30/09/2023 19:55 GMT+7

Vì sao không quy định 'cứng' phương án nghỉ Tết Nguyên đán?

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết việc lấy ý kiến phương án nghỉ Tết Nguyên đán là căn cứ theo quy định Bộ luật Lao động.

Ông Lê Văn Thanh - Ảnh: DANH KHANG

Ông Lê Văn Thanh - Ảnh: DANH KHANG

Chiều 30-9, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, đề cập việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lấy ý kiến về 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2024, phóng viên đề nghị lãnh đạo bộ cho biết vì sao năm nào cũng phải lập phương án nghỉ Tết Nguyên đán xin ý kiến các đơn vị, mà không quy định thống nhất cho nhiều năm.

Trả lời nội dung này, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho hay đây là câu hỏi hay nhưng không phải đầu tiên đưa ra, mà đã nêu nhiều năm.

Về căn cứ pháp lý, theo Bộ luật Lao động, hằng năm căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định ngày nghỉ Tết Nguyên đán và Quốc khánh.

"Luật giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung này, do đó định kỳ hằng năm, bộ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ quy định lịch nghỉ Tết Nguyên đán, Quốc khánh trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành, địa phương", ông Thanh nêu.

Ông cho biết thêm theo luật quy định lịch nghỉ Tết Nguyên đán 5 ngày và nghỉ lễ Quốc khánh 2 ngày. Số ngày nghỉ này có thể trước hoặc sau dịp Tết, Quốc khánh.

Phương án có lợi nhất cho người lao động

Thực tiễn, theo ông Thanh, ngày nghỉ Tết âm lịch và Quốc khánh không cố định qua các năm, đồng thời xen kẽ ngày nghỉ hằng tuần là thứ bảy, chủ nhật, nên phải đưa ra phương án nhằm lựa chọn phương án phù hợp, tối ưu, có lợi cho người lao động hoặc đa số đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các đối tượng.

"Làm thế nào để bản thân cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là người lao động và doanh nghiệp có lịch nghỉ phù hợp", ông Thanh nói.

Ví dụ lễ Quốc khánh, luật quy định cho nghỉ thêm một ngày nhưng không cố định ngày 1-9 hay 3-9, do đó cơ quan đề xuất phải cân nhắc, tính toán đưa ra phương án có lợi nhất cho người lao động, lấy người lao động làm trung tâm.

Ông nêu rõ bộ không thể quyết định phương án nào, mà thường phải đưa ra phương án tối ưu, cụ thể trên căn cứ thực tiễn xin ý kiến bộ ngành, đơn vị, đồng thời tổng hợp để làm sao ra phương án tối ưu.

Cùng với đó, hướng tới khối cán bộ, công chức, viên chức nên việc tổ chức lấy ý kiến cũng gọn nhẹ, đơn giản, tránh lãng phí.

Còn với doanh nghiệp, phương án mở hơn, theo đó doanh nghiệp có thể tùy tính chất sản xuất khác nhau như có nhiều lao động xa nhà, có lịch làm việc đặc thù để tự quyết định lịch nghỉ căn cứ dựa trên lịch do bộ đề xuất. Nhưng phải thông báo trước ít nhất 30 ngày để người lao động chủ động mua vé tàu, xe.

Với phương án nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, ông Thanh nói bộ đang lấy ý kiến bộ ngành liên quan, nên bộ tích cực lắng nghe từ đơn vị đó để đưa ra phương án tốt nhất. Theo luật, nghỉ Tết Nguyên đán 5 ngày nhưng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam muốn nghỉ sớm hơn.

Cụ thể, nghỉ trước 2-3 ngày để người lao động có thể về quê, sau đó nghỉ thêm 2-3 ngày nữa. Nhưng có đơn vị cũng muốn nghỉ một ngày thôi, sau đó nghỉ sau Tết dài hơn vì gắn với ngày thứ bảy, chủ nhật của tuần kế tiếp.

"Như năm 2024 có thể nghỉ từ trước Tết hai ngày, đi làm vào ngày thứ 5. Mỗi người có một mong muốn khác nhau. Hiện bộ đang lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương. Phương án đưa ra sẽ trên cơ sở phương án tối ưu. 

Chưa chắc phù hợp với tất cả mọi người nhưng tối ưu, để người dân nghỉ Tết tươi vui", ông Thanh nêu thêm.

Tại sao không quy định ‘cứng’ nghỉ Tết từ 28 tháng chạp?Tại sao không quy định ‘cứng’ nghỉ Tết từ 28 tháng chạp?

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có giải thích về việc tại sao không quy định "cứng" nghỉ Tết từ 28 tháng chạp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên