28/06/2023 19:40 GMT+7

Việt Nam sẽ có những núi rác nhựa mềm?

Theo đại diện công ty chuyên thu gom rác thải nhựa và tái chế, nếu không tăng hỗ trợ tái chế nhựa mềm thì Việt Nam vẫn trở thành những núi rác về nhựa mềm và không thể giải quyết được bài toán về nhựa mềm.

Việt Nam sẽ có những núi rác nhựa mềm? - Ảnh 1.

Đại biểu tham gia tham luận tại hội thảo - Ảnh: C.TUỆ

Ngày 28-6, Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo quyết định của Thủ tướng ban hành định mức chi phí tái chế đối với sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Định mức chi phí tái chế (Fs) là công thức tính phí tái chế cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ bao bì phải nộp nếu như doanh nghiệp không tự tái chế được.

Định mức chi phí tái chế chưa phù hợp

Là đơn vị trực tiếp tham gia thu gom rác thải nhựa và tái chế, đại diện Công ty Green Future cho biết tổng chi phí thu gom, vận chuyển, tái chế mà công ty đang thực hiện khoảng 10.600 đồng/kg. 

Nếu so với chi phí Fs mà dự thảo đưa ra (7.350 - 7.450 đồng/kg) đang thấp hơn so với thực tế công ty đang làm.

"Một điểm bất hợp lý nữa trong dự thảo là chi phí cho hỗ trợ tái chế nhựa cứng ở mức 10.250 - 11.750 đồng/kg, trong khi nhựa bao bì mềm đang đầy rẫy, chất thành các núi rác ở vùng ven đô thì lại chỉ hỗ trợ khoảng 7.400 đồng/kg. 

Việc hỗ trợ tái chế như vậy chưa thỏa đáng" - đại diện Công ty Green Future nói.

Trước bất cập trên, đại diện Công ty Green Future đề nghị tính toán lại chi phí thu gom tái chế rác thải nhựa mềm, không thể thấp hơn nhựa cứng vì nhựa cứng đang thu hồi rất tốt, còn nhựa mềm thải ra nhiều và nhiều nơi chủ yếu đốt gây ô nhiễm môi trường.

"Tổng mức đề xuất hỗ trợ tái chế nhựa mềm phải từ 10.000 đồng/kg thì mới đảm bảo. Hiện mức hỗ trợ tái chế rác thải nhựa mềm theo dự thảo chỉ hơn 7.000 đồng/kg, đặc biệt là đề xuất của hiệp hội tái chế chỉ hơn 3.000 đồng/kg là không thỏa đáng, không thể làm được.

Nếu chúng ta không quan tâm tới lĩnh vực nhựa mềm thì Việt Nam vẫn trở thành những núi rác về nhựa mềm và không thể giải quyết được bài toán về nhựa mềm khi Fs ra đời" - đại diện Công ty Green Future nói.

Còn bà Chu Thị Vân Anh, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, cho rằng định mức chi phí tái chế hiện nay đang còn nhiều bất cập, nhất là các nghiên cứu tham vấn Fs đang có kết quả khác nhau, độ tin cậy chưa cao và chưa phù hợp với thực tế ở Việt Nam.

Cụ thể Fs cho bao bì nhôm trong dự thảo 6.180 đồng/kg, cao hơn gần 5 lần so với trung bình các nước là 1.250 đồng/kg.

Hay như chi phí thu gom phân loại bao bì nhôm thì nhóm chuyên gia tư vấn chỉ 1.500 đồng/kg, nhưng hiệp hội tái chế đề xuất 15.000 đồng/kg. Đề nghị ban soạn thảo tính toán thêm để có mức Fs khoa học, phù hợp.

Bên cạnh đó, Fs đề xuất chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được.

Việt Nam sẽ có những núi rác nhựa mềm? - Ảnh 3.

Một "núi rác" ở An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Đề xuất FS bằng 0 với bao bì giấy, nhựa cứng, kim loại

Từ bất cập trên, phó chủ tịch VBA kiến nghị áp dụng Fs bằng 0 cho các bao bì, sản phẩm có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế, bao gồm bao bì giấy, bao bì nhựa cứng, bao bì kim loại, vì các bao bì, sản phẩm này ít có nguy cơ tới môi trường. Đồng thời, bỏ chi phí quản lý hành chính 3%.

"Trong hai năm đầu (2024 và 2025), tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng hình thức xử phạt bởi khảo sát nhanh đối với ngành đồ uống trong tháng 4-2023 cho thấy 70% số doanh nghiệp cho biết gặp từ khá nhiều cho đến rất nhiều khó khăn với tỉ lệ tái chế bắt buộc hiện nay.

Đồng thời cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và đóng góp hỗ trợ tái chế cho một loại bao bì trong cùng năm thay vì bắt buộc chọn một trong hai hình thức" - bà Vân Anh nói.

Ông Phan Tuấn Hùng, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia sẽ có Fs khác nhau do công nghệ, chi phí lao động, phân loại, thu gom… khác nhau.

"Tuy vậy, theo quy định của pháp luật, Fs cần phải được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ bao gồm phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và chi phí quản lý. Việc đề xuất Fs cho các loại sản phẩm, bao bì cũng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam" - ông Hùng nói và cho biết đơn vị sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến góp ý tại hội thảo để giải trình, tiếp thu và chỉnh sửa phù hợp với thực tiễn.

Tái chế rác thải cho cuộc sống thêm xanhTái chế rác thải cho cuộc sống thêm xanh

Mỗi ngày trạm thu mua rác thải tái chế Tống Văn Trân (thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM) thu mua khoảng 2,3 tấn rác thải tái chế. Thời gian cao điểm lên đến 5,5 tấn/ngày và dự kiến tăng trong thời gian tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên