16/03/2010 11:10 GMT+7

Vụ clip "nữ sinh đánh nhau": chỉ vì mâu thuẫn nhỏ!

MINH QUANG
MINH QUANG

TT - Ngày 15-3, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an Hà Nội cho biết đã làm rõ vụ học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội đánh nhau, quay phim và đưa lên mạng Internet.

Kết quả điều tra xác định 10 cá nhân liên quan đến vụ việc gồm N.Q.A., V.N.D., C.M.H., T.M.T., N.M.H., Ô.M.H. (đều sinh năm 1994 và là học sinh lớp 10 Trường PTTH Trần Nhân Tông); P.T.V. (1993, học sinh Trường Tô Hoàng, đã bỏ học năm 2008); M.T.L. (1994, học sinh lớp 10 Trường THPT Đoàn Kết); N.M.Tr. (1992), N.M.Đ. (1993), đều là học sinh Trường THPT Tây Sơn, đã bỏ học.

Bl2bjbdr.jpgPhóng to
Nạn nhân bị bắt quỳ xuống xin lỗi trong một đoạn phim mới được đưa lên mạng
xr9vzfdb.jpgPhóng to
SqdegtOn.jpg
Cố gắng lột áo nạn nhân và... dùng điện thoại quay lại cảnh đánh “hội đồng”

Tin bài liên quan:

Lại thêm video clip "nữ sinh đánh nhau" gây xôn xaoNữ sinh đánh bạn, quay phim chuyền tay nhauVụ nữ sinh bị đánh hội đồng tại Hà Nội: công an đã tìm ra clip gốcYêu cầu các sở GD - ĐT ngăn chặn tình trạng bạo lực trong học sinhClip nữ sinh bị đánh “hội đồng”: Công an đã xác định 2 học sinh ngồi xemSự thờ ơ dung dưỡng cho cái xấuVụ clip nữ sinh bị đánh hội đồng: Đã xác định 10 cá nhân liên quan

Cũng trong ngày 15-3, cơ quan công an đã đưa nạn nhân và bốn người tham gia đánh nạn nhân, quay phim đưa lên mạng đến cơ quan công an để tiếp tục làm rõ vai trò của từng cá nhân. Trong khi Q.A. tỏ thái độ sợ bị trả thù thì nhóm các học sinh và người tham gia đánh Q.A. quay phim đưa lên mạng lại tỏ ra thờ ơ, liên tục cười đùa ngay tại cơ quan công an. Đại tá Nguyễn Đức Chung, trưởng Phòng PC14 Hà Nội, cho biết cơ quan điều tra sẽ có công văn gửi đến giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, hiệu trưởng các trường có học sinh liên quan đề nghị xử lý nghiêm đối với các học sinh vi phạm, đảm bảo tính răn đe, giáo dục và tạo điều kiện cho các học sinh này được sửa chữa sai lầm của mình.

Vụ việc xảy ra bắt nguồn từ một mâu thuẫn giữa N.Q.A. và V.N.D. vào chiều 2-3. Vào giờ ra chơi trên lớp, Q.A. đã giẫm vào chân của N.D. nên hai bên có cãi nhau. Đến trưa 3-3, D. và C.M.H. đến trường thì gặp Ô.M.H. nói lại cho biết Q.A. có xin số điện thoại để nói chuyện. D. bèn lấy số của Q.A. để gọi điện, hai bên hẹn nhau đến 15g30 ra cổng trường nói chuyện, giải quyết mâu thuẫn. Sau đó, D. và nhóm bạn của mình gặp Q.A. cùng một nhóm bạn có mặt ở đó. C.M.H. đến đuổi đám bạn của Q.A. đi rồi cả nhóm đưa Q.A. ra cổng chùa Hai Bà Trưng. Đến nơi, P.T.V. túm tóc, dùng tay đánh liên tiếp vào mặt và đầu của Q.A. nhưng bị mọi người xung quanh can ngăn nên V. tóm Q.A. lên xe, đưa ra vườn hoa Pasteur giải quyết.

Khi đến vườn hoa Pasteur, V. liên tục đánh vào người, vào mặt Q.A. và giật áo lót. Trong khi đó, D. xông vào đạp vào đầu Q.A.. Trong lúc Q.A. bị đánh, C.M.H. dùng điện thoại cá nhân quay lại toàn bộ cảnh đánh nhau. Những người còn lại đều ngồi trên ghế đá hoặc xe máy xem với thái độ thản nhiên. Thấy Q.A. bị đánh nhiều nên Đ. và một người bán nước can ngăn, dọa báo công an. Do đó, V. và D. thôi không đánh Q.A., cả nhóm kéo về một quán nước trên đường Lý Thường Kiệt. Tại đây, C.M.H. gửi đoạn phim vào điện thoại di động của M.T.L. và D.. Đến khoảng 19g cùng ngày, L. được V. bảo tải đoạn phim đó lên mạng và đã tải lên trang web Flickr.

Sau khi đoạn clip này được đưa lên mạng, đã có khoảng 5.000 lượt người truy cập vào xem, bình luận. Do bị nhiều người tỏ thái độ phản đối nên khoảng 21g, L. đã tự gỡ đoạn phim này xuống. Tuy nhiên, do đoạn phim được nhiều người tải về nên sau đó đã được tung lên nhiều trang web khác nhau. Qua điều tra, cơ quan công an đã thu giữ được chiếc điện thoại quay đoạn phim trên, vẫn còn nguyên đoạn phim trong máy cùng máy tính tải đoạn phim lên mạng.

Thêm một đoạn phim nữ sinh bị đánh và lột áo

Khi đoạn phim một nữ sinh của Trường THPT TNT (Hà Nội) bị đánh vẫn còn gây xôn xao dư luận lại xuất hiện một đoạn phim mới (ảnh) quay cảnh một nữ sinh bị đánh “hội đồng” và lột áo dài gần 4 phút. Có ba cô gái trực tiếp thay phiên nhau đánh với gần 10 thanh niên khác đứng xung quanh. Như chưa hả giận với những cái tát và túm tóc ghì đầu nạn nhân xuống, cả nhóm nhảy bổ vào quyết tâm lột áo lót của nạn nhân trong khi chiếc điện thoại quay cận cảnh hơn. Trong đoạn phim này, khuôn mặt sợ hãi của nạn nhân được quay cận cảnh trong sự hả hê cười nói của cả nhóm. Có ít nhất ba chiếc điện thoại được dùng để quay phim và chụp ảnh cảnh nạn nhân bị làm nhục.

Sau mấy phút lăng mạ và làm nhục, chỉ đến khi nạn nhân phải quỳ gối xin tha thì mọi chuyện mới kết thúc. Nguyên nhân của sự việc là nạn nhân đã chửi một thành viên trong nhóm. Cư dân mạng càng phẫn nộ hơn khi xung quanh là những giọng nam nói chen vào cổ vũ cho hành động lột áo nạn nhân của những cô bạn gái trong nhóm.

Phản hồi của bạn đọc:

* Vụ việc đó xôn xao dư luận bởi vì nó được tung lên mạng. Còn thực tế đã và đang xảy ra rất nhiều hiện tượng như thế và còn hơn thế. Một bộ phận không nhỏ học sinh của chúng ta coi chuyện đó là "thường thôi".

Khi phụ huynh hỏi: "Ở trường con có chuyện ấy không?", thì nhiều bạn trẻ trả lời rằng: "Rất nhiều, ba mẹ ạ. Mà con cũng thấy bây giờ con gái đánh nhau nhiều hơn con trai".

Các em lớp 6 mới vào trường, nếu mà xinh xinh, dễ thương một tí, mà có cái nhìn các anh lớp trên một cách "ngưỡng mộ", "tin tưởng" một tí. Rồi không may, anh đó là "đối tượng của một chị nào đó học lớp trên thì... thôi rồi. Các chị sẽ "hội đồng" liền.

Nhẹ thì cảnh cáo, dằn mặt, nếu không tuân thủ điều kiện đưa ra, sẽ được đánh cho tơi bời, có khi ngay trong sân trường, trước cửa lớp học. Nếu đánh ở ngoài cổng thì sẽ có thêm học sinh của trường khác nữa được hẹn trước. Giáo viên có biết, có nghe (chỉ cần chịu khó nghe thông tin), nhưng có lẽ chưa có "thuốc" đâu, vì có lẽ còn sợ...

* Nói chung, khuôn mẫu về cách sống cũng rất đa dạng, vì con người tự do hơn trong lựa chọn văn hóa. Nó cũng như nước vậy, bình nào thì dạng đó. Vì vậy mà việc uốn nắn con người, trong gia đình cũng như trong công việc, ta cũng cần ứng xử như ứng xử với nước.

Hãy thử nghiệm xem, khi ta đập mạnh vào nước, nước sẽ rất cứng và có thể làm ta đau tay. Nhưng nếu nhẹ nhàng đưa tay vào nước, thật từ từ, thì một gợn sóng cũng không có. Theo đó thì ta cũng nên cư xử với nhau theo một đường lối mềm mại, tôn trọng lẫn nhau mà tôi tạm gọi là “tiệm cận để tiến vào tâm điểm của vấn đề”, hay “dĩ nhu chế cương”.

Một ví dụ về cách đối xử "cứng": khi con bạn để phòng của cháu bê bối, nếu bạn tấn công ngay: “Dọn phòng đi, bê bối quá”. Câu trả lời sẽ là: “Con đi học suốt ngày, thì giờ đâu?”. Bạn tiếp tục: “Đã sai rồi còn cãi nữa hả?”. Câu trả lời sẽ là: “Vậy chứ cả tuần nay mẹ có chùi dọn nhà đâu?”. Và câu chuyện có thể tiếp tục để dẫn đến hiện tượng “bạo lực chổi lông gà”.

Một ví dụ về cách ửng xử "mềm": cũng tình huống trên, bạn nói với con: "Ủa sao phòng bê bối quá vậy con?”. "Dạ mấy bữa nay con bận học quá!”. "Dọn phòng cũng không mất bao nhiêu thời gian đâu con, cố gắng sắp xếp!”. "Dạ để tí nữa con dọn”. "Ừ đừng lặp lại nữa nhé”.

Tôi tạm đề ra quy tắc để điều chỉnh ai đó, tôi tạm đề ra như sau: nhẹ nhàng hỏi nguyên do tại sao có sự cố; khi nhận câu trả lời, đừng vội phê phán sai - đúng - thật - dối, nhẹ nhàng lượn quanh để tiệm cận sâu hơn tâm điểm trên cơ sở tôn trọng đối thoại, tôn trọng khác biệt, hướng đối tượng đến “việc phải làm” một cách êm ả. Chỉ có thế thôi, nhưng bạn cứ thử xem, bạn phải bình tĩnh lắm đấy và đôi khi phải hơn người nhận sự điều chỉnh cả một cái đầu.

* Xem các video clip học trò đánh nhau, chúng ta thấy bên cạnh chuyện nắm đầu bứt tóc còn có xé áo ngực xen lẫn những giọng cười khả ố của những người trong cuộc. Những em học sinh này mai mốt ra trường hòa nhập vào xã hội sẽ thành những hạt giống như thế nào cho xã hội? Tôi đề nghị cần phải có biện pháp nghiêm trị để ngăn chặn những manh nha ngấm ngầm hằng ngày tồn tại ở môi trường mà lẽ ra các em phải được uốn nắn đến những điều thiện mỹ.

* Con trẻ sẽ nhìn vào thái độ của người lớn mà điều chỉnh hành vi của mình. Không xử lý vụ việc tới nơi chốn sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm. Con trẻ sẽ bảo nhau có chuyện gì ghê gớm lắm đâu, cứ đánh, xé và lột áo bạn thì xin lỗi là xong.

* Tôi thật sự bị sốc và thấy quá dã man về hành vi đánh người của em học sinh nữ trong clip. Tôi không biết sẽ còn bao nhiêu clip như vậy xuất hiện nữa và sẽ còn bao nhiêu học sinh có máu côn đồ như thế nghĩ rằng cứ đánh bạn cho đã, cùng lắm hạ một bậc hạnh kiểm chứ ăn thua gì. Nếu cách trừng phạt không mang tính vừa giáo dục vừa răn đe thì việc nay mai xảy ra những vụ việc nghiêm trọng hơn trong những trường hợp thế này sao tránh khỏi. Ông bà ta nói không sai, thương cho roi cho vọt, có những lúc phải cho vọt thật đau để nhớ đời.

* Sau khi xem clip và đọc những ý kiến bạn đọc, tôi có suy nghĩ rằng những hành vi của nữ sinh hành hạ bạn không chỉ là ẩu đả do xích mích mà là hành vi của kẻ côn đồ, có dáng dấp của xã hội đen.

Hành vi đó cần phải được trừng phạt nghiêm khắc trong khuôn khổ pháp luật chứ không chỉ là cảnh cáo nhắc nhở hay kiểm điểm nội bộ trong trường lớp. Tôi cũng không hoàn toàn đồng ý với một số bạn đọc có ý phê phán, quy kết lãnh đạo, giáo viên của trường có học sinh như vậy. Bởi ai cũng biết là học sinh chỉ học từ 5 đến 6 tiếng tại lớp, thời gian còn lại là ở với gia đình và ngoài xã hội.

Chúng ta cũng thường nói: học thầy không tầy học bạn, vì vậy không thể nói là các thầy cô đã không giáo dục học sinh của mình đến nơi đến chốn. Trong việc này, trách nhiệm của nhà trường một phần, trách nhiệm của gia đình lớn hơn. Và trách nhiệm của chính học sinh đó là lớn nhất.

Vì sao vậy? Thiết nghĩ, lứa tuổi 16-17 không hoàn toàn còn là bé bỏng hay dại dột nữa. Chỉ một hoặc hai năm nữa họ đã là người công dân với đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trước pháp luật cơ mà. Hành vi làm nhục người khác như thể hiện trong clip trên là hoàn toàn có ý thức. Vì vậy học sinh đó phải được xử lý theo pháp luật.

Một số ý kiến lên án những người chứng kiến đã thờ ơ hay vô cảm. Theo tôi, cũng cần xem xét lại những em nào đã đồng lõa với hành vi trên. Nếu có thì cũng phải xử lý thích đáng. Còn các em không đồng lõa nhưng cũng không can ngăn thì sao? Tôi nghĩ là là bố mẹ ai cũng thường nhắc lời người xưa rằng "miếng ăn tìm đến, miếng đòn tìm đi", thử hỏi, nữ sinh nào đủ can đảm để can. Chỉ có thể là cao tay hơn mới dám!

Bạn từng là nạn nhân của những trò bắt nạt thời cắp sách? Hay chính bạn từng một lần nóng giận với bạn bè đồng lứa?... Và bạn đã vượt qua như thế nào? Xin mời bạn đọc chia sẻ với Tuổi Trẻ Online những câu chuyện, ý kiến của bạn xoay quanh những vấn đề này qua phần Phản hồi bạn đọc hoặc email tto@tuoitre.com.vn.

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên