04/03/2020 17:32 GMT+7

Vì sao mãi vẫn chưa thể xử lý triệt để nạn 'đinh tặc'?

CHÂU TUẤN - TUYẾT MAI
CHÂU TUẤN - TUYẾT MAI

TTO - 'Đinh tặc' hoành hành khiến nhiều người đi đường luôn trong tâm trạng phập phồng, bất an dẫn đến phẫn nộ. Dù đã có chế tài đối với hành vi rải đinh nhưng vì sao đến nay vẫn không thể xử lý dứt điểm tình trạng này?

Vì sao mãi vẫn chưa thể xử lý triệt để nạn đinh tặc? - Ảnh 1.

Người đi đường trở thành nạn nhân của 'đinh tặc' - Ảnh: CHÂU TUẤN

"Đinh tặc" hoạt động ngày càng tinh vi

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, trung tá Nguyễn Văn Ngõ - trưởng Công an phường An Phú Đông (quận 12, TP.HCM) - cho biết ban chỉ huy Công an quận 12 phối hợp UBND, công an các phường hỗ trợ với những lực lượng tại chỗ đi thu gom các mảnh đinh, vật nhọn trên đường mỗi tuần, đồng thời rà soát, tổ chức lập các chốt tuần tra, điều tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Những trường hợp rải đinh trên đường thường là các tiệm vá xe đơn sơ dọc vỉa hè trên quốc lộ 1 và phần nhiều là người ngoại tỉnh đến TP.HCM.

Đối với các tiệm vá xe không có giấy phép kinh doanh, công an phường sẽ buộc di dời tiệm hoặc cho dừng ngay hoạt động. Đối với các tiệm vá xe cố đinh đã có giấy phép kinh doanh thì theo dõi, thường xuyên đến lập hồ sơ yêu cầu cam kết không rải đinh, tăng tiền vá xe.

Về vấn đề ‘đinh tặc’ chưa được xử lý triệt để, ông Ngõ cho biết công an phường cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, rà soát nạn ‘đinh tặc’. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, một số trường hợp từ quận Thủ Đức, Hóc Môn chạy qua quận 12 để rải đinh hoặc ngược lại. "Vì vậy thời gian tới, chúng tôi sẽ liên kết cùng các quận, huyện giáp ranh để xử lý triệt để" - ông Ngõ nói.

Trước đó, ngày 1-3, Công an phường An Phú Đông phát hiện và lập biên bản xử lý đối với tiệm sửa xe tại khu phố 5, phường An Phú Đông vì hành vi rải đinh trên đường bộ gây nguy hiểm cho người đi đường.

Vì sao mãi vẫn chưa thể xử lý triệt để nạn đinh tặc? - Ảnh 2.

Đinh hút được trên đoạn đường hơn 100m - Ảnh: CHÂU TUẤN

Chế tài vẫn còn quá nhẹ

Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM), người có hành vi ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác trên đường bộ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 10, điều 11 nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu đến 8 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi này nếu gây tổn hại cho sức khỏe hoặc tính mạng của người khác thì có thể bị xử lý hình sự theo điều 261 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội cản trở giao thông đường bộ.

Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm.

Theo luật sư Phát, hành vi rải đinh xuất phát từ việc một số người muốn hướng đến lợi ích kinh tế cho cá nhân họ. Cho dù họ không mong muốn gây ra sự tổn hại về sức khỏe và tính mạng cho người khác nhưng rõ ràng họ ý thức được sự nguy hiểm của hành vi rải đinh.

Bởi khi xe cộ di chuyển với tốc độ cao, việc dính đinh có thể để lại hậu quả rất lớn cho chính người lái xe và những người xung quanh, hậu quả chết người có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Vì thế, mức xử phạt vi phạm hành chính với số tiền tối đa 8 triệu đồng là quá thấp.

"Đối với những hành vi vì lợi ích kinh tế, chúng ta cũng cần nâng mức xử phạt lên thật cao, để họ thấy được việc họ thu lợi sẽ rất thấp so với số tiền đóng phạt và không bất chấp đánh đổi.

Vì sao mãi vẫn chưa thể xử lý triệt để nạn đinh tặc? - Ảnh 3.

Một người dân hút đinh trên quốc lộ 1, đoạn qua quận 12 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Riêng với việc truy cứu trách nhiệm hình sự, chúng ta đang áp dụng mức thấp nhất để khởi tố là: "gây tổn hại sức khỏe cho 1 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên" như vậy là chưa thỏa đáng. Cần hạ mức tỉ lệ tổn thương xuống thật thấp, đồng thời nâng khung hình phạt tù cao nhất lên hơn 10 năm như hiện nay.

Có như vậy mới đủ sức răn đe đối với hành vi này. Phải nói thêm, trong bối cảnh tình hình tai nạn giao thông hiện nay đang là mối đe dọa cho xã hội, việc xử lý nghiêm hành vi rải đinh sẽ giúp giảm thiểu được vấn đề tai nạn giao thông" - luật sư Phát đề xuất.

Điều 261. Tội cản trở giao thông đường bộ

1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ.

Tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách.

Sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Làm chết người.

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm.

b) Làm chết 2 người.

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 3 người trở lên.

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3. Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.

Chỉ 100m trên quốc lộ 1 đoạn qua quận 12, hơn 500 mảnh đinh Chỉ 100m trên quốc lộ 1 đoạn qua quận 12, hơn 500 mảnh đinh

TTO - Sau một thời gian yên ắng, những ngày gần đây, nạn 'đinh tặc' đã xuất hiện trở lại trên quốc lộ 1 (đoạn qua quận 12, TP.HCM), khiến nhiều người đi đường lo lắng…

CHÂU TUẤN - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên