05/09/2017 16:32 GMT+7

Viêm loét giác mạc: tác nhân - điều trị - phòng tránh

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng

Giác mạc là một màng mỏng, trong suốt, là bộ phận đầu tiên của mắt tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên giác mạc rất dễ bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút hoặc nấm xâm nhập gây nên viêm loét giác mạc.

Viêm loét giác mạc: tác nhân - điều trị - phòng tránh - Ảnh 1.

Đây là một bệnh lý thường gặp trong nhãn khoa và có thể để lại di chứng nặng nề như sẹo giác mạc, teo nhãn cầu, giảm thị lực, mù lòa.

Khi giác mạc bị viêm loét, người bệnh sẽ có những cảm giác như đau nhức mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, mi mắt nhắm chặt lại, mắt nhìn mờ. Mắt có giác mạc bị viêm loét sẽ đỏ, đặc biệt đỏ nhiều quanh tròng đen. Xuất hiện đốm trắng to hay nhỏ ở bất cứ nơi nào trên giác mạc. Đôi khi sẽ thấy một ngấn mủ màu trắng ở trước tròng đen.

Tác nhân

Giác mạc không chỉ dễ bị viêm loét do những tác nhân từ bên ngoài mà cũng có thể là do mắt chưa được chăm sóc và bảo vệ đúng cách từ bên trong.

Viêm loét giác mạc có thể khởi đầu từ nguyên nhân tổn thương mắt, nhiễm khuẩn hay kết hợp cả hai. Do côn trùng, lá cây, bụi than, mảnh kính vỡ... chẳng may bắn vào giác mạc; dùng kính sát tròng không đúng cách, tự dùng thuốc nhỏ không đúng, đặc biệt dùng thuốc nhỏ có corticoid khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt; các bệnh đau mắt đỏ, lông quặm không được điều trị, hở mi do liệt thần kinh số VII... là những căn nguyên gây loét giác mạc.

Những trường hợp tổn thương nhẹ như trầy giác mạc cũng có thể tiến triển thành loét giác mạc tại vùng đó. Những trường hợp tổn thương nặng do hóa chất cũng có thể gây loét dạng không nhiễm khuẩn.

Viêm loét giác mạc nếu được điều trị tốt, khi lành bệnh vẫn sẽ để lại vết sẹo. Vết sẹo mỏng hay dày, to hay nhỏ tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh. Viêm loét giác mạc nếu để tiến triển nặng hơn sẽ gây thủng giác mạc. Nếu lỗ thủng nhỏ có thể tự bít nhờ mống mắt, nếu lỗ thủng to sẽ gây xẹp mắt và dẫn đến teo nhãn sau này. Dự hậu của bệnh phụ thuộc vào bệnh nhân đến sớm hay trễ; độ lớn, độ sâu của vết loét và nhất là tác nhân gây bệnh.

Điều trị viêm loét giác mạc

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh sẽ có các cách điều trị bệnh khác nhau. Nếu viêm loét giác mạc do vi trùng thì cách điều trị là dùng kháng sinh tại chỗ và toàn thân. Nếu viêm loét giác mạc do nấm, ký sinh trùng, vi rút thì dùng thuốc kháng nấm, kháng ký sinh trùng, kháng vi rút.

Bệnh tiến triển nhanh, bệnh nhân đến bệnh viện muộn hoặc bệnh kháng thuốc sẽ dẫn đến thủng nhãn cầu phải khoét bỏ nhãn cầu. Bệnh viêm loét giác mạc khi lành để lại sẹo, sẹo lớn phải ghép giác mạc.

Các biện pháp phòng tránh

- Khi bị dị vật vào mắt: Không dùng tay dụi vì sẽ làm trầy mắt, nên dùng dung dịch Natriclorid 9‰ để rửa mắt, nếu cảm thấy vẫn còn dị vật nên đến bác sĩ mắt để kiểm tra.

- Không nên tự tra thuốc nhỏ mắt khi chưa có ý kiến tư vấn của bác sĩ.

- Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ bảo hộ lao động: Đeo kính bảo hộ khi làm việc nơi có nhiều bụi (thợ hàn điện, thợ tiện...).

- Khi phát hiện những triệu chứng của loét giác mạc cần phải đến khám tại các cơ sở nhãn khoa để khám chẩn đoán viêm loét giác mạc, làm xét nghiệm tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên