO đã lưu ý khuyến nghị các nước không nên hạn chế/cấm việc đi lại cũng như hoạt động thương mại với Trung Quốc nếu không cần thiết.

WHO không có quyền lực pháp lý để trừng phạt các nước. Tuy nhiên, WHO có thể yêu cầu chính phủ các nước giải thích nếu áp đặt các hạn chế đối với việc đi lại hay hạn chế thương mại.

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu còn trao cho WHO khả năng đưa ra những khuyến nghị về việc đi lại, và là cơ hội để WHO thực hiện "những biện pháp không bắt buộc nhưng quan trọng về mặt thực tiễn và chính trị, giúp giải quyết vấn đề đi lại, thương mại, cách ly, kiểm tra, chữa trị", theo báo Straits Times.

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu thì giúp được gì? - Ảnh 2.

Các quan chức mặc đồ bảo hộ xuất hiện trên đường phố ở Vũ Hán, Trung Quốc hôm 30-1 - Ảnh: AFP

Có ý nghĩa gì với các nước?

Với tuyên bố PHEIC, WHO sẽ hỗ trợ các nước có hệ thống y tế còn yếu kém. Tuyên bố được đưa ra nhằm giúp tăng tốc quá trình nghiên cứu, phát triển các loại văcxin và thuốc điều trị bệnh, ngăn chặn việc phát tán tin đồn và xuyên tạc/bóp méo thông tin.

Dưới tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, các nước nên nỗ lực điều trị những người đã mắc bệnh trong khi vẫn phải chú trọng hạn chế lây nhiễm.

Các nước cần chia sẻ kiến thức với WHO và những quốc gia khác bị ảnh hưởng, cùng nhau làm việc "trên tinh thần hợp tác và đoàn kết".

Động thái này cũng thúc đẩy các nước phối hợp gây quỹ và hỗ trợ nhiều nguồn lực, giúp các quốc gia thuyết phục người dân làm theo khuyến nghị y tế.

WHO có thể đánh giá những biện pháp về y tế công cộng được các nước thực hiện, nhằm đảm bảo chúng đáp ứng các tiêu chuẩn y tế.

Những khuyến nghị này không mang tính bắt buộc, nhưng các nước thành viên sẽ chịu sức ép thực hiện dưới Điều lệ y tế quốc tế 2005 của WHO.

WHO tuyên bố dịch virus corona là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu WHO tuyên bố dịch virus corona là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

TTO - Trong cuộc họp báo diễn ra lúc gần 3h sáng 31-1 (giờ VN) ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát chủng virus corona mới (2019-nCoV) từ Trung Quốc là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu".

BÌNH AN - D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên