31/08/2020 09:43 GMT+7

Vượt qua tự ti 'thấp bé, nhẹ cân' để 'cao hơn, nhanh hơn, khỏe hơn, bền hơn'

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Đó là một hành trình rất dài để người Việt thoát ra nỗi tự ti của sự thấp bé, của cái thể trạng “Đông Á bệnh phu” dù chưa đến mức mỹ mãn, nhưng nay người Việt có thể tự hào chúng ta đang thực sự “cao hơn, nhanh hơn, khỏe hơn, bền hơn”.

Vượt qua tự ti thấp bé, nhẹ cân để cao hơn, nhanh hơn, khỏe hơn, bền hơn - Ảnh 1.

Thanh Hương (trái) chỉ cao 1,52m một thời khuấy đảo đường đua 100m, và hơn 20 năm sau cô học trò Lê Tú Chinh của chị được tôn vinh là “nữ hoàng tốc độ” của cả Đông Nam Á cao 1,69m - Ảnh: NAM KHÁNH

Ngày xưa khi nói tới tập luyện marathon, hiếm người dân nào hiểu đó là gì. Ngay với các VĐV, nếu được hỏi về việc chuyển sang tập marathon thì hầu hết cũng bỏ chạy. Chạy 42km ở thời điểm những năm 1960 - 1970 là điều rất kinh khủng.

Cụ BÙI LƯƠNG

Một giáo viên thể dục thường kiểm tra thể lực các học trò bằng một bài chạy bộ. Và không hề ngoa khi nói rằng chạy bộ - môn thể thao cơ bản nhất, môn thể thao đầu tiên của Olympic - chính là "bài test" cho thể trạng, sức khỏe. Trong đó, cự ly marathon (42,2km) thường được đem ra làm thước đo. 

Một số thống kê của các tổ chức chạy bộ chỉ ra rằng chỉ có khoảng 1% dân số thế giới từng hoàn thành một cuộc chạy marathon. Và ở VN những năm thập niên 1950, con số đó thậm chí chỉ là một phần triệu. Trong cả triệu người, chúng ta gần như chỉ tìm được một VĐV marathon người Việt đúng nghĩa ở thời điểm đó: Bùi Lương. 

"Siêu nhân" Bùi Lương 

Năm nay đã 82 tuổi, cụ Bùi Lương là cái tên không ai không biết trong làng điền kinh Việt. Năm 1957 ông bắt đầu tập luyện điền kinh và tham dự giải đấu đầu tiên tại Hà Nội với tên "Giải chạy đường trường toàn miền Bắc". Giải đấu chạy 3 vòng hồ Hoàn Kiếm và ông đã giành HCĐ. 

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông Bùi Lương làm công nhân Nhà máy ximăng Hải Phòng và tiếp tục tập chạy. Năm 1958 ông tham dự giải việt dã báo Tiền Phong lần đầu được tổ chức tại công viên Bách Thảo (Hà Nội) với tư cách là VĐV Hải Phòng. 

HLV Bùi Lương nhớ lại: "Tôi giành được HCB trong giải và phần thưởng là một đôi dép nhựa Tiền Phong, một bộ quần áo thể thao dệt kim Đông Xuân". Lúc đó ông chỉ cao 1,62m và nặng 48kg. 

Sau đó ông Bùi Lương nhập ngũ vào bộ đội ba năm. Năm 1962 ông trở lại thi đấu cho thể thao Hải Phòng và lên đội tuyển điền kinh quốc gia năm 1965. Năm 1968 ông giành HCV giải việt dã báo Tiền Phong cự ly marathon (42,195km) với thời gian 2 giờ 32 phút, rồi mở màn cho một chuỗi năm dài thống trị đường đua marathon ở VN. Con số đó nói ra vào ngày nay thật bình thường. Nhưng thời điểm đó, người ta xem Bùi Lương như một "siêu nhân". 

"Trong điều kiện thiếu thốn thực phẩm, trang thiết bị thi đấu: giày dép, quần áo, thuốc bổ dưỡng..., những người dám tập marathon chỉ có thể nói là phi thường. Đến tận những năm 2000, khi tôi đã là HLV đội tuyển marathon VN và các địa phương, việc tuyển VĐV cho cự ly này vẫn vô cùng khó khăn", cụ Lương kể. 

Hàng chục năm trời phải đỏ mắt tìm VĐV chạy marathon, ấy vậy mà ngày nay "đường đua 1%" lại trở thành thứ mục tiêu để nhà nhà người người đua nhau chinh phục. Mỗi năm có hàng chục giải chạy đua phong trào quy mô lớn ở VN, và giải nào cũng có hàng ngàn người hoàn thành cự ly marathon. Rõ ràng marathon đã không còn là thử thách không thể chạm tới trong suy nghĩ của người Việt. 

Vượt qua tự ti thấp bé, nhẹ cân để cao hơn, nhanh hơn, khỏe hơn, bền hơn - Ảnh 3.

Cụ Bùi Lương (trái) tại giải Tiền Phong marathon ở Lý Sơn tháng 7-2020 - Ảnh: Đ.H.

Cao hơn và những cột mốc lịch sử 

Marathon không phải là môn điền kinh duy nhất chứng tỏ sự tiến bộ về thể chất của người Việt. 40 năm trước, làng nhảy cao VN ngỡ ngàng trước cú nhảy 1,60m của nữ VĐV nhảy cao Trịnh Kim Loan. Nhưng đến ngày nay, các cô gái “chân dài” trong đội điền kinh đều đang tập quanh mức xà 1,80 - 1,90m. 

Trong những năm đầu đất nước thống nhất, còn nhiều khó khăn, nhảy cao, cũng như nhiều môn thể thao khác, còn rất sơ khai. Trong bối cảnh đó, Trịnh Kim Loan không được tập huấn nhiều và cũng không có nhiều đồng đội cùng tập luyện, cạnh tranh nên thành tích đó rất đáng trân trọng. 

Với chiều cao 1,68m, thấp hơn cả Trịnh Kim Loan (cao khoảng 1,70m) nhưng sau đó Vũ Mỹ Hạnh lại thành công hơn đàn chị của mình. Từng tập võ, chơi bóng chuyền... đến với nhảy cao ngoài ý chí, Hạnh may mắn là một trong những lứa điền kinh đầu tiên được tập cùng các chuyên gia Trung Quốc. Kỷ lục của Vũ Mỹ Hạnh được ghi nhận là 1,82m tại SEA Games 1993 ở Singapore. 

Nhưng Bùi Thị Nhung mới được xem tài năng đặc biệt của nhảy cao nữ VN. Cũng chỉ cao 1,68m nhưng Nhung đã có những thành tích vượt ngoài mong đợi. 20 tuổi, Nhung đã vượt kỷ lục quốc gia khi đó do HLV Mỹ Hạnh thiết lập (1,82m) với cú nhảy 1,83m tại Giải điền kinh trẻ quốc gia 2001. 

Hai năm sau, Nhung đoạt HCV nhảy cao châu Á với cú nhảy 1,88m. Đó vẫn chưa phải đỉnh cao của cô gái Hải Phòng. Tại Giải điền kinh Thái Lan mở rộng 2005, Nhung đã phá kỷ lục Đông Nam Á với thành tích 1,94m. Cựu vô địch nhảy cao nữ VN Ngọc Tâm lý giải: “Thành công của Nhung là sự kết tinh của nhiều yếu tố. 

Thứ nhất là môi trường tập luyện thường xuyên, có nhiều VĐV cạnh tranh để cùng nhau phấn đấu. Đồng thời Nhung được chuyên gia Nga kèm cặp bên cạnh sự hướng dẫn xuyên suốt của HLV dày dạn kinh nghiệm Vũ Mỹ Hạnh. 

Thời điểm này, đội cũng đã có bác sĩ thể thao và chuyên gia phục hồi hỗ trợ. Ý chí vươn lên cùng thể thao và khát khao chiến thắng của Nhung cũng rất lớn. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng để hướng đến thành công”. 

Vượt qua tự ti thấp bé, nhẹ cân để cao hơn, nhanh hơn, khỏe hơn, bền hơn - Ảnh 4.

Bùi Thị Nhung cao 1,68m - tài năng đặc biệt của nhảy cao nữ VN, kỷ lục Đông Nam Á với thành tích 1,94m

Cuộc chiến phần trăm giây 

Có những sự tiến bộ rất rõ ràng, đập ngay vào mắt bất kỳ người hâm mộ nào, nhưng cũng có những sự tiến bộ mà chênh lệch chỉ tính bằng phần trăm giây. Đó là những cuộc đua ở cự ly tốc độ (100m và 200m) - luôn là những nội dung được ngóng chờ nhất ở các giải điền kinh, các kỳ đại hội thể thao. 

Trong làng chạy tốc độ ngày nay, có một cặp cô trò lừng danh đại diện cho hai thế hệ ở cự ly tốc độ: HLV Nguyễn Thị Thanh Hương cùng VĐV Lê Tú Chinh. 25 năm trước, cái tên Thanh Hương đột ngột nổi lên với chiến thắng ấn tượng ở Đại hội TDTT toàn quốc, cô giành HCV cả hai nội dung 100m và 200m. 

Người ta bất ngờ ở chỗ Thanh Hương chỉ cao 1,52m. Chẳng ai nghĩ ngôi vị “nữ hoàng tốc độ” lại thuộc về một cô gái “bé hạt tiêu” khi đó. 

Hơn 20 năm sau, cô học trò Lê Tú Chinh của chị thậm chí được tôn vinh là “nữ hoàng tốc độ” của cả Đông Nam Á. Cùng cái nôi điền kinh TP.HCM, cùng một điều kiện ăn ở tập luyện, Tú Chinh lại có nhiều ưu thế hơn HLV của mình ở chiều cao. Trong khi Thanh Hương chỉ cao 1,52m thì Tú Chinh cao 1,69m - thể hình khá lý tưởng với một nữ VĐV đua cự ly ngắn. 

Kỷ lục sự nghiệp của Thanh Hương ở đường chạy 100m là 11,76 giây, trong khi Tú Chinh ngày nay cũng chỉ chạm đến cột mốc 11,40 giây. Nghe có vẻ không nhiều, nhưng ở cự ly tốc độ, 0,35 giây đó lại là cả một hành trình dai dẳng. 

Khi nhà vô địch Kipchoge vượt qua cột mốc 2 giờ trong một cuộc chạy marathon, kỳ tích đó được cả thế giới đón chào nhiệt liệt. 

Những bước chạy bền bỉ của Kipchoge hay thần tốc của Usain Bolt đại diện cho khả năng của loài người và dù ở một tầm cỡ thấp hơn, hình ảnh chiến thắng đầy cảm xúc của Ánh Viên, của Tú Chinh, của Huy Hoàng cũng tạo ra nguồn cảm hứng cho những bước chạy marathon cộng đồng, tạo nên lòng tự tin cho người Việt, rằng sự thấp bé nhẹ cân hoàn toàn có thể được cải thiện. 

Hành trình “Cao hơn, nhanh hơn, khỏe hơn, bền hơn” sẽ vẫn còn tiếp diễn như thế. 

hs choi bong ngay 4-8

Rất ít trường học ở VN có được giờ chơi bóng sôi động vào chương trình giáo dục thể chất - Ảnh: H.Đ.

Đổi mới phương pháp giảng dạy thể chất:

Cải thiện tầm vóc cho học sinh

Tập luyện thể thao mang đến rất nhiều tác động tích cực cho cơ thể. Chẳng hạn như để phát triển chiều cao, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thể thao là một trong ba yếu tố quan trọng nhất, cùng với di truyền và dinh dưỡng.

Ở VN, các học sinh chưa được tạo nhiều điều kiện để chơi thể thao khi sân bãi các trường học còn thiếu thốn, cả các phương pháp giáo dục thể chất cũng cần cải thiện nhiều.

Ông Trần Quang Đại - trưởng phòng sau đại học Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao - cho biết: “Trường chúng tôi năm nào cũng có các luận án xoay quanh việc nghiên cứu phát triển chương trình giáo dục thể chất cho các trường.

Hầu hết các đề tài nghiên cứu đều cho thấy chương trình giáo dục thể chất của các trường học cần phải cải thiện. Sau nhiều giải pháp thì kết quả về hình thể, khả năng tập luyện của các em cũng tiến bộ”.

Khảo sát ở Trường THPT Trần Đại Nghĩa ở Tây Ninh cho thấy những giải pháp về việc cải thiện cơ sở vật chất, tăng cường các buổi ngoại khóa, phương pháp giảng dạy thể chất đều mang đến thay đổi tích cực cho học sinh. Dù thay đổi không quá lớn nhưng sau một năm áp dụng, các học sinh ở đây đều cao hơn, có chỉ số BMI chuẩn hơn...

Một luận án khác cho thấy học sinh ở các trường THPT thuộc quận 5 - nơi được áp dụng nhiều giải pháp giáo dục thể chất mới mẻ - cũng có thành tích thể thao tốt hơn so với mặt bằng học sinh nói chung.

222

minhnhi6_re

Cựu danh thủ Minh “nhí”

Cựu danh thủ Minh "nhí":

Ra sân đứng cạnh họ thôi đã thấy ớn lạnh rồi

Người hâm mộ bóng đá VN những năm thập niên 1970 - 1980 không ai không biết cái tên Minh “nhí” (tên thật Nguyễn Hoàng Minh) - tiền vệ chạy cánh tài hoa một thời của bóng đá Sài Gòn cũng như VN.

Trong giới cầu thủ chuyên nghiệp, Minh “nhí” nổi tiếng với nguồn thể lực dồi dào, cùng lực sút lực tạt rất mạnh. Nhưng khi nhắc về những lần đối đầu với các đội bóng phương Tây hồi đó, ông cũng phải lắc đầu nhăn mặt.

“Thời tụi tôi không có cơ hội ra nước ngoài tập huấn hay tham dự các giải quốc tế, nhưng thi thoảng vẫn gặp các đội trong khối XHCN như Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan... Nhớ nhất là lần đầu tiên chạm trán đội Liên Xô, lúc ra sân đứng cạnh họ thôi đã thấy ớn lạnh rồi.

Họ cao hơn hầu hết chúng tôi một cái đầu, nói chung là vượt trội về sức mạnh thể chất. Khi đá bình thường với nhau thì tôi còn hay tạt bóng đánh đầu, nhưng lúc đá với các cầu thủ Liên Xô cũ thì bọn tôi chỉ dám đá ngắn, chuyền ngắn tầm 3m, 5m, chứ bóng dài không có cách nào tranh chấp nổi.

Nhìn lứa trẻ bây giờ đá rất sướng, ít nhất không còn thua kém quá xa những đối thủ phương Tây về mặt thể lực, sức mạnh. Lực sút của cầu thủ bây giờ cũng mạnh hơn hẳn. Thời bọn tôi có thể sút bóng đi quá 20m mà vẫn giữ được độ căng là khó lắm rồi.

Tôi nghĩ điểm khác biệt lớn nhất nằm ở điều kiện dinh dưỡng và cách thức tập luyện hợp lý. Hồi đó chúng tôi đá một trận 120 phút về được cho ăn một lát thịt bò mỏng dính là sướng lắm, nói gì đến chuyện chọn ăn món này món kia, ăn sao cho đúng chất.

Rồi mấy bài tập thì đơn giản lắm. Tập bền chỉ có chạy, tập sức mạnh thì cõng đồng đội lên rồi... chạy. Đến sau này mới có khái niệm HLV thể lực”.

'Đầu tư chiều cao' cho con: Đừng trông vào thuốc, thực phẩm chức năng

TTO - Chưa khi nào câu nói 'nhất dáng, nhì da' được các bà mẹ quan tâm như ngày nay. Nhiều bà mẹ tìm đủ mọi cách để phát triển tối ưu chiều cao cho con mình.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên