17/11/2023 20:05 GMT+7

Việt Nam muốn học tập Úc về phát triển logistics xanh

Ở Úc đã chứng kiến sự thành công của việc áp dụng nguyên tắc logistics xanh vào quản lý chuỗi cung ứng và Việt Nam có thể học hỏi từ những kinh nghiệm này.

Logistics xanh là xu hướng tương lai của hoạt động thương mại, đầu tư - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Logistics xanh là xu hướng tương lai của hoạt động thương mại, đầu tư - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Diễn đàn "Phát triển logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho sản phẩm nông sản và dược phẩm xuất nhập khẩu - Kết nối hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa Úc và Việt Nam" được tổ chức ngày 17-11 tại TP.HCM ghi nhận các chia sẻ để thúc đẩy phát triển logistics xanh.

Chia sẻ về thực trạng phát triển logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho nông sản Việt Nam xuất khẩu đi thị trường Úc, bà Hồ Thị Thu Hòa - viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) - cho biết nghiên cứu khảo sát từ Chủ sở hữu hàng hóa (CO) và Nhà cung cấp dịch vụ logistics (LSP) do VLI thực hiện từ tháng 8 đến tháng 10-2023 đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trong xu hướng phát triển xanh của ngành.

Theo đó, với lĩnh vực logistics xanh cho sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp cam kết mạnh mẽ và 44,23% đánh giá rất tốt, 25% đánh giá tốt.

"Doanh nghiệp nông nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ logistics đều chủ động thực hiện chính sách và quy trình xanh. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Úc như chi phí cao và chính sách nhận hàng gây khó", bà Hồ Thị Thu Hòa chia sẻ.

Ông Craig Luxton, giám đốc tư vấn chính của Công ty Luxton & Co (Úc), cho biết dù triển khai đã lâu nhưng logistics xanh đối mặt với nhiều thách thức trong việc giảm thiểu tác động môi trường. Nguyên nhân đến từ sự phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là trong lĩnh vực vận chuyển và đóng gói.

Việc giao hàng chặng cuối, mặc dù quan trọng, nhưng đây là yếu tố góp phần vào ô nhiễm và tắc nghẽn đô thị. Thêm vào đó, sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng hiện tại là một rào cản, khi sự hiện diện của các trạm sạc ô tô điện hoặc bơm hydro không đủ để hỗ trợ mạng lưới giao hàng không phát thải rộng rãi trong quá trình chuyển đổi sang xe điện.

Chi phí đầu tư ban đầu cao vào các công nghệ mới cũng là một rào cản đáng kể, do cạnh tranh giảm và các nền tảng ít trưởng thành để mở rộng quy mô. Việc theo dõi lượng khí thải carbon từ các nguồn gián tiếp rất khó khăn.

Chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đại phần lớn được phân cấp, điều này khiến việc xanh hóa chuỗi cung ứng trở nên khó khăn hơn do chính sách khác nhau giữa các quốc gia và khu vực pháp lý.

Cũng theo ông Craig Luxton, Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong xuất khẩu nông sản. Đồng thời, nhu cầu về chuỗi cung ứng bền vững cũng ngày càng cao. Việc học hỏi và kết nối kinh nghiệm với Úc, một quốc gia có lĩnh vực logistics phát triển, là một bước quan trọng để ngành logistics có thể xây dựng những chuỗi cung ứng hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Còn bà Cherie Anne Russell, tham tán, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, cho rằng logistics xanh được coi là xu hướng tương lai, phản ánh trách nhiệm tích cực của doanh nghiệp và nâng cao độ cạnh tranh. Úc sẵn sàng hỗ trợ cùng Việt Nam để thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn, đặc biệt trong việc củng cố hệ thống giáo dục và đào tạo nghề của Việt Nam cho lĩnh vực logistics.

Làm gì để logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển?Làm gì để logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển?

Chiều 8-9, diễn đàn ‘Liên kết phát triển logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ’ được tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Diễn đàn đã ghi nhận nhiều ý kiến xác đáng để ngành logistics của vùng phát triển xứng với tiềm năng, vai trò.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên