16/05/2016 05:51 GMT+7

“VTF bắt đầu làm được nhiều việc”

KHƯƠNG XUÂN (khuongxuan@tuoitre.com.vn)
KHƯƠNG XUÂN (khuongxuan@tuoitre.com.vn)

TT - Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Kỳ - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt VN (VTF) - với Tuổi Trẻ, liên quan đến hoạt động của VTF trong nhiệm kỳ V từ năm 2010 đến nay.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ (bìa trái) trao thưởng cho các thành viên đội tuyển quần vợt VN dự Davis Cup - Ảnh: CVT
Ông Nguyễn Quốc Kỳ (bìa trái) trao thưởng cho các thành viên đội tuyển quần vợt VN dự Davis Cup - Ảnh: CVT

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết: “Đúng là mấy năm đầu nhiệm kỳ có thể chúng tôi không làm được nhiều việc. Sự chệch choạc này xuất phát từ việc chuyển giao bộ máy. Thời điểm ấy chúng tôi còn đối mặt với khó khăn do kinh tế suy thoái. Tuy nhiên, thời gian qua VTF đã ổn định lại bộ máy tổ chức, ổn định hệ thống thi đấu của liên đoàn, mở rộng vị thế quốc tế... Lần đầu tiên VTF cũng đã kết nạp các tổ chức xã hội về quần vợt, các công ty quần vợt vào làm thành viên. Bộ máy VTF giờ có 9 người, trong đó có 7 người chuyên trách được trả lương”.

* VTF đã bắt đầu bán được bản quyền truyền hình các giải quần vợt do VTF tổ chức từ bao giờ, thưa ông?

- Quả thực là trong năm 2016 chúng tôi mới bắt đầu bán được bản quyền truyền hình, bắt đầu là Giải đồng đội VĐQG 2016 diễn ra tại Đắk Nông, cho VTVcab. Giải đấu này nằm trong gói khoảng 10 giải/năm + giải Men’s Future được VTVcab truyền hình miễn phí cho VTF. Còn trước đây chúng tôi không bán được bản quyền truyền hình, muốn các đài đến quay, phát sóng phải trả tiền cho họ. Giờ có đài đã đến với VTF và đặt vấn đề trả cho VTF một ít tiền.

* Theo báo cáo tài chính của nhiệm kỳ IV giai đoạn 2004-2009, cả nhiệm kỳ VTF chỉ thu được 11,3 tỉ đồng. Nhiệm kỳ V sắp sửa kết thúc, VTF kiếm được bao nhiêu tiền trong 5 năm qua?

- Nhiệm kỳ IV kết thúc thì VTF không còn đồng nào. Trong nhiệm kỳ V, mỗi năm VTF thu được khoảng 5-6 tỉ đồng/năm, cứ thế nhân số năm lên sẽ ra tổng thu của nhiệm kỳ V. Thời gian qua VTF cũng đẩy mạnh khâu đào tạo HLV, trọng tài trong nước và quốc tế. Năm 2015, VTF đào tạo 5 lớp HLV trên cả nước, đầu năm 2016 đã đào tạo được 2 lớp. VTF cũng mở lớp đào tạo trọng tài trong nước để chuẩn hóa trọng tài. Đồng thời, VTF đã đưa gần 20 trọng tài đi học lớp trọng tài quốc tế mở ở TP.HCM nhưng rất tiếc khi thi về chuyên môn thì các trọng tài đều trượt về ngoại ngữ nên không có thêm trọng tài quốc tế. Ở VN hiện nay chỉ có 2 trọng tài quần vợt quốc tế là Võ Huỳnh Nhân và Trần Quốc Phong đều của TP.HCM.

* Còn về chuyện thành tích của quần vợt VN trong nhiệm kỳ V?

- Trước đây đội quần vợt nam VN chỉ đứng ở nhóm 4, nhóm 3 Davis Cup và chưa bao giờ dám mơ lọt vào nhóm 2. Năm nào mơ trụ hạng nhóm 3 Davis Cup là mừng lắm rồi, giờ đội nam đã lên chơi ở nhóm 2 Davis Cup, đây là điều quá hạnh phúc rồi. Tháng 7 tới, đội nam sẽ đánh với Thái Lan, nếu giành chiến thắng thì quần vợt nam VN sẽ giành quyền lên chơi nhóm 1 Davis Cup năm sau. Riêng đội nữ có sự thụt lùi vì “trẻ già nhưng măng chưa mọc” nên không thành công ở Fed Cup. SEA Games 28, đội tuyển quần vợt VN cũng giành được 2 HCĐ.

* Chủ tịch VTF Nguyễn Danh Thái từng tuyên bố nhiệm kỳ V VTF sẽ không xin một xu tiền nhà nước, thực tế kinh phí nhà nước chuyển cho quần vợt những năm qua như thế nào?

- Tổng cục TDTT vẫn chuyển tiền cho các đội tuyển quốc gia các lần đi thi đấu quốc tế. Đội tuyển quốc gia thì VTF chỉ tuyển chọn, còn kinh phí tập huấn và thi đấu vẫn do Tổng cục TDTT lo liệu hết. Một năm kinh phí trung bình Tổng cục TDTT hỗ trợ công tác này khoảng 40.000-50.000 USD, năm có Davis Cup thì tổng cục chi nhiều tiền hơn. Nhưng VTF cũng hỗ trợ Nhà nước kinh phí, ví dụ thuê HLV ngoại thì Nhà nước trả 50%, VTF trả 50%; tiền thưởng cho các đội có thành tích thì VTF lo toàn bộ; lương cho VĐV khi lên tập trung đội tuyển quốc gia thì ngoài tiền công và tiền ăn theo chế độ nhà nước, VTF hỗ trợ để VĐV có mức ăn 500.000 đồng/người/ngày và tiền công đạt 10 triệu đồng/người/tháng.

* Ông nghĩ sao khi nhiều năm qua, từ giải lớn đến giải nhỏ dù tổ chức ở đâu cũng không có người đến xem quần vợt?

- Quần vợt thi đấu kéo dài cả ngày, chẳng ai rảnh cả ngày để đi xem. Người đam mê quần vợt lại chỉ có thời gian sau 5g chiều. Chúng tôi đã nhìn thấy vấn đề nên muốn chuyển các giải sang đánh buổi tối để thu hút khán giả nhưng lại vướng lịch truyền hình vì buổi tối là giờ vàng của truyền hình. Vì thế, tạm thời có những cái chúng ta phải chấp nhận, đánh ban ngày cũng được nhưng kêu gọi truyền hình đến được cũng là tốt.

Loại những VĐV đạo đức xấu ra khỏi đội tuyển

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết mới đây có người gửi cho ông đoạn chat của một VĐV quần vợt quốc gia, nội dung nhắm vào ông với những lời lẽ rất “hỗn xược, không coi ai ra gì”. Theo ông Kỳ, những VĐV có đạo đức xuống cấp trong đội tuyển thì cần phải bị loại bỏ. Ông nói: “Những con người đó cứ loại ra khỏi thì đội tuyển sẽ yên hết. Quần vợt là môn cá nhân, dù đánh đôi cũng là cá nhân. Vì là môn cá nhân nên cái tôi của VĐV rất lớn. Nhưng tôi nghĩ VĐV không những cần giỏi về chuyên môn mà cần phải có đạo đức, sống có trách nhiệm với xã hội”.

KHƯƠNG XUÂN (khuongxuan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên